Giọng sôi nổi, hào sảng trong ký của Trần Hiệp và Nguyễn Văn Đệ

Một phần của tài liệu Ký về xứ Thanh qua một số tác giả tiêu biểu (Trang 77 - 80)

Hai cây bút khá gần nhau trong cùng một chất “giọng”, đó là Trần Hiệp và Nguyễn Văn Đệ. Cả hai đều tạo ra được âm hưởng sôi nổi, hào sảng trong những trang ký của mình. Mặc dù, đối tượng thẩm mỹ mà họ hướng tới không hề giống nhau: Trần Hiệp viết về đề tài công nghiệp. Đối tượng mà ông say mê chính là “Voi- xi măng” Bỉm Sơn, Nguyễn Văn Đệ lại say mê biển cả. Biển Ngư Lộc, Hậu Lộc quê hương là niềm cảm hứng chính của cây bút này.

Tuy mỗi người một nguồn cảm hứng, một dáng vẻ khác nhau trong cách thể hiện, song, nhìn chung người đọc vẫn nhận ra chất giọng sôi nổi, hào sảng, khỏe khoắn và tự tin của người viết.

Người đọc đã từng chứng kiến Trần Hiệp xúc động, hào hứng tái hiện nhà máy xi- măng mang biểu tượng con voi từ những ngày đầu “nhận dạng” rồi từng chặng từ “khởi đầu”, đến “lòng đất”, “tầm cao”, rồi “vào mỏ” và tình “hữu nghị” như thế nào. Có thể nhận ra tác giả đã tái hiện con đường đi từ gian khổ đến vinh quang của nhà máy bằng niềm say mê, khâm phục, xen lẫn tự hào: “Với tôi, mấy năm nay Bỉm Sơn đã trở thành mảnh đất yêu thương. Mỗi lần trở lại tôi muốn được nhìn thấy tất cả mọi vật, đến với tất cả mọi người. Cái ồn ào náo động, bụi bặm ngột ngạt của công trường cũng trở thành nỗi nhớ, niềm mong…”[…,6]. Đến đây ta sẽ hiểu vì sao trước đối tượng này ký của Trần Hiệp phải mang “giọng” ấy và hình như chỉ Trần Hiệp mới diễn tả được sâu sắc và sống động nhất “hồn” của khu công nghiệp này.

Ở đây, cái gì cũng khẩn trương, dứt khoát, mạnh mẽ, chính xác. Có thể nói, nhịp “công nghiệp” đã tạo nên “nhịp” văn hay nói khác đi, muốn diễn tả được “nhịp” công nghiệp thì nhà văn phải bắt kịp được nhịp của thực tiễn cuộc sống ấy. Đây là cảnh giám đốc nhà máy tiếp nhà văn- nhà báo: “…Chúng mình không thể ngồi nói chuyện ở đây được đâu. Cái nghề của bọn tôi là cứ phải tác chiến liên tục, hễ gặp nhau là có việc cần bàn…Chúng tôi lật đật đứng dậy hòa nhanh vào đám người đang làm việc ngay trước nhà trực chỉ huy công trường”. Vẫn một giọng khẩn trương như thế, tác giả dựng lại toàn bộ những năm tháng từ khi chàng kỹ sư mỏ Lê Văn Mãi tình cờ phát hiện thấy mỏ đá cất dấu nguồn xi măng dồi dào, đến những ngày tháng khảo sát vất vả nhưng náo nức niềm tin. Kể về chuyện gì cũng thấy một giọng kể say sưa, sôi nổi đến ồn ào: “ …Cả công trường lúc ấy đã lên đến ba ngàn người. Vấn đề căng thẳng nhất là lấy nước ở đâu cho đủ ăn, đủ uống và đủ tắm giặt? Lúc đầu còn dựa vào nguồn nước suối, nhưng đến mùa khô nước suối cũng cạn. Được nhân dân địa phương chỉ lối, “tổ thám hiểm nguồn nước” đã tìm ra giếng cô tiên ở dưới thung sâu 45 mét so với mặt bằng. Mãi sau này, “tổ thám hiểm” lại tìm ra vệt lộ 8 có mạch nước khá lớn đủ dùng cho hàng vạn người”[…, 24].

Ít dùng những mỹ từ và hầu như không cần tới những phép tu từ, tác giả cứ thuật lại môt cách thật chính xác, tự nhiên những người thật, việc thật nơi đây. Hóa ra, giọng hào sảng, sôi nổi tự nhiên trong ký của Trần Hiệp là do chính thực tiễn mà thành. Không khí hào hứng và quyết tâm của những con người đang làm việc nơi đây đã tạo nên bản tráng ca về đất nước trong quá trình xây dựng đất nước sau chiến tranh: “Chúng tôi đi tiếp, ngửa mặt nhìn lên vách núi độc một mầu rêu phong…; những thân cây khẳng khiu, cong queo trồi lên từ những hốc đá. Phía dưới là vực sâu, người yếu tim không dám nhìn xuống …Chúng tôi càng lên cao, vực càng sâu hơn. Trên cao gió thổi hun hút nhưng lưng áo của những người thợ đá vẫn ướt đẫm. Mỗi nhát búa choảng xuống mặt đá lại tóe lửa. Tôi đứng nhìn các anh, các chị mà lòng cảm phục, mà yêu mến. Mấy anh thợ trẻ chỉ mặc áo may ô, những bắp tay cuồn cuộn vung búa, xong một chập lại gạt mồ hôi và cười với nhau. Những người thợ lái nhìn phía trước không chớp mắt, hai hàm răng nghiến chặt, cằm bạnh ra, những đường gân bên thái dương hằn lên tím đỏ, mặt ướt đầm mồ hôi. Anh Khắc bảo tôi: - Căng thần kinh lắm, quá tay một tí là máy bị lật hoặc tụt xuống vực sâu ba bốn chục mét ngay”[…, 75]

Nếu Trần Hiệp bị hút hồn nơi công trình nhà máy xi măng Bỉm Sơn, thì Nguyễn Văn Đệ bị hấp dẫn bởi chính cuộc sống và con người vùng biển quê hương ông, đất Ngư Lộc, Hậu Lộc. Vẻ đẹp của biển cả và chủ nhân của biển cả được viết bằng ngòi bút vừa lãng mạn trữ tình vừa sôi nổi, phóng túng. Nguyễn Văn Đệ đã tạo nên những trang ký lộng lẫy về vẻ đẹp của thiên nhiên và con người: “Dãy núi xanh thẫm hình con rồng khổng lồ ghếch đầu lên bãi cát cửa sông Trường đang dần nhỏ lại. Làng mạc, rừng phi lao cũng chỉ còn là những chấm nhỏ phía chân trời (…) Con tàu băng ra khơi, những lớp sóng xanh vỗ vào mạn tàu bập bồng từ sau lái, nước biển đùn lên như những cuộn bông xõa ra từ lòng biển. Hoàng hôn làm cho mặt biển từ màu xanh sang mày tím hoa cà. Trên bầu trời lồng lộng không một gợn mây, ngôi sao hôm như một bông hoa lửa đậu trên tấm vải nhung mềm mại và xanh biếc. Trong tiếng sóng vỗ nhẹ, tiếng máy rền đều đều, đã có tiếng cá trích nổi lên nghe lao xao như tiếng gió đến gần” [Mắt biển xanh, 182].

Còn đây là một cuộc chiến với biển khơi: “mười ngón chân ông Thình tòe ra cố dùi vào sạp thuyền gỗ những rễ cây cố chui vào đất. Đột nhiên ông nghe ầm rồi lại một tiếng ầm nữa. Ông phát hiện thấy hai chiếc thuyền chạy sau thuyền ông đã bị sóng cồn tung lên rồi nhận chìm xuống đáy biển. Một đợt sóng bạc đầu vừa dựng đang chồm tới như đàn trăn khổng lồ bất ngờ xuất hiện trên mặt biển. Những con trăn bờm trắng quẫy mình vùng vẫy trước mũi thuyền ông, con thuyền lao đi như một mũi tên bỗng bị dựng ngược lên rồi lại hất xuống[…, 217]. Cảnh đánh bắt cá cũng thật ngoạn mục: “Ông Nhụ tay lăm lăm tù và, mắt dán chặt vào tía cá, bàn chân ông khẽ đẩy tay lái. Mũi tàu lách ngang làn sóng nhỏ tiến lên trước tía cá. Bàn tay của ông Nhụ nãy giờ vẫn chĩa ra phía trước chợt giơ cao lên và chặt mạnh xuống như một thanh kiếm: - Đánh”. Còn đây là kết quả của trận đánh: “Sau một hồi bơi nhảy quyết liệt, những con cá gúng hung hăng tỏ ra bất lực và đã bị khuất phục trước tấm lưới vững như thành. Từng lớp cá đè lên nhau, giương vi giương gai, lù lù chúc mõm vào nách nhau, miệng sùi bọt trắng. Chúng tôi nhìn thấy trứng cá rơi ra từ miệng những con cá cái, những hạt trứng đỏ rực và tròn như những hạt lạc lọt qua mắt lưới trôi trong lòng biển xanh như những ngôi sao”[…, 175 – 176]

Cách dùng động từ mạnh, câu văn ngắn, gấp, những hình ảnh so sánh mỹ lệ đã tạo nên không khí hào sảng trong những chuyến ra khơi của những chủ nhân biển cả. Đó cũng là không khí lao động sôi nổi trong những năm miền Bắc phấn khởi đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Những bài ký về vùng quê Hậu Lộc của Nguyễn Văn Đệ đâu chỉ là những bài ký về quê hương của tác giả. Đó là những bài ký ca ngợi vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam.

Một phần của tài liệu Ký về xứ Thanh qua một số tác giả tiêu biểu (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)