Xứ Thanh có một vùng rừng diện tích rộng tới 436.360 ha tương đương với diện tích một số tỉnh thuộc loại trung bình trong cả nước. Rừng xứ Thanh lại có rất nhiều lâm sản quý, quế xứ Thanh được xem là “đặc sản quý giá vô song”. Minh Hiệu đã dành hẳn một tập bút ký cho cây quế Thường Xuân để tôn vinh giá trị của đặc sản vô giá này. Tác giả trân trọng đặt tên cho tập ký là “Quế ngọc Châu Thường”. “Châu Thường” là châu Thường Xuân, tên gọi cũ của huyện Thường Xuân trong địa giới tỉnh lỵ Thanh Hóa xưa. Thường Xuân còn nổi tiếng với rừng lim, lim xứ Thanh cũng là một tên tuổi nghê gớm, nhưng quế mới được coi là sản vật. Đại Nam nhất thống chí chép: “Tuy đều sản xuất ở phương Nam, nhưng Quế Thanh Hóa tốt nhất, thứ đến Nghệ An…Năm Minh Mệnh thứ 17 khắc hình tượng vào Nghị đỉnh”. Gọi là Quế Thanh Hóa nhưng thứ quế tốt nhất ấy chỉ có ở Thường Xuân, mọc trên đất Thường Xuân và do người Thường Xuân khai thác, chế biến. Vì niềm ao ước “muốn nhìn thấy tận mắt một cây quế Thanh Hóa vào loại quý nhất ngay tại mảnh đất nó sinh trưởng, được gặp chính người đã bóc những phiến quế đáng mơ tưởng đó” mà Minh Hiệu đã cho người đọc thưởng thức giá trị của một loại dược liệu độc
nhất vô nhị này. Mở đầu của bút ký là câu chuyện về một cuộc bán đấu giá một phiến quế xứ Thanh diễn ra vào đầu thế kỷ trước: “…Trong cuộc bán đấu giá ở Phong Ý (Cẩm Thủy) đã có người dám trả 220 đồng bạc trắng. Một Hoa thương có cửa hiệu bách hóa lớn nhất nhì thị xã Thanh Hóa lên chậm, xin nài lại với giá 300 đồng bạc kim loại (mỗi đồng là 27 gam bạc thật). Một phiến quế Thanh loại xoàng bán tại gốc là 2 đồng (tương đương với 80 ki lô gam gạo). Một con trâu đực mộng lúc ấy chỉ bán được trên dưới hai mươi đồng tại phiên chợ tỉnh, chứ trên thượng du chỉ bán được 14 hay 15 đồng(…). Phiến quế khoảng 45 đến 60 gam đã bằng tiền cả trăm tạ gạo hay hơn chục con trâu tốt ư?”(Quế ngọc….tr 9). Đó là lý do khiến tác giả gọi quế Thường Xuân là “quế ngọc”. Và cũng “nhờ” chuyến lặn lội của Minh Hiệu đến với xứ sở của quế bạch Trịnh Vạn, Bù Rinh, Bù Đồn mà người đọc biết được rằng có rất hiều giống quế: Quế xanh, Quế rành, Quế đỏ, Quế xi “vừa làm thuốc vừa là củi”. Giống Quế lợn còn gọi là quế dại, “lá nó hơi cay cay, nhơn nhớt, cốt để lấy gỗ làm nhà”. Quế ngọc Thường Xuân hay Quế Thanh còn được gọi là “Quế ngự”, “Quế tiến” hoặc “Quế Trung kỳ”, một cách gọi khác nữa là “Giao Chỉ ngọc quế”. “Quế ngọc” có chất lượng tốt nhất khi được trồng ở sơn hệ Bù Rinh, “từ Sơn Lư, Sơn Điện, Đường 217, vạt sông Lò (Quan Hóa), Năng Cát, Thường xuân, lấn sang một phần Như Xuân”. “Ngoài chất đất, lớp mùn, độ cao, độ ẩm, chế độ chịu nắng trời, cây quế Thanh tốt còn từ địa hình thích hợp, tiếp cận hai luồng gió đối lưu: Tây xuống và Đông lên. Cũng cây quế giống ở đây, ta bấng sang trồng ở Bá Thước, Thạch Thành, hay ở phía giữa, phía nam Quỳ Châu đã thành chất quế khác” (tr 18). Người đọc còn được mở mang nhiều điều thú vị về loài cây – dược liệu hiếm quý này, như tính nết khó chiều đến “độc khoảnh” của nó: “Cái chất quế vốn thuộc loại nhạy cảm. Nó vừa tỏa ảnh hưởng lại vừa dễ chịu ảnh hưởng của môi trường. Trong vườn có cây quế nhiều loại ra không mọc được. Cây chè mọc ở gần nấu lên uống, tưởng hái nhầm lá quế”(tr68). Cách bóc, ủ quế và bảo quản quế cũng rất tỉ mỉ, kỳ công, chỉ cần sai một li có thể biến một phiến quế quý thành củi. Cũng từ thực tế “mắt thấy tai nghe” về thực trạng của việc trồng quế, thu hái quế của một người đã bị “hút hồn” với danh tiếng quế Thanh, Minh Hiệu cho thấy bao nhiêu vấn đề đặt ra cho các nhà chức trách: việc
khoanh vùng để quản lý những địa bàn trồng quế, cách khai thác đúng cách để giữ chất lượng quế, rồi tại sao không nghĩ đến đề nghị công nhận một cái “mác riêng”, một thương hiệu cho quế xứ Thanh? Tác giả kết thúc bài ký đầy tâm huyết bằng nỗi niềm khắc khoải: “Dù thế nào chăng nữa cũng nên đem tập bản thảo này gõ cửa những đồng chí có trách nhiệm cao mà kêu hộ cho cây quế và người trồng quế Bù Rinh – Trịnh Vạn một tiếng. May ra!”(tr99).
Cạnh đặc sản quế, xứ Thanh còn nổi tiếng về luồng. Song, nếu quế Thanh đã được ghi danh từ xa xưa thì luồng mới nổi lên trong những năm gần đây khi người ta nhận ra tính kinh tế của luồng và đưa nó vào danh sách cây “xóa đói giảm nghèo” cho nhân dân các huyện miền tây Thanh Hóa. Và kể từ khi cây luồng được nhận chân giá trị thì Thanh Hóa được coi là “thủ đô của rừng luồng toàn quốc”. Cây bút Lê Sĩ Oanh với bài ký Màu xanh rừng luồng đã cho độc giả cảm nhận về tiềm năng mạnh mẽ của rừng luồng xứ Thanh. Không kỹ tính như quế, luồng hầu như thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của phần lớn các huyện miền tây Thanh Hóa. “Luồng lên tận Hiền Kiệt, Trung Lý (Quan Hóa), luồng vòng về Như Xuân, luồng ra tận Thạch Thành. Cả một miền rừng Thanh Hóa mênh mông, biển luồng sung sức vươn cao ngọn” (Màu xanh…, tr111). Tác giả còn cho người đọc hiểu “đất nước ta có đến 8 chi và 50 loài trong họ hàng tre luồng” nhưng không đâu “nhiều luồng như Thanh Hóa. Vì đất rừng ta hợp với luồng. Mỗi năm một héc ta có đến hai lăm, ba mươi tấn. Ngay Nhật có khoa học tiên tiến mà một héc ta của họ cũng chỉ được sáu bảy tấn là cùng”(tr 112). Thế mà: “Đất rừng ta giàu thế, người dân bản đói vẫn hoàn đói. Quanh năm dân bản vẫn phải đào củ mài, củ nâu thay gạo”. Từ những trăn trở ấy, những con người yêu rừng, yêu bản đã quyết tâm tìm hướng đi cho luồng, thay đổi cuộc sống cho bà con thôn bản như trưởng phòng nông nghiệp Ngọc Lặc Phạm Văn Minh, như cô kỹ sư trẻ người Mường Thạch Thành Kim Anh. Tuổi trẻ và khoa học kỹ thuật, tình yêu quê hương đã giúp Kim Anh phát hiện được sức sống, tập tính của cây luồng để rồi nhanh chóng nhân rộng loài cây hữu ích này. “Rồi đây màu xanh rừng luồng sẽ trải cả một vùng đồi núi mênh mông Thanh Hóa. Mầu xanh rừng luồng làm
nền, hòa cùng mầu xanh hùng vĩ của những rừng cây già, mầu xanh mơn mởn của những cánh lúa xuân…” (tr 120).
Nhắc đến những cây bút có duyên nợ và gắn bó với rừng xứ Thanh không thể không kể đến Kiều Vượng. Cây bút này đã có ngót chục bài ký về rừng: Người thắp sáng vùng rừng, Vùng rừng rất sáng, Ngổn ngang vùng rừng, Nhớ rừng tôi gọi rừng ơi, Kỷ niệm tết ở rừng, Một đêm ở Tà Cóm, Dai dẳng quá rừng ơi, Về Cẩm Thủy, v.v… Kiều Vượng đã từng có hàng chục năm gắn bó với rừng miền tây xứ Thanh trong quãng thời gian ông đi thanh niên xung phong chuyên mở đường sang nước bạn Lào. Vì vậy, khi chuyển sang nghề viết, một trong những mảng hiện thực Kiều Vượng dành nhiều tâm sức nhất chính là viết về cuộc sống và con người miền Tây xứ Thanh, “nơi ấy tôi đã có hơn ba ngàn ngày đêm sống và làm việc với quãng đời đầu và quá nhiều biến cố”. “Suốt ba chục năm, tôi có may mắn được đến hầu hết các hạt kiểm lâm, lội được khá nhiều những vùng rừng trong tỉnh. Cái thực tế ấy đã đẩy tới nỗi nhớ dai dẳng những cánh rừng…”. Với cây bút này, nếu rừng gọi thì tác giả sẽ sẵn sàng lội hàng trăm cây số, trèo đèo lội dốc, vượt thác sông Mã đến những nơi heo hút nhất của rừng xứ Thanh để tận mắt chứng kiến rừng nguyên sinh, những hàng động kỳ thú, gặp những người đang giữ rừng, nghe họ nói để rồi cho chúng ta biết tiềm năng và sức lôi cuốn của rừng xứ Thanh: “Thanh Hóa hiện nay có ba khu bảo tồn thiên nhiên đó là khu Xuân Liên huyện Thường Xuân, Pù Luông huyện Bá Thước và Pù Hu huyện Quan Hóa”. “Khu bảo tồn Xuân Liên có trữ lượng giàu lớn nhất tỉnh. Còn tới trên hai ngàn héc ta rừng nguyên sinh chủ yếu là gỗ mày lái và pơ mu trên độ cao chín trăm mét” (Những con đường, những cuộc đời, tr 290). Khu bảo tồn Pù Luông “không chỉ quý hiếm về cây và động vật mà quý hơn là đất trời đã ban tặng cho một vùng thiên nhiên với hình khe thế núi và những hang động huyền ảo tuyệt vời …Nơi đây có con sông ngầm phun tạo thành nhiều thác nhỏ trong hang động. Bao nhiêu suối khe được tạo ra từ cung điện ngầm trong lòng núi Pù Luông”. Đến đây, nhà văn ao ước: “Giá như Thanh Hóa có một tua du lịch từ bản Lác, Mai Châu tỉnh Hòa Bình qua hang Ma Pù Hu về với hang động này để con người được bình tâm chiêm ngưỡng một vùng thiên nhiên huyền bí và quá đỗi thanh bình”
(Những con đường, những cuộc đời, tr 294). Theo bước chân của Kiều Vượng ngưòi đọc được thưởng thức vẻ đẹp còn nguyên sơ của vùng rừng núi xứ Thanh với “những con thác đổ dốc, những dòng suối trong vắt đếm được từng viên sỏi, giữa cánh rừng nguyên sinh đang trút lá để thay áo vào xuân là những con đường đất đỏ một bên là suối sâu, một bên là núi cao chất ngất”, trong những khu rừng ấy “có những tiếng hoẵng sủa trăng dội lạnh lòng thung, những tiếng chim phượng gọi chim hoàng”. Những đêm trăng sáng cả khu rừng “ánh lên như dát bạc‟‟. Vẻ đẹp như trong cổ tích này còn đang ngủ quên chưa đánh thức. Không ít lần Kiều Vượng thể hiện sự tiếc nuối: “Đây quả là nơi thật đẹp để khách thập phương về đây du lịch thăm thú, khám phá bao cảnh đẹp của đất trời heo hút mới ngang tầm xứ Thanh” (tr ...).
Vì vậy càng yêu rừng, tự hào về rừng bao nhiêu, các cây bút càng đau đáu nỗi niềm về rừng đang bị tàn phá, bị xâm hại. “Ai đến đây nghe những chuyện giữ rừng đều thấy lòng mình ngổn ngang như bãi gỗ mới thu về (…) Lòng tôi cũng ngổn ngang nghĩ chuyện mất rừng” ( tr, 254). Chỉ riêng “năm 2002 ngành kiểm lâm xứ Thanh đã xử lý 3673 vụ vi phạm, đề nghị khởi tố 18 vụ hình sự ”. Với sức tàn phá ấy thì “Của rừng có khá cái lá không còn”. Và chỉ cần biết rừng nơi này nơi kia đang hồi sinh nhờ bàn tay con người là lập tức cây bút ấy có mặt ngay. Có mặt để ghi nhận, để biểu dương, để kêu gọi và để có niềm tin: “…mỗi con nguwowig phải thật sự có ý thức giữ gìn màu xanh của rừng như giữ gìn chính sự sống của mình. Rừng Thanh Hóa đã xanh, đang xnh và mãi mãi sẽ xanh vì chúng ta tin Thanh Hóa có một đội ngũ những người giữ rừng luôn mang tình yêu thiết tha và dai dẳng với từng mầm sống của cây” (Những con đường, những cuộc đời, tr 276) .
Có thể nói qua các bài ký về rừng xứ Thanh, người ta thấy hiện ra kho “vàng nổi” của một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi. Thành ngữ “rừng vàng biển bạc” hơn ở đâu hết ứng với vùng đất xứ Thanh nắng gió mặn mòi.