Lê Đình Cánh người con của vùng đất Thọ Xuân Thanh Hóa. Ông từng nổi tiếng với những vần lục bát ngọt ngào thấm đẫm chất dân gian. Và hình như phẩm
chất trữ tình ngọt ngào ấy thấm vào cả những trang ký của ông. Đọc bút kí Lê Đình Cánh, người đọc ít thấy những xung đột kịch tính mà sẽ được thưởng thức một lối văn giàu xúc cảm, tâm trạng. Chất thơ, chất trữ tình toát lên từ đối tượng phản ánh đến hình tượng, kết cấu, giọng văn, lời văn … Tất cả hòa điệu tạo nên những trang ký duyên dáng, giàu cảm xúc như những bài thơ bằng văn xuôi.
Đối tượng cảm xúc trong ký của Lê Đình Cánh phần lớn là cái đẹp, có cái đẹp quá vãng, chỉ còn trong kỷ niệm, có cái đẹp hiện hữu. Điều đáng kể là, cái đẹp mà ông say mê thiên về vẻ đẹp đồng quê, vẻ đẹp bình dị, vẻ đẹp bên trong, vẻ đẹp văn hóa. Ông làm người đọc bất ngờ bởi sự nhạy cảm của các giác quan với một khả năng diễn đạt tinh tế những cảm giác, cảm xúc. Hãy nghe Lê Đình Cánh ga Hàm Rồng một thuở: “Kháng Pháp thành công. Từ Hà Nội, đường sắt hối hả về phương nam. Chờ bắc lại cầu Hàm Rồng, đường sắt dừng chân nơi bắc cầu sông Mã, ga Hàm Rồng ra đời (…) Chính giữa hàng hiên, cao quá đầu người, treo bảng gỗ sơn xanh màu lá cây nổi bật hàng chữ màu nâu tươi nghiêng nghiêng rồng bay phượng múa Ga Hàm Rồng kính chào quý khách. Nét chữ tự nhiên tự tin căng ròn nhựa sống như thân tre nứa vừa từ giã bẹ măng. Dạng phóng bút. Người viết thả chữ không vội vã cũng không ngần ngừ lưỡng lự. Phút xuất thần tài hoa hiếm có như thể hồn người hóa thành dòng sơn nâu chảy long lanh trên mặt gỗ tươi xanh”[…, tr 212]. Không chỉ bị “hớp hồn” bởi dòng chữ trên tấm bảng gỗ treo trước nhà ga, tác giả còn mê man trong vẻ đẹp bình dị mà trong trẻo, tự nhiên, thấm đẫm tình người một thủa: “Sân ga thuở ấy vẫn là nền cát tự nhiên, không vương rác rưởi cuộc đời. Sạch bong như cát sông Mã sau mưa. Mặt sân phẳng lỳ mịn mát bàn chân. Bao quanh sân ga, hành hoa dong ngang tầm thắt lưng thay thế bờ rào. Hai loại dong trồng đan cài. Loại lá tía hoa đỏ, chấm vàng. Loại lá xanh, hoa vàng chấm đỏ. Một lần ở cố đô Mêlăcca, Malayxia, tôi bùi ngùi gặp lại cây cũ hoa xa. Bùi ngùi nhớ về ga Hàm Rồng…”[…, tr 212]. Đúng là một bức tranh nên thơ về vẻ đẹp giản dị, bình yên của cuộc sống. Trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, lác liệt, hơn bao giờ hết mỗi người Việt Nam đều thấm thía, nâng niu gía trị của hòa bình.
Trong ký của Lê Đình Cánh có rất nhiều bức tranh yên bình, xinh đẹp như thế. Tác giả đã đến không ít những vùng quê, có nơi là vùng là danh thắng, nơi là di tích lịch sử, nhưng cũng có những vùng chỉ mới thoát nghèo hoặc đang nỗ lực thoát nghèo. Song ở đâu tác giả cũng tự hào nhận thấy thiên nhiên đất nước mình thật đẹp, con người Việt Nam cần cù và thân thiện. Và như lẽ đương nhiên, tác giả dành cho mảnh đất xứ Thanh – quê mẹ tình cảm nồng hậu, thân thương nhất: Những sân ga xanh, Cửa Đặt vào xuân, Người về Thường Xuân, Đền Độc Cước, Đồng tiền chớp bể mưa nguồn, Kỷ niệm xa vời v.v…Mỗi bài ký của Lê Đình Cánh thường gắn với một địa chỉ, cũng là một vùng văn hóa, một vùng thơ.
Xúc cảm trữ tình trước cái Đẹp lại được tác giả diễn tả bằng một thứ ngôn ngữ giàu hình tượng và cảm xúc. Tác giả sử dụng rất nhiều các phép tu từ so sánh, hoán dụ, liên tưởng với lối diễn đạt giàu sắc thái tăng cường nhằm nhấn mạnh, lôi cuốn. Văn của Lê Đình Cánh hiếm thấy câu trúc trắc mà cứ êm êm dịu dàng trôi xuôi như dòng nước sông Mã ở đoạn hạ nguồn. Hình ảnh nên thơ tạo nên chất văn ngọt mát. Đọc bút ký Lê Đình Cánh người đọc như được ru trong miền cổ tích hay được uống một thứ nước ngọt mát cất từ giếng tiên nơi chân núi Hàm Rồng: “…ông biết nhiều về cây cỏ xứ Thanh. Nhiều loại cỏ có những nét riêng thú vị. Cỏ trứng ếch bình thường mọc ở bờ ruộng, gò đồi. Đôi khi bắt gặp ở miếu cổ, thành xa. Cỏ đuôi diều phất phơ hai vệ đường liên xã. Cỏ gà đi vào kỷ niệm tuổi thơ. Cỏ may xao xác triền đê. Suốt ngày dầm trong nắng cháy, chiều xuống cỏ mật lặng lẽ tỏa hương…mỗi ngày nhà ga xứ Thanh như một vườn xanh, là địa chỉ xanh để người xa quê nhớ cội nguồn tìm về”[…, 49]. Câu văn trùng điệp tạo dư vang: “Cây xanh thế tẩn vân đêm rì rầm sóng biển Sầm Sơn. Đôi vạn tuế thanh cao như dáng người cao tuổi từ giã cuộc đời lưu động, đôi ngâu tròn về đây định cư. Cây ngũ gia bình như người ngái ngủ, nửa thương xóm núi nửa sầu phố quê… Cây đa chín tầng như thể bay lên. cây si chín tán như vừa giáng thế…”(Những sân ga xanh). Các phép so sánh, nhân hóa cùng với việc sử dụng tính từ, thán từ đã thổi hồn cho sự vật, đồng thời tạo nên một thứ ngôn ngữ giàu cảm xúc trữ tình.
Vốn văn hóa cũng tạo cho văn bút ký Lê Đình Cánh vẻ lịch lãm. Có cảm giác viết về chuyện gì, đối tượng nào ông thường tìm hiểu rất kỹ, vì vậy, ông thường cảm nhận và mô tả về điều cần viết rất kỹ càng. Nhiều khi, ông là người đọc ngỡ ngàng bởi vốn hiểu biết sâu sắc ấy: “…Rau má xứ Thanh có nhiều loại. rau má bờ, rau má đồi mọc quanh năm. rau má ruộng mọc theo thời vụ trên những cánh đồng màu. Sau vụ gặt, những chân ruộng trơ gốc rạ tranh thủ xả hơi. Chớp lấy thời cơ, rau má ruộng lập tức nảy mầm. Những chấm xanh hóa thành những đóa hoa xanh trên nền đất màu nâu nhạt. Hối hả bò lan. Vội vã trổ hoa trước ngày làng quê xuống đồng cày ải (…). Rau má bờ có hai loại. rau má trắn cuống dài, lá to và mỏng, rễ ngắn, gầy và dai như rễ cỏ. Loại này đoảng vị. Rau má tía quý hơn, lá dày, cuống ngắn, thơm hăng. Đặc biệt là bộ rễ dài, mập, giòn, chứa đầy chất dinh dưỡng như thể nhân sâm. Người Thanh Hóa lưu lạc đất khách quê người bỗng sững sờ khi gặp rau má nơi lầu son gác tía. Khách sạn Hoàng gia ở cố đô Malayxia, Myanma, có món nộm rau má tính bằng đô la. Dạ tiệc bên Hồ Động Đình, Trung Quốc, món rau má chua ngọt thoảng vị thuốc bắc ngang tầm thực đơn quốc tế…” […, 47]. Chính điều này đã tạo nên chất trữ tình nhẹ nhàng trong các bài ký của ông.
Nhà văn Phađen rất tâm đắc với điều này: “Văn xuôi cần phải có cánh, đôi cánh ấy chính là thơ”. Lê Đình Cánh có lẽ cũng đồng cảm với ý tưởng trên. Vì vậy, ông đã tạo ra cho mình một lối viết, thiên về trữ tình. Chất trữ tình ngọt ngào, êm ái bắt nguồn từ tình yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống, từ sự nặng lòng với mảnh đất xứ Thanh quê hương.