8. Khung lý thuyết
1.2.3 Thuyết học tập xã hội
Dựa trên những quan điểm chung về bắt chước, Albert Bandura (1925 - ) và cộng sự đã đưa ra thuyết học tập xã hội (được các nhà tâm lý học coi là thuyết học tập xã hội hiện đại). Bandura đã đưa ra một nguyên tắc học mới, học qua quan sát - học một cách gián tiếp - và phân biệt quan điểm về bắt chước này với một số quan điểm phổ biến khác, bao gồm những quan điểm của Skinner (1953, 1957), Mowrer (1960) và Miller và Dollard (1941).
Bandura cho rằng, dù nhiều ứng xử, đôi khi tương đối phức tạp có thể được giải thích bằng các nguyên lý của điều kiện hoá có hiệu lực và kỹ thuật tạo nên chúng nhưng vẫn có nhiều ứng xử xã hội chủ yếu mà nền tảng là sự quan sát những hành động của những người gần gũi quanh ta để làm mẫu. Đó là sự bắt chước không hơn không kém hay tập nhiễm theo hậu quả.
Tập nhiễm theo hậu quả là ứng xử được quan sát do cá nhân tổng hợp có xét đến hậu quả của nó lên mẫu. Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm của Bandura và cộng sự cho thấy nhiều yếu tố tạo nên sự thiết lập một tập nhiễm như vậy. Người ta có xu hướng bắt chước người nổi tiếng hoặc người họ kính phục. Tuy vậy, sự thống hợp các ứng xử giống người mẫu dễ dàng nếu người mẫu càng “dễ đến gần” cả mặt thiết lập quan hệ cũng như trình độ xây dựng ứng xử. Hơn nữa, một người mẫu dù có hành động hung hãn, khi được khen thưởng vẫn có cơ may được bắt chước hơn là khi bị trừng phạt. Người ta còn biết là các người mẫu
trong đời sống có nhiều cơ may được bắt chước hơn là người mẫu chiếu trong phim hay được trình bày trong sách, truyện tranh. Bandura cũng nhấn mạnh vai trò của các “nhân vật” trên ti vi làm phát triển hung tính ở giới trẻ.
Cá nhân quan sát và đánh giá các hậu quả ứng xử gây ra cho người mẫu, điều này ảnh hưởng đến một số quá trình nhận thức làm cho có thể đặt kiểu tập nhiễm này vào loại tiếp theo. Tuy vậy, nó vẫn hạn chế trong các tình huống đặc trưng, mà thường chỉ được chuyển một cách khó khăn vào các tình huống của đời sống thường ngày.
Bandura coi lý thuyết bắt chước của mình là thuyết về sự kế tiếp nhau của các kích thích trung gian. Theo hướng tiếp cận này, “trong giai đoạn bày tỏ, kích thích mẫu gợi ra trong các chủ thể quan sát hình thức và kết quả của những trải nghiệm cảm giác mà trên cơ sở những liên tưởng trước đây, chúng trở nên hoà nhập và kết hợp thành những đáp ứng thuộc về giác quan”. Do đó, qua những kích thích kế tiếp nhau, một kích thích mẫu đứng ở trước thực chất có thể gợi ra sự thể hiện mang hình ảnh hoặc biểu tượng của những sự kiện có kích thích liên quan ngay cả khi chúng không bao giờ được thể hiện nữa (Bandura, 1966). Bandura đề xuất rằng một đáp ứng của mẫu đối với những chỉ dẫn trong môi trường của những kích thích sẽ dẫn đến những đáp ứng tưởng tượng “bên trong” ở người quan sát, những đáp ứng này có thể được khôi phục khi người quan sát bị đặt vào trường hành vi. Vì vậy, nếu không có đáp ứng hay được thưởng thì người quan sát kết hợp những mối liên lạc chỉ dẫn trong các đáp ứng của mẫu và trường hành vi rồi theo cách ấy có thể bắt chước phản ứng của mẫu.
Khả năng dán nhãn bằng lời cho hành vi của mẫu ở người quan sát tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình biểu tượng hoá này. Những đáp ứng mang tính tượng trưng nảy sinh bên trong người quan sát, dù chúng là những liên tưởng bằng lời hay những đáp ứng tưởng tượng cũng tạo nên những chỉ dẫn nội tâm dàn xếp các đáp ứng phù hợp của người quan sát trong trường hành vi. Do vậy, những chỉ dẫn mang tính tượng trưng bên trong trở thành các kích thích phân biệt cho những mô hình hành vi tương ứng bên ngoài.
Lý thuyết của Bandura cũng nghiên cứu các tác động hành vi trong việc thể hiện của người quan sát đối với những kích thích mẫu. Ông cũng đưa ra quan niệm của mình về sự liên quan gián tiếp của điều kiện hoá cổ điển vào quá trình làm mẫu. Như vậy, trẻ VTN học tập qua:
Học qua bắt chước:
Trẻ dễ bắt chước những người có ảnh hưởng lớn đối với trẻ, những ai đáp ứng được nhu cầu yêu thương mà trẻ cần đến, những ai gần gũi và yêu thương trẻ. Những người quan trọng đầu tiên đối với trẻ, đó chính là cha mẹ. Những người quan trọng đầu tiên đó, dần dần trở thành hình mẫu của trẻ, thành niềm tin rất mãnh liệt nơi tâm hồn của trẻ.
Xây dựng hình mẫu:
Trẻ cần được xây dựng hình mẫu, đặc biệt nhất là nơi cha mẹ, để xây dựng được hình mẫu nơi con cái, trẻ phải được yêu thương thật sự, trẻ cảm nhận được khung mẫu để tham chiếu cho mình. Nếu hình mẫu trong gia đình không đủ mạnh, lờ mờ, cha mẹ thường xuyên gây mâu thuẫn với nhau, trẻ sẽ bị mông lung không biết theo ai, không biết chọn bên nào. Khi trẻ bước ra môi trường bên ngoài, cái nào mạnh hơn trẻ sẽ theo cái đó. Nếu cha mẹ tạo ra hình mẫu không đủ vững cho con cái, nó sẽ tìm hình mẫu ở người khác, nơi môi trường chung quanh mà trẻ đang sống.
Động viên:
Muốn hành vi của trẻ được tồn tại, cần phải luyện tập cho trẻ, động viên và nhấn mạnh những hành vi đó. Trẻ cần được nhìn nhận hành vi của mình. Nên biết khen và thưởng cho trẻ khi trẻ có những hành vi tốt. Nhưng cũng hết sức tế nhị, khéo léo nếu không trẻ dễ bị ảnh hưởng tiêu cực về khen thưởng. Vì khen thưởng quá đáng, trẻ sẽ bị lệ thuộc vào lời khen, vào phần thưởng khi thực hiện hành vi. Như thế, sẽ làm thay đổi quá trình phát triển của trẻ về sự nhận thức trong việc thực hiện các hành vi đó.
Việc áp dụng lý thuyết xã hội học tập trong nghiên cứu đề tài này giúp ta hiểu và đánh giá được việc trẻ VTN học KNGT và làm chủ cảm xúc qua nhiều kênh
khác nhau, đặc biệt ở lứa tuổi này trẻ thích được bắt chước để làm người lớn nên gia đình phải có những hình thức và phương pháp giáo dục cho phù hợp như việc tạo ra môi trường sống, hình mẫu tốt và động viên trẻ VTN trong quá trình gia đình giáo dục trẻ.