8. Khung lý thuyết
2.2 Vai trò của gia đình trong việc giáo dục kỹ năng giao tiếp và làm chủ
Gia đình là nơi con người sinh ra và lớn lên, là môi trường đầu tiên và cũng là tiểu môi trường trọn đời của mỗi con người. Trước đây, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Gia đình không những là môi trường đầu tiên mà còn là môi trường quan trọng trong việc giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách và các KNS cho mỗi con người, đặc biệt việc GD KN giao tiếp và làm chủ cảm xúc trong quá trình giao tiếp. Nói cách khác, gia đình là trường học đầu tiên trước khi con người đến với trường đời. Gia đình ở thời nào cũng có chức năng tái sản xuất con người, nuôi dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ trở thành những thành viên hữu ích cho cộng đồng. Chức năng giáo dục của gia đình cũng được gọi là việc xã hội hóa cá nhân, đó là quá trình dạy dỗ đứa trẻ từ con người sinh học thành con người xã hội.
Từ ấu thơ đến khi trưởng thành, cha mẹ và gia đình đã nuôi nấng, dạy bảo để tạo ra một con người có thể chất khỏe mạnh, có tư cách đạo đức phù hợp với xã hội, có đủ tài năng để đảm đương công việc ngoài xã hội cũng như trong gia đình. Trong những tiêu chuẩn nêu trên thì gia đình có vai trò quyết định trong việc tạo lập cho trẻ một nhân cách và một thể lực khỏe mạnh và những kỹ năng cần thiết để trẻ thích ứng với cuộc sống. Giáo dục gia đình tạo ra những cơ sở mang tính chất nền tảng đạo đức, tư tưởng, trí tuệ, tính cách cho đứa trẻ. Trên những nền tảng đó con người còn tiếp thu sự tác động của các yếu tố khác thông qua nhà trường và xã hội bởi giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội vốn đòi hỏi đồng bộ cho việc hình thành nhân cách cho trẻ VTN.