8. Khung lý thuyết
1.2.2 Thuyết vai trò
Trong thực tế xã hội, mỗi người có một vị trí và vai trò xã hội nhất định. Vai trò chính là những khuôn mẫu ứng xử khác nhau do xã hội áp đặt cho mỗi chức vị của con người trong xã hội đó. Thí dụ bố phải thương con, mẹ phải hiền, chồng phải biết chăm sóc vợ, vợ phải đảm đang, con cái phải nghe lời bố mẹ, trò
phải chăm chỉ, thầy phải nghiêm túc… Có hai loại vai trò khác nhau: vai trò hiện và vai trò ẩn. Vai trò hiện là vai trò bên ngoài mọi người đều có thể thấy được. Vai trò ẩn là vai trò không biểu lộ ra bên ngoài mà có khi chính người đóng vai trò đó cũng không biết, thí dụ trong những gia đình không hạnh phúc, bố mẹ thường bất hoà nhiều khi đứa con nhỏ được huấn luyện để đóng vai người trung gian hoà giải mà chính nó và cha mẹ không biết. Vì một người có thể có nhiều vai trò khác nhau, những khuôn mẫu ứng xử do xã hội áp đặt có thể mâu thuẫn với nhau, tạo ra khó khăn. Thí dụ anh em phải đoàn kết thương yêu lẫn nhau, những người dân phải giúp xã hội ngăn chặn và trừng phạt tội ác. Theo quan điểm của Ralph Linton vai trò là kiểu hành vi hướng tới sự mong đợi của những người khác xung quanh, vị thế là vị trí trong cấu trúc xã hội với những quyền lợi và nghĩa vụ tương ứng. Trong khi Linton cho rằng mỗi vị thế có một vai trò tương ứng thì Merton quan niệm rằng một vị thế có nhiều vai trò mà ông gọi là hệ vai trò.
Merton đưa ra khái niệm “hệ vai trò” để chỉ một cấu trúc gồm các vai trò và các quan hệ của chúng mà cá nhân thực hiện khi nắm giữ một vị thế xã hội nhất định. Ông đặc biệt quan tâm tới hệ vai trò bởi vì khái niệm này liên quan trực tiếp tới chức năng. Vai trò chính là chức năng mà hành vi cá nhân hay thiết chế xã hội đảm bảo thực hiện. Hệ vai trò thực chất là hệ thống các chức năng và phản chức năng, chức năng trội và chức năng lặn có liên quan chặt chẽ với nhau. Quan niệm của Merton về hệ vai trò đặt ra nhiều vấn đề nghiên cứu quan trọng trong xã hội học [6].
Khi xem xét quá trình xã hội hóa của trẻ cho ta thấy để trở thành con người có nhân cách, độc lập trong xã hội, trẻ phải được phát triển về cả ba phương tiện: thể chất, trí tuệ và tình cảm. Gia đình là tổ chức xã hội đầu tiên có khả năng nhất trong việc chăm lo sự phát triển của ba phương diện trên. Gia đình tác động đến đứa trẻ từ trong bào thai cho đến khi đứa trẻ ra đời và tác động trong suốt quá trình sinh trưởng cho đến khi trẻ thành người lớn và tự chủ hoàn toàn. Gia đình cho trẻ điều kiện để phát triển thể chất. Nuôi dưỡng trẻ là chức năng của gia đình,
khó có tổ chức nào sánh nổi, gia đình giúp trẻ hình thành các hoạt động và các mối quan hệ hay những mối quan hệ ngang được thiết lập giữa anh, chị , em trong gia đình là những quan hệ tương đối bình đẳng. Những mối quan hệ nay gần giống như những quan hệ khi đứa trẻ đã trở thành những người lớn trong xã hội. Như vậy, gia đình có vai trò rất quan trọng, giúp trẻ tập luyện các hoạt động của bản thân để thu thập những kinh nghiệm cho cuộc sống và để hình thành nhân cách riêng. Thế mạnh của gia đình đối với trẻ là tình cảm. Dù con có sai phạm thế nào đi nữa thì bố mẹ vẫn thương, sau khi trách mắng, thậm chí đánh con nhưng rồi lại chia sẻ với con mọi khó khăn, cực nhọc, lại bù đắp cho con.