8. Khung lý thuyết
1.3.7 Giáo dục gia đình
Theo từ điển giáo dục cộng sản chủ nghĩa “Giáo dục gia đình là sự tác động có hệ thống, có mục đích của những người lớn trong gia đình và toàn bộ nếp sống của gia đình đến đứa trẻ” [19, tr 231].
Để xem xét giáo dục gia đình với tư cách là hoạt động chức năng của một tổ chức, một thiết chế giáo dục ta đi tìm hiểu các thành tố bộ phận của nó. Có thể nói giáo dục gia đình có mục đích: Đó là hình ảnh về tương lai của một đứa con cụ thể với sức khỏe, giới tính, cá tính, đạo đức, …nhất định.
Mục đích của giáo dục gia đình bị quy định bởi chế độ kinh tế xã hội, mà cơ sở của nó là hệ tư tưởng, những chuẩn mực đạo đức, hệ thống mối quan hệ qua lại trong gia đình”. Nhìn chung mục đích của giáo dục gia đình và xã hội thống nhất với nhau. Đó là những người lao động giỏi, những người con hiếu thảo, những công dân tốt, những con người hạnh phúc. Song khác với mục đích giáo dục của nhà trường, mục đích giáo dục của gia đình phân tán và cụ thể hơn, do nó hướng vào từng đứa trẻ cụ thể và gắn với lợi ích của từng gia đình riêng biệt. Đồng thời mục đích giáo dục gia đình linh hoạt hơn, nó thay đổi theo sự biến đổi và phát triển của đứa trẻ, theo sự vận động và phát triển của xã hội xung quanh, phụ thuộc vào chính cuộc sống của gia đình và những định hướng giá trị của nó. Đặc biệt sau những thay đổi cơ bản trong xã hội vừa qua chuyển từ kinh
tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa, theo cơ chế thị trường, các hộ gia đình có nghề riêng, các nông hộ trở thành những đơn vị kinh tế tự chủ, mục tiêu giáo dục gia đình cũng càng phân hóa và linh hoạt hơn. Mục tiêu đào tạo cho mỗi đứa trẻ trong một gia đình là không giống nhau và nó càng khác nhau giữa mục tiêu đào tạo con cái của gia đình này với gia đình khác, vùng này với vùng khác tùy theo khả năng của đứa trẻ và tình trạng kinh tế gia đình, địa phương.
Giáo dục gia đình với mỗi đứa trẻ là một quá trình kéo dài từ những năm tuổi thơ cho đến khi trưởng thành. Có thể nói gia đình có ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của con người trong suốt cuộc đời.
Giáo dục gia đình không có chương trình nhất định được soạn thảo một cách khoa học, kỹ lưỡng như giáo dục nhà trường, mà nó có tính chất đáp ứng giải quyết các tình huống xảy ra trong cuộc sống và tùy theo mức độ được giáo dục của trẻ.
Nội dung giáo dục của gia đình hết sức phong phú, gia đình không chỉ chú ý đến giáo dục đạo đức, trí tuệ lao động mà còn góp phần giáo dục tư tưởng chính trị, thể chất, thẩm mỹ và giáo dục đời sống gia đình cho trẻ em. Mặt khác, những kiến thức, những kỹ năng do gia đình cung cấp không phải là những mớ lý thuyết trừu tượng mà nó luôn gắn với thực tiễn cuộc sống, cung cấp cho trẻ những kinh nghiệm sống hàng ngày.
Tuy nhiên, tính chất đúng đắn của những nội dung này phụ thuộc vào trình độ của cha mẹ và những người lớn trong gia đình, vào đặc điểm văn hóa của gia đình, vào khả năng sư phạm của cha mẹ và các thành viên trong đó.
Tình yêu với con cái và cuộc sống chung trong gia đình diễn ra hàng ngày đã làm cho các bậc cha mẹ hiểu rõ con cái mình hơn bất kỳ một nhà giáo dục nào và họ biết dựa vào những đặc điểm riêng của con để có cách dạy khác nhau.
Những lời khen, câu chê, những phần thưởng, những hình phạt đều có mặt ở mọi gia đình. Trong sinh hoạt hàng ngày, những hoạt động chung …làm cho tác động của gia đình đến trẻ thường xuyên và sâu sắc. Tấm gương của cha mẹ khi làm việc, lúc nghỉ ngơi, trong lời nói và hành vi …đều ảnh hưởng mạnh mẽ
đến trẻ. Ngay cách dạy con cái của các bậc cha mẹ cũng phản ánh một phần cách họ được cha mẹ dạy dỗ trước đây, bằng chính sự trải nghiệm của bản thân được đúc rút lại. Nhìn chung, phương pháp giáo dục của gia đình vô cùng phong phú, gắn liền sinh hoạt hàng ngày với việc giải quyết các “tình huống” và mang tính chất kinh nghiệm. Có thể nói phương pháp giáo dục là yếu tố phức tạp nhất và nhiều khó khăn hơn cả trong giáo dục gia đình.
Các bậc cha mẹ với những mục đích tốt đẹp cho con, với những nội dung giáo dục lành mạnh vẫn có thể gặp phải những xung đột gay gắt với con cái, gây ra những hậu quả xấu không lường được do tính phức tạp của phương pháp giáo dục gia đình. Giáo dục gia đình diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong mọi việc ở gia đình nên nhân cách của cha mẹ, mối quan hệ tin yêu, thân mật giữa người lớn và trẻ em có ý nghĩa quyết định tới mức độ tiếp thu những tác động giáo dục của họ.
Chủ thể của giáo dục gia đình là cha mẹ và những người thân trong gia đình của đứa trẻ. Đối tượng giáo dục gia đình là đứa con. Mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể là mối quan hệ ruột thịt, thân tình và yêu thương nhau. Đây là nét đặc thù nổi bật của giáo dục gia đình và tạo ra gia đình một ưu thế đặc biệt so với các thể chế giáo dục xã hội khác trong quá trình giáo dục trẻ em.
Giáo dục con cái vừa là nhu cầu tình cảm của cha mẹ, vừa là trách nhiệm với xã hội và với chính hạnh phúc của bản thân gia đình. Vì vậy, cha mẹ tham gia giáo dục vào giáo dục một cách thành tâm, nhiệt tình và vô tư. Nhưng so với nhà trường thì họ lại bị thiếu hụt về trình độ được đào tạo sư phạm.
Một ưu thế khác của GD gia đình là sự đa dạng của các chủ thể giáo dục: Bố, mẹ, ông, bà, anh, chị. Sự khác nhau về tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, địa vị xã hội, tính cách…là điều kiện rất tốt để phát triển trí tuệ và tình cảm, giúp trẻ có những quan sát và nhận thức về xã hội, tập cho trẻ làm quen với xã hội bên ngoài.
Tương lai tốt đẹp của con em là động cơ thôi thúc cha mẹ quan tâm dạy dỗ con. Trong gia đình kết quả GD có liên quan chặt chẽ với sự bình yên và hạnh phúc của cha mẹ. A. X Macarenco viết con cái là tuổi già của mỗi người, GD tốt
tức là tuổi già sung sướng, giáo dục tồi tức tuổi già phiền muộn, là những dòng nước mắt sau này, là tội lỗi với người khác và với đất nước. Hơn nữa gia đình là nơi thường xuyên chứng kiến và hưởng thụ kết quả của con cái. Do vậy cha mẹ biết rõ hơn mọi người những thiếu sót trong mức độ được GD của đứa trẻ mà thường những người xung quanh không chú ý. Từ đó cha mẹ có thể định hướng và điều chình lại kịp thời cho sự phát triển của trẻ bằng sự đổi mới trong chính GD gia đình hoặc với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan GD xã hội khác.