Khái niệm đấu tranh và đấu tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay (Trang 46 - 51)

1.1.2.1. Khái niệm đấu tranh

Đấu tranh là một hiện tượng phổ biến trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Do sự phức tạp về tính chất, mức độ, lĩnh vực và hình thức của đấu tranh, nên trong thực tế có nhiều quan niệm khác nhau về đấu tranh.

Khái niệm “đấu tranh” theo cách hiểu thông thường là sự tác động của

những sự vật, hiện tượng, quá trình…, vận động, biến đổi theo những xu hướng trái ngược nhau. Thậm chí, đấu tranh là việc “dùng sức mạnh vật chất hay tinh thần để chống lại, diệt trừ” [115, tr. 302]. Theo đó, kết quả của đấu tranh thường dẫn đến sự “bài trừ, thủ tiêu, hủy diệt” lẫn nhau. Quan niệm trên đây phần nào đã phản ánh được bản chất, nội dung của khái niệm đấu tranh, nhưng không thể tránh khỏi tính chất siêu hình. Trong đời sống xã hội, đấu tranh phản ánh sự tác động qua lại giữa con người với con người, vì lợi ích của con người. Hơn nữa, đấu tranh không chỉ diễn ra giữa các sự vật, hiện tượng, mà còn diễn ra giữa các mặt, các thuộc tính, trong cùng một sự vật, hiện tượng, một con người, một giai cấp,… Kết quả của đấu tranh không phải ở đâu và bao giờ cũng dẫn đến sự thủ tiêu, lẫn nhau. Như thế, khái niệm đấu tranh cần được quan tâm nghiên cứu bổ sung, phát triển.

Khái niệm “đấu tranh của các mặt đối lập”: “đấu tranh của các mặt đối lập” được xác lập trong mối quan hệ biện chứng với khái niệm “thống nhất của các mặt

mặt đối lập. Mặt đối lập không đơn thuần là những mặt, những đặc điểm, những thuộc tính, những quy định có khuynh hướng biến đổi trái ngược nhau,

mà còn là “những khuynh hướng mâu thuẫn; bài trừ lẫn nhau, đối lập” [61, tr.

379]; giữa các mặt đối lập có mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất với nhau, tác động qua lại và làm tiền đề tồn tại của nhau. Xuất phát từ bản chất “đối lập” nên các mặt đối lập luôn có xu hướng vận động trái ngược nhau. Ngay trong sự thống nhất của các mặt đối lập cũng hàm chứa những yếu tố dẫn tới đấu tranh của các mặt đối lập ấy. Nói cách khác, thống nhất của các mặt đối lập là tương đối, là “đấu tranh” trong trạng thái cân bằng của các mặt đối lập. Trong trường hợp này, đấu tranh là tuyệt đối, là động lực của sự phát triển. Nói cách khác, phát triển là “sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập (sự phân đôi cái thống nhất thành những mặt đối lập bài trừ lẫn nhau và mối quan hệ lẫn nhau giữa các mặt đối lập ấy)” [61, tr. 379]. Theo đó, đấu tranh của các mặt đối lập là sự “tác động qua lại theo xu hướng bài trừ, phủ định lẫn nhau” [46, tr. 323].

Quan điểm duy vật biện chứng đã khẳng định tính chất khách quan, phổ biến của đấu tranh giữa các mặt đối lập trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Tuy nhiên, về mặt lôgic hình thức, khái niệm “đấu tranh” có ngoại diên rộng hơn ngoại diên của khái niệm “đấu tranh của các mặt đối lập”.

Vì vậy, rất cần phân biệt khái niệm “đấu tranh” với khái niệm “đấu tranh của các mặt đối lập”, mặc dù hai khái niệm này có những nét tương đồng với nhau.

Khái niệm “cạnh tranh” là khái niệm gắn với kinh tế thị trường và là một quy luật kinh tế của sản xuất hàng hóa. Cạnh tranh là việc các nhà sản xuất và kinh doanh sử dụng các biện pháp nhằm giành lấy những điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hàng hóa, từ đó thu được nhiều lợi ích cho mình. Nguyên nhân của cạnh tranh, xét đến cùng , là do sự “độc lập tương đối” giữa những người sản xuất và sự phân công lao động xã hội. Mặc dù, trong cạnh tranh tồn tại cả mặt tích cực và mặt tiêu cực. Tuy

nhiên, cạnh tranh là một trong những động lực phát triển của sản xuất hàng hóa và kinh tế thị trường.

Theo tác giả, không thể chỉ hiểu khái niệm đấu tranh theo nghĩa thông thường. Cũng không chỉ hiểu đấu tranh chỉ diễn ra ở các mặt đối lập. Đồng thời, khái niệm đấu tranh còn bao hàm cả sự cạnh tranh.

Như vậy, đấu tranh là sự tác động qua lại theo xu hướng bài trừ, phủ

định lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng, giữa các mặt, các thuộc tính trong cùng một sự vật, hiện tượng, giữa các quá trình… được hình thành trên cơ sở sự khác biệt, thậm chí đối lập trong tự nhiên, xã hội và tư duy.

Trong đời sống xã hội, đấu tranh là mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa con người với con người (cá nhân, nhóm, tập đoàn người, giai cấp, quốc gia, các tổ chức kinh tế xuyên quốc gia,…) được hình thành trên cơ sở sự khác biệt, thậm chí đối lập nhau về lợi ích. Đấu tranh trong đời sống xã hội được biểu hiện phong phú, đa dạng: đấu tranh kinh tế; đấu tranh chính

trị; đấu tranh về văn hóa - tư tưởng… Đấu tranh kinh tế là một trong những

nội dung và hình thức cơ bản của đấu tranh. Nội dung cơ bản của đấu tranh

kinh tế được biểu hiện: Thứ nhất, đấu tranh để bảo vệ, giành lấy, khai thác

và sử dụng những nguồn lực và những điều kiện vật chất cho sản xuất vật

chất có lợi cho mình (tư liệu sản xuất, thị trường…); Thứ hai, đấu tranh để

đảm bảo sự phân chia lợi ích nhiều hơn về phía mình (phương thức phân

phối và phần của cải mà họ được hưởng…); Thứ ba, đấu tranh đem lại

những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế (tự do thương mại, đầu tư, bảo vệ môi trường,…).

1.1.2.2. Khái niệm đấu tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình thế giới có những biến đổi phức tạp, khó lường. Xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa với những đặc điểm mới của thời đại như đối thoại, hợp tác, hội nhập đã làm cho nhiều người không thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của đấu tranh.

Những năm gần đây, do những diễn biến phức tạp tình hình thế giới, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trên quy mô toàn cầu, tình trạng bạo lực, chiến tranh tôn giáo, dân tộc diễn biến ngày càng phức tạp và thay đổi lớn về tính chất, mức độ so với thế kỷ XX,... Theo đó, khái niệm “đấu tranh” được quan tâm nhiều hơn.

Cần lưu ý rằng, ở đây khái niệm đấu tranh được xác lập trong mối quan hệ với khái niệm hợp tác. Vì vậy, đấu tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế là đấu tranh trong lĩnh vực xã hội. Hơn nữa, tùy vào sự khác biệt về lợi ích mà đấu tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra với tính chất, mức độ và phạm vi khác nhau.

Trong hội nhập kinh tế quốc tế, để đạt được mục đích và lợi ích cao nhất, con người cần và có thể tìm ra cơ chế, điều kiện, hình thức đấu tranh cho phù hợp. Khi đề cập đến thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, V.I.Lênin cho rằng, “sự đối kháng sẽ dần dần biến mất. Tuy nhiên, những mâu thuẫn thì vẫn tồn tại”. Luận điểm này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, là một bước tiến rất quan trọng trong sự phát triển sáng tạo phép biện chứng duy vật về giải quyết mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh để tìm ra động lực phát triển của xã hội.

Đấu tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế, trong những điều kiện nhất định có lúc diễn ra âm thầm, có lúc lại diễn ra gay go, quyết liệt. Mục tiêu của đấu tranh trước hết và chủ yếu là những lợi ích kinh tế. Ngay cả các giai cấp, lực lượng xã hội có lợi ích cơ bản đối lập nhau thì ở một chừng mực nào đó, họ vẫn có sự thống nhất về những lợi ích không cơ bản. Do vậy, đấu tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế cần gắn với việc tìm ra những điểm “tương đồng”, “thống nhất”, biết gác lại những “khác biệt”, “xung đột” để thực hiện lợi ích một cách hiệu quả nhất.

Trong hội nhập kinh tế quốc tế, đấu tranh còn có nghĩa là sự phủ định những nhận thức sai trái của đối tác về mình. Những nhận thức sai trái đó có nguyên nhân từ những định kiến kéo dài; sự méo mó về hệ tư tưởng,

thậm chí là sự thù địch… Vì vậy, cần đấu tranh, làm cho họ hiểu mình trên cơ sở “hai bên cùng có lợi”, làm cho sự nhận thức đầy đủ, đúng hơn về bản chất của đối tượng.

Đấu tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế hướng tới một hệ thống thương mại đa phương, bình đẳng, không phân biệt đối xử. Tuy nhiên, các quốc gia bước vào hội nhập kinh tế quốc tế với "thế" và "lực" khác nhau. Các nước lớn dường như được hưởng lợi nhiều hơn. Các nước nhỏ, yếu thế đã, đang và sẽ bị phụ thuộc và bị chi phối bởi lợi ích của các nước lớn. Đồng thời, các nước phát triển với tư cách “thượng phong”, “dẫn dắt” và thúc đẩy đã luôn lồng ghép những vấn đề chính trị, nhân quyền, tôn giáo… với những vấn đề kinh tế. Vì vậy, đấu tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế là cuộc đấu tranh không thể không mang đậm màu sắc chính trị; là sự biểu hiện sinh động mối quan hệ biện chứng giữa cái riêng với cái chung và sự tác động, chuyển hóa giữa chúng.

Theo tác giả, đấu tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế là sự tác động

qua lại theo xu hướng bài trừ, phủ định lẫn nhau của các cá nhân, các tổ chức kinh tế, các quốc gia dân tộc,… được hình thành trên cơ sở khác biệt về lợi ích, nhu cầu, nhằm giành lấy ưu thế về quyền lợi, lợi ích cho mình.

Trong hội nhập kinh tế quốc tế, đấu tranh diễn ra dưới nhiều hình thức

và mức độ khác nhau. Trong đó, phương thức phổ biến, dễ nhận thấy của đấu

tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế là cạnh tranh trong các hoạt động thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, dù dưới hình thức nào, phương thức ra sao thì lợi ích quốc gia dân tộc vẫn là mục tiêu cần ưu tiên hàng đầu và là thước đo hiệu quả nhất của hội nhập kinh tế quốc tế. Lợi ích quốc gia chỉ có thể đạt được bằng con đường kết hợp năng lực nội sinh, các nỗ lực cải cách bên trong của quốc gia với những nguồn lực từ bên ngoài do hội nhập quốc tế đem lại; bằng việc giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh; không ngừng đấu tranh để xác lập quan hệ lợi ích mới, nâng tầm cao của hợp tác… Để thực hiện điều đó, hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhận thức đúng đắn, đầy

đủ về mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất và tác động qua lại giữa hợp tác và đấu tranh.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay (Trang 46 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(192 trang)