Chính sách kinh tế vĩ mô

Một phần của tài liệu Quản lý hồ sơ rủi ro trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại tại Cục hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Trang 78 - 79)

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, việc tham gia các Hiệp định tự do thương mại sẽ thúc đẩy kim ngạch XNK hàng hoá của mỗi quốc gia tăng lên nhanh chóng. Yêu cầu về vận chuyển, trao đổi hàng hoá trong thương mại quốc tế phải nhanh chóng và đa dạng các phương thức vận chuyển. Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, bắt đầu từ năm 2012 và chậm nhất là năm 2014, các doanh nghiệp nước ngoài được phép thành lập công ty 100% vốn của họ để kinh doanh các dịch vụ liên quan đến hoạt động logistics. Trong khi đó, tỉnh BR-VT cũng đang xúc tiến đề án phát triển dịch vụ logistics tỉnh BR-VT giai đoạn 2011- 2020.

Mặt khác, tình hình vận chuyển hàng hóa quốc tế cũng có một sự kiện rất đáng quan tâm đó là việc Hoa Kỳ thực hiện Luật 11/9. Theo Luật này thì 100% hàng hóa vận chuyển đến Hoa Kỳ phải được soi chiếu phóng xạ, soi chiếu hình ảnh. Trong khi đó, cả khu vực miền Nam chỉ có các cảng quốc tế trên địa bàn tỉnh BR-VT được trang bị máy soi chiếu phóng xạ, do đó tất cả hàng hóa XK của khu vực phía Nam đều tập trung về địa bàn do CHQ tỉnh BR-VT quản lý để vận chuyển đến thị trường Hoa Kỳ.

Nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ký kết hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với một số đối tác quan trọng; mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác; góp phần quan trọng vào việc tạo dựng và mở rộng thị trường hàng hoá, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tranh thủ vốn hỗ trợ phát triển chính thức

(ODA) và các nguồn tài trợ quốc tế khác. Song song với việc tận dụng các lợi ích do quá trình hội nhập mang lại, Việt Nam phải từng bước thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế; trong đó bao gồm việc tạo thuận lợi cho các hoạt động XNK, dỡ bỏ hàng rào thương mại và thuế quan.

Cơ chế tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh XNK chân chính hoạt động cũng là cơ hội để các đối tượng xấu lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại. Trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, các đường dây, tổ chức tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia gia tăng hoạt động móc nối, liên kết trong và ngoài nước, triệt để lợi dụng sự khác nhau về hệ thống pháp luật, sự chênh lệch về trình độ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin và kinh nghiệm của các cơ quan thực thi pháp luật giữa các nước để tiến hành các hoạt động phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam hoặc lợi dụng lãnh thổ Việt Nam để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân nước khác, như: tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tội trốn thuế, gian lận thương mại, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về ma tuý, tội phạm trong lĩnh vực môi trường, tội phạm mua bán người, tội phạm lừa đảo trong đầu tư, chứng khoán, tội phạm khủng bố…

Một phần của tài liệu Quản lý hồ sơ rủi ro trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại tại Cục hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Trang 78 - 79)