Khai thác tôm hùm giống bằng bẫy san hô kết hợp lưới bùi nhùi; bẫy san hô treo trên giàn gỗ; bẫy bằng gỗ hoặc cao su tiến hành theo các công đoạn như sau:
1- Giai đoạn thả và bẫy ngâm:
Vào khoảng cuối tháng 9 hàng năm (cuối tháng 8 âm lịch), những hộ khai thác tôm hùm giống bắt đầu thả bẫy khai thác. Bẫy san hô được giữ cách đáy biển khoảng 0,5 mét bởi hệ thống phao ganh. Không đặt cây san hô sát đáy hoặc quá gần đáy vì bùn, cát sẽ vít chặt các lỗ trên cây san hô dẫn tới không có nơi để tôm giống chui vào. Hai bẫy cách nhau 1 mét. Hai đường dây triên cách nhau từ 3 đến 5 mét để đảm bảo trong quá trình chèo thúng kiểm tra bẫy hàng ngày không bị vướng vào bẫy.
Ban đầu khi bẫy mới được thả xuống ngư trường khai thác thì chúng được ngâm khoảng 15 ngày để các rong rêu và tôm tép nhỏ, cua, vẹm,... bám vào làm tổ sinh sống. Sau thời gian trên, tôm hùm con (tôm hùm giống) mới chui vào lỗ để trú ẩn, sinh sống.
2- Kiểm tra bẫy:
Tần suất kiểm tra bẫy thường từ 1 đến 2 ngày/1 lần nhấc bẫy phụ thuộc vào tôm có nhiều hay ít và tình hình sóng gió trên ngư trường.
Thời gian kiểm tra bẫy từ 6 giờ sáng cho tới 11 hoặc 12 giờ tùy theo tôm có nhiều hay ít và số lượng bẫy của mỗi hộ gia đình.
3- Thu tôm giống:
Trong quá trình kiểm tra bẫy, người khai thác giũ mạnh lưới bùi nhùi vào trong thúng chai đã trải sẵn một tấm lưới dày để chứa sản phẩm. Nâng bẫy lên, nhìn vào trong các lỗ của bẫy, nếu phát hiện tôm hùm giống nhỏ (tôm trắng) ở trong lỗ san hô thì người khai thác cầm râu tôm kéo ra. Nếu nhìn thấy tôm giống lớn hơn (tôm bọ cạp) nằm trong lỗ của cây san hô thì người khai thác đặt thân bẫy san hô nằm im trên khô một thời gian ngắn tôm sẽ tự bò ra và nhặt tôm bỏ vào dụng cụ chứa. Đối với tôm giống lớn nằm trong lỗ của bẫy thì không nên cầm râu kéo ra, vì tôm bọ cạp bám rất chắc trong thành lỗ. Khi kéo tôm ra cũng có thể gặp sự cố làm đứt râu tôm do tôm chui vào quá sâu hoặc bám chắc. Ngoài ra, tôm con còn bị long đầu hoặc sét đầu (hở mang đầu) do bất cẩn trong quá trình nhấc san hô lên va quệt với thúng chai hoặc cây san hô đè lên. Tuy nhiên, những trường hợp này cũng rất hiếm gặp. Tôm con bị đứt râu vẫn bán được với giá bình thường như tôm khỏe mạnh. Trái lại, những con bị long đầu hoặc hở mang đầu sẽ không bán được vì trong quá trình ương nuôi tôm có thể bị chết hoặc chậm lớn.
Tôm con sau khai thác được cho vào chai nhựa 0,5 lít đựng đầy nước biển để bảo quản và đem vào bờ bán ngay sau quá trình kiểm tra toàn bộ bẫy kết thúc. Nước biển trong chai phải là nước lấy ở đáy biển nơi có cùng độ sâu tương đương với cây san hô để đảm bảo nước có cùng yếu tố môi trường (nhiệt độ, độ mặn,...) với nơi tôm sinh sống, tránh cho tôm hùm giống bị sốc nhiệt hoặc sốc về độ mặn dẫn tới tôm sẽ bị chết. Thông thường, nước ở trong chai được lấy như sau: cổ chai được buộc vào 1 sợi dây người khai thác giữ, thân chai được buộc vào sợi dây có vật nặng (cục đá) sau đó được thả xuống độ sâu mong muốn để lấy nước vào chai.
4- Kết thúc mùa khai thác:
năm sau. Vào tháng 6 năm sau thu bẫy lên làm vệ sinh: giặt sạch phơi khô, làm vệ sinh lưới bùi nhùi, phao ganh, dây, thân bẫy san hô. Quan trọng nhất là các lỗ khoan trên thân bẫy san hô cần phải cạo sạch hàu hà, rong rêu bám trên thân bẫy không để rong rêu hoặc bùn cát bịt kín miệng lỗ. Sau khi thu dọn dụng cụ bẫy lên bờ để làm vệ sinh và tu chỉnh xong thì đưa vào bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và độ ẩm cao.
Nhìn chung, hình thức khai thác tôm hùm giống sử dụng ngư cụ bẫy bằng san hô kết hợp với lưới có vốn đầu tư thấp, ngư cụ dễ chế tạo, kỹ thuật khai thác đơn giản, tần suất sử dụng cao, tuy nhiên cũng cần sự kheo léo và tinh tế của người khai thác để nâng cao hiệu quả sản xuất.