Nét độc đáo ở cách thể hiện không gian rừng núi trong truyện của Lan Kha

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện đường rừng của Lan Khai (Trang 57)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.3. Nét độc đáo ở cách thể hiện không gian rừng núi trong truyện của Lan Kha

của Lan Khai so với các tác giả khác

Đề tài miền núi là một mảng hiện thực vô cùng phong phú. Nó đã thu hút rất nhiều cây bút đương thời như Lan Khai, Lý Văn Sâm, Thế Lữ, Đái Đức Tuấn, Nhất Linh,… Những sáng tác của họ đã mở ra một thời kì mới cho “giai đoạn văn chương rừng núi” (Thế Phong). Cùng nhìn về đề tài miền núi nhưng giữa các tác giả có sự thể hiện khác nhau, có sự đa dạng về phong cách. Điều này giúp người đọc khám phá rõ hơn về những cảnh âm u của rừng núi.

Đến với những truyện của Đái Đức Tuấn: “Bạn đọc như được lẩn mình trong thế giới của cổ tích, thần thoại. Trong đó nhiều tình tiết như được khoác lên chiếc áo hoang đường kỳ ảo, từ đó tạo ra một không gian chứa bao điều hư thực, một cuộc sống huyền bí của thế giới đại ngàn” [34, 23]. Là nhà văn có tài kể chuyện ma quái, đem lại cảm giác rùng rợn cho người đọc nên Vũ Ngọc Phan đã phong cho hai tập Thần HổAi hát giữa rừng khuya của ông là Liêu Trai Việt Nam. Khi đọc tác phẩm của TchyA người đọc sẽ bắt gặp những câu chuyện ma đầy kinh dị: ma hiện hồn, ma sống lại và ma ở lẫn với người lâu ngày mà không biết. Trong Ai hát giữa rừng khuya người đọc sẽ bắt gặp một chuyện tình giữa người với ma, hai anh em cùng quen biết hai con ma trong rừng để rồi: “Hai anh em hễ nằm trên sàn thiu thiu ngủ là tự khắc thấy mỗi đứa

ôm ấp một con ma đi dạo quanh khắp đồng khắp nội, bắt ong, đuổi bướm, bứt quả hái hoa, tình tự vui vẻ lắm. Tỉnh dậy, vừa bừng mắt đã thấy có hai ả ngồi dưới chân, con tóc ngắn kề anh tôi, con tóc dài kề tôi” [27]. Tác giả cũng có cách lý giả rất riêng về những câu chuyện ma của mình: “Không phải ma nào, oan hồn nào cũng hiện lên được cả. Ma muốn hiện hình tất phải đủ tư cách, phải ở trong những trường hợp không bị ngăn trở mới biến hóa được [27].

Từ bỏ không gian cổ tích thần thoại ta sẽ bắt gặp một không gian rùng gợn, ghê người khi đến với Thế Lữ. Ở Thế Lữ ông có biệt tài: “Kích thích trí tò mò của độc giả, khiến họ hồi hộp lo sợ, nhất là những đoạn miêu tả thiên nhiên bí hiểm” [34, 22]. Trong tác phẩm Vàng và máu, thiên nhiên qua ngòi bút của tác giả hiện lên thật kì quái: “Trong trí tưởng tượng của người Thổ thì cửa hang Thần trông như mồm con yêu hay hổ quái gở. Cái mồm ấy phun ra những hơi độc làm thành dịch tễ, gió bão để phá huỷ các làng. Trước cửa hang Thần, người thì bảo có toàn đầu lâu, người thì bảo có đủ các rắn rết. Lại có người khoe đã nằm mơ vào tận trong hang xem” [20]. Khi miêu tả về các xác chết cũng hết sức kì quái đầy bí ẩn khác thường: “Người thứ nhất - bấy giờ đã lôi ra để một chỗ - là người còn trẻ, mặt mũi nhăn nhó như người đau đớn gớm ghê. Người thứ hai và người thứ ba ngồi dựa lưng vào vách đá, một người ngửa cổ lên, còn một người ngả đầu xuống vai người nọ; lúc mấy tên bộ hạ Thổ xốc nách kéo hai cái xác đi lùi lại, thì đầu hai người chết vẫn ngửa; miệng thì xếch lên như cười một cách đần độn. Người thứ tư là một ông già, mặt xương xương, mép và quai hàm lởm chởm những râu, mắt to, mở trừng trừng, đang nằm nghiêng ôm lấy một hòn đá cuội. Bọn người Thổ phải khó nhọc mới kéo được ông già ấy khỏi chỗ cũ, vì chân ông ta bị đè dưới bụng một người to béo - người này đâm chúi đầu xuống, miệng hôn đất, tay quắp lại, mười ngón quào sâu vào đùi ông già. Còn người sau cùng mở mắt nhưng lòng đen chạy lên mí trên, mồm cứng và hé mở, môi dưới trề ra; hắn ngồi gò ruột ở một bên, vai so lên, cằm sát ngực” [20].

Khi đến với Lý Văn Sâm qua các truyện như: Sương gió biên thùy, Thần ngư động, Răng Sa Mát, Sau dãy Trường Sơn,…Người đọc sẽ bắt gặp một không gian rừng núi không kém phần bí mật: “Dưới chân núi Beo có một cái động sâu hoắm, tối om om, gai góc mọc chằng chịt như mắc võng. Chung quanh núi mù mù rừng cao, bụi rậm” [12, 587]. Hay “Nước sông đỏ ngầu như máu cuồn cuộn trôi đi, cỏ chừng như muốn sụp đổ những gộp đá hàng ở hạ lưu” [12, 481]. Khác với Thế Lữ, Đái Đức Tuấn nhân vật của Lý Văn Sâm tìm đến rừng núi không phải để thỏa chí tò mò mà để thể hiện khát vọng tự do. Nhân vật thấp thoáng bóng dáng của nhân vật thời đại với mong muốn đem lại tự do, hạnh phúc cho mọi người như Kòn Trô, Châu Phiên. Tuy mang danh là một tướng cướp nhưng Kòn Trô lại là anh hùng của bọn người mọi. Ở đây Kòn Trô đã dạy cho mọi người: “Trồng khoai, cấy lúa, gieo bắp, gây riêng một thế giới phóng khoáng, xa hẳn gió bụi chốn thị thành” [12, 452]. Khi nói đến Châu Phiên thì người đọc biết đến chàng như là: “Một vị cứu tinh của bọn đồng chủng bệnh hoạn”. Châu Phiên là một “ông hoàng” trẻ tuổi đã cầm ngọn đèn dẫn đạo cho đám dân đồng chủng nhiều mê tín. Châu Phiên đã đánh tan sự khinh bỉ của mọi người ở thành đối với thổ dân miền trên mà họ quen gọi là người Mọi: “Những người rừng hôi hám, đầu bù như ổ quạ, mắt toét và mình mẩy ghẻ chốc quanh năm” [12, 524]. Ngoài ra, nhân vật của ông thường bị đẩy tới tận cùng của những bi kịch thấm đẫm đau thương hoặc được sống phóng khoáng trong một không gian hùng tráng. Họ luôn sống hết mình cho lí tưởng, cho nghĩa lớn và lẽ công bằng, cho tình đồng loại và cốt nhục.

Cùng viết về đề tài miền núi nhưng Nhất Linh có cách thể hiện hết sức đặc biệt; “Truyện Lan rừng kể về mối tình kỳ lạ và bí ẩn giữa chàng trai Kinh với cô gái Thổ bên thác Linh Hai, trong hương lan rừng quyến rũ cùng tình cảm tha thiết của đôi trai gái khiến người đọc buâng khuâng, thao thức trước dòng chảy cuộc đời như đang chìm dần vào thế giới bí ẩn của tâm linh” [34, 25].

Khác với Đái Đức Tuấn, Thế Lữ, Lý Văn Sâm, nhà văn Lan Khai đến với thiên nhiên như một người bạn chứ không phải là một người khách dạo chơi. Gần gũi với đời sống của các dân tộc thiểu số nên ông hiểu rất rõ những phong tục tập quán cũng như những nét sinh hoạt văn hóa ở đây. Điều này thể hiện rõ qua các tác phẩm Rừng khuya, Dấu ngựa trên sương, Tiếng gọi của rừng thẳm, Suối Đàn, Hồng Thầu v.v… Ông đã cho người đọc thấy được trọn vẹn một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp về cảnh và người miền núi: “Nhà Mai Kham ở là một nếp nhà gỗ đẹp nhất hang động, chon von giữa ngọn đồi, chung quanh mận, đào mọc kín, hơi gió thoảng qua, cành non rung động thì những cánh trắng, hồng lại rung, bay như đàn bươm bướm. Dưới chân đồi, qua trước cổng nhà chàng, một vạch suối reo cười trên làng cát sỏi. Mai Kham mỗi lần đánh trâu xống tắm, vẫn tần ngần nhìn suối nước thao thao, cuồn cuộn như mải miết đi tìm bờ mộng, bến xa…” [13, 486].

Qua ngòi bút của Lan Khai thiên nhiên trở nên rất gần gũi: “Trên các hốc cây, ven các bờ rậm, hoa bướm, hoa kèn, hoa kiếp li nở muộn gượng cười. Các loài chim bìm bịp, chích chòe, họa mi, chèo bẻo vui ca đón ngày tốt đẹp trong khi con diều hâu rít lưỡi báo tin mưa” [13, 489]. Cảnh thiên nhiên trở nên thơ mộng bởi “Các thứ dây leo như dây nhựa vàng, dây bầu nước, dây sang, dây cơm lênh xoắn xuýt lấy nhau, vắt từ cành cây này qua cành cây khác, tạo thành những cái võng rất đep. Những chùm vại dại màu đỏ tía, những bông hoa không tên trắng, vàng hoặc tím nở khắp đó đây, dệt nên màu xanh của lá những đám sặc sỡ vui mắt” [13, 719]. Đối với Lan Khai những âm thanh nơi rừng núi là một điều hết sức thú vị: “Gió chảy rì rào qua kẽ lá cây rung, hòa với tiếng suối róc rách trên lòng sỏi trắng. Dưới gốc cỏ rậm, tiếng trùng ri rỉ kêu như chúng vẫn kêu từ thiên vạn cổ. Và thỉnh thoảng, một con gà rừng gáy lanh lảnh đâu đó làm cho một con gà lôi, lông trắng như bông, cất cánh bay ràn rạt lòe ra giữa cõi mơ hồ một tia sáng trắng” [13, 657].

Cùng với cảnh đẹp thơ mộng là tình người ấm áp, trong sáng đoàn kết yêu thương của các dân tộc anh em. Đặc điểm chung trong phần tiểu thuyết là lối miêu tả chân thực nhưng không kém phần bay bổng về những truyện tình của các đôi trai gái yêu nhau hồn nhiên, tha thiết như trong truyện Rừng khuya. Truyện nói về một mối tình tuyệt đẹp giữa Mai Kham và Dua Phăn, họ là một đôi trai tài gái sắc của động Đèo Hoa. Nếu không bị sự ngăn cản của tên Chánh trong làng thì họ đã đến được với nhau. Nhưng rồi với tình yêu chân thật của mình hai người đã cùng chết bên nhau, biến thành giống chim khảm khắc. Hay trong truyện Đỉnh non thần, Tuyết Hận và nàng Nhạn cũng yêu nhau say đắm, nếu không có sự thù hận giữa hai dòng họ thì hai người đã đến được với nhau. Khi sự thù hận đã qua đi thì tình yêu của đôi trai gái lại bùng cháy, nhưng cuối cùng họ cũng không được ở bên nhau vì Tuyết Hận đã gia nhập nghĩa quân và đã hy sinh trên chiến trường. Chính những mối tình bất diệt này đã làm cho cuộc sống miền núi càng trở nên phong phú. Nếu so với tác phẩm Vàng và máu của Thế Lữ, ta thấy ở đó con người vì ham danh lợi mà giết hại nhau. Còn đến với Lan Khai: “Sức hấp dẫn của truyện đường rừng biểu hiện ở bức tranh phong cảnh đặc sắc, những phong tục mang đậm dấu ấn bản làng, qua đó làm nổi bật chân dung sống động của con người nơi đây. Lan Khai là một nghệ sĩ tài ba đã vận dụng cả nhạc, hoạ, thơ ca để có thể miêu tả hết cái đẹp tuyệt mỹ của hoá công ban tặng cho núi rừng. Có thể nói ngòi bút của ông đã chạm vào mọi vật trong rừng từ những ngọn cây, lá cỏ, muôn chim đến đất trời, mây gió” [34,24].

Như vậy, cùng viết về đề tài miền núi nhưng mỗi nhà văn lại có phương thức thể hiện khác nhau. Các sáng tác của họ đã đem đến cho người đọc những cách hiểu khác nhau về cảnh và người mạn ngược trong nhiều giai đoạn của lịch sử. Điều này đã đem đến cho độc giả hiểu rõ hơn về rừng núi mà rất lâu chưa có diệp khám phá, đồng thời xóa bỏ ranh giới giữa thành thị với rừng núi.

Chương 3

ĐẶC SẮC TRUYỆN ĐƯỜNG RỪNG CỦA LAN KHAI Ở CÁCH SỬ DỤNG YẾU TỐ KỲ ẢO VÀ XỬ LÝ NGÔN NGỮ

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện đường rừng của Lan Khai (Trang 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w