Nét khác biệt trong điểm nhìn về cảnh và người mạn ngược giữa Lan Kha

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện đường rừng của Lan Khai (Trang 52)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.2. Nét khác biệt trong điểm nhìn về cảnh và người mạn ngược giữa Lan Kha

giữa Lan Khai với các tác giả khác

Hầu hết các tác giả đường rừng đều tập trung khai thác đặc điểm hoang sơ, bí ẩn của cảnh rừng núi và sự dị thường của con người. Không gian rừng núi hiện lên như một thế giới bí ẩn, khác lạ so với thế giới đời thường mà con người đã gặp trong cuộc sống. Đó là một nơi linh thiêng, đầy nguy hiểm và bất trắc. Ở đó mọi sinh hoạt của con người đều phụ thuộc vào thiên nhiên. Chính sự mới lạ về cảnh và người nơi miền sơn dã đã kích thích sự tò mò của người đọc.

Các nhà văn Thế Lữ, Lý Văn Sâm, Đái Đức Tuấn, mỗi người có một cách thể hiện khác nhau về cảnh thiên nhiên và con người rừng núi. Thế Lữ nhìn thấy cảnh thiên nhiên đầy bí hiểm: “Trong trí tượng tưởng của người Thổ thì cửa hang thần trông như mồm con yêu hay hổ quái gở. Cái mồm ấy phun ra những hơi độc làm thành dịch tễ, gió bão để phá hủy các làng. Trước

cửa hang Thần, người thì bảo có toàn đầu lâu, người thì bảo có đủ các rắn rết. Lại có người khoe đã nằm mơ vào tận trong hang xem (…) ruộng nương tươi tốt, suối chảy thong dong, cây lá rườm rà, bò lợn từng đàn ăn trên những bãi cỏ xanh non, lại có các nàng tiên nhởn nhơ chăn dắt” [20]. Hay khi đi sâu vào hang động thì sự cảm nhận của tác giả cũng đầy bí ẩn: “Hang Thần trông cũng không to: bề cao bằng nửa cây gạo già mọc trước cửa. Miệng hang loe ra như cái miệng hũ. Phía trên toác ra như cái môi rách, phía dưới có hai tảng đá dài và nhọn đâm lên ở hai bên mép như hai cái nanh. Trông vào trong hang càng xa càng rộng, càng đen tối thêm thăm thẳm sâu vô cùng tận. Trên cửa hang chi chít các giống thảo mộc kỳ dị lấp lánh vì nước mưa phùn mới rửa. Từ trong kẽ đá, bò ra những khúc cây tròn và mốc, bám chặt vào miệng hang. Những dây những rễ; những lá đỏ, lá xanh, lớn bé lẫn lộn, mọc đầy mép hang; những cụm trúc rất nhỏ với những đám cỏ xác xơ chen nhau ở bên những khóm si con và những vừng tóc tiên xanh tốt” [20].

Đọc những tác phẩm đường rừng của Lý Văn Sâm, người đọc sẽ nhận ra được một thiên nhiên đầy bí ẩn: “Thật là một cơn gió giận mưa hờn! Rừng cây chuyển động; thác đổ băng băng. Nước sông sùi bọt dâng cao lên, làm lụt cả những vùng lân cận. Nước sông đỏ ngầu như pha máu, cuồn cuộn trôi đi, cơ chừng như muốn sụp đổ những gộp đá hàng ở hạ lưu. Sấm sét vẽ những làn điện nhì nhoằng trên khoảng trời đen ngòm. Người ta tưởng tượng rằng quả đất sẽ nổ bùng ra, tan tành từng mảnh vụn như xác pháo. Loài dã thú khiếp sợ, núp vào những hốc đá, giương mắt nhìn mưa gió tơi bời” [12, 481- 482]. Khi miêu tả cảnh đêm tối Lý Văn Sâm làm cho người đọc phải rùng gợn: “Rừng ban đêm là một cõi âm ty đầy những bóng yêu tinh và ma quái. Thỉnh thoảng khách băng rừng thường thấy một ngọn đèn bay, là đà đáp xuống mặt nước ao tù rồi biến mất. Tiếng rừng ban đêm lại càng ghê rợn hơn nữa. Nhiều giống chim lạ ném vào đêm sâu một tràng tiếng kêu rên khiến khách dạ hành thối bước” [12, 59].

TchyA Đài Đức Tuấn được xem là người có biệt tài kể chuyện ma quái, thường mượn miền núi làm đề tài, còn nội dung hầu hết chỉ xuất phát từ chuyện truyền kỳ, nên cảnh thiên nhiên thường gây cảm giác ghê sợ cho người đọc. Ông miêu tả vẻ đẹp của Oanh Cơ cũng hết sức đặc biệt: “Ðó là một người đà bà độc nhất vô nhị trong một thời, mà cứ trong khoảng năm sáu trăm năm, mới được gặp một lần trên cõi phàm tục. Con người ấy chả kém gì Tây Thi, Muội Hỉ, Ðắc Kỷ, Quý Phi, nàng đẹp một vẻ đẹp oái ăm, huyền bí, oanh liệt, lại dịu dàng, tựa hồ đấng thiêng liêng đem hết cả bao nhiêu tinh túy của non sông cây cỏ mà chung đúc vào nhan sắc ấy. Tóc nàng là một đám mây thu chan chứa những vẻ êm đềm mơ mộng; mỗi lần làn tóc ấy xõa tung chấm gót, thì rõ ràng là một dải hắc tuyền cuồn cuộn, óng ả, nhẹ nhàng; nét bút họa công khi vẽ đến phải cả quyết, lại ngập ngừng, làm thế nào cho suối tóc nõn nà đen mượt kia cũng phảng phất giống một đám lục vân nặng trĩu những niềm u uẩn, mà phủ lên một hình hài tiên nữ, muôn phần yểu điệu, thanh kỳ...” [27]. Hay khi tả cảnh một đêm trăng cũng hết sức khác thường: “Không thể nào tả được cái sắc của một đêm trăng tỏ, nhất là cái màu đậm không đậm, nhạt không nhạt, xám không xám, vàng không vàng, của các thứ bóng chen chúc nhau, mỗi thứ đượm một vẻ riêng... cho dù một ngọn bút thiêng liêng đến đâu cũng khó lòng hình dung lại cho đúng được” [27].

Nổi bật nhất trong các nhà văn viết truyện đường rừng là Lan Khai. Thiên nhiên trong những trang viết của ông rất gần gũi, nên thơ mang nặng tâm tư con người: “Những chòm núi xa vươn lên chân mây phơn phớn hồng, chờ đợi thái dương. Trong lòng thung, lúa chín gục đầu dưới những hạt sương lấp lánh. Suối róc rách chảy, tung bọt trắng trên những hòn đá phủ rêu xanh. Chim chóc trên cành đua nhau hót. Trong không khí mát dịu thơm tho, vạn vật đều tưng bừng với ánh sáng với sự thông thoáng, sự thở hút, sự vẫy vùng giữa cái khung cảnh mỹ miều” [13, 569]. Cũng có lúc: “Những tia mặt trời ấy bị các lá nánh, lá dong mọc sát đất hắt ngược lại, liền tỏa ra chung quanh một

thứ sáng xanh mờ mờ. Có thể gọi là một cảnh sáng trăng, trong đó những thân cây sồi, cây chẹo, cà lồ, hình dáng vặn vẹo, da đỏ xù xì, nom phản phất như loài quỷ hiện hình. Các thứ dây leo như dây nhựa vàng, dây bầu nước, dây sang, dây cơm lênh xoắn xuýt lấy nhau, vắt từ cành cây này qua cành cây khác, tạo thành những cái võng rất đẹp. Những chùm quả vại dại màu đỏ tía, những bông hoa không tên trắng, vàng hoặc tím nở khắp đó đây, dệt lên màu xanh của lá những đám sặc sỡ vui mắt [13, 719].

Các nhà văn đường rừng đem đến cho độc giả thấy được toàn diện cảnh rừng núi, một nơi vừa bí hiểm nhưng cũng rất thơ mộng thần tiên như trong những câu chuyện cổ tích, thần thoại. Sức hấp dẫn của truyện đường rừng còn biểu hiện ở bức tranh phong cảnh đặc sắc, những phong tục tập quán mang đậm dấu ấn làng bản. Qua đó, nhà văn đã làm nổi bật lên đời sống sinh hoạt của con người nơi đây. Truyện đường rừng của Lý Văn Sâm nói đến cảnh và người vùng Đông Nam Bộ. Ở truyện Xác mu mi trên núi đá kể về thuở loài người còn sống chung với muôn thú, câu chuyện huyền bí về nữ chúa khi cứu được cá sấu thần Ngạc Ngư Thần và được cá trao cho viên ngọc quý. Hình ảnh nữ chúa hiện lên qua trí tưởng tượng của Lý Văn Sâm có nhiều nét bí ẩn: “Nữ chúa hiện ra trong ánh lửa lấp loáng, chập chờn, trông như một bóng yêu tinh của một thời ma quái nào! Da thịt nàng láng ướt như đồng đen. Mặt nàng phát một vẻ đẹp vừa độc ác vừa hiền từ. Mắt nàng xa xôi, huyền bí” [12, 477]. Trong tác phẩm của Lý Văn Sâm có hình ảnh một vị anh hùng mang danh tướng cướp như Kòn Trô, nhưng thật ra anh ta khát khao cuộc sống tự do, thanh bình: “Ở đây, không có sự phản bội, không có sự man trá, không có sự ghen tị, nó làm cho người ta phải cực lòng suy nghĩ vì nhau. Tâm hồn họ đã hòa chung cùng cỏ cây hoang dại” [12, 451]. Khi viết về tình cảm cha con, Lý Văn Sâm đã làm cho người đọc phải xúc động trước một tình mẫu tử thiêng liêng cao đẹp. Răng Sa Mát đã dùng tính mạng của mình để giải bùa ngải cho cha, để giúp người cha trở lại thành người. Ông khẳng định người

dân tộc cũng rất giàu tình yêu thương và lòng tự trọng, chỉ có điều họ biểu lộ khác với người Kinh mà thôi. Khi ca ngợi tình cảm vợ chồng thủy chung ở truyện Vợ tôi người dân tộc thiểu số nhà văn viết: “Tcho Phay chiều tôi rất mực. Tôi chưa gặp người con gái nào ngoan và hiền như vậy. Có lẽ nàng thương tôi hơn cả cha và em”. Biểu hiện tình thương chồng của người miền núi cũng rất thật thà, chất phác: “Tcho Phay coi tôi là của riêng của nàng. Nàng giữ riết lấy như một em bé không rời con búp bê” [11, 375]. Còn Lan Khai thì lại có cách nhìn khác khi miêu tả về tình yêu của Thổ Peng Lang và chàng trai người kinh Hoài Anh trong tác phẩm Tiếng gọi của rừng thẳm. Là một đóa hoa nơi miền sơn dã nên khi Peng Lang theo Hoài Anh ra sống chốn thị thành thì nàng cảm thấy không thích hợp với đời sống ở đây và nàng đã từ bỏ chốn thành đô mà về lại núi rừng: “Đành rằng nàng yêu Hoài Anh lắm nhưng bảo nàng bỏ cảnh sơn lâm thì nàng thực không thể sao bỏ được” [13, 630].

So với các nhà văn viết truyện đường rừng thì Lan Khai có cái nhìn khác toàn diện, đa dạng về con người vùng cao. Ông đặt con người vào đúng môi trường phong tục của họ để bao quát được từ phong tục, tín ngưỡng đến các lễ hội sinh hoạt văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Với

Suối Đàn người đọc được đưa đến một lễ cúng cầu cho giống má mùa sau được tốt: “La liệt khắp mặt bàn là những cái bài vị bằng giấy ngũ sắc không đề chữ, cài vào những cái nan nứa cắm sẵn trên từng đoạn thân cây chuối đại. Trước mỗi bài vị để một bát gạo cắm hương. Và ở những khoảng trống bày la liệt các thứ hoa quả hái tận rừng về, các mâm xôi đã hết hơi nóng và các con gà luộc, da vàng loáng như mỡ” [13, 643]. Hay đến với một lễ hội ném còn của dân tộc Thổ trong Tiếng gọi của rừng thẳm: “Đàn ông con trai, người nào cũng to lớn khỏe mạnh. Đầu họ quấn những khăn vải chàm mới tinh, hoặc thêu những đường sóng ngũ sắc, hoặc đính nhưng bông hoa tròn bằng bạc. Mình mặt áo xanh dài viền ngũ sắc, chân bó kha cặt hồng. Người nào cũng

thắt dao, cài trong những vỏ gỗ hị trổ hoa, vai thì đeo kèn lau buộc bằng dây chỉ sặc sỡ” [13, 593].

Như vậy, tuy cùng nhìn vào một sự vật hiện tượng, nhưng mỗi nhà văn có cách cảm nhận riêng và thể hiện riêng. Chính điều này đã làm giàu thêm cho văn học viết về đề tài truyện đường rừng. Dưới con mắt của những nhà văn nghệ sĩ thì sự vật luôn biến đổi theo muôn hình vạn trạng. Mỗi cảm nhận tinh tế đó sẽ giúp người đọc có cơ hội khám phá thêm về cảnh và người miền núi.

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện đường rừng của Lan Khai (Trang 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w