Một thiên nhiên vừa hiện thực vừa mang tính biểu trưng

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện đường rừng của Lan Khai (Trang 33)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.3.Một thiên nhiên vừa hiện thực vừa mang tính biểu trưng

Thiên nhiên trong “Truyện đường rừng” của Lan Khai hiện lên thật tươi đẹp và mang tính hiện thực gần gũi với đời sống của con người miền núi. Khi thì tác giả đưa ta chiêm ngưỡng những cảnh đẹp đầy sức sống của cỏ cây ở đây với những bờ cỏ xanh non chạy dài như một chuỗi ngọc bích, cùng với những cây đào mỉm cười qua trăm nụ thắm và “những chòm núi đầy hoa róc may non chẳng khác từng bó đuốc khổng lồ cháy rực dưới vòm không xanh biếc” [13, 536]. Lúc thì tác giả đưa người đọc chiêm ngưỡng những cảnh đẹp của màn đêm buông xuống với ánh sáng của trăng sao: “Sao mai như một giọt lệ đã long lanh hiện ra đằng phương đông, trên nền trắng đục” [14, 360]. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của mặt trăng càng làm cho cảnh vật đêm tối trở nên đẹp đẽ: “Mặt trăng, như cặp sừng trâu, nằm vắt vẻo trên ngọn núi đằng xa” [13, 535]. Khi thời gian đêm tối đã qua đi thì lúc mặt trời xuất hiện: “Góc trời đông sáng rực, vàng thẫm rồi vầng mặt trời hiện ra tráng lên chỏm rừng cây xanh mướt một màu vàng lấp lánh” [14, 375]. Sự xuất hiện của ánh sáng mặt trời làm cho mọi vật đầy sức sống: “Những cây phong bắt đầu thay sắc lá, đỏ rực một vùng. Những bông hoa lạ cuối mùa nở tung, cố phơi vẽ đẹp màu tươi trước ngày mưa phùn, gió bấc” [14, 409]. Thiên nhiên trở nên hiền hòa gần gũi: “Dòng sông Gấm lại trở nên hiền từ, phẳng lặng, chảy dưới biếng qua hai rặng bờ của xanh non mơn mởn điểm hoa sim” [14, 454]. “Dòng nước từ phía trên dội xuống, rẽ làm hai và réo quanh thạch bàn như một khúc nhạc tươi vui, mát mẻ” [13, 656]. Khi một ngày đã hết dưới ánh nắng chiều mọi vật:

“Tươi cười thảnh thơi, sung sướng, sắc cây xanh bóng điểm những màu hoa rực rỡ ràng, nổi rõ trên nền mây trắng rải rác khắp trời trong vắt” [13, 620]. Đẹp nhất là những chiều thu trong tiểu thuyết Dấu ngựa trên sương: “Không khí trong suốt, trời nhẹ lâng lâng và phía đằng tây những dãy núi tím mờ nhuộm phớt màu lòng trứng” [13, 527]. Ngay cả khi vào những ngày cuối thu thì bầu trời vẫn không hề phai sắc màu vẫn trong trẻo, nồng ấm tràn trề sức sống của cảnh vật: “Trời đẹp, khí hậu ấm áp. Vòm không xanh trong. Muôn tiếng chim ngàn đua hót làm rung rinh cái yên lặng trùm lên cảnh vật”. Dưới vòm trời lúc nào cũng tươi sáng, rực rỡ sắc màu không kém, từng mảng rừng trở nên như một tấm áo gấm của một thi sĩ lãng mạn.

Mô tả bức tranh thiên nhiên Lan Khai còn đặc biệt chú ý đến những âm thanh tạo nên một thiên nhiên sôi động, mà chúng ta có thể cảm nhận được bằng giác quan. Đó là âm thanh của tiếng ve kêu, tiếng gió thổi, tiếng tắc kè, tiếng cú kêu, tiếng gà gáy… Tất cả đều tạo nên một bản hòa âm đa thanh, đa điệu. Khi réo rắt lúc trầm bổng ngân vang: “Con tắc kè đã kêu ba tiếng đều đặn, ba tiếng như ba giọt nước lạnh rõ thánh thót trong lòng hang sâu” [14, 436], “Gió chảy rì rào qua kẽ lá cây rung, hoa với tiếng suối róc rách trên lòng sỏi trắng” [13, 657], “Gió len theo màn đêm khuya động rừng đêm âm u tĩnh mịch”, “gió hiu hắt thổi làm rừng cây xào xạc lá” [14, 470]. Đến với những “Truyện đường rừng” của Lan Khai người đọc sẽ bắt gặp một thiên nhiên đầy ấn tượng, hình sắc âm thanh được biến đổi tùy theo dòng chảy thời gian trong ngày. Lúc rạng đông: “Ánh sáng lộng lẫy, rừng cây man mác, chỗ nấp trong bóng tối dịu mát màu xanh, chỗ phơi ra ánh nắng rực rỡ vàng hoe. Trên nền trời phơn phớt hồng, những chòm núi xa in những nét thiên thanh nhạt. Giọt sương mai long lanh trên ngọn cỏ như trăm ngàn hạt pha lê” [14, 380]. Lúc trưa hè vừa ngớt: “Những đám mây trắng đục vẫn khắp bầu trời lắng xuống một thứ ánh sáng lạnh lung. Những đám hơi nước uể oải kéo ngang sườn núi. Mặt nước dềnh lên như một mảnh gương mờ lộng bóng trời mây. Gió hiu hắt

chốc chốc thoảng khí lạnh vào tâm hồn” [14, 569]. Lúc giông tố cả khu rừng trở gió: “Mây đen tỏa khắp trời, che khuất các vì sao, cỏ cây vật vã. Bóng tối dựng đứng lên, một tiếng gầm từ trên cao tung xuống, chớp như lưỡi gươm rạch ngang trời. Sét nổ khúc đê trên không vỡ nước đổ xuống ầm ầm” [14, 140]. Khi đêm xuống ta thấy cả không gian bao trùm sự tĩnh mịch của rừng đêm, đâu đó: “Rừng núi nổi từng đám đen quái gở, bí mật, vẻ lì lì như đang thầm tính những chuyện gì ghê gớm” [14, 436]. Vẽ lên được những bức tranh thiên nhiên với những thời điểm khác nhau trong ngày: lúc rạng đông, lúc trưa, lúc đêm khuya, Lan Khai đã đem đến cho người đọc một cái nhìn khá chính xác về sự biến đổi của cuộc sống nơi rừng núi. Ngoài sự cảm nhận tinh tế về sự thay đổi của cảnh vật và thời gian. Lan Khai còn cho người đọc thấy được những khoảnh khắc trong ngày của mỗi mùa. Đó là cảnh chiều xuân nơi miền sơn cước với: “Không khí mỗi lúc một trong sáng. Mặt trời đã dần xuống thấp. Về phía Tây, những dãy núi tím trông như những con rắn khổng lồ quằn quại trong đám lửa đỏ rực” [14, 475]. Đó còn là cảnh chiều thu, dưới nắng vàng: “Những cây phong bắt đầu thay sắc lá đỏ rực một vùng. Những bông hoa lạ cuối mùa nở tung, cố phơi vẻ đẹp màu tươi trước những ngày mưa phùn gió bấc… trong cái tranh tối, tranh sáng của khu rừng tĩnh mịch, những con gà lôi lông trắng, những con vẹt mỏ đỏ lông xanh bay thấp thoáng” [14, 409]. Đặc biệt là cảnh chiều đông nơi miền sơn dã thời giờ qua rất nhanh: “Dưới nền mây thấp sắc chì thoáng cái chỉ còn ghi chút ánh đỏ lờ mờ trên đỉnh non tây” [13, 514].

Là nhà văn sống gắn bó với núi rừng, Lan Khai không chỉ xây dựng được những bức tranh thiên nhiên đầy hiện thực, sống động mà điều quan trọng thiên nhiên ở đây còn mang tính biểu trưng. Tính hiện thực thống nhất với tính biểu trưng, làm cho điều được miêu tả mang ý nghĩa khái quát lớn nhưng không bị khô lại thành khái niệm. Thiên nhiên vẫn là thiên nhiên ấy nhưng nó còn bao hàm ý nghĩa của một thang bậc giá trị, một sự lựa chọn

cách sống ở đời. Ngay việc tác giả ưa tả tỉ mỉ cảnh vật núi rừng đã cho ta thấy trong suy nghĩ của ông, thiên nhiên chính là hiện thân của vẻ đẹp nguyên sơ thuần khiết mà con người phải hướng tới. Ở một phía khác, việc tô đậm đường nét hoang dại của cảnh sơn cước lại có ý nghĩa làm nổi bật tính vô hạn của những điều mà con người chưa biết và phải khám phá. Bên cạnh đó, nó còn ám gợi tới một lực lượng kỳ bí của tạo vật tồn tại bên cạnh cuộc sống con người như để giám sát, nhắc nhở và trừng phạt.

Khi nói đến rừng thẳm người đọc sẽ nghĩ đó là một nơi đầy bí ẩn với chim hót, vượn hú, ve kêu cùng với các loài hùm, beo, hổ, báo… Tất cả đều gợi ra sự nguy hiểm chết người. Nhưng qua ngòi bút của Lan Khai thì sự nguy hiểm đó trở nên gần gũi, gắn bó với con người. Chỉ có những người sống nơi miền sơn cước mới hiểu rõ cái giá trị của cảnh sắc thiên nhiên. Do đó khi sống ở chốn đô thị phồn hoa nhưng Peng Lang cảm thấy rất xa lạ mọi vật xung quanh đều trở nên tầm thường không sánh được với cảnh đẹp của rừng xanh: “Những vật bày trong phòng vẫn hay đều quý giá cả bằng giường đồng, gối thêu, màn tuyn, trướng gấm, gương đứng, nệm hoa. Nhưng nếu đem ra so sánh với cảnh trời xuân hớn hở, hoa cỏ tốt tươi, chim kêu vuợn hót, suối chảy thác reo thì lại rất tầm thường” [13, 629]. Trước cảnh đẹp của thiên nhiên con người không khỏi chạnh lòng, nên một người sống ở thị thành như Khải cũng có những cảm nhận tinh tế về cảnh đẹp của núi rừng lúc chiều xuống: “Ngày mỗi lúc một xuống dần, chìm trong cái màu vàng úa của hoàng hôn. Gío đã im hơi trước đêm đông từ từ tiến lại. Tôi nhìn xa phong cảnh trước mắt. Đồi ruộng, rừng cây đầy những tĩnh mịch. Những chỏm rừng xa căng lên đường chân mây đỏ như những mảng ren màu úa thẳm tâm hồn tôi bị xâm chiếm bởi cái êm ái vô cùng của sự vật. Tôi thấy tương tư tất cả” [13, 668]. Còn qua con mắt của Cang Ngrào thì thiên nhiên như hiểu được tâm trạng của con người, hòa nhập vào sự sống “cỏ cây, có lẽ tự biết là con cưng của thợ tạo, dù sao cũng chẳng cam lòng khuất phục hẳn người. Nó vẫn rình

những lúc người trễ nhác, ngầm lẻn vào giữa hoa màu, lấn tiếp giống ngô lúa phủ kín hẳn vườn tược, len lỏi cả vào trong nhà cửa” [13, 570]. Củng có khi chỉ thoáng qua vài nét cảnh vật nhưng lại là những dấu ấn gợi những kỷ niệm sâu sắc trong tìm thức con người. Đấy là hình ảnh chàng trai trẻ H’mông đứng lặng nhìn “Con đường đất thăm” vẫn là con đường với những cảnh vật quen thuộc hàng ngày mà sao bây giờ đây trước mắt anh “con đường mở ra hun hút và trên đó có bao nhiêu đoàn phu tải, trong số đó có cha anh nữa đã đi qua và hát vang lừng. Lại cũng trên con đường này, mẹ anh đã để rơi anh trên ngựa” [13, 530]. Cũng có khi tác giả đưa người đọc đến những âm thanh trong trẻo của tiếng suối như những cung đàn muôn điệu đang giãi bày về một kỉ niệm buồn, bởi cái tình thân thiết của đôi lứa giữa chàng trai người Kinh và cô gái người Tày “Đêm nào nghe tiếng Suối Đàn lơ lửng trong sương lòng tôi khỏi sao nhớ thương não nùng, thương nhớ người mà tôi ước ao không được” [13, 696].

Với tài năng của mình Lan Khai đã viết lên những đoạn văn tả cảnh đầy ấn tượng và có sức rung động, cho người đọc thấy được bức ảnh về rừng núi đầy ấn tượng và giàu sức hấp dẫn. Lan Khai đã tái tạo và đem vào tác phẩm của mình sức sống kỳ diệu của thiên nhiên. Bởi thế, mỗi trong viết về thiên có sức sống mãnh liệt và biến đổi diệu kỳ. Qua đó cho thấy mỗi bức tranh phong cảnh là một cái nhìn, một khám phá mới của Lan Khai về thế giới thiên nhiên. Nó còn là sự kết tinh mọi cái đẹp tự nhiên vừa làm giàu thêm cho vẻ đẹp vốn có của tâm hồn nghệ sĩ.

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện đường rừng của Lan Khai (Trang 33)