So sánh quy mô bức tranh đường rừng trong truyện Lan Khai với các tác giả

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện đường rừng của Lan Khai (Trang 49)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.1.So sánh quy mô bức tranh đường rừng trong truyện Lan Khai với các tác giả

với các tác giả khác

Đề tài miền núi là một mảng hiện thực vô cùng phong phú, đã thu hút nhiều cây bút hướng tới trong những năm 1930-1945. Những sáng tác của họ đã đem đến cho người đọc một thế giới rừng núi hoang vu, hiểm trở và đầy bí ẩn. Điều này đã thu hút được một lượng lớn độc giả tìm đến những tác phẩm

này. Từ đó những cây bút đường rừng ra đời như: Lan Khai, Thế Lữ, Đái Đức Tuấn, Lý Văn Sâm, Lưu Trọng Lư v.v…

Thế Lữ là một cây bút nổi tiếng với nhiều tác phẩm. Nhưng về đề tài miền núi ông chỉ có Vàng và máu. Không gian trong tác phẩm chật hẹp, chỉ miêu tả những gì diễn ra ngoài và trong động Văn Dú. Theo sự miêu tả của ông, cuộc sống của những người miền núi đầy sự tính toán, giết hại nhau để giành giật một cái gì đó. Nhà văn Đái Đức Tuấn thì quan tâm nhiều đến chi tiết giật gân, gây sốc, cho nên ít nhiều đã bỏ qua những khung cảnh nên thơ, những cảnh sống êm đềm, giản dị. Số lượng tác phẩm viết về đề tài này cũng chỉ có Thần HổAi hát giữa rừng khuya. Là một nhà văn ở miền Đông Nam Bộ, Lý Văn Sâm cũng có nhiều tác phẩm viết về đường rừng nổi tiếng như: Kòn Trô, Thần ngư động, Xác mu mi trên núi đá, Răng Sa Mát… So với Thế Lữ, Đái Đức Tuấn thì Lý Văn Sâm có số lượng tác phẩm nhiều hơn. Ông thường xây dựng hình tượng con người nghĩa hiệp, tìm đến rừng núi để thể hiện tự do như Kòn Trô, Châu Phiên,… Thiên nhiên trong những truyện đường rừng của Lý Văn Sâm cũng ẩn chứa đầy bí mật: “Mưa gào, gió thét. Muôn ngàn cây cao, tàn rậm vươn mình ra mà quay cuồng, nhảy múa trong bóng tối mênh mông. Thỉnh thoảng mới có lằn chớp xanh lòa lên chói mắt, rồi thì đêm tối lại trở về với sự âm u” [10, 487]. Đến với nhà văn này ta còn bắt gặp hình ảnh thiên nhiên gợi cảm: “Đôi khi là những bức tranh vừa hiện thực vừa lãng mạn của rừng núi với cảnh những trái núi đứng cheo leo trong một vùng khói xám, có gió đưa mây tỏa như những sợi khói trắng còn quyến luyến đỉnh núi trước khi tan vào khoảng không hư vô thăm thẳm” [29, 28].

Tiêu biểu cho những tác giả viết về đề tài rừng núi là Lan Khai với số lượng tác phẩm khá nhiều: Rừng khuya, Dấu ngựa trên sương, Tiếng gọi của rừng thẳm, Suối Đàn, Chiếc nỏ cánh dâu,… Ngoài những tác phẩm viết về đề tài rừng núi thì tiểu thuyết tâm lý xã hội hoặc những tiểu thuyết lịch sử cũng lấy bối cảnh là rừng núi. Đến với Lan Khai người đọc sẽ thấy một thiên nhiên

thơ mộng và gần gũi: “Trong lòng thung, lúa chín gục đầu dưới những hạt sương lấp lánh, suối chảy róc rách, tung bọt trắng lên những hòn đá phủ rêu xanh” [13, 569]. Thiên nhiên ở đây còn được tác giả miêu tả hết sức độc đáo: “Trên trời ràng rạng ánh trăng suông, mây đen ngổn ngang từng đám như những con quái vật nằm yên. Dựng lên đàng chân trời, rừng cây biến thành những khối lù lù bí mật. Không khí ráo hoảnh, hơi của tiếng động cũng rung lên như pha lê” [13, 574]. Khác với Thế Lữ, Đái Đức Tuấn, Lý Văn Sâm, bức tranh thiên nhiên trong tác phẩm của Lan Khai rộng lớn hơn. Ngoài cảnh rừng núi ông còn đưa vào tác phẩm của mình những khung cảnh của thành thị để người đọc có thể so sánh sự khác lạ “Xe ngựa chạy rầm rầm, rung cả cửa kính. Tiếng búa, lò rèn nện chí chát. Tiếng còi ô tô bóp in ỏi. Tiếng thùng sắt va lồng cồng… cuộc hòa nhạc của nơi đô hội bắt đầu” [13, 629]. Lan Khai ông rất am hiểu về các phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số như các lễ hội ném còn vào dịp xuân về hay lễ cúng được mùa: “Đàn bà con gái, đứng quây thành từng bọn, mặn mà tha thướt như những khóm hoa quý trong một cảnh vườn thượng uyển. Trên những mái tóc mây bóng nhoáng, những chiếc khăn thêu quấn chểnh mảng mà hữu tình. Cũng có người để đầu trần, chỉ cài sơ mấy cánh hoa rừng, nom lại càng mỹ miều khả ái vì đã phô hết được cái màu da đằm thắm, những cái trán sáng sủa, những cặp má hây hây, những nụ cười tươi, những cặp mắt lóng lánh dưới những nét liễu cong... Cổ và cổ tay người nào cũng nặng trĩu những vòng bạc”… [13, 593].

Ngoài các nhà văn viết truyện đường rừng tiêu biểu như: Thế Lữ, Lan Khai, Đái Đức Tuấn, Lý Văn Sâm, còn có sự đóng góp của các tác giả như Khái Hưng, Nhất Linh, Thanh Tịnh, Nguyễn Tuân, Hồ Dzếnh,… Tuy lượng sáng tác không nhiều nhưng các tác phẩm của họ đã góp phần làm phong phú thêm cho đề tài truyện đường rừng. Truyện Ngậm ngải tìm trầmTình trong câu hát của Thanh Tịnh có nhiều tình tiết ly kỳ. Không gian hẹp đã đặt các nhân vật rơi vào những khoảng cô đơn lạnh lẽo của cuộc đời, gây ấn

tượng khó quên. Những truyện Trên đỉnh non Tản, Cô Dó, Người tỉnh rượu đốt cháy rừng trúc của Nguyễn Tuân lại giàu nhạc tính, khi réo rắt, lúc trầm bổng, gợi cảm giác phiêu lãng về một thế giới mơ hồ, kỳ lạ. Những truyện

Trong bóng rừng của Hồ Dzếch, Ngọn gió rừng của Trần Thanh Mại như gợi ra trong ta những gì thương nhớ thuộc về dĩ vãng.

Như vậy, với lượng lớn tác phẩm viết về truyện đường rừng, Lan Khai đã cho ta thấy ông là người nghệ sĩ đầu tiên đã mở ra được bức màn bí mật của thế giới sơn lâm và đứng vững vàng trong "cái thế giới của riêng mình", vượt Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Đái Đức Tuấn, Lý Văn Sâm... trong cùng giai đoạn văn học 1930 - 1945 và đi trước Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Mạc Phi, Ma Văn Kháng, Vi Hồng, Nguyễn Huy Thiệp về mặt thời gian. Đọc các truyện đường rừng của Lan Khai, chúng ta thấy thế giới thiên nhiên, phong tục tập quán và con người miền núi trở nên gần gũi, gắn bó hơn và tìm thấy sự đồng cảm giữa con người với con người hơn trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện đường rừng của Lan Khai (Trang 49)