Những hình tượng con người mang bản chất tốt đẹp của núi rừng

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện đường rừng của Lan Khai (Trang 37)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.1.Những hình tượng con người mang bản chất tốt đẹp của núi rừng

Đó là hình ảnh của những chàng trai, cô gái của núi rừng. Họ sống hết mình với tuổi trẻ, yêu lao động, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống chung quanh và đặt biệt trong tình yêu, người con gái chủ động bày tỏ tình cảm của mình đối với chàng trai. Họ là những cô gái Tày ở bản suối Đàn, là những cô gái

Dao sống trong động Đèo Hoa, động Hồng Thầu… Mỗi nhân vật một hoàn cảnh khác nhau, tính cách khác nhau nhưng tất cả tập trung lại là một bức tranh chân thực về cuộc sống của người phư nữ miền núi.

Trong Rừng khuya Dua Phăn là một người con gái có vẻ đẹp thanh thoát của một nàng tiên chốn rừng xanh, yêu lao động. Cuộc tình giữa cô với Mai Kham thật hồn nhiên trong sáng, nhưng đã bị tên Chánh ỷ quyền thế chia cắt để chiếm đoạt cô về làm vợ. Khi đã nhận ra giá trị của tình yêu thì nàng đã cùng Mai Kham tự sát để được ở bên nhau và để bào toàn phẩm giá làm người. Tiếng gọi của rừng thẳm nói về mối tình tuyệt đẹp của đôi thanh niên người Dao Peng Lang và Cang Ngrào. Cang Ngrào là một thanh niên khỏe đẹp nhưng nhà nghèo. Sự xuất hiện của chàng trai người Kinh Hoài Anh giàu có đã xen vào mối tình của họ và cuộc tình ngây thơ, lầm lạc của cô gái Peng Lang với Hoài Anh kết cục không thành vì sự cảm nhận bề ngoài mà quên đi tình yêu đích thực. Yêu Hoài Anh cô đã dũng cảm vượt qua ranh giới của bản làng để đi theo nhịp đập của con tim, của sự khát khao hạnh phúc. Lòng tràn đầy hạnh phúc và mơ ước, hy vọng về một tương lai tươi đẹp cùng sánh bước bên chàng trai người Kinh về chốn thị thành. Nơi đây cô sẽ trở thành một “Bà chủ tiệm” giàu sang. Nhưng điều đó không làm cho Peng Lang thấy hạnh phúc, mà trái lại cô càng nhớ về rừng núi. Tình yêu, nỗi nhớ khắc khoải khôn nguôi ấy đã giúp Peng Lang nhận ra được chính mình, con người mình là con đẻ của rừng núi, của làng bản. Nên cô đã không nuối tiếc cuộc sống sôi động nơi phố phường, người con gái này đã trở về theo tiếng gọi của rừng thẳm: “Bước chân vào lối cũ, hai cha con xúc động bồi hồi. Mới đi ngày hôm qua mà tưởng đâu xa cách rừng cây đã mấy năm trường? Nhất là Peng Lang trông thấy vật gì cũng vồ vập như người lưu lạc khách đồng hương!... Hoài Anh! Peng Lang thở dài nhắc đến tên chàng lần cuối và thầm nghĩ: Chàng tử tế thật nhưng cảnh quê hương của tôi còn đáng yêu, đáng quý biết ngần nào!” [13, 631]. Đi theo tiếng gọi của tình yêu là thể hiện cuộc sống tự do yêu đương

của những người trẻ tuổi. Khi trở về với quê hương làng bản của mình, trở về với cuội nguồn, cũng đều là những tình cảm hồn nhiên. Peng Lang đã nhận ra cái giá trị đích tực của cuộc sống có ý nghĩa là quê hương xứ sở, là tình yêu, là sự giao cảm giữa hai tâm hồn trẻ cùng sự gắn bó tha thiết với núi rừng yêu dấu. Hình ảnh cô sơn nữ sinh đẹp vượt núi đèo hồn nhiên đi theo tiếng gọi của tình yêu, rồi lại hồn nhiên trở về với rừng thẳm cũng nói lên những điều rất thực trong cuộc sống con người. Lan Khai đã ghi lại được những nét chân thực sinh động về tâm hồn, tính cách của con người miền núi. Những con người luôn gắn bó với môi trường sống, gắn bó với rừng xanh yêu thương. Nơi ấy, môi trường thiên nhiên rất tươi đẹp và hào phóng đã nuôi dưỡng con người sẽ là nơi đầu tiên và cũng là nơi cuối cùng của mỗi con người.

Đọc những truyện đường rừng của Lan Khai ta thấy con người miền núi hiện lên thật sống động như trong tiểu thuyết Đỉnh non thần. Nhạn là một người phư nữ đẹp, từ ngoại hình đến nội tâm đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Xinh đẹp, trẻ trung có cá tính, Nhạn có cá tính rất mạnh mẽ và một sở thích của người thanh niên “ham mê võ nghệ”, “thích cưỡi ngựa bắn tên”, “thích những cuộc phiêu lưu oanh liệt”. Niềm say mê đó cũng chính là một phần tính cách của người miền núi nói chung và Nhạn nói riêng. Đồng thời còn biểu hiện cho sức mạnh vốn có của người miền núi. Với Nhạn vẻ đẹp thân thể còn được ánh lên từ dáng vẻ “yêu kiều như tơ liễu đương xuân” từ “làn da trắng như ngọc” từ “cặp mắt bồ câu lượn sóng dưới đôi mày uốn cong hình bán nguyêt” cùng “làn tóc mây” “buông xõa” ôm lấy bờ “cổ tròn, cao và trắng”. Nhưng đằng sau cái vẻ đẹp “cao quý, êm ái như hoa rừng” là cả một thế giới tâm hồn phong phú tràn đầy sức sống, một sức sống mãnh liệt, khi âm ỉ, khi bùng cháy và không có gì dập tắt nổi, ngay cả khi Nhạn phải đối mặt với một sự thật đau đớn, sống trong sự giằng xé giữa tình thương và tội lỗi, giữa những tình cảm trái ngược nhau. Một bên là người cha của nàng còn một bên là người yêu. Nhạn đau khổ, nhưng biết vượt lên trên cảnh ngộ éo le, để

đi đến những hành động thể hiện rõ phẩm chất đạo đức, tình cảm lớn lao của mình. Nàng đã bất chấp mọi nguy hiểm mà một mình đến động Phù Hiên để cứu cha mình đang bị giam giữ trong hang sâu. Hành động đó của Nhạn thể hiện chiều sâu tâm lý một con người, thương yêu cha mẹ luôn là bổn phận của con cái. Đến với hình ảnh Nhạn người đọc thấy vẻ đẹp con người cô còn được tỏ sáng bởi một tình cảm, tình yêu say đắm thủy chung son sắt với người mình yêu. Đây cũng là một trong những yếu tố làm nên vẻ đẹp của tâm hồn cô. Nhạn được Tuyết Hận cứu thoát từ bàn tay của kẻ thù, từ kính phục đến đem lòng yêu mến. Nhưng khi tình yêu bắt đầu thì đúng là lúc nàng nhận ra mối thâm thù giữa hai dòng họ. Giờ đây nàng không còn được sống những ngày thanh thản vui tươi mà phải sống trong tâm trạng khổ đau: “Trời có thể nào như vậy được! Chàng đã cứu nàng khỏi nhục… nàng đã yêu bằng mối tình đầu tiên ấy là kẻ thù của cha nàng ư?” [14, 379]. Tuyết Hận sẽ giết cha nàng ư? Nàng sẽ cảm thấy đau đớn vì tình cảm của nàng phải đặt giữa ngã ba của sự chia cắt. Trong lòng Nhạn lúc này là cả một mâu thuẫn lớn tưởng như không thể nào giải tỏa. Nhưng tình yêu đã làm nên sức mạnh diệu kỳ, đã giúp Nhạn tìm lại được chính mình. Tìm lại được tình cảm đích thực trong lòng mình: “Càng nghĩ đến Tuyết Hận là kẻ thù, Nhạn Kinh ngạc thấy lòng mình càng yêu thiếu niên khôn tả xiết, yêu ngây ngất giữa khi quanh nàng hết thảy là những hiểm nguy nếu không là tuyệt vọng” [14, 380]. Tình cảm chân thành của lòng người đã hướng cho tâm hồn con người ta đến với một tầm cao mới “Khi lòng nàng yêu say đắm cuộc đời nàng lúc ấy chỉ có hai mục đích chính: Làm cách nào để giải tỏa được cái oan nghiệt của hai nhà; hết sức tránh cho sự đổ máu cho lòng nàng khỏi vỡ nát” [14, 401]. Từ đó cho thấy Nhạn là một người biết hy sinh cái riêng để hướng đến cái chung, hướng đến cái đẹp của cộng đồng. Lan Khai không chỉ đem đến cho người đọc cái nhìn chính xác về cuộc sống con người miền núi với những vẻ đẹp khác nhau ở trong mỗi con người, mà đồng thời qua đó còn hướng tới một quan niệm mới về tình yêu

đích thực, với lòng thủy chung son sắt cùng một khát vọng chân chính sẽ luôn là điểm tựa vững chắc để con người vượt lên mọi khó khăn để đến với bến bờ hạnh phúc.

Bên cạnh hình tượng người phụ nữ mang vẻ đẹp của núi rừng, Lan Khai cũng rất quan tâm miêu tả chân dung những chàng trai. Họ là những người dân lao động, những người con ưu tú của rừng thẳm vừa mang trong mình phẩm chất đẹp để có sức sống tươi trẻ, khỏe khoắn có những nét riêng về thế giới tâm hồn. Tất cả những phẩm chất đó đem đến cho bạn đọc một cái nhìn gần gũi và yêu mến.

Tiêu biểu cho những chàng trai miền núi là Mai Kham, một người Dao khỏe đẹp hát hay, có đời sống nội tâm phong phú, yêu quê hương làng bản là một người đa cảm yêu cảnh vật: “Mai Kham mỗi lần đánh trâu xuống tắm vẫn tần ngần nhìn suối nước thao thao, cuồn cuộn như mải miết đi tìm bờ mộng, bến xa…” [13, 486]. Anh đến với tình yêu chân thành và dũng cảm sẵn sàng chết cùng người mình yêu. Trong Tiếng gọi của rừng thẳm Cang Ngào cũng là một chàng trai có thân hình khỏe mạnh, say lao động, yêu cô gái Peng Lang cùng đông Đèo Hoa một cách chân thành, có diễn biến tâm lý phức tạp, đau khổ xót xa khi người yêu lạc bước. Sống thủy chung với tình yêu và cũng chết vì tình yêu. Cũng viết về người trai ở miền núi, Lan Khai cũng rất thành công với nhân vật Tuyết Hận, là một người có cá tính, có đời sống nội tâm phong phú lại vừa mang phẩm chất tốt đẹp. Vốn là một chàng trai người Dao sống ở động Phù Hiên tinh thông võ nghệ, có sức khỏe và luôn có tinh thần hiệp nghĩa. Cho nên, một mình bất chấp mọi nguy hiểm: “Tuyết Hận lăn xả vào đánh tan bọn giặc cứu người thiếu nữ”. Tinh thần ấy còn được tỏa sáng khi anh đem tài sức của mình vào lực lượng cần vương chống Pháp với một tinh thần quyết chiến: “Chàng xông pha trong các cuộc chiến đấu cùng đoàn quân của mình thu được nhiều chiến tích vinh quang. Những khi cần phải trèo thành, phá lũy, những khi cần đến người đi làm một việc nguy hiểm, thì tuyết

Hận bao giờ cũng đứng lên trước” [14, 476]. Sống và chiến đấu cho chính nghĩa đã làm nên vẻ đẹp cho tính cách chàng trai miền sơn cước. Hình tượng Tuyết Hận không dừng lại ở cái vẻ bên ngoài mà nó còn thể hiện ở cả bên trong bởi tâm hồn trong sáng và cao thượng của mình. Khi biết mẹ mình có lỗi với gia đình và dòng họ, Tuyết Hận vô cùng đau đớn. Tuyết Hận không ghét bỏ mẹ mà luôn tìm mọi cách để cứu mẹ thoát khỏi sự nguy hiểm. Đó là tấm lòng hiếu thảo của một người con, nó đã làm tăng thêm vẻ đẹp cho tâm hồn trong sáng của chàng trai này. Ở Tuyết Hận còn có một tình yêu thủy chung, trong sáng với nàng Nhạn. Ngay cả khi tình yêu này bị ngăn cách bởi sự thù hận giữa hai nhà, Tuyết Hân vẫn vượt qua tất cả để đến với tình yêu của mình. Và cuối cùng bằng nghị lực Tuyết Hận đã gặp lại được người con gái xinh đẹp người yêu của chàng. Bên cạnh nhân vật Tuyết Hận trong Đỉnh non thần ta còn bắt gặp một nhân vật cũng rất ấn tượng đó là Bàn Tựu Nghĩa, một trang dũng sĩ có dáng vẻ bề ngoài mang những nét rất riêng, Với thân hình lực lưỡng cao lớn, giọng nói vang như sấm cùng với: “Khuôn mặt chữ điền bạnh ra một cái quai hàm thước thợ lúc nào cũng nhăn rúm lại như mặt đười ươi vì má bên trái có một cái sẹo sâu hoắm. Hai mắt vừa to vừa đáng sợ. Chòm râu oai nón điểm bạc che khuất cả mồm….nhưng cái ngực vuông bánh chưng nổi rõ hẳn dưới lần vải áo và chân tay to như chân tay hộ pháp” [14, 423]. Bên cạnh vẻ ngoài rất riêng thì những tính cách gan góc, táo bạo, nhanh nhẹn, dũng cảm và sáng suốt là những nét phẩm chất cao đẹp tạo nên chân dung con người này. Bàn Tựu Nghĩa đã một mình xông thẳng vào ổ của kẻ thù để báo thù cho chủ đã chứng tỏ lòng can đảm phi thường. Chỉ trong chớp mắt: “Một tiếng vang như sấm”, Ma Vạn Thắng đầu đã lìa khỏi cổ. Ngoài tinh thần dũng cảm thì yếu tố bình tĩnh sáng suốt mưu trí cũng là nét tính cách luôn được Tựu Nghĩa phát huy để chống lại kẻ thù trong lúc bị truy đuổi. Tựu Nghĩa đã rất bình tĩnh dùng thanh gươm: “cắt phăng chòm râu”, “thay đổi áo quần”, cải trang hình dáng khiến kẻ thù không thể phát hiện ra. Tất cả những

gì Bàn Tựu Nghĩa đã thể hiện ở đây chứng tỏ ông là một vị tướng tài giỏi. Bên cạnh những nhân vật mang phẩm chất tốt đẹp của núi rừng còn có Tum Đìang trong tác phẩm Dấu ngựa trên sương là một thanh niên hiền lành chất phác say mê lao động với mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói. Tum Đìang đã lao vào cuộc sống mưu sinh đầy vất vả nhưng cái đói nghèo vẫn bám lấy. Cũng chính cảnh nghèo đói đã cướp đi người cha thân yêu của anh giờ đây anh đã trở thành trụ cột của gia đình: vừa lo nuôi sống mình và nuôi sống em gái, vừa lo trả nợ nần. Cuộc đời thật nghiệt ngã, cướp đi khát vọng nhỏ bé của con người.

Bằng bút pháp nghệ thuật của mình Lan Khai đã miêu tả khá thành công hình tượng các chàng trai, cô gái với từng dáng vẻ số phận khác nhau. Đó là những bức tranh chân thật, tiêu biểu cho vẻ đẹp của núi rừng. Tuy ở những hoàn cảnh khác nhau nhưng giữa họ có một nét phẩm chất tốt đẹp đó là sống hết mình, yêu lao động, hồn nhiên vui tươi cùng tạo nên một nét đẹp cho miền sơn cước.

Một phần của tài liệu Đặc sắc nghệ thuật truyện đường rừng của Lan Khai (Trang 37)