Có 2 kỹ thuật lấy mẫu đó là kỹ thuật lấy mẫu xác suất và kỹ thuật lấy mẫu phi xác suất [27].
a) Kỹ thuật lấy mẫu xác suất, có các phương pháp sau:
- Lấy mẫu ngẫu nhiên đơn giản: Là phương pháp chọn mẫu trong đó mỗi đơn vị của tổng thể được chọn với sự ngẫu nhiên như nhau.
- Lấy mẫu hệ thống: Là phương pháp chỉ cần chọn ra một con số ngẫu nhiên là có thể xác định được tất cả các đơn vị mẫu cần lấy ra từ danh sách chọn mẫu. - Lấy mẫu cả khối/cụm và lấy mẫu nhiều giai đoạn: Với phương pháp lấy mẫu này, đầu tiên tổng thể được chia thành nhiều khối, mỗi khối được coi là một tổng thể con, lấy mẫu ngẫu nhiên m khối, sau đó khảo sát hết các đối tượng trong m mẫu được lấy ra. Trong thực tế, sau khi lựa chọn được m mẫu thì trong mỗi khối chọn ra chỉ khảo sát một đơn vị trong khối này mà thôi. Lúc này, mỗi khối sẽ là đơn vị mẫu bậc một.
- Lấy mẫu phân tầng: Sử dụng phương pháp lấy mẫu phân tầng khi các đơn vị khác nhau nhiều về tính chất liên quan đến vấn đề nghiên cứu và khảo sát. Phương pháp này, tổng thể nghiên cứu được chia thành các tầng lớp, mục tiêu là để các giá trị của các đối tượng tổng thể ta quan tâm thuộc cùng một tầng càng ít khác nhau càng tốt. Sau đó các đơn vị mẫu được chọn từ các tầng này theo các phương pháp lấy mẫu xác suất thông thường như lấy mẫu ngẫu nhiên đơn giản hay lấy mẫu hệ thống.
b) Kỹ thuật lấy mẫu phi xác suất, có các phương pháp sau:
- Lấy mẫu thuận tiện: Phương pháp này được sử dụng trong nghiên cứu khám phá. Mẫu thuận tiện còn được dùng trong trường hợp muốn có được một ước lượng sơ bộ về kết quả mà người nghiên cứu quan tâm mà không muốn mất nhiều thời gian, chi phí. Lấy mẫu bằng cách đến những nơi mà có nhiều khả năng gặp được đối tượng cần thiết để khai thác thông tin nếu cảm thấy tiện lợi. - Lấy mẫu định mức: Phương pháp lấy mẫu định mức tương tự như lấy mẫu xác suất phân tầng ở chỗ đầu tiên người nghiên cứu phải phân chia tổng thể nghiên cứu thành các tầng. Điểm khác biệt cơ bản là trong từng tổng thể con những người phỏng vấn được chọn mẫu tại hiện trường theo cách thuận tiện hay phán đoán, trong khi trong mỗi tầng của chọn mẫu phân tầng thì các đơn vị mẫu được chọn ra theo kiểu xác suất.
- Lấy mẫu phán đoán: Trong phương pháp lấy mẫu phán đoán thì người nghiên cứu chính là người quyết định sự thích hợp của các đối tượng để mời họ tham gia vào mẫu khảo sát. Tính đại diện của mẫu khảo sát sẽ phụ thuộc nhiều vào vào kiến thức, kinh nghiệm người nghiên cứu và người thu thập dữ liệu.
Từ các phương pháp lấy mẫu nêu trên và đặc điểm của tổng thể và cân nhắc những điều kiện giới hạn về tài chính và thời gian thực hiện nên tác giả lựa chọn phương pháp lấy mẫu thuận tiện.