Khái niệm: Quản lý thời gian là biết hoạch định thời gian của mình với những mục tiêu và những nhiệm vụ thật cụ thể. Quản lý thời gian không có nghĩa luôn tiết kiệm thời gian mà là biết làm chủ quỹ thời gian của mình một cách khoa học và hợp lý [11].
Quản lý thời gian không chỉ đơn thuần là vấn đề thời gian, mà đó là cách chúng ta quản lý bản thân mình trong mối quan hệ với thời gian. Điều này có nghĩa là phải thay đổi những thói quen và hoạt động làm lãng phí thời gian. Đó là việc sẵn sàng thử nghiệm các phương pháp và ý tưởng khác nhau, cho phép bạn tìm ra cách tốt nhất để sử dụng tối đa quỹ thời gian hạn hẹp của bạn [11].
Để quản lý thời gian hiệu quả, chúng ta cần thực hiện tốt những điều sau đây:
Thiết lập mục tiêu: Để bắt đầu quản lý thời gian một cách hiệu quả, chúng ta cần đặt ra mục tiêu cho mình. Một khi hiểu rõ cái cần đạt được, chúng ta sẽ biết chính xác điều cần phải làm và theo thứ tự nào. Nhưng một khi không đặt ra mục tiêu đúng đắn, chúng ta sẽ phải phí thời gian với những mâu thuẫn trong công việc và sẽ làm rối tung chúng lên. Nhiều người có khuynh hướng lờ đi việc thiết lập mục tiêu bởi vì nó cần thời gian và nỗ lực. Họ không biết rằng nếu đầu tư một chút cho việc này, lại tiết kiệm được một khối lượng khổng lồ thời gian, nỗ lực và cả sự thất bại trong tương lai.
Sắp xếp thứ tự ưu tiên: Lập thứ tự ưu tiên cho công việc rất quan trọng. Không có nó, chúng ta có thể làm cật lực nhưng sẽ không đạt được những kết quả như mong muốn. Bởi vì cái chúng ta đang làm không có tầm quan trọng chiến lược. Để làm việc hiệu quả, chúng ta cần làm trước những việc quan trọng nhất. Bằng cách này ta sẽ không phải gào thét khi công việc trở nên khẩn cấp, sắp tới hạn chót phải hoàn thành. Để bắt đầu xác định ưu tiên cho công việc, chúng ta cần tìm hiểu về: Bảng ghi chép hoạt động – thiết lập danh sách những việc ưu tiên – xác định ưu tiên theo các cấp độ
+ Những việc quan trọng và khẩn cấp
+ Những việc quan trọng nhưng không khẩn cấp + Những việc không quan trọng nhưng khẩn cấp + Những việc không quan trọng và không khẩn cấp
Chúng ta cần ưu tiên cho những công việc quan trọng và khẩn cấp trước, sau đó mới đến những công việc quan trọng nhưng không khẩn cấp, cuối cùng mới đến những công việc không quan trọng nhưng khẩn cấp và việc không quan trọng và
không khẩn cấp.
Vượt qua sự trì hoãn: “Công việc này để làm sau nhé” sau nhiều lần “Để làm sau” lượng công việc dồn lại ngày càng nhiều và cuối cùng là không thể nào giải quyết được. Sự trì hoãn giống như lời cám dỗ chết người. Cách tốt nhất để đánh bại nó là chúng ta phải nhận thức được rằng liệu chúng ta có thật sự cần phải trì hoãn công việc lại hay không, sau đó tìm ra lý do. Một khi chúng ta biết được tại sao chúng ta hay trì hoãn công việc thì từ đó chúng ta có thể lập kế hoạch để đánh bại thói quen xấu này.
Lên kế hoạch cụ thể: Quản lý thời gian chịu ảnh hưởng nhiều bởi việc lên lịch sử dụng thời gian của chính mình. Khi biết được mục tiêu và những việc thiết yếu cần thực hiện. Điều tiếp theo chúng ta phải làm là lập kế hoạch để đảm bảo luôn đi đúng hướng và giúp bạn tránh khỏi những áp lực công việc. Chúng ta không những phải lên kế hoạch nhiệm vụ với độ ưu tiên, mà còn phải dự tính trước cho những khoảng thời gian bị gián đoạn và bị sao nhãng do những việc xảy ra không nằm trong kế hoạch, nếu không chúng ta sẽ bị xáo trộn với kế hoạch của mình. Bằng cách lên kế hoạch hợp lý hỗ trợ việc đạt được mục tiêu của mình, ta sẽ có sự kết hợp đầy thuyết phục rằng: “Tôi sẽ kiểm soát được quỹ thời gian và giữ cho cuộc sống của mình luôn cân bằng”
Như vậy, quản lý thời gian là kỹ năng thiết yếu giúp mọi người kiểm soát được công việc của mình, cũng như hạn chế tối đa stress do công việc gây ra. Đặc biệt là đối tượng sinh viên, những người sắp bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời, cần có kỹ năng quản lý thời gian tốt để kiểm soát được mục tiêu và mục đích mà mình đã đặt ra. Nếu biết cách quản lý tốt thời gian hiệu quả thì chắc chắn, sinh viên sẽ từng bước đạt được những mục tiêu và mục đích của mình một cách dễ dàng.