1.3.1. Sự phát triển thể chất
Sự phát triển về thể chất của sinh viên trong thời kỳ này đã hoàn thành và ổn định sau những biến động sâu sắc của tuổi dậy thì. Đến tuổi 25 thì sự phát triển về thể chất của con người đã đạt đến mức hoàn thiện. Điều này được thể hiện ở những điểm cơ bản sau
Về mặt hình thể: Sinh viên lứa tuổi này đã đạt được sự hoàn chỉnh về cấu trúc và sự phối hợp giữa các chức năng của cơ thể. Cụ thể như sau
- Sinh viên đạt được 9/10 chiều cao và 2/3 trọng lượng cơ thể của người trưởng thành.
- Là giai đoạn phát triển ổn định, đồng đều về hệ xương và cơ bắp. Điều này góp phần tạo nên nét đẹp hoàn mỹ ở người thanh niên sinh viên.
- Các tố chất về thể lực như: Sức nhanh, sức bền bỉ, độ dẻo dai, linh hoạt đều phát triển mạnh nhờ sự phát triển của các tuyến nội tiết cũng như sự tăng trưởng của các hoocmôn nam và nữ.
- Giai đoạn này có sự hoàn chỉnh về mặt giới tính do hoocmôn sinh trưởng của nam và nữ tăng lên 10-15 lần và sự tăng này sẽ giúp cho hoocmôn sinh trưởng của nam áp đảo tác dụng một phần hoocmôn sinh trưởng nữ còn sót lại trong cơ thể và hoocmôn sinh trưởng của nữ sẽ áp đảo lại tác dụng một phần hoocmôn sinh trưởng nam còn sót lại trong cơ thể. Vì vậy, giới tính ở lứa tuổi này đã được phân biệt rõ và phát triển đầy đủ ở mỗi giới, cả về biểu hiện ngoại hình lẫn biểu hiện nội tiết [9].
mức tối đa (trung bình não có trọng lượng là 1400gram), số lượng nơron thần kinh đạt mức cao nhất với chất lượng hoàn hảo nhờ quá trình myêlin hoá cao độ. Ở thời kỳ này, các tế bào thần kinh không có khả năng sản sinh thêm mà chỉ mất dần đi mà thôi.
Số lượng xi náp của các tế bào thần kinh đảm bảo cho một sự liên lạc rộng khắp, chi tiết, tinh tế và linh hoạt giữa vô số các kênh làm cho hoạt động của não bộ trở nên nhanh, nhạy, chính xác đặc biệt so với các lứa tuổi khác.
Như vậy, sự phát triển hoàn thiện về mặt thể chất của lứa tuổi thanh niên sinh viên tạo điều kiện cho các em có sự thành công trong học tập, nghệ thuật và thể thao [9].
1.3.2. Đặc điểm tâm lý cơ bản của sinh viên
Sự thích nghi của sinh viên với cuộc sống và hoạt động mới
Bước chân vào trường đại học, một cuộc sống học tập và xã hội mới ngày càng mở rộng ra trước mắt sinh viên. Trong môi trường mới này, để hoạt động học tập có kết quả đòi hỏi sinh viên phải có sự thích nghi với các hoạt động diễn ra trong trường đại học. Quá trình thích nghi này chủ yếu tập trung ở các mặt
- Nội dung học tập mang tính chuyên ngành.
- Phương pháp học tập mới mang tính nghiên cứu khoa học. - Môi trường sinh hoạt mở rộng.
- Nội dung và cách thức giao tiếp phong phú và đa dạng, vv…
Tuy nhiên các công trình nghiên cứu cũng cho thấy, sau một thời gian học tập ở trường đại học đa số sinh viên thích ứng khá nhanh chóng với môi trường xã hội mới. Khó khăn có tính chất bao trùm hơn cả là việc thích nghi được với nội dung, phương pháp học tập mới có tính chất nghiên cứu khoa học và học nghề đối với những chuyên gia tương lai. Mức độ thích nghi này có ảnh hưởng trực tiếp tới thành công trong học tập của sinh viên. Ở đây, bản thân người sinh viên gặp phải một loạt các mâu thuẫn cần giải quyết như:
- Mâu thuẫn giữa ước mơ, mong muốn của sinh sinh với khả năng thực hiện ước mơ đó.
- Mâu thuẫn giữa mong muốn học tập, nghiên cứu sâu môn học mà mình yêu thích với yêu cầu phải thực hiện toàn bộ chương trình học theo thời gian biểu nhất định.
- Mâu thuẫn giữa lượng thông tin nhiều trong xã hội với khả năng và thời gian có hạn.
Để phát triển, sinh viên phải biết giải quyết các mâu thuẫn này một cách hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của sinh viên [9].
Sự phát triển về nhận thức, trí tuệ của sinh viên
Hoạt động nhận thức của sinh viên thực sự là loại hoạt động trí tuệ đích thực, cường độ cao và có tính lựa chọn rõ rệt. Hoạt động trí tuệ này lấy những sự kiện của quá trình nhận thức cảm tính làm cơ sở, song các thao tác trí tuệ đã phát triển ở trình độ cao và đặc biệt có sự phối hợp nhịp nhàng, tinh tế, uyển chuyển và linh hoạt theo từng tình huống có vấn đề. Do vậy, đa số sinh viên lĩnh hội nhanh nhạy, sắc bén những vấn đề mà giáo viên trình bày. Họ thường ít thoả mãn với những gì đã biết, luôn mong muốn đào sâu suy nghĩ để nắm vững vấn đề hơn.
Trong quá trình tiến hành hoạt động học tập, tính chất chọn lọc của tri giác ở sinh viên rất cao. Sinh viên thường tri giác những tài liệu học tập liên quan tới hứng thú nhận thức và có ích cho hoạt động nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, các quá trình trí nhớ thường diễn ra trong suốt quá trình học tập của sinh viên. Nhờ có trí nhớ, sinh viên tích luỹ được tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng kỹ xảo nghề nghiệp tương lai.
Quá trình tư duy của sinh viên khác về chất so với các lứa tuổi trước. Sinh viên biết tự đặt ra vấn đề, tự tìm cách giải quyết vấn đề theo nhiều phương hướng khác nhau, có ý chí theo đuổi mục đích đến cùng và có khả năng tự đánh giá kết quả tìm được. Phẩm chất tư duy sáng tạo cũng được bộc lộ trong hoạt động học tập của sinh viên. Sinh viên biết vượt ra khỏi giới hạn những tài liệu cơ bản, tìm thấy mối liên hệ mới giữa các đối tượng. Sinh viên biết huy động hợp lý, rộng rãi các tri thức và kinh nghiệm để giải quyết vấn đề [9].
Nhân cách sinh viên là nhân cách của con người trẻ đang được chuẩn bị để thực hiện chức năng người lao động có trình độ nghiệp vụ cao trong một lĩnh vực hoạt động nào đó của xã hội. Sự phát triển nhân cách người sinh viên được diễn ra theo các hướng cơ bản sau
- Niềm tin, xu hướng nghề nghiệp và các năng lực cần thiết được củng cố và phát triển.
- Các quá trình tâm lý, đặc biệt là quá trình nhận thức được nghề nghiệp hoá. - Tình cảm nghĩa vụ, tinh thần trách nhiệm, tính độc lập được nâng cao, cá tính và lập trường sống của các thành viên được bộc lộ rõ rệt.
- Mong ước đối với nghề nghiệp tương lai được phát triển.
- Sự trưởng thành về mặt xã hội, các phẩm chất nghề nghiệp và sự ổn định chung về nhân cách được phát triển.
- Khả năng tự giáo dục của sinh viên được nâng cao.
- Tính độc lập và tinh thần sẵn sàng hoạt động nghề nghiệp tương lai được củng cố.
Như vậy, qua việc tìm hiểu xu hướng phát triển nhân cách của người sinh viên chúng ta thấy, nhân cách sinh viên được bộc lộ, hình thành và phát triển trong hoạt động và thông qua hoạt động.
Sự phát triển tự đánh giá, tự ý thức và tự giáo dục của sinh viên
Tự đánh giá ở tuổi sinh viên là một dạng hoạt động nhận thức, trong đó đối tượng nhận thức chính là bản thân chủ thể, là quá trình chủ thể thu thập, xử lý thông tin về chính mình, chỉ ra được mức độ nhân cách tồn tại ở bản thân, từ đó có thái độ, hành vi, hoạt động phù hợp nhằm tự điều chỉnh, tự giáo dục để hoàn thiện và phát triển.
Tự ý thức là một trình độ phát triển cao của ý thức, nó giúp sinh viên có hiểu biết về thái độ, hành vi, cử chỉ của mình để chủ động hướng hoạt động của mình theo những yêu cầu đòi hỏi của tập thể, của cộng đồng xã hội.
Các công trình nghiên cứu về tự ý thức, tự đánh giá ở sinh viên cho thấy, mức độ phát triển của những phẩm chất nhân cách này có liên quan tới học lực cũng như
kế hoạch sống tương lai của sinh viên. Những sinh viên có kết quả học tập cao thường chủ động, tích cực trong việc tự nhìn nhận, tự đánh giá, tự kiểm tra hành động, thái độ cư xử, cử chỉ giao tiếp để hướng tới những thành tựu khoa học, lập kế hoạch học tập, nghiên cứu khoa học một cách cụ thể nhằm tự hoàn thiện bản thân. Những sinh viên có kết quả học tập thấp dễ tự đánh giá bản thân không phù hợp. Có những sinh viên tự đánh giá bản thân mình quá cao, thường bị động trong học tập, nhu cầu giao tiếp mạnh hơn nhu cầu nhận thức và hoạt động của họ hướng chủ yếu vào các mối quan hệ. Ngược lại, có một số sinh viên lại đánh giá mình quá thấp, thường bi quan trước kết quả hoạt động, thụ động trong quan hệ giao tiếp với bạn bè, họ ít phấn đấu vươn lên trong học tập nên việc tự giáo dục, tự hoàn thiện đạt mức thấp.
Tóm lại, tự đánh giá về mức độ trí tuệ là thành phần quan trọng trong tự ý thức, tự giáo dục ở sinh viên. Những sinh viên tự đánh giá mình quá thấp về mặt này thường gây khó khăn cho họ trong quá trình học tập. Vì vậy, cần giúp những sinh viên này thay đổi sự tự đánh giá ở mức lạc quan, tự tin hơn. tạo điều kiện cho sự vươn lên trong học tập, phấn đấu, rèn luyện nhân cách.
Đặc điểm hoạt động học tập của sinh viên
Hoạt động học tập tiếp tục giữ vị trí quan trọng ở tuổi thanh niên, sinh viên, nhưng hoạt động này mang tính chuyên ngành, phạm vi hẹp nhưng sâu sắc hơn. Sinh viên học tập để tiếp thu các tri thức khoa học, hình thành kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp, phát triển những phẩm chất nhân cách.
Sinh viên không những phải nắm vững tri thức, kỹ năng, kỹ xảo… mà sinh viên còn phải có khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề, khả năng diễn đạt ý tưởng, biết cách tổ chức và xử lý thông tin… Điều này đòi hỏi hoạt động học tập của sinh viên phải tăng cường tính chủ động, tự giác, tích cực, độc lập và sáng tạo nhiều hơn trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Vì vậy, tự học và nghiên cứu khoa học là hoạt động đặc trưng ở bậc đại học.
Ngoài ra hình thức tổ chức dạy và học của nhà trường, phương pháp giảng dạy của giảng viên linh động, mềm dẻo… nhằm hình thành và rèn luyện cho sinh viên
các kỹ năng. Trong đó, dạy và học theo nhóm là một trong những hoạt động học tập giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng tự học thông qua hoạt động nhóm.
Sự phát triển về định hướng giá trị ở sinh viên
Định hướng giá trị của sinh viên liên quan mật thiết với xu hướng nhân cách và kế hoạch đường đời. Với sinh viên, ước mơ, hoài bão, lý tưởng của tuổi thanh xuân dần dần được hiện thực, được điều chỉnh trong quá trình học tập ở trường đại học. Tính viển vông, huyễn tưởng nhường chỗ cho kế hoạch đường đời cụ thể do việc học để trở thành người có nghề nghiệp đã được xác định rõ ràng. Sinh viên không chỉ đặt ra kế hoạch đường đời cho mình mà còn tìm cách để thực hiện kế hoạch đó theo những giai đoạn nhất định.
Sinh viên là những người giàu nghị lực, giàu ước mơ và hoài bão. Tuy nhiên, do quy luật phát triển không đồng đều về tâm lý, do điều kiện, hoàn cảnh sống và giáo dục khác nhau nên không phải bất cứ sinh viên nào cũng được phát triển ở mức tối ưu. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào định hướng đúng đắn cũng như tính tích cực hoạt động của bản thân mỗi sinh viên. Ở giai đoạn này, sự chi phối của thế giới quan và nhân sinh quan đối với hoạt động của sinh viên đã thể hiện rõ rệt. Những sinh viên có sự nhìn nhận đúng đắn, khoa học về sự phát triển của thế giới tự nhiên, xã hội và con người sẽ có những kế hoạch đường đời phù hợp, có mục tiêu phấn đấu rõ ràng và thường trở thành những người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Đời sống xúc cảm tình cảm của sinh viên
Theo B.G.Ananhep và các nhà tâm lý học khác, tuổi sinh viên là thời kỳ phát triển tích cực nhất của những loại tình cảm cao cấp như tình cảm trí tuệ, tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mỹ. Những tình cảm này biểu hiện rất phong phú trong hoạt động và trong đời sống sinh viên. Đặc điểm của nó là tính có hệ thống và bền vững so với thời kỳ trước đó. Hầu hết sinh viên biểu lộ sự chăm chỉ, say mê của mình với chuyên ngành và nghề nghiệp đã chọn. Để thoả mãn tình cảm trí tuệ, họ học tập không chỉ ở giảng đường và thư viện trường đại học mà còn tự học thêm, tham gia các khoá học khác… Chính tình cảm trí tuệ này làm cho lượng tri thức mà sinh viên
tích luỹ được thường rất lớn, vượt xa những sinh viên không có loại tình cảm này về mọi mặt.
Tình bạn cùng giới và khác giới ở tuổi sinh viên tiếp tục phát triển theo chiều sâu. Những bạn bè thời trung học phổ thông tiếp tục chiếm vị trí quan trọng trong đời sống sinh viên. Bên cạnh đó, việc hình thành những tình bạn mới ở trường đại học cũng không kém phần bền vững. Tình bạn ở tuổi sinh viên làm phong phú thêm tâm hồn, nhân cách của sinh viên.
Bên cạnh tình bạn, tình yêu nam nữ ở tuổi sinh viên là một lĩnh vực rất đặc trưng. Loại tình cảm này có mầm mống ở giai đoạn dậy thì, có sự thể nghiệm ở giai đoạn đầu tuổi thanh niên và đến thời kỳ này thì phát triển với một sắc thái mới. Nhìn chung, tình yêu nam nữ ở lứa tuổi sinh viên rất đẹp và lãng mạn. Song loại tình cảm này cũng thể hiện không đồng đều ở sinh viên do hoàn cảnh, điều kiện và kế hoạch đường đời của mỗi người khác nhau [9].
Tóm lại, viên có độ tuổi từ 18 đến 25, là giai đoạn chuyển từ sự chín muồi về thể lực sang sự trưởng thành về phương diện tâm lý – xã hội. Lứa tuổi này được đánh giá là thời kỳ phát triển tích cực nhất về tình cảm, đạo đức và thẩm mĩ; là giai đoạn hình thành và ổn định tính cách. Đặc biệt là sinh viên đã có vai trò người lớn thực sự. Sinh viên có kế hoạch riêng cho hoạt động của mình, chịu trách nhiệm về hành vi và độc lập trong phán đoán.
1.4. Một số kỹ năng sống cần thiết đối với sinh viên
Trong quá trình khảo sát ban đầu, chúng tôi đã đưa ra 20 kỹ năng sống cần thiết đối với sinh viên để khảo sát. Kết quả thu lại cho thấy có 5 kỹ năng đã được sinh viên đánh giá là quan trọng và cần thiết đối với sinh viên, đó chính là những 5 kỹ năng sau đây:
1.4.1. Kỹ năng quản lý thời gian
Khái niệm: Quản lý thời gian là biết hoạch định thời gian của mình với những mục tiêu và những nhiệm vụ thật cụ thể. Quản lý thời gian không có nghĩa luôn tiết kiệm thời gian mà là biết làm chủ quỹ thời gian của mình một cách khoa học và hợp lý [11].
Quản lý thời gian không chỉ đơn thuần là vấn đề thời gian, mà đó là cách chúng ta quản lý bản thân mình trong mối quan hệ với thời gian. Điều này có nghĩa là phải thay đổi những thói quen và hoạt động làm lãng phí thời gian. Đó là việc sẵn sàng thử nghiệm các phương pháp và ý tưởng khác nhau, cho phép bạn tìm ra cách