Cội nguồn của hiện tượng song đề trong phong cách sáng tác của

Một phần của tài liệu hiện tượng song đề trong chân dung một nghệ sĩ trẻ của james joyce (Trang 37)

của James Joyce

Không phải ngẫu nhiên hiện tượng song đề lại tràn ngập trong tác phẩm James Joyce, từ nhân vật đến cảnh huống, giọng điệu,… Dù J. Joyce có tự nhận mình là một người tự do, “một công dân thế giới” (a citizen of the world) nhưng phong cách sáng tác của ông vẫn chịu sự chi phối nhất định từ hoàn cảnh thời đại và quan điểm dân tộc mình. Không khó hiểu vì sao J. Joyce lựa chọn song đề – dù là lựa chọn vô tình hay hữu ý – khi “bản căn cước” nhân dạng của nhà văn xuất thân từ một hoàn cảnh song đề của thời đại và từ những quan điểm song đềcủa quốc gia.

James Joyce (1882 - 1941) sống vào thời kì chủ nghĩa hiện đại xuất hiện và nở rộ cùng với sự nghiệp thăng trầm của nhà văn. Chủ nghĩa hiện đại bắt đầu bằng những sự kiện đánh dấu sự lật đổ của tri thức nhân loại: Charles Darwin với thuyết tiến hóa của mình đã lật lại nguồn gốc con người, làm nên một cuộc cách mạng kiểu Copernicus trong khoa học sinh học; thuyết tương đối của Albert Einstein đã tấn công trực diện vào nền vật lý cơ học cận đại khởi đi từ Newton từng tồn tại hai trăm năm qua; Nietzsche xây dựng một hệ thống triết học đánh đổ các học thuyết lớn của Socrate… Tất cả những điều này đã đặt nhân loại vào một tình trạng luôn hoài nghi trước nhận thức về chân lí vốn tồn tại trước đây. Thật ra cái gì mới đích thực là chân lí, khi hàng ngày hàng giờ, thế giới luôn biến dịch và lại lộ diện những quy luật mới thay thế quy luật cũ? Triết thuyết duy lí của Descartes đến đây đã đổ vỡ. Với Nietzsche, với Schopenhauer và những người dám lên tiếng phát biểu tư

tưởng thời đại, thì chân lý của cuộc đời đã chuyển từ trí năng sang ý chí. Con người không còn là chủ thể tổ chức vũ trụ dựa vào khoa học mà chọn đi theo những con đường khác nhau để đề cao ý chí con người. Thứ nhất, họ – những nhân vật tiêu biểu của chủ nghĩa hiện đại – đi theo con đường của tôn giáo vì sự thần bí của tôn giáo ban cho họ sức mạnh về tinh thần. Thứ hai, họ trốn tránh khoa học hiện thực để quay trở về với sự minh triết khôn ngoan, đó là con đường của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quốc gia. Nhưng những con đường ấy lại vấp phải một cái “barrier” (rào chắn) chung của thời đại: nhu cầu phát triển tất yếu của lịch sử và tham vọng của loài người, khiến họ phải đối mặt với tình huống song đề giữa lí tưởng của tự do và những giới hạn đã an toàn, ổn định. Để đạt được giá trị lí tưởng theo con đường đã chọn, tức đề cao ý chí thay cho trí năng, họ phải hứng chịu chính “ý thức bi thảm” của thời đại là đánh mất tự do, tan rã cá tính.

Từ đây đã dẫn đến con đường thứ ba, mà nghệ thuật thường hay chọn lựa, là đề cao tự do tuyệt đối bằng cách quay trở về bản năng sơ thủy để chống lại mọi lý luận hòng tìm ra cái có ý nghĩa mang tính cá nhân đối nghịch với cái được nhất trí từ một “chân lí”, cái thật đối nghịch với cái như thật, cái ngẫu phát đối nghịch với cái suy tính, đó chính là con đường của chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực… trong văn học. Song khi hướng đến tự do cá nhân, họ trở thành “những đứa con bất trị” của thời đại; vì bị thời đại chối bỏ, họ bối rối với tự do của mình, và họ loay hoay với song đề giữa lí tưởng của tự do và giá trị thời đại mặc nhận. Trong các tác phẩm của James Joyce, những điều này được thể hiện rất rõ, từ đặc điểm tâm lí đám đông, tinh thần dân tộc cực đoan đến niềm tin tôn giáo mù quáng và sự lạc lõng trong chọn lựa tự do của nhân vật…

Nếu sự phát triển của chủ nghĩa hiện đại là nguyên nhân gián tiếp tác động đến sự lựa chọn song đề trong phong cách sáng tác của James Joyce thì

những quan niệm của dân tộc Ireland là nguyên nhân trực tiếp quyết định tư tưởng song đề của nhà văn ngay từ buổi khởi đầu văn nghiệp. Ireland là quốc gia nhỏ bé bên cạnh nước Đại Anh hùng mạnh, bản sắc Ireland chịu nhiều áp đặt từ diễn ngôn của cái Khác (the Other) – cái Khác này là ngôn ngữ, văn hóa, chính trị Anh. Nhưng dù trải qua phần lớn thời gian dài là thuộc địa của nước lớn, dù nhân dạng của Ireland ngày càng trở nên “ngoài trung tâm” (ex- centric) của chính mình, khát khao khẳng định giá trị dân tộc vẫn tồn tại. Hai tư thế này, một hướng về tương lai và tạm quên quá khứ nhọc nhằn để đưa văn hóa dân tộc hòa nhập vào văn hóa thế giới, một gọi dậy từ quá khứ những bản sắc thiêng liêng để Ireland trở lại là trung tâm của chính mình, khi song hành, khi đấu tranh gay gắt để chiếm thế thượng phong trong lòng người dân Ireland. Đó là một song đề bản sắc của dân tộc Ireland, một trong những đề tài được các văn nghệ sĩ Ireland lấy làm chủ đạo trong suốt đời hoạt động nghệ thuật của mình. Minh chứng cụ thể cho hiện tượng song đề này chính là hình ảnh trái ngược của hai người con rất nổi tiếng của Ireland: William B. Yeats và James Joyce. Trong khi Yeats là “con cưng” của Ireland thì Joyce bị xem là “đứa con ghẻ” của dân tộc, một phần vì con đường Yeats chọn là trở về với quá khứ, Yeats là một nhà thơ bị cuốn hút bởi quá khứ, ông tin rằng lịch sử được xác định bởi chu kì lặp đi lặp lại mỗi hai ngàn năm; trong khi Joyce quyết để quá khứ lại phía sau mà hướng về hiện tại và tương lai.

Quay trở về quá khứ dân tộc là một cách phục hưng lại văn hóa, đó là phản ứng nói chung của tinh thần dân tộc trước sự áp đặt từ diễn ngôn của kẻ khác. Giống như Marcel Proust – nhà văn Pháp nổi tiếng với tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất – luôn muốn tìm hương vị đậm đà từ quá khứ xa xưa vì chỉ có những gì nằm trong quá khứ mới thật hiện hữu, còn hiện tại chỉ là phù du:

“Thiết nghĩ, mỗi kỉ niệm của tôi sao lại không mang trong lòng nó một chút vĩnh cửu? Tôi không biện hộ cho những lạc thú tương lai của tôi nhưng tôi

biện hộ quyền sống vĩnh viễn của những lạc thú quá khứ” [dẫn theo 3, 167]. Cũng giống với William Faulkner muốn quay trở về quá khứ, thời con người vốn tự hào vì đức tính khiêm nhường và dũng cảm, yêu chuộng cái hoang vu và tự do, bất khuất, thế nên ông đã để cho cậu bé Ike để lại nơi bìa rừng cái đồng hồ và chiếc địa bàn rồi một mình dấn bước vào rừng sâu, như một ước muốn ngừng lại thời gian hiện thực để đắm mình vào thời khắc sống thật của thiên nhiên, của quá vãng (truyện vừa Con gấu của W. Faulkner)… Đứng trước lựa chọn của đa số nhà văn về vấn đề dân tộc, James Joyce đã chọn đi hướng ngược lại: J. Joyce nhìn quá khứ Ireland như một rào cản đối với sự tiến bộ, chống lại quan niệm thời gian quy hồi vĩnh cửu của Yeats. Joyce nhận ra dân tộc ông đã và đang sống trong sự tưởng tượng, huyễn hoặc chính mình, vì “mục tiêu của ký ức chưa từng là một tri thức toàn diện và cuối cùng của quá khứ hay sự bảo tồn quá khứ, mà là một tiến trình tái thương lượng tiếp nối của tính cách cá nhân trong mối quan hệ với quá khứ đó. Tóm lại, kí ức là một tiến trình trực tiếp không phải hướng đến sự thấu hiểu đầy đủ và chính xác tri thức của quá khứ – những gì đã thực sự xảy ra – mà hướng đến việc cho phép xảy ra lúc này một cách chính xác những quá khứ đó” [97, 8]. Như vậy, với Joyce, quá khứ không hề tồn tại như một hiện thực khách quan vĩnh cửu, mà đã bị xử lí khi con người nhìn về quá khứ đó theo cách họ muốn, đó là một quá khứ tưởng tượng. Nếu Yeats đã sống cùng những người đương thời của mình thì Joyce chia tay với họ và hướng về tương lai theo một cách riêng. Joyce khẳng định khi nào Ireland có thể “buông tha” cho quá khứ thì khi ấy nó sẽ gia nhập vào “ngôi đền” dành cho các quốc gia lớn. Đến ngày nay, tình trạng song đề về sắc tộc này vẫn tồn tại ở Ireland, nhưng đỉnh cao xung đột của nó đã được James Joyce thể hiện trong các tác phẩm mình gần một thế kỉ trước.

Từ “đối thoại” giữa Yeats và Joyce về tương lai dân tộc đến lựa chọn tôn giáo và ngôn ngữ, từ “đối thoại” của Joyce với thời của chủ nghĩa hiện đại nở rộ trên văn đàn thế giới, mà những Người Dublin, Chân dung một nghệ sĩ trẻ, Ulysses, Finnegan Wake đã ra đời với những vấn đề đặt ra rốt lại đều xoay quanh các hiện tượng song đề – làm thành một hướng khảo sát khả dĩ về phong cách sáng tác của James Joyce.

Một phần của tài liệu hiện tượng song đề trong chân dung một nghệ sĩ trẻ của james joyce (Trang 37)