Cái Thực theo quan niệm của Jacques Lacan

Một phần của tài liệu hiện tượng song đề trong chân dung một nghệ sĩ trẻ của james joyce (Trang 52)

Cái Thực (the Real) là một trong ba thuật ngữ quan trọng (cùng với cái Tưởng tượngcái Biểu tượng) làm nên mô hình cấu trúc tâm lí con người trong học thuyết phân tâm học của Jacques Lacan. Tuy nhiên, nội hàm của nó không có sự ổn định như hai thuật ngữ còn lại. Cái Thực luôn biến thiên về ý nghĩa và cách dùng trong các bài viết, thảo luận của Lacan. Khi xem xét thuật ngữ này, chúng tôi không sắp xếp theo tiến trình phát triển của nó trong tư tưởng Lacan mà sắp xếp dựa trên tính chất từ đơn giản đến phức tạp về mặt nghĩa của từ.

Theo Dylan Evans, trong quan niệm của Lacan, “ban đầu, cái thực là cái đối nghịch đơn giản với địa hạt của hình ảnh” [83, 162]1. Nếu hình ảnh (image) thuộc về một tồn tại hiện hữu bên ngoài thì cái Thực vượt ra ngoài kiểu tồn tại ấy. Quan niệm này gợi ta nhớ đến thế giới ý niệm của Plato, theo đó, cái Thực chính là thế giới ý niệm với sự tồn tại của những “mô thức” trừu tượng, còn hình ảnh chỉ là những vật cụ thể được tạo thành theo khuôn “mô thức” ấy – tức chỉ là những “cái bóng”, không phải vật thật. Như vậy, ngay từ ban đầu, Lacan đã phân biệt cái Thực (the Real) với thực tại (reality). Nội hàm này tiếp tục được mở rộng về sau với sự ứng dụng những quan điểm triết học phổ biến thời Lacan như triết học của Hegel và Kant.

Trong tập Écrits (Luận thuyết), cái Thực mang một nội hàm khác khi Lacan viện dẫn quan điểm của Hegel: “mọi vật có thực đều hợp lý”2

[dẫn theo 83, 162]. Giống như triết gia Hy Lạp cổ Parmenides, Hegel không tin vào giác quan, mà chỉ đề cao lí tính, xem cái gì hợp lí tính thì tồn tại; theo đó, thực tại cao nhất, toàn diện nhất của tồn tại là một tinh thần tuyệt đối – tức tư

1

“At first the real is simply opposed to the realm of the image”

2

tưởng hay linh hồn thuần túy. Cái Thực của Lacan lúc này là tinh thần tuyệt đốicủa Hegel, với tiêu chí được đặt ra là sự phục tùng tính toán và logic.

Ý nghĩa thứ ba, và cũng là nghĩa quan trọng nhất, thường xuyên được vận dụng trong lý thuyết phân tâm của Lacan, hợp cùng cái Tưởng tượng

cái Biểu tượng làm thành chuỗi phát triển giao thoa của tâm lí con người, là xem cái Thực như cái bất khả. Ta có thể hình dung ý nghĩa này từ học thuyết

vật tự thân (thing-in-itself) của Immanuel Kant. Nếu Lacan trích dẫn Hegel để cho thấy cái Thực là cái hữu lí thì khi viện dẫn Kant, Lacan lại tiếp cận khái niệm này từ một hướng khác: chứng minh rằng cái Thực là cái bất khả tri. Theo Kant, vật tự thân là sự vật hiện hữu không tùy thuộc vào sự tri giác của chủ thể, không hiện ra trước chủ thể như đối tượng của chủ thể đó. Tất cả những gì con người phát biểu đều chỉ là “hiện tượng”, hoàn toàn không phải bản chất thực của sự vật: “Khi ta gọi những đối tượng nào đó như là những hiện tượng, những sự vật của giác quan (Sinnenwesen - Phaenomena) tức là mặc nhiên ngay từ trong khái niệm, ta đã phân biệt một bên là phương cách ta trực quan chúng và bên kia là bản tính riêng có nơi tự thân của chúng. Khi phân biệt như vậy, rõ ràng là ta đã đem chính sự vật ấy […] đối lập với những hiện tượng và gọi chúng là những sự vật của giác tính (Verstandeswesen - Noumena)” [66, 386]. Điều này cũng có nghĩa là con người không thể nào nắm bắt được hay đạt được bằng bất kì cách nào chân lý tuyệt đối về vạn vật. Theo nghĩa này, cái Thực của Lacan tương đồng với vật tự thân của Immanuel Kant ở chỗ nó nằm bên ngoài mọi biểu đạt bằng ngôn ngữ, nó là dạng vật chất thuần túy của tồn tại. Nhưng với Lacan, cái Thực

không phải là chân lý tuyệt đối của đối tượng khách quan mà được chuyển vào bên trong mỗi cá nhân; nó được hiểu như là một sự hoàn hảo tuyệt đối mà ai cũng có được khi sinh ra, nhưng dần dần con người “đánh mất” nó khi ý thức và ngôn ngữ bắt đầu “can thiệp” vào đời sống. Như vậy, cái Thực vừa là

xuất phát điểm (chúng tôi nhấn mạnh) của sự phát triển tâm hồn – một tâm hồn nguyên sơ gần với tự nhiên – vừa là điểm hoàn hảo sau cùng 1 mà chủ thể khao khát quay về. Sẽ không có một cái Thực đóng vai trò như cái phổ quát để toàn thể nhân loại đều cùng nhau hướng tới (như là chân lý) mà cái Thực tồn tại khác nhau trong mỗi con người; mỗi chủ thể nuôi dưỡng một cái Thực riêng biệt và con đường truy tầm cái Thực là những con đường khác nhau. Quan niệm quay về bản thể của phương Đông chính là nỗ lực tìm kiếm lại cái Thực bên trong này.

Một điều cần lưu ý là khi nỗ lực tìm kiếm ấy thất bại, cái Thực sẽ trở thành đối tượng của chấn thương: “Vì cái Thực không được chủ thể nhận biết nên nó gây ra một đặc tính chấn thương. Tuy nhiên, không thể luôn đồng nhất cái Thực như là chấn thương với bất kì đối tượng hay vật đặc trưng nào, mà nó xuất hiện đơn giản trong kinh nghiệm […] và vượt ra ngoài năng lực định nghĩa và tượng trưng hóa của chủ thể” [82, 72-73]2. Nói cách khác, đó không phải là một chấn thương từ bên ngoài tác động vào chủ thể mà thuộc về kinh nghiệm bên trong nên không phải dễ nhận biết. Trong thế giới cái Thực, đứa trẻ không có cảm giác chia tách nó với bên ngoài hay với chính mình, nó là một bản nguyên, một tồn tại hoàn hảo nên không bị chi phối bởi những ham muốn không được thỏa mãn hay những áp đặt tuân theo mệnh lệnh từ bên ngoài. Thế nên khi xa rời hay đánh mất trạng thái bản nguyên ấy, chủ thể đánh mất sự hoàn hảo (ta sẽ thấy điều này ở hai cấp độ sau), chấn thương sẽ xuất hiện và gợi nhắc lại cái Thực mà chủ thể đã mất đi. Do đó, tuy cái Thực

là cấp độ được xét đầu tiên trong mô hình cấu trúc tâm lí của Jacques Lacan,

1Cái Thực như một xuất phát điểmthể hiện ở chương 2, cái Thực như điểm quay vềsẽ được khai thác ở chương 4, khi kết hợp với cái Biểu tượng.

2

“It is because the real is not assimilable by the subject that it takes on a traumatic character. However, the real as trauma cannot be permanently identified with any specific objects or things,but simply appears in experience […] and beyond the power of the subject to conceptualize and symbolize”

nhưng không phải chỉ tồn tại trong giai đoạn ban đầu, mà tiếp tục sự ảnh hưởng của nó trong suốt cuộc đời về sau của bất kì đối tượng nào – và đó cũng là tính chất chung của cái Tưởng Tượng cái Biểu tượng – biểu trưng bằng ba đường tròn đan cài vào nhau.

Thực ra, thuật ngữ cái Thực của Lacan rất khó nắm bắt và là thuật ngữ bí ẩn nhất trong ba thuật ngữ (bên cạnh cái Tưởng tượng cái Biểu tượng). Trở lên chỉ là những miêu tả sơ nét về nội hàm của thuật ngữ dựa theo một số ít tài liệu chúng tôi bao quát được trong khả năng của mình. Trong luận văn này, chúng tôi chọn ý nghĩa thứ ba của cái Thực (từ liên tưởng tới vật tự thân

của Kant) để triển khai phân tích hiện tượng song đề: xem cái Thực như yếu tố bên trong chủ thể khi chưa có sự can thiệp của ý thức và ngôn ngữ.

Một phần của tài liệu hiện tượng song đề trong chân dung một nghệ sĩ trẻ của james joyce (Trang 52)