Chủ thể và diễn ngôn chủ

Một phần của tài liệu hiện tượng song đề trong chân dung một nghệ sĩ trẻ của james joyce (Trang 122)

Công thức của diễn ngôn chủ:

1 2

S S

S/ a

Như trên đã nói, diễn ngôn chủ, với cái biểu đạt chủ (S1) mang đặc tính là những quy định, luật lệ giữ vai trò thống trị bằng lời, chính là diễn ngôn tôn giáo, cụ thể là nhà thờ Thiên Chúa giáo được tác giả dày công tạo lập trong tác phẩm. Sự ảnh hưởng của tôn giáo lên Stephen đã hiển hiện ngay từ những trang đầu tiên của tiểu thuyết với hình ảnh của trường dòng Clongowes. Đúng như quan hệ giữa S1 và S/ (chủ thể) trong diễn ngôn là hiển lộ và hàm ẩn: tôn giáo thuộc môi trường bên ngoài, được trình bày bằng diễn ngôn nhà thờ – mà rõ nhất là lời giảng trong lễ tu đạo ở Belvedere – nhưng tác động lên chủ thể lại ẩn trong sâu thẳm tâm hồn, nói cách khác, tôn giáo là cái biểu đạt lớn lao thể hiện bằng lời, hướng ra bên ngoài, còn Stephen là cái biểu đạt thể hiện bằng ý, hướng vào bên trong. Đứng ở vị trí S2 của diễn ngôn là tri thức, trong mối quan hệ với S1 là cái mà S1 gửi đến. Đó chính là niềm tin hay chân lý mà

tôn giáo gửi gắm đến người nhận diễn ngôn, đây là mục đích của tôn giáo: liên kết cộng đồng bằng niềm tin vào một chân lý tối thượng mang tính siêu hình. Khi đi vào tìm hiểu ba vị trí này, ẩn số thứ tư ở vị trí khoái cảm thặng (a) sẽ dần lộ diện.

Lời nói

Diễn ngôn tôn giáo được James Joyce trình bày rất tỉ mỉ với một số lượng lớn nội dung chiếm gần như toàn bộ phần ba và bốn trong năm phần của tiểu thuyết. Vì đây là diễn ngôn chủ, ảnh hưởng phần lớn đến sự phát triển tâm lí, nhận thức của nhân vật chính Stephen. Diễn ngôn được trình bày trước tiên bằng hình thức lời nói của vị thầy tu thuyết giảng trong lễ tu đạo kéo dài ba ngày theo truyền thống của trường Belvedere. Trong ba ngày, người thuyết giảng nói về thiên đường, địa ngục, cái chết, sự phán xét và nỗi đau đớn của linh hồn theo một thứ tự lớp lang: mở đầu lời giảng là “những từ ngữ trích từ quyển sách của Ecclisiastes, chương thứ bảy, khổ thứ bốn mươi”

[26, 178]; dẫn dắt lời giảng, vị thầy tu bắt đầu giải nghĩa từ tu đạo; bắt đầu nội dung chính của bài giảng là những lời “được trích từ cuốn sách của Isaias, chương thứ năm, khổ mười bốn” [26, 193]; câu chuyển sang nội dung nói về nỗi đau đớn khi linh hồn bị đọa đày cũng là “câu trích trong sách Thánh kinh, chương thứ ba mươi, hồi thứ hai mươi ba” [26, 211]; và cuối cùng, kết thúc bài giảng là những câu kinh sám hối được vị thầy tu đọc từng câu một và các cậu học trò lặp lại từng câu một theo ông. Tính chất của diễn ngôn được thể hiện rõ qua lời dẫn dắt, cách trích dẫn chính xác đến từng chương, từng trang tạo hình cấu trúc xã hội của cộng đồng tôn giáo – một cộng đồng gắn kết bằng lời.

Lờilà một đặc trưng tôn giáo thuộc văn hóa Semite – một trong hai nền văn hóa là gốc rễ của văn minh Châu Âu (cùng với văn hóa Ấn-Âu) – vốn chú trọng phần nghe (khác với văn hóa Ấn-Âu chú trọng phần nhìn): Kinh Tin

kính Do Thái bắt đầu bằng những từ: “Hãy nghe, hỡi Israel!”, Cựu Ước

Tân Ước kể lại những mẩu chuyện về công cuộc truyền tin của Chúa, lời giảng trong nhà thờ thường được các linh mục kết thúc bằng câu cuối này với giọng ngân: “Đó là lời Chúa”… Lời khi nói trước cộng đồng, được cộng đồng tin tưởng, đó chính là diễn ngôn. Hình thức lặp lại lời vị thầy tu ở phần cuối bài giảng tôn giáo của đám học sinh là minh chứng cho sự gắn kết cộng đồng bằng lời.

Lời tạo nên niềm tin nơi cộng đồng nhưng lại tước bỏ niềm tin vào cá nhân. Đó là lí do vì sao lời cũng gây nên sự sợ hãi: “Ý nghĩ mơ hồ về nỗi sợ hãi trở thành một nỗi kinh sợ về mặt tinh thần khi cái giọng khàn khàn của người thuyết giảng gieo cái chết vào tâm hồn anh” [26, 184]. Lời ngự trong nhà thờ, qua giọng rao giảng là lời huấn thị, nhưng lời khi ám thị vào tâm hồn cá nhân thì trở thành tiếng thì thầm ma quái: “Con quỷ đang thì thầm trong đầu anh. Lời thì thầm lắng xuống và sau đó anh biết rõ ràng rằng tâm hồn của chính anh đã phạm tội trong suy nghĩ trong lời nói và qua chính cơ thể anh” [26, 234]. Có thể lí giải nghịch lý này thông qua cái mà diễn ngôn gửi đến (S2) – niềm tin/chân lý – đứng ở vị trí của tri thức trong cấu trúc diễn ngôn. Tôn giáo dùng lời gửi đến tín đồ niềm tin hay chân lý tối thượng: trong bài giảng ở lễ tu đạo là niềm tin về sự thống khổ của thể xác và linh hồn bởi tội lỗi, được quy chiếu vào các khái niệm: địa ngục, thiên đường, cái chết và sự phán xét. Song đề của diễn ngôn nằm trong cách biểu đạt này: để gây được niềm tin, tạo nên chân lý, diễn ngôn phải mang tính áp đặt, có nghĩa là khi mô tả nhân loại thì đồng thời nó định nghĩa luôn nhân loại, nhưng do đặc trưng của cái Biểu tượng là sự thiếu vắng cái được biểu đạt nên diễn ngôn trở thành một cái gì đó trống rỗng trong chính nó, như khẳng định của Lacan: “Từ thiên đường và những từ ngữ được chọn lọc khác về cơ bản không có gì khác hơn những cái biểu đạt thuần túy, và tôi nhấn mạnh với bạn về sự trống rỗng hoàn

toàn của chúng” [115, 4]1, và Nietzsche cũng nói thế: “Không gì ngoài những nguyên nhân tưởng tượng (như “Thượng đế”, “linh hồn”, “bản ngã”, “thần khí”, “ý chí tự do” – và ngay cả “ý chí không tự do”) […] một khoa học tự nhiên mang tính tưởng tượng” [33, 51]. Sự trống rỗng này đẩy Stephen đi theo hai hướng: một là sợ hãi tột độ vì sự áp chế quá lớn của niềm tin mà diễn ngôn tôn giáo đã tạo ra nhưng Stephen lại không thể nào lí giải (sự áp chế hóa thành nỗi ám ảnh trong giấc mơ về bầy quỷ của Stephen); hai là ngờ vực, băn khoăn vì cái mà mình tin tưởng và theo đuổi nhưng không thể kiểm tra tính xác thực của nó. Hướng thứ hai này được thể hiện trong ý nghĩa sự xưng tội của Stephen.

Sự xưng tội của Stephen đòi hỏi một cách nghịch lí rằng anh phải dùng ngôn ngữ để miêu tả chính xác những gì anh đã làm để được giải thoát khỏi ngôn ngữ, và anh phải tìm những từ có tính chất chính thống để định nghĩa nó, nhưng lại không có từ ngữ nào là chính thống cho những hành động đó. Chính vì vậy, lời xưng tội của Stephen chỉ dừng lại ở mấy lời lấp lửng: “Thưa cha, con… phạm tội không còn trong trắng” [26, 240]. Hình thức lời nói phủ định của khẳng định ở đây cho thấy sự thiếu khuyết ngôn từ, nó thể hiện sự bất lực trước tên gọi của tội lỗi dù đây là lời xưng tội. Sự xưng tội “nửa vời” hiển nhiên sẽ kéo theo sự xá tội “nửa vời”: “anh sẽ không bao giờ được giải thoát khỏi nó một cách hoàn toàn cho dù có sống trong sạch đến đâu hay đạo đức hoàn hảo thế nào đi chăng nữa” [26, 256].

Đến đây ta đã có thể xác định ẩn số ở vị trí khoái cảm thặng dư (a) chính là “tội lỗi”. Như phần lý thuyết 4.1 đã trình bày, khoái cảm thặng dư lại là một chấn thương tinh thần – ở đây là mặc cảm về tội lỗi “không còn trong trắng” của Stephen – vì khoái cảm thặng dư này thực chất là đối tượng của

1

“The term heaven and some other wells-chosen words are essentially nothing other than pure signifiers, and I stressed for you their absolute emptiness”

ham muốn tình dục, nhưng theo quan hệ trong cấu trúc diễn ngôn, nó nằm bên dưới – tức chịu sự áp chế – của tri thức (S2) từ tôn giáo (vốn đề cao sự trong trắng, thánh thiện) nên khi biểu hiện ra bên ngoài sẽ trở thành một chấn thương. Ở chương trước chúng tôi đã đề cập đến cái miệng qua nụ hôn của Stephen với cô gái điếm, ở đây, chúng tôi tiếp tục khai thác hình ảnh này ở phương diện chức năng để cho thấy biểu hiện của mặc cảm tội lỗi của Stephen: Chức năng ăn uống của cái miệng được J. Joyce kết hợp với thái độ thu nhận lời từ diễn ngôn, thể hiện cụ thể qua ba trường đoạn:

Thứ nhất, cơn đói cồn cào của Stephen được miêu tả ngay đầu phần ba, tiếp ngay sau trải nghiệm tình dục đầu tiên của Stephen với cô gái điếm ở cuối phần hai, diễn tả sự ham muốn khoái lạc cao độ. Cơn đói là tượng trưng cho khoái lạc và thường dẫn đến tội lỗi ngay sau đó, như trong huyền tích Kinh Thánh về vườn Eden, Adam và Eva bị trục xuất khỏi thiên đàng vì ăn quả táo cấm của Thiên Chúa… Lúc này, ham muốn chưa trở thành mặc cảm tội lỗi nên cảm giác đói của Stephen được miêu tả không che đậy: “Anh hy vọng có món thịt hầm để ăn bữa tối, với củ cải, cà rốt, khoai tây nghiền và những miếng thịt cừu béo ngậy tưới nước sốt đặc quánh rắc hạt tiêu. Tống chúng vào trong dạ dày đi, bụng anh bảo anh như vậy” [26, 167]. Sau khi nghe thông báo về lễ tu đạo, Stephen đi về và ăn ngốn ngấu bữa tối: “khi bữa ăn được dọn đi và những chiếc đĩa còn dính mỡ nằm lại trên bàn, anh đứng dậy và đi ra phía cửa sổ, đưa lưỡi liếm sạch màng mỡ dày đặc trong miệng trên môi” [26, 183]. Hành động ăn ngốn ngấu liếm môi liếm mép như việc hiện thực hóa cơn đói – ham muốn tình dục – ở trên, đồng thời cố che giấu tội lỗi ấy. Lúc này, mặc cảm tội lỗi đã xuất hiện cùng với lời thông báo bắt đầu lễ tu đạo, cũng tức là bắt đầu diễn ngôn tôn giáo.

Thứ hai, khi bài giảng về địa ngục và nỗi đau đớn linh hồn kết thúc, Stephen trở về căn phòng của mình và nằm mơ thấy địa ngục; khi thức dậy,

anh run rẩy, điên dại “nôn trong nỗi đớn đau cùng cực” [26, 231]. Nếu cơn đói và hành động ăn là hành vi của tội lỗi thì nôn là động thái xóa bỏ tội lỗi khỏi linh hồn. Đó là hiệu quả mà diễn ngôn tôn giáo đã tác động đến chủ thể. Khi linh hồn đã trở nên trong sạch (vì tội lỗi đã bị loại bỏ bằng hình thức nôn), lần đầu tiên Stephen thốt lên được lời cầu nguyện, đưa tâm hồn anh đến gần Thiên Chúa. Do đó, trong lễ ban thánh thể diễn ra vào cuối phần bốn, anh háo hức chờ đợi bình đựng thánh thể: cũng là một hình thức ăn, nhưng không phải xuất phát từ ham muốn thuộc thể xác (vì đói mà ăn) mà xuất phát từ ham muốn thuộc tinh thần (vì niềm tin mà ăn). Đó là ý nghĩa của lễ ban thánh thể với hình ảnh của rượu tượng trưng cho máu Chúa, bánh thánh tượng trưng cho mình Chúa. Trường đoạn này đánh dấu sự tuân phục hoàn toàn của chủ thể vào diễn ngôn.

Thứ ba, sau cuộc trò chuyện với ông giám đốc, Stephen cân nhắc về lời đề nghị chính thức bước vào con đường tu đạo để trở thành một linh mục, anh thấy hiện ra trước mắt anh cảnh “thức dậy vào sáng sớm giá lạnh, sắp thành hàng cùng những người khác đi dự buổi lễ sớm và với những lời cầu nguyện của mình cố gắng chống lại cơn buồn nôn trong dạ dày” [26, 269]. Nếu cơn nôn xảy ra ở trường đoạn thứ hai là hành động xóa bỏ tội lỗi khỏi linh hồn do tác động từ diễn ngôn, thì cảm giác buồn nôn ở đây mang ý nghĩa của sự phủ nhận vai trò diễn ngôn. Khi ăn bánh thánh trong lễ ban thánh thể, Stephen muốn (hay diễn ngôn tôn giáo muốn) lập lại trật tự, sự trong sạch cho linh hồn bằng cách thức chuyển hành động ăn - thể xác sang ăn - tinh thần. Do đó, trạng thái buồn nôn của Stephen lúc này cho thấy cảm giác muốn xóa bỏ trật tự, sự sạch sẽ đó để tạo ra sự ghê tởm. Phải chăng vì Stephen đã nhận ra rằng niềm tin tôn giáo mà diễn ngôn mang đến không phải là chân lý mà là quyền hành, như lời ông giám đốc nói với Stephen: “Không một vị vua hay một vị hoàng đế nào trên trái đất này có được quyền lực của một vị thầy tu của

Chúa. Không một thiên thần hay tiểu thiên thần nào […] thậm chí cả Đức Mẹ Đồng Trinh, có được sức mạnh quyền lực của một thầy tu của Chúa […] sức mạnh của kẻ thống trị, để làm Chúa vĩ đại ở trên thiên đường giáng xuống trên ban thờ dưới hình thức bánh thánh và rượu” [26, 264-265]. Khi chân lý chỉ là sự đồng thuận của kẻ mạnh áp đặt lên kẻ yếu, như khẳng định của Foucault: “tri thức là sức mạnh” “kẻ mạnh làm nên lẽ phải” [16, 7], thì liệu có tồn tại chăng cái gọi là tội lỗi và sự trong sạch? Đó là lí do vì sao khi Cranly hỏi Stephen ở gần cuối truyện rằng, anh có tin vào lễ ban thánh thể không, Stephen trả lời: “Tôi không tin mà cũng chẳng hoài nghi” [26, 406].

Cái miệng là nơi phát ra lời, tức diễn ngôn. Thế nên James Joyce đã dùng chức năng của cái miệng để bày tỏ song đề diễn ngôn tác động đến Stephen, chủ yếu xoay quanh niềm tin và tội lỗi.

Rốt cuộc, chính lời, một phương tiện truyền tải diễn ngôn, khẳng định sức mạnh diễn ngôn, lại đẩy diễn ngôn vào trạng huống song đề giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, giữa sự thật và tưởng tượng, hay giữa chân lý và sự phi lí.

Song, diễn ngôn còn một phương tiện biểu đạt khác ngoài lời.

Đôi mắt

Trong cuốn Sự ra đời của Clinic, Foucault đưa ra thuật ngữ cái nhìn chăm chú và lí giải: “Bay lượn trên tất cả những nỗ lực của tư duy lâm sàng muốn định nghĩa các phương pháp cũng như các tiêu chuẩn khoa học của nó

là một huyền thoại lớn về một Cái nhìn Chăm chú trong suốt, mà nó cũng

chính là Ngôn ngữ trong suốt [chúng tôi nhấn mạnh]: một con mắt biết nói. Con mắt này sẽ rà quét khắp chốn […] thu vào, nhặt nhạnh từng sự kiện đơn lẻ […] và khi con mắt này đã thấy, và thấy càng ngày càng rõ ràng hơn, nó sẽ chuyển thành lời – lời phát biểu và lời dạy học” [dẫn theo 16, 67]. Nói cách khác, đôi mắt là một diễn ngôn không lời vì chỉ bằng cách nhìn cũng có thể

điều khiển, chi phối đối tượng, khuôn đối tượng vào kỷ luật và trật tự bằng sức mạnh của cái nhìn.

Cái nhìn chăm chú hiện diện hầu khắp phần ba và bốn tác phẩm, trên mọi bình diện: Khi Stephen viết công thức toán trên trang giấy nháp, nó hóa thành những “những cặp mắt mở ra và nhắm lại” như “những ngôi sao sinh ra và lụi tắt” [26, 172] – đó là cái nhìn trong trường học. Khi nghe giảng trong lễ tu đạo, vị thầy tu “nhìn bên phải và bên trái những người nghe bằng ánh mắt nghiêm khắc sâu thẳm của ông” [26, 178] – đó là cái nhìn trong nhà thờ. Khi bắt đầu ý thức về tội lỗi, Stephen cảm nhận về đôi mắt của Chúa:

“Cặp mắt của người nhìn anh với một nỗi xót thương hiền dịu” [26, 172] – đó là cái nhìn siêu hình nhưng hiển lộ. Khi nói chuyện cùng ông giám đốc và được nhận “ơn gọi” trở thành một linh mục trong tương lai, anh lại cảm giác thấy “khuôn mặt anh đang bị một đôi mắt nấp trong bóng tối kiểm soát” [26, 260] – đó là cái nhìn hiện thực nhưng bí ẩn. Tiếp tục hướng về Chúa, vị cứu tinh cho linh hồn tội lỗi của mình, liên tưởng về cái nhìn lại được gắn với hình ảnh và ánh sáng ngôi sao, vật tượng trưng của đôi mắt màu nhiệm của Chúa:

“quay trở lại phía người mà vật tượng trưng là ngôi sao buổi sáng, lấp lánh và đầy âm thanh, kể về thiên đường và nơi thanh bình” [26, 173] – đó là cái nhìn như sự mặc khải trên thiên đường. Khi nghe giảng về địa ngục, trở về phòng, Stephen cảm thấy sợ hãi như bước vào một hang động tối tăm với sự

Một phần của tài liệu hiện tượng song đề trong chân dung một nghệ sĩ trẻ của james joyce (Trang 122)