Song đề trực giác là cách gọi của chúng tôi khi phân tích hiện tượng
song đề diễn ra vào thời kì đầu phát triển tâm lí của Stephen Dedalus trong tiểu thuyết Chân dung một nghệ sĩ trẻ. Đó là khi Stephen còn là một đứa trẻ ngây thơ, học ở trường dòng Clongowes Wood, nhìn cuộc đời qua lăng kính của cái Thực bên trong – tức hoàn toàn tự nhiên, không có sự chia tách với thế giới bên ngoài mà ta thường gọi là cái Khác. Giai đoạn này, mọi khả năng quan sát, suy tư, hành động đều do cái Thực chi phối, tạo nên những trạng thái bất phân định giữa những cảm nhận giác quan, giữa biết và không biết,… vì cái Thực vốn không chịu sự quy định của ý thức hay ngôn ngữ nên mọi nhận định logic, hợp lẽ đều bị triệt tiêu ở giai đoạn này. Trạng thái ấy, chúng tôi gọi là song đề trực giác, để phân biệt với những hiện tượng song đề thuộc hai giai đoạn phát triển sau dưới sự quy chiếu của cái Tưởng tượng và cái Biểu tượng. Chọn cách gọi này vì: Thứ nhất, trực giác thuộc lĩnh vực hoàn toàn chủ quan, mang tính cá thể. Thứ hai, trực giác là trạng thái đạt tới một nhận thức bất chợt mà không cần hoạt động nào của lý trí, nhưng lại có khả
năng đem đến sự cảm thụ hoàn hảo dựa trên việc khám phá chiều sâu bản thể của đối tượng. Nó nắm bắt ngay bản chất của đối tượng bằng con đường trực tiếp nhất (trong nghệ thuật là những phút giây “thần hứng”, trong khoa học là những phát kiến bất chợt nảy sinh từ sự quan sát hiện tượng bên ngoài, như trường hợp trái táo của Newton…)
Đặc tính này của trực giác hoàn toàn phù hợp với tính chất của cái Thực. Khi đặt vấn đề song đề trực giác tức chúng tôi muốn khai thác dạng thức song đề nảy sinh từ sự cảm thụ thế giới nhưng bằng con đường trực tiếp và tức thời bên trong chủ thể để nắm bắt bản chất của đối tượng, tựa như hành trình sáng tác của người nghệ sĩ: “Một tâm thế hoàn toàn khách quan, không vụ lợi bởi công cuộc mưu sinh, lại không vướng bởi tính chất rập khuôn của ngôn từ, trực tiếp cảm nhận thẳng vào hiện tượng, đó là hành vi trực giác của nghệ sỹ […] nghệ sỹ thông qua trực giác tiếp cận với cuộc sống, lắng nghe được xung động bên trong của nó, từ đó hình thành được quan niệm và động cơ sáng tác. Tiếp theo, nghệ sỹ bắt đầu thai nghén hình tượng được đan dệt nên bởi ngôn từ, đường nét, màu sắc, âm thanh, tiết tấu với tư cách là những ký hiệu của vật chất” [32, 132]. Giả sử Chân dung một nghệ sĩ trẻ là một dụ ngôn cho hành trình sáng tác của một nghệ sĩ, thì giai đoạn thời thơ ấu của Stephen là giai đoạn thuộc về trực giác, quãng đời thiếu niên tượng trưng cho giai đoạn thai nghén hình tượng, và lúc trưởng thành là khi người nghệ sĩ sử dụng chất liệu ngôn từ để đan dệt những mẩu kinh nghiệm thu thập được từ hai giai đoạn ban đầu để hoàn thành việc sáng tạo. Đó là một cách hình dung về tiến trình phát triển tác phẩm, cũng là tiến trình phát triển hiện tượng song đề, trong đó, giai đoạn đầu mang chức năng giới thiệu và định hình chủ thể như một tồn tại – một chủ thể đầy ắp những song đề trực giác.