Chủ thể và diễn ngôn đại học

Một phần của tài liệu hiện tượng song đề trong chân dung một nghệ sĩ trẻ của james joyce (Trang 133)

Từ đại học trong cụm diễn ngôn đại học không chỉ nhằm nói đến trường học, học viện mà gồm cả những tổ chức nói chung đặt tri thức (S2) lên vị trí lĩnh xướng diễn ngôn, theo công thức:

2 1

S a

S S/

Tri thức ở đây không nặng về chân lý siêu hình như diễn ngôn tôn giáo mà là những “kiến thức”, tư duy thiên về sự suy xét của lý trí. Nói cách khác, lý trí thống lĩnh diễn ngôn. Khi nghĩ suy về tổ quốc ở gần cuối tác phẩm, Ireland đối với Stephen là đất nước của những người “ham suy luận lý tính”

[26, 304]. Vậy diễn ngôn đại học chính là diễn ngôn thuộc về quốc gia, dân tộc và cả gia đình (hình thức thu nhỏ của quốc gia). Khác với diễn ngôn tôn

giáo đặt lên trên hết quy tắc, giá trị mang tính trừu tượng cao độ của một hệ thống triết lý nhà thờ; diễn ngôn quốc gia/ dân tộc lại đề cao tính chọn lựa và suy xét khi đưa tri thức lên vị trí đầu tiên: ở đây có thể là lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước, còn “nguồn phát” thực sự của diễn ngôn, cũng là cái biểu đạt chủ (S1) – chủ nghĩa quốc gia – lại ẩn đằng sau đó. Nhưng ở loại diễn ngôn này, chủ thể (S/ ) từ vị trí của sự thật (trong diễn ngôn chủ) đã chuyển sang vị trí của sản phẩm1, tức chủ thể hoàn toàn không đóng vai trò chủ đạo trong loại diễn ngôn này mà chỉ là một con người vô bản sắc – con người đám đông. Như vậy, nếu khoái cảm thặng dư của diễn ngôn tôn giáo là dấu hiệu của tội lỗi (chủ thể ở vai chủ động, gây ra tội lỗi) thì khoái cảm thặng dư (a) của diễn ngôn quốc gia/ dân tộc báo hiệu chấn thương là sự mất dần tồn tại, “tầm gửi” vào cái Khác bên ngoài (chủ thể ở vai bị động, hoàn toàn bị áp đặt), vì khi đối tượng của ham muốn được gửi gắm vào niềm tin quốc gia thì ham muốn là được hòa nhập với quốc gia, cộng đồng dân tộc, điều đó cũng đồng nghĩa với sự bôi xóa chính mình. Do đó, diễn ngôn đại học nối tiếp diễn ngôn chủ ở trên khi tiếp tục xoay quanh dạng song đề mang tính hiện sinh của con người.

Bằng công thức, độc giả có thể suy ra tất cả những điều trên như một định hướng cho cách đọc nội dung cụ thể trong tác phẩm.

Ở trên ta đã xét diễn ngôn dưới hình thức lời đôi mắt. Trong loại diễn ngôn thuộc về chủ nghĩa quốc gia/ dân tộc, xuất hiện phương tiện biểu hiện thứ ba của diễn ngôn, là thời gian. Luận về tính chất, cả thời gian và diễn ngôn đều diễn ra theo chiều tuyến tính (thời gian là dòng chảy từ quá khứ đến tương lai; diễn ngôn được tạo thành từ các đơn vị âm phát ra nối tiếp nhau), không một diễn ngôn nào có thể được xây dựng dưới hình thức phi tuyến tính. Luận về vai trò, diễn ngôn và thời gian đều tác động lên chủ thể như là những

cái Khác, hướng chủ thể theo ý mình, bất chấp mong muốn cá nhân (dù cá nhân không bận tâm đến thời gian thì thời gian vẫn tác động lên cá nhân đó theo chu trình sinh-lão-bệnh-tử). Tóm lại, có thể xem thời gian như một loại diễn ngôn không lời. Nhưng không phải mọi khoảng khắc thời gian đều là diễn ngôn, diễn ngôn chỉ xuất hiện khi có một nguồn phát rõ ràng (trong khi thời gian vô thủy vô chung), chỉ trong cái Biểu tượng này, thời gian mới trở thành diễn ngôn khi được “phát biểu” từ tâm thức của quốc gia/ dân tộc Ireland. Trong tâm thức dân tộc, quá khứ là một diễn ngôn mạnh mẽ, chi phối không nhỏ đến sự trưởng thành của một con người.

Như ở mục 1.1.2 chúng tôi đã trình bày, bản sắc Ireland luôn gắn liền cùng quá khứ, đó là một dân tộc luôn ngưỡng vọng lịch sử. Sự ngưỡng vọng ấy đã tạo nên loại diễn ngôn thời gian được tượng hình hóa thành các tượng đài: tượng đài như một công trình kiến trúc và tượng đài được khắc họa trong tâm trí.

Khắp nơi nơi là các loại tượng đài: bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh

“đứng trên một cái bệ ở giữa khu vực những mái tranh nghèo khổ” [26, 271], tượng Chúa Ba Ngôi “đứng sừng sững nặng nề trong sự ngu dốt của thành phố, như là một mặt đá buồn thiu nạm trên một chiếc nhẫn đeo tay cồng kềnh” [26, 301], bức tượng của một thi sĩ Ireland yêu nước: “đó là một người Ailen tiền Xen tích náu mình trong tấm áo mượn của một người Ailen lệ thuộc Tây Ban Nha” [26, 302], và phiến đá kỷ niệm Wolfe Tone – nhà lãnh đạo cách mạng Ireland – được dựng lên trong khung cảnh buổi lễ theo trí nhớ của Stephen [26, 309]. Mục đích của việc xây dựng tượng đài chính là: biến cái siêu hình thành cái hữu hình để phụng thờ và tôn kính (tượng đài tôn giáo), biến quá khứ thành hiện tại để ngưỡng vọng và tưởng nhớ (tượng đài dân tộc). Với mục đích nào thì tượng đài cũng là một khối đông cứng của thời

gian vì bao thế hệ rồi cũng sẽ cùng nhìn về bức tượng với cùng một loại cảm xúc đã được định hướng.

Nếu những tượng đài thực tác động chủ thể từ bên ngoài, qua thị giác, thì tượng đài trong tâm tưởng là sự tác động bên trong của diễn ngôn quốc gia/ dân tộc vào chủ thể. Đó là khi Stephen đứng bên này bờ sông, nhìn sang bờ bên kia và trông thấy “hình bóng nhà cửa công trình của thành phố chìm trong sương mù […] hình ảnh thành phố thứ bảy của vương quốc Thiên Chúa giáo hiện rõ trước mắt anh qua làn không khí vô định, không cũ mòn hơn cũng không mỏi mệt hơn hoặc kém kiên nhẫn hơn trong ngày tạo lập trời đất”

[26, 280]. Ảo ảnh ấy là một tượng đài vì nó gợi lại chính huyền thoại-sử khai quốc của Ireland, khi tổ tiên người Ireland hiện đại là người Milesian – bấy giờ đang sống ở Tây Ban Nha, nơi còn có tên gọi là Vùng đất chết – vào một ngày trời quang nhìn về phía biển và trông thấy hòn đảo Erin (Ireland) xinh đẹp, xanh mỡ màng; bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của vùng đất mới, họ quyết định giong buồm, làm cuộc du hành và định cư tại nơi ấy sau khi chiến đấu và chiến thắng người bản địa ở đảo Erin (theo Book of Invasions [120]). Cái nhìn hiện tại của Stephen đã được đẩy lùi về quá khứ hàng ngàn năm, để hình ảnh hiện lên không phải là ảo giác cá nhân mà là biểu tượng về một đất nước. Phải chăng ngay lúc này, Stephen đang mang trong tâm thức ánh nhìn của cả một dân tộc về quá khứ, một quá khứ tự hào của công cuộc khai phá miền đất hứa mà Thiên Chúa đã tặng cho tổ tiên họ, để ngày nay, họ vẫn vin vào vẻ đẹp ấy mà ngợi ca và chúc tụng?

Như vậy, tượng đài thực chất là một loại diễn ngôn được hình tượng hóa, nội dung của nó là tư duy của các thế hệ được dồn tụ lại theo thời gian. Nhưng với hình thức này, diễn ngôn đã tự tạo ra song đề của chính mình khi ý muốn lưu giữ quá khứ cũng tức là đập vỡ quá khứ. Nicholas A. Miller đã phát hiện ra trạng huống này: ông cho rằng, đài kỉ niệm (memorial) “đe dọa trực

tiếp đến những trạng thái khách quan của sự kiện và do đó, không căn cứ vào hoạt động đang diễn ra […] Tính không ổn định, hay thay đổi của lịch sử mất dần […] nó giam hãm nhận thức về lịch sử” [97, 24], do đó “không phải đài kỉ niệm giúp lấp đầy khoảng trống trong tâm trí người xem về sự kiện quá khứ – nó thay thế quá khứ bằng bản văn hiện tại – mà đúng hơn, nó ngăn ngừa “việc nhớ lại” của chính người xem về hoạt động xây dựng và phá hủy của quá khứ vốn tạo ra liên tục bản văn lịch sử”[97, 25]. Điều đó có nghĩa là, tri thức lịch sử chính xác, chân thật, đầy đủ bị đặt trong một tỉ lệ cân xứng với tính dễ đọc dễ xem của nó để thuận tiện cho việc tưởng nhớ, kỉ niệm. Khi ấy, “đọc” lại quá khứ cũng là đập vỡ quá khứ bằng cái nhìn hiện tại. Đó là lí do vì sao Stephen nhìn bức tượng Đức Mẹ bằng “cặp mắt lạnh lẽo”, thoáng qua; nhìn tượng Chúa Ba Ngôi mà cảm thấy tâm trí bị kéo xuống thấp; nhìn bức tượng nhà thi sĩ quốc gia Ireland mà thấy “nực cười”; dự lễ dựng bia Wolfe Tone với tâm trạng “chua chát” trước cảnh “bày vẽ rẻ tiền”; và trông thấy thành phố bên kia sông “cũ mòn như nỗi chán chường mệt mỏi của con người”. Phải chăng cũng vì thế mà Stephen có cái nhìn cay độc về tổ quốc của mình, khi anh thẳng thừng nói với Davin – người theo chủ nghĩa dân tộc cuồng nhiệt – rằng: “Cậu có biết Ailen là cái gì không? Alien là một con lợn nái già ăn thịt cả những đứa con của mình” [26, 344].

Bản thân song đề từ diễn ngôn dân tộc ấy đã dẫn đến tình trạng song đề

của Stephen khi một mặt quá khứ đổ dồn lên anh lòng yêu thương, tự hào về quê hương (bằng chứng là thái độ của Stephen trước ngôn ngữ “ngoại bang” – tiếng Anh: “Ngôn ngữ của ông [thầy giáo người Anh] thật quen thuộc và thật xa lạ, đối với mình sẽ mãi mãi vẫn là một thứ ngôn ngữ vay mượn. Mình chưa hề tạo ra hay chấp nhận những từ ngữ của tiếng nói đó. Tiếng nói của mình vẫn giữ sự cách biệt với những từ ngữ ấy” [26, 319], cũng như việc Stephen cố tình bỏ tiết học tiếng Anh và tiếng Pháp) nhưng một mặt, anh từ chối học

cả tiếng Ireland, từ chối sự áp đặt của thời gian, tức từ chối sự áp đặt của diễn ngôn về quá khứ:

Đó là khi Stephen “đập vỡ” “tượng đài” thu nhỏ của đất nước và dân tộc Ireland qua cách nhìn về ngôi nhà của chính anh: đất nước của “đám dân du cư” phản ánh qua tình trạng chuyển nhà liên tục của gia đình anh; và trên quốc gia này, cộng đồng bị chia rẽ bởi những quan điểm dân tộc trái ngược nhau, như cái cảm giác của Stephen với những người thân trong gia đình mình: “Anh cũng thấy rõ sự cách li của chính mình […] Anh cảm thấy rằng anh hầu như không cùng dòng máu với họ mà chỉ nằm trong một mối quan hệ thân thuộc huyền bí của sự nuôi dưỡng” [26, 161]. Cuối cùng, sự thất bại toàn diện của một đất nước nhỏ bé đã phản ánh vào tâm trí Stephen thành những đổ vỡ, hoang tàn như hình ảnh đồ vật trong ngôi nhà “lộn xộn”, “tù hãm” của anh: cái cửa không then, nước trà loãng pha lần hai, những hũ đựng mứt dùng làm cốc trà, vụn bánh mì đường ngả màu nâu vì ngấm nước trà rơi vãi trên bàn, nước trà đỏ đọng thành vũng nhỏ trên bàn, con dao có tay cầm ngà voi đã vỡ cắm qua lớp vỏ của chiếc bánh kẹp đã hỏng [26, 272].

Sự từ chối diễn ngôn thể hiện trừu tượng hơn khi Stephen “đập vỡ” thời gian quanh anh thành một mớ hỗn độn, mất chiều tuyến tính: Chiếc đồng hồ ở nhà anh “bị méo đang nằm nghiêng giữa mặt lò sưởi” và chỉ mười hai giờ kém mười lăm, nhanh hơn hiện tại “một tiếng hai nhăm phút” - “vậy đúng ra là mười giờ hai mươi” [26, 292]. Khi trên đường đến lớp, anh nghĩ “hẳn là phải mười một giờ rồi” nhưng đồng hồ trong xưởng làm sữa lại chỉ năm giờ kém năm, vừa quay đi thì “anh lại nghe thấy một chiếc đồng hồ ở nơi nào đó rất gần nhưng anh không nhìn thấy, gõ mười một tiếng” [26, 297]. Tình trạng lộn xộn về thời gian cũng như trạng thái không nhận thức rõ ràng thời điểm hiện tại của Stephen (anh phải hỏi mẹ giờ giấc, phải nhìn vào cửa hàng bên đường, nghe tiếng chuông vọng lại để xác định thời gian; anh phải dừng lại

một thông tấn xã, xem tờ thông cáo để biết hôm nay là thứ mấy) như một sự bất tín nhiệm của chính anh đối với khái niệm thời gian nói chung hay thời gian mà dân tộc anh đã lập thành diễn ngôn để “cầm tù” cá nhân vào quá khứ nói riêng. Đây là một lập trường rất mới của Stephen (cũng là của J. Joyce) về vấn đề dân tộc khi hầu hết những nhà văn cùng thời hiện đại (như Yeats, Faulkner hay Proust) thường chọn cách trở về quá khứ để góp nhặt tinh hoa từ văn hóa dân tộc. Đây là một trong những biểu hiện của tính chất hậu hiện đại về sau khi sự tan rã lên ngôi, cả về vấn đề thời gian, mà Kurt Vonnegut – một trong những nhà văn Mỹ xuất sắc nhất thế kỷ XX – đã thẳng thừng phát biểu trong tập tiểu luận nổi tiếng Người không quê hương: “Tôi nghĩ một trong những sai lầm lớn nhất mà chúng ta đang mắc phải, chỉ đứng thứ hai sau chuyện làm người, có liên quan tới bản chất của thời gian. Chúng ta có những thiết bị như đồng hồ này, lịch này để xắt thời gian thành lát mỏng như xúc xích salami rồi ta đặt tên cho mấy miếng ấy như thể ta sở hữu chúng và chúng không bao giờ thay đổi được – như “11:00 sáng, 11 tháng 11 năm 1918” chẳng hạn – trong khi thực tế chúng cũng có thể vỡ tan thành nhiều mảnh hoặc thành những giọt thủy ngân lăn lông lốc” [53, 138]. Bằng dự cảm về tính chất phân rã này ngay đầu thế kỉ XX, sẽ là không quá khi nhận định James Joyce là người “dự báo” cho cảm quan hậu hiện đại phát triển mạnh vào nửa thế kỷ sau.

Việc từ chối sự áp đặt của diễn ngôn cũng thể hiện khi Stephen nghe câu chuyện của Devin về người phụ nữ nông thôn tay cầm cốc sữa (hình ảnh cũng được khắc họa như một loại tượng đài), anh đã lột trần ngay tính chất giả dối của người đàn bà “là một điển hình cho chủng tộc của cô ấy và của chính anh” [26, 307] qua sự chuyển dịch hình ảnh và suy nghĩ sang cô bé mời anh mua hoa: “cặp mắt xanh biếc trẻ trung của con bé vào cái lúc này anh thấy dường như là hình ảnh của chính sự thơ ngây, và anh dừng lại cho đến khi cái hình ảnh đó biến đi và

rồi anh chỉ còn thấy manh quần áo tả tơi và mái tóc cứng rối ướt át bù xù và khuôn mặt trâng tráo lả lơi của con bé” [26, 308]. Hai tính chất khác hẳn nhau trong một hình hài: bản tính nữ dịu dàng, trong sáng (như hình ảnh người phụ nữ nông thôn tốt bụng đưa cho Davin cốc sữa cũng như hình ảnh cô gái bán hoa trẻ trung có cặp mắt xanh) và bản năng tình dục mãnh liệt (người phụ nữ nông thôn với khuôn ngực và đôi vai phơi trần, mời Davin nghỉ lại nhà vì chồng đi vắng; cũng là hình ảnh cô bé con quần áo “tả tơi”nhưng khuôn mặt “trâng tráo lả lơi”) đã phản ánh bản chất mà Stephen nhìn nhận và đúc kết về dân tộc mình, một dân tộc: “ham suy luận lí tính” và có“lối sống che đậy” [26, 304], mang tâm hồn

“như tâm hồn loài dơi thức dậy trước ý thức về chính mình trong bóng đêm trong bí mật và trong cô đơn” [26, 307].

Với Stephen, thời gian là một loại diễn ngôn có thể tượng hình hóa thành các loại tượng đài của đời thực và tượng đài trong tâm trí. Nhưng chính những “đài kỉ niệm” ấy đã biến dân tộc anh thành loại người-đám đông đánh mất cá tính, cùng mang mặt nạ, sống che đậy và bệnh tật. Hình ảnh loại người đám đông ấy được miêu tả theo nhiều cách khác nhau, khi là một tập thể người “kỳ dị” hiện lên trong giấc mơ của Stephen mà anh ghi chép lại trong những trang nhật ký:

“Những hình thù kỳ dị tiến tới như từ một cái hang sâu không cao như người. Dường như chẳng có hình thù nào hoàn toàn đứng tách biệt hình bóng khác […] Họ trố mắt nhìn mình như muốn hỏi han mình điều gì đó. Họ không mở mồm”

[26, 426]; khi trong một hình tượng chung nhất đại diện cho đám đông là người mà Stephen gặp trên đường: “một người lao phổi có khuôn mặt búp bê đội chiếc mũ không vành đang chậm rãi đi xuống dốc cầu tiến về phía anh, mình bó chặt trong chiếc áo choàng mầu sôcôla gài khuy kín và tay cầm cái ô xếp

Một phần của tài liệu hiện tượng song đề trong chân dung một nghệ sĩ trẻ của james joyce (Trang 133)