Xung đột là “sự đối lập, sự mâu thuẫn được dùng như một nguyên tắc để xây dựng các mối quan hệ tương tác giữa các hình tượng của tác phẩm nghệ thuật”. Vai trò của xung đột là đẩy câu chuyện lên tới cao trào, để từ đó làm cho tính cách của nhân vật được bộc lộ. Để làm bộc lộ tính cách nhân vật cũng như làm cho nhân vật trở nên sinh động, nhà văn thường đặt nhân vật trong ba mối xung đột chính: xung đột với hoàn cảnh, xung đột của các nhân vật, và xung đột của chính nhân vật với bản thân mình. Với loại tiểu thuyết này, nhân vật thường phân định rõ ràng giữa thiện và ác, chính và tà, tốt và xấu, cao cả và thấp hèn.
Để nói lên được các quan điểm của mình về các giá trị về thế thái nhân tình hoặc bộc lộ quan điểm cá nhân của nhà văn, các nhà văn thường mượn lời của nhân vật hoặc tạo nên những đoạn trữ tình ngoại đề. Vì thế chức năng giáo dục thường bộc lộ rõ sau khi người đọc đọc xong tác phẩm. Tuy nhiên, tiểu thuyết Việt Nam thời Đổi mới so với tiểu thuyết 1945 – 1975 khác nhau ở chỗ: Quan niệm về nhân vật của nhà văn đã thay đổi, mẫu nhân vật nguyên
phiến đã được thay bằng loại nhân vật đa trị, tính cách nhân vật không nhất thành bất biến mà luôn biến động, thay đổi.
Trong tác phẩm Cửa sóng, tác giả tạo ra xung đột giữa ông Hồi, ông Mãi với Hịch. Hai ông Hồi và Mãi là những người dân chân chất, thật thà, họ chỉ có ao ước được sống một cuộc sống yên bình, thanh thản, không va chạm, nhưng chính Hịch lại không để yên, hắn ta luôn tìm cách hạch sách đủ điều, đặc biệt là với ông Hồi, vì ông không phải là người bản xứ. Chính Hịch đã bao nhiêu lần có những lời nói vô lễ và có những hành động thâm độc hãm hại ông Hồi. Trước những hành động, lời nói xấu xa của Hịch, ông Hồi thấy buồn, nhiều lúc chạnh lòng của một người con xa quê, không nhớ nổi tên nước của mình, song luôn ngưỡng vọng về nó với bao tình cảm tốt đẹp. Nhưng rồi, dù có bị Hịch gây khó dễ thế nào đi nữa, ông không hề bi quan, ông vẫn hăng hái giúp đỡ mọi người, vẫn luôn làm việc chăm chỉ để phụ giúp cho ông Mãi và vẫn gắn bó với miền cửa sông hẻo lánh này. Dù trong xã hội phải bắt gặp những con người như Hịch, song số đó như là “chấm nhỏ”, ở đây ông còn có những người bạn tuyệt vời, những con người biết trân trọng những giá trị trong con người ông.
Trong Một kiếp đàn ông, Lý Biên Cương xây dựng khá nhiều xung đột. Nhân vật không chỉ xung đột với hoàn cảnh mà còn xung đột với chính bản thân mình, xung đột với những người sống xung quanh mình, để từ đó dần bộc lộ tính cách. Bảng là giám đốc lâm trường, ở anh có sự nhiệt huyết, đam mê công việc, anh luôn sống có trách nhiệm và lo lắng cho người khác. Lúc đầu khi mới có ý định lập xóm Bìa Rừng thì Bảng được khen ngợi, thậm chí anh bạn nhà báo còn muốn viết bài về anh, song trong quá trình thực hiện lại xảy ra nhiều vấn đề. Nhiều người trong ban lãnh đạo lâm trường lại phản ứng gay gắt. Những biên bản cuộc họp được trích dẫn đã cho thấy được xung đột giữa Bảng và những người trong ban lãnh đạo của mình, cũng như các tổ chức xã hội khác.
Ngay mở đầu tác phẩm, Lý Biên Cương đã dẫn ra lá thư của huyện hội phụ nữ B được đăng trên báo. Họ “cảm ơn tấm lòng từ thiện của xí nghiệp, dù thâm tâm không khỏi chút phân vân lập một đội toàn chị em, vậy có nên không, có hợp tình, hợp lí dư luận chung, cũng như với mỗi chị em” [11, 76]. Và khi đề cập đến vấn đề Bảng muốn đặt vòng cho chị em phụ nữ, phía huyện đội có ý phản bác. Trước tình thế đó Bảng đã đưa ra những luận điểm của mình:
“ Giám đốc N.D.B cãi lý:
- Xin hỏi mấy chị, mấy chị phải cáng đáng trực tiếp đời sống những con người này hằng ngày, hay xí nghiệp chúng tôi phải cáng đáng? Mỗi người chỉ cần đẻ thêm một đứa trẻ nữa, toàn bộ mọi xử sự (ốm đau, học hành, nhà cửa), hỏi mấy chị lo hay chúng tôi lo? Tôi phản đối ý kiến bảo chúng tôi cho phép chị em đặt vòng là tàn bạo. Theo tôi, đây là một trong những biện pháp nhân đạo cho xã hội và cho chính những chị em này.
Quí tòa soạn đã nghe thấy lí lẽ của người lãnh đạo nọ? Đây là một việc làm phi đạo đức, bêu xấu danh dự số chị em trên nói riêng và phụ nữ nói chung. Chúng tôi đã có công văn gửi Tỉnh, gửi Trung ương kháng nghị điều này, mong các cấp cùng ra tay ngăn chặn những hành động “cực tả”. Đồng chí đội trưởng T.T.H cũng đồng tình với chúng tôi, cùng kí tên dưới đây, coi chuyện “đặt vòng” là việc làm quá quắt. Đã thế, giám đốc còn ép đội trưởng tìm đến kết nghĩa với Đội khoan địa chất số 9 (một đội toàn đàn ông trẻ), kết nghĩa với đại đội bộ đội công binh gần đó. Chúng tôi coi việc “kết nghĩa” nọ là một hình thức trá hhnh, dẫn chị em tới một con đường lầm lạc mới. Giám đốc N.D.B lí sự:
- Kết nghĩa là một việc tốt. Chúng tôi muốn chị em gặp gỡ anh em, trước hết là giúp nhau những khó khăn riêng từng giới, sau nữa hợp nhau có điều kiện nên vợ nên chồng.
Cơ quan huyện hội chúng tôi họp, bàn cãi khá nhiều (một số chị rụt rè đề nghị cần lắng nghe kĩ hơn việc làm của giám đốc B), nhưng đa số phản
đối hành động “quá đáng” nọ. Chúng tôi nghĩ phụ nữ mình là phụ nữ Việt Nam, cái đức hi sinh, nhẫn chịu phải đặt lên hàng đầu. Xả láng ăn chơi, tự do tình ái chỉ có ở những nước châu Âu, châu Mỹ, đâu phải của nước châu Á mình. Phải chăng đây là một cách nghĩ, hay biểu hiện quan điểm tư tưởng sa sút của chính giám đốc B? Trong lúc đất nước chiến tranh, người hậu phương phải toàn tâm với người ra mặt trận, Giám đốc B có ý định đả phá lòng tin của người lên đường cầm súng chiến đấu? Chúng tôi cũng thông cảm hoàn cảnh của không ít chị em lâu nay nghe tiếng gọi của tổ chức ra biên giới xây dựng lâm trường, nông trường… không có điều kiện lập gia đình. Công việc này phải kiên nhẫn chờ đợi, không thể nôn nóng ngày một ngày hai, không thể “phá mình” để rồi đến đâu thì đến. Chúng tôi kiến nghị chấm dứt kiểu đặt vòng cho số chị em trên ở đội “Bìa Rừng”. Kính mong các cấp có thẩm quyền xem xét. Đội ơn vạn bội!” [11, 76-77-78]
Đây chỉ là một biên bản cuộc họp trong số rất nhiều biên bản được trích dẫn trong tác phẩm. Nhưng chỉ cần một biên bản này cũng cho thấy được sự đối lập giữa hai tư tưởng đó là tư tưởng cấp tiến của Bảng và tư tưởng bảo thủ, giáo điều một thời. Những lời lẽ của hai bên đã bộc lộ được tính cách biết lo lắng cho chị em phụ nữ của Bảng. Bảng hiểu hơn ai hết cuộc sống của chị em, khi phải thui thủi một mình nuôi con. Họ cũng là con người, họ cũng phải có những ham muốn bình thường như bao người khác. Bất cứ người phụ nữ nào cũng có ham muốn được thực thi thiên chức của một người phụ nữ. Thế mà họ yêu cầu phải kiên nhẫn, chờ đợi, không thể nôn nóng, ngày một ngày hai như kiểu chờ một chủ trương nào đó của tổ chức vậy, nghe thấy thật là buồn cười và cũng thấy xót xa. Không chỉ Bảng mà những chị em trong xóm Bìa Rừng cũng xung đột với hoàn cảnh sống. Chính trong hoàn cảnh sống như thế, chịu sự lãnh đạo của những tư tưởng cổ hủ đã khiến cho số chị em đó có một cuộc sống bất hạnh, họ là nạn nhân của hoàn cảnh. Dù biết rằng, trong hoàn cảnh chiến tranh, tất cả mọi người dồn tâm huyết cho tổ quốc. Ngoài chiến trận, con người phải chiến đấu, đối diện với kẻ thù. Những
người ở nhà không chỉ là hậu phương lớn mà con phải đối mặt với bao vấn đề khó khăn khác nữa. Không thể lợi dụng chiến tranh để ép buộc người ta sống trong khuôn mẫu, con người với những bản năng, thiên chức của mình, không thể đi trái với quy luật tự nhiên được.
Trong tiểu thuyết Phù du, tác giả cũng tạo ra xung đột giữa con người với hoàn cảnh. Đó là xung đột của con người với nạn vượt biên và kết thúc là sự ngục ngã của con người trước hoàn cảnh, để rồi nhiều người không làm chủ được ý chí của mình, chạy theo những ảo vọng nơi xứ người và tự đẩy mình rơi vào bi kịch của cuộc đời.
Lý Biên Cương tạo dựng những xung đột trong gia đình ông Thư. Trước hết là xung đột của Nhàn với những người trong gia đình. Nhàn là một cô gái mới lớn, được sống trong một thời đại khác hẳn ông cha mình nên cách suy nghĩ cũng khác. Nhàn và anh trai mình như ở hai thế giới khác nhau vậy. Trong con mắt của Nhàn, anh Văn là con người cổ lỗ, còn trong mắt Văn, Nhàn là một đứa con gái hư hỏng, những hành động của em gái khiến Văn cảm thấy khó chịu. Sự xung đột giữa Nhàn và anh trai mình, đã cho thấy Nhàn là một cô gái hiện đại, có lối sống và cách suy nghĩ khá nông nổi, buông thả, khác xa với lối sống cũng như cách nghĩ của anh trai. Chính sự xung đột này cũng là một phần nguyên nhân để Nhàn ra khỏi nhà và quyết định vượt biên để tìm Nhẫn. Tiếp sau đó là xung đột trong chính con người ông Thư. Ông Thư là một nhà văn, có vị thế trong xã hội, thế nhưng trước sự ra đi của Nhàn, khiến ông phải lao đao. Lúc đầu ông không biết mình nên đi tìm Nhàn hay không, bởi ông là một nhà văn có tiếng. Ông lo sợ tìm cái Nhàn sẽ ảnh hưởng tới uy tín của ông, ảnh hưởng tới cái sự nghiệp mà ông đã gây dựng bao lâu nay. Nhưng rồi khi đọc những dòng nhật ký của con, những lời cầu xin của vợ làm ông bừng tỉnh. Chính ông cũng đã nhận ra rằng, Nhàn là một phần con người trong ông mà ông luôn cố gắng che giấu, ông không dám bộc lộ cá tính một cách mạnh mẽ như Nhàn. Nhàn chính là cuộc sống của ông. Vì thế, ông đã quyết định tìm con. Đến khi không tìm
được Nhàn, ông trở về mới hay gia đình gặp bao nhiêu bất trắc, vợ ông thì bệnh tình nặng thêm, con trai ông đã thoát ly ra nước ngoài. Và ông bị mang tiếng là trốn khỏi quê hương. Ông trở về tiếp tục đi thanh minh, giải thích với các cấp chính quyền để xin được đứng vào đội ngũ của Đảng, vì có được danh hiệu Đảng viên đó ông đã phải phấn đấu khó khăn như thế nào, nên ông không thể để mất nó được. Cứ tưởng nhà văn sẽ mãi chạy theo cái hư danh, nhưng rồi ông đã nhận ra rằng, gia đình là quan trọng nhất, được ở bên những người thương yêu của mình mới là hạnh phúc nhất nên ông sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để có một cuộc sống bình an hơn.