Con người trong Phù du

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Lý Biên Cương (Trang 68)

Con người trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng mang trong mình khát vọng về một mái ấm gia đình bình yên, hạnh phúc. Ước mơ là thế song mấy người thực hiện được. Có những người phải trải qua những chông gai thử thách mới nhận ra được đâu mới là hạnh phúc đích thực, cần mình phải biết nắm giữ, bảo vệ nó.

Ông Thư luôn tự cho rằng mình đã là một người chồng, một người cha tốt. Thế nhưng cái gia đình bé nhỏ đó nếu không có bà vợ tần tảo, sớm hôm buôn bán dành dụm tiền bạc lo cho chồng, cho con thì ông đâu có thời gian ngồi mà viết lách, để cho ra đời những tác phẩm hay được bạn đọc đón nhận. Ông mặc nhiên thừa nhận những gì bà làm cho ông như một điều tất yếu. Khi cái Nhàn bỏ đi, ông chỉ biết trách móc bà không biết nuôi dạy con cái, để cho

nó theo bạn theo bè. Việc Nhàn bỏ đi, ông chỉ biết trách móc vợ, vì trong ông cứ lo canh cánh sợ bị cơ quan đoàn thể biết sẽ xấu mặt ông lắm. Ông sợ dư luận, sợ mất đi cái danh hiệu Đảng viên, danh hiệu nhà văn ưu tú của quê nhà. Mãi sau này, khi nhìn thấy thân thể tiều tụy của vợ vì lo bao chuyện trong nhà, ông mới chạnh lòng thương bà. Ông bà sống với nhau tuy đã có hai mặt con, nhưng tình cảm vợ chồng dường như đã cạn. Ông không bao giờ quan tâm tới việc bà vất vả, lo toan cho cái gia đình này như thế nào. Đến lúc bà gần đất xa trời, ông mới biết bao năm nay mình đã đối xử tệ với bà, mới biết được đức hi sinh sức chịu đựng vì chồng, vì con của bà. Sự ra đi của vợ, ông hối hận cũng đã muộn, chỉ biết dành tặng hai câu thơ của Puskin để nói lên nỗi lòng, tình cảm của ông: “Đấng tạo hóa đã gửi em đến anh, em trong sạch trong những gì trong sạch nhất” [11, 409]. Ông cảm thấy mình là người may mắn nhất bởi một lúc ông có hai chiến tuyến vững vàng. Bên cạnh bà vợ chính thức, ông có cuộc tình thoáng qua với với một cô gái làm công nhân mỏ than. Ông không ngờ rằng, cái tính trăng hoa của mình đã khiến cho bà Ngấn phải nuôi con một mình, phải chịu bảo khổ cực, bao điều tiếng từ mọi người. Ngày ông tìm lại bà như tìm lại một người quen xưa, chính tên bà ông cũng không nhớ, nhưng khi gặp bà, biết chuyện của bà ông mới ngớ người. Và những ngày cùng bà lăn lộn đường dài tìm hai đứa con của mình, ông mới thấy mình có lỗi với bà. Cả cuộc đời ông đã khiến cho hai người phụ nữ yêu thương mình phải phải khổ sở. Ông thấy mình may mắn khi những ngày cuối đời còn lại được sống hạnh phúc bên bà, bên những đứa con của mình dù sóng gió có thể đến lúc nào. Song với ông điều đó không quan trọng nữa, những danh hiệu Đảng viên, danh hiệu nhà văn ưu tú đối với ông không là gì nữa. Bởi giờ đây ông đã nhận ra một điều rằng, gia đình là cái quan trọng nhất, đâu phải tìm đâu xa những danh tiếng hão huyền, hạnh phúc kề bên là khi ta được sống giữa sự yêu thương, đùm bọc của mọi người.

Bên cạnh ông Thư, nhân vật bà Ngấn cũng để lại ấn tượng trong tâm trí người đọc bởi bà là một người phụ nữ vừa đẹp người đẹp nết. Đến cuối tác

phẩm, bà và con trở về sống với ông Thư. Nhưng để có được điều đó, bao nhiêu năm qua bà âm thầm lặng lẽ một mình nuôi con, chịu bao nhiêu thiệt thòi. Vẫn biết nhà ông Thư đó nhưng bà không dám lên tìm ông nữa bởi bà sợ cái gia đình kia sẽ vì bà mà gặp sóng gió. Bao năm bà chờ đợi ông quay trở lại nhưng chưa một lần nào ông nhớ tới bà đến khi phải đi tìm con, ông mới tìm đến bà như gặp lại một người bạn. Bà không hề suy nghĩ thiệt hơn, mà chỉ biết rằng giờ ông đã quay trở lại thì bà sẽ không để mất ông lần nữa. Với người phụ nữ này, hạnh phúc vô cùng giản đơn là được hiến dâng cho người mình yêu không hề oán trách, là sẵn sàng chịu đựng mọi tai tiếng ở đời chứ không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người đó. Và sau bao năm chờ đợi bà nhận ra rằng, một ngày nào đó ông trở lại, bà sẽ không để mất ông một lần nữa. Hạnh phúc là phải do mình nắm giữ, không ai có thể định đoạt hay làm thay cho mình được. Tính cách người phụ nữ này có phần táo bạo, manh mẽ nhưng điều đó thoát ra từ chính con người bà, không hề gian dối. Và có thể nói, bà Ngấn như là một phần còn thiếu của ông Thư đó là dám là chính mình. Trong văn học sau 1986, con người cá nhân luôn được đề cao, được trả về với muôn mặt đời thường vốn có. Trong những sáng tác từ sau 1986 trở đi, các tác giả bắt đầu chú trọng đề cập tới một vấn đề sâu kín của con người mà trước đây, văn học phải né tránh. Đó là con người bản năng, tự nhiên. “Tiểu thuyết đã không ngần ngại miêu tả chất sắc dục, tình yêu nhục thể là một lĩnh vực rất riêng của mỗi cá nhân. Miêu tả những con người tự nhiên, khai thác yếu tố tích cực của con người tự nhiên cũng là một khía cạnh nhân bản của văn học” [65, 227].

Những tình cảm hết sức tự nhiên, chân thật đã được Lý Biên Cương đưa lên những trang viết của mình một cách nhẹ nhàng theo đó nhân vật cứ dần hiện ra với bao cảm xúc hết sức đời thường. Con người bản năng trong tác phẩm này được thể hiện ở chỗ con người sống đúng với những ham muốn của mình đó là tình dục, là sự khẳng định cá tính của mình.

Trong tác phẩm này, tác giả đã chỉ ra một phần nguyên nhân vì sao ông Thư và vợ sống lạnh nhạt với nhau. Đó là bởi chuyện chăn gối giữa ông và bà không được hoà hợp, cứ mỗi lần ông muốn được yêu thì bà bắt phải tắt hết đèn điện, ngủ với ông mà có cảm giác như ngủ với một người đàn ông xa lạ nào đó, như thể ông đang hành hạ bà vậy. Bà cũng nhận rằng cả cuộc đời bà chỉ có lỗi với ông là việc không thể làm tròn bổn phận của một người vợ trên giường, nhưng chính điều này đã làm gia đình bà tan nát, dù bà đã cố gắng xoay xở, lo lắng cho gia đình. Bởi vậy mới thấy sự hòa hợp trong quan hệ chăn gối của vợ chồng là điều hết sức quan trọng. Con người với những bản năng vốn có của mình không thể chối bỏ được.

Hay như Nhàn và bạn của Nhàn tập tành hôn hít, xem phim đen và vận dụng nó vào chính cuộc sống của mình. Những hành động của lứa tuổi chưa đủ lớn đáng để ta suy ngẫm. Cuộc sống cơ chế thị trường đã làm cho một thế hệ trẻ chạy theo lối sống lệch lạc. Song nhiều người với những bản năng tự nhiên của nó không thể kìm hãm được. Trước kia sống trong một hoàn cảnh xã hội khác, con người không dám bộc lộ những khát vọng dục thể của mình. Nhưng bây giờ, khi mà cái tôi được đề cao, con người được tiếp xúc với nhiều luồng văn hóa khác nhau, hệ thống báo chí, truyền thông phát triển mạnh mẽ, thì con người có quyền được thỏa mãn những khát vọng của mình và miễn sao nó không quá lộ liễu, không mất đi tính nhân bản, không trái với luân lý xã hội thì ta sẵn sàng đáp nhận. Mặt khác, những hành động của Nhàn như muốn để Nhàn được sống với là chính mình, không chối bỏ những cảm xúc tự nhiên trong khi yêu, không chối bỏ những ham muốn thể xác.

Nhân vật bà Ngấn cũng vậy, nhiều người có thể nghĩ bà dễ dãi bởi chỉ gặp ông Thư có mấy ngày song bà sẵn sàng trao thân cho ông không đắn đo, không nghĩ suy tới hậu quả sau này dù bà chưa biết nhiều về ông. Bà yêu, chỉ biết rằng mình yêu và tình yêu thì không có tội. Cảm xúc của con người là thế, vô cùng tự nhiên, nó đến lúc nào không mấy ai hay, và mấy ai làm chủ

được bản thân mình trước những rạo rực, đắm say của bản thân mình. Có vậy ta mới hiểu và dễ dàng cảm thông cho họ được.

Trong cuộc sống không thiếu những con người thiếu bản lĩnh, không làm chủ được bản thân mình vì thế mà rơi vào bi kịch, phải trả giá cho những quyết định sai lầm của mình. Đó là những con người rời bỏ quê hương ra đi hòng mong muốn có một cuộc sống sung túc bên nước người. Với họ chỉ những nước tân tiến thì đồng tiền mới kiếm ra dễ dàng hơn. Tiền sẽ làm cho họ có một cuộc sống tốt hơn ở quê nhà. Vai trò của đồng tiền ai cũng biết, nó là vật trao đổi có giá trị thể hiện sự giàu mạnh hay yếu kém của một quốc gia. Vai trò của nó ta không thể phủ nhận, song nhiều người không nhận thấy được giá trị thật của nó, họ đã gắn lên đồng tiền một sức mạnh phi thường, khiến họ phải điên đảo vì nó. Đọc tác phẩm ta thấy, tác giả đưa ra bao dẫn chứng về tình cảnh của những con thuyền vượt biên đó là các chủ thuyền giết hại những người trên thuyền để lấy tiền, vàng. Nạn cướp biển cũng hoành hành, chúng sẵn sàng cướp đi mạng sống của bao nhiêu con người để giành giật số vàng mà những người trốn bỏ quê hương mang theo. Vì tiền mà đã có bao nhiêu hành động phi nhân tính xảy ra, biến nhiều người thành thú dữ.

Khát vọng đổi đời, khát vọng được sống sung túc là tâm lý của mọi con người. Nhưng làm cách nào để có cuộc sống sung sướng hơn thì mỗi người có những sự lựa chọn khác nhau. Bên cạnh những người xác định được mục tiêu sống đúng đắn, muốn đi lên bằng con đường chân chính, hợp pháp thì lại có những con người sẵn sàng bất chấp thủ đoạn, thậm chí chà đạp lên mạng sống của người khác để làm giàu bằng mọi cách. Họ là những con người không làm chủ được bản thân mình trước thời cuộc, trong họ không có niềm tin về mình, chỉ biết chạy theo cái ảo tưởng và ở họ đang thiếu đi một nền tảng văn hóa vững chắc chính vì thế mà chi cần nghe những lời nói ngon ngọt, được người ta vẽ ra một viễn cảnh tươi đẹp nơi xứ người thì vội vã từ bỏ tất cả để chạy theo và cuối cùng phải trả giá cho những hành động xuẩn ngốc, kém hiểu biết của mình.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Lý Biên Cương (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(141 trang)
w