Trong mối quan hệ với hoàn cảnh, con người bao giờ cũng bị ràng buộc bởi nhiều giới hạn khác nhau. I.Bondarev, tác giả của cuốn tiểu thuyết Trò chơi đã từng nói: “Tất cả chúng ta là tù nhân của hoàn cảnh và không một ai tự do hết. Điều đó thật khủng khiếp, thật tuyệt vọng và hèn hạ,…”. Thực ra, trong mọi mối quan hệ với hoàn cảnh, con người không phải lúc nào cũng bị hoàn cảnh xô đẩy, dẫn tới bi kịch. Có những con người biết tận dụng hoàn cảnh, biết thời thế để vượt qua khó khăn và cũng có những người giàu bản lĩnh, dám vượt lên trên hoàn cảnh để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Nhưng cũng có kẻ đã bị hoàn cảnh đè bẹp. Những kiểu con người này, ta đã từng gặp trong các sáng tác của Ngô Tất Tố (Tắt đèn), Nguyễn Công Hoan (Lá ngọc cành vàng, Bước đường cùng), Nam Cao (Sống mòn),… Trong văn học thời kì Đổi mới, kiểu con người là nạn nhân của hoàn cảnh được các nhà văn tái hiện một cách sinh động, sắc nét. Họ là có thể là nạn nhân của chiến tranh, của tư duy lỗi thời cổ hủ hay là nạn nhân của một môi trường sống tha hóa và khả năng tự vệ kém cỏi trước những áp lực của đời sống,…
Trong Một kiếp đàn ông, số phận của những chị em phụ nữ ở xóm Bìa Rừng thật là bất hạnh. Cái bất hạnh của họ xuất phát từ những mặt trái của một chủ trương của Nhà nước còn chưa hoàn chỉnh, từ những quan niệm cũ, từ chủ nghĩa tập thể.
Cuộc sống của những chị em phụ nữ ở những lâm trường xa xôi sẽ không phải chịu khổ cực, thiếu thốn nếu như những người kêu gọi họ không bỏ con giữa chợ. Những đòi hỏi hết sức đơn giản như những nhu cầu yếu phẩm về miếng xà phòng, chút vải màn thế nhưng họ bị chính người lãnh đạo của mình mà ở đây là Nguyễn Đạo Đức gạt phăng: “Mấy mụ này, đất nước chiến tranh liên miên, lấy đâu đủ cho mấy mụ phè phỡn” [11, 91]. Đúng vậy đất nước đang chiến tranh, họ là những người hiểu nhất vì thế họ đâu dám đòi hỏi nhiều, nhưng tại sao “Mấy anh chị ở văn phòng cái gì cũng có” [11, 91] còn họ thì không. Không phải họ ghen tị, chấp nhặt mà vì họ cũng là con
người như những người kia, sao họ không được có những thứ mà ai cũng có. Họ không chỉ sống thiếu thốn về vật chất, đời sống tinh thần lại càng thiếu thốn hơn. Họ như bị bỏ rơi giữa rừng, những khao khát hạnh phúc về tình yêu, lứa đôi luôn bùng cháy dữ dội nhưng họ phải biết tự kiềm chế mình. Nhưng có một điều rằng, họ đâu phải là thần thánh, họ chỉ là những con người rất đỗi bình thường với những ham muốn đời thường. Vì thế những đứa con không bố lần lượt ra đời và cũng vì vậy mà họ bị nhiều người xa lánh, ghẻ lạnh. Chỉ có Bảng mới hiểu được phần nào cảm xúc của họ đã xin cấp trên đưa họ về thành lập một đội để họ có người bầu bạn, con cái được đi học chứ không phải mỗi góc rừng thui thủi có hai mẹ con, sống trong quạnh quẽ. Có lẽ khi thành lập cái xóm này, Bảng không thể tưởng tượng sẽ xảy ra bao nhiêu chuyện và những chuyện đó lại xuất phát từ chính những người trong cùng cơ quan với anh, từ các tổ chức của nhà nước như tổ chức hội phụ nữ, tổ chức y tế,… Chính những con người này đáng lẽ phải hiểu được số phận của chị em nhất nhưng họ lại xem cái xóm đó như là một nỗi tủi hổ của họ, đi đâu họ cũng sợ người ta hỏi về cái xóm đó như là một vết đen không thể xóa được. Họ lên án Bảng cũng chính là lên án những người phụ nữ không chồng mà có con. Chưa bao giờ họ đặt mình vào hoàn cảnh của những chị em phụ nữ đó, họ khiến cho số chị em đó vốn đã khổ sở rồi lại càng khốn đốn hơn. Cái chết của Liên là một minh chứng cho điều đó, họ chỉ biết tới căn bệnh của Liên sẽ gây ảnh hưởng tới người khác, đúng hơn là tới cái sĩ diện hão của họ, không một ai chịu tìm hiểu xem vì sao Liên bị căn bệnh quái ác đó và căn bệnh đó đã hành hạ chị đau đớn như thế nào. Họ chỉ biết trách móc và nhanh chóng chữa cái bệnh ngoài da đó chứ không để tâm tới những suy nghĩ của người đàn bà đáng thương đó, để rồi vì mặc cảm, xấu hổ, Liên đã tự tử như là để giải thoát mình khỏi cuộc sống khổ ải này.
Cũng chính hoàn cảnh sống đã khiến những người phụ nữ có thể sống với nhau một cách hoà thuận nhưng họ lại luôn tìm cách bới móc nhau. Cả Liên và Tứ đều là những phụ nữ đáng thương nhưng hoàn cảnh sống khiến họ
trở nên gay gắt với người kia cũng là với bản thân mình. Cả hai người phụ nữ đều đổ tội lỗi cho nhau, vì người này mà người kia khổ, cứ thế họ giày vò nhau dù trong thâm tâm họ biết rõ hơn ai hết người làm họ khổ là ai. Và cứ thế “cái ác cứ chen lấn, đan chéo chính ngay những con người lương thiện, những người ngỡ không sống ác thì không có cơ tồn tại trên đời” [11, 88]. Cái hoàn cảnh đó đã đẩy chị em vào một cuộc sống quẩn quanh, không lối thoát. Tới khi Bảng bị cắt chức, cái xóm đó cũng bị người ta lãng quên, nhiều người đã rời khỏi đó không biết cuộc sống sau này của họ sẽ ra sao nữa. Và rốt cuộc những người phụ nữ đó đều là những con người đáng thương, phải chịu nhiều thiệt thòi ngay cả trong thời bình. Đó là một điều khiến ta phải suy nghĩ, để từ đó yêu cầu ta phải có những chính sách thỏa đáng, hoàn chỉnh hơn để có thể đáp ứng được cuộc sống của con người.
Không chỉ những người phụ nữ đó mới bị dư luận xã hội đè bẹp mà Bảng cũng vậy. Hành động của Bảng lúc đầu được cấp lãnh đạo đồng ý, thế nhưng vì sĩ diện hão, họ không dám đứng ra gánh cái trách nhiệm đó mà đổ lên đầu Bảng. Một mình Bảng phải chống đỡ mọi phía, Bảng cô độc, bị cô lập ngay trong chính cái tập thể của mình. Bảng không can tâm khuất phục, anh gắng gượng chống đỡ lại song một mình thì không để đấu lại cả cái chủ nghĩa tập thể kia còn mang nặng trong mình những tư tưởng cổ hủ, giáo điều. Cuối cùng anh bị đánh gục, trở về với cuộc sống đời thường, lăn lộn kiếm sống qua ngày trong gian nhà trống hoác, không bóng người phụ nữ bởi vợ Bảng đã chết ở bệnh viện tâm thần trong những ngày Bảng phải tự lực chống đỡ trước những gọng kìm của những con người mang tiếng là biết lo cho cuộc sống của anh chị em. Chính những tư tưởng giáo điều, dập khuôn máy móc đã khiến cho những người như Bảng, dù có bản lĩnh, sống có trách nhiệm cũng không thể đấu lại được.
Nhân vật Thúy – vợ Bảng cũng là nạn nhân của hoàn cảnh. Những ngày Bảng còn làm thủy thủ trên tàu do ông chú làm thuyền trưởng, Bảng đã gặp Thúy. Một cuộc gặp không được bình thường. Đó là trong đêm Bảng phải
đứng gác tàu “bỗng nghe vọng tới một tiếng rên khe khẽ, tiếng rên như có ai bị bóp cổ và những tiếng vật lộn khe khẽ, cố để chung quanh không ai biết” [11, 103]. Bảng ngỡ có kẻ trộm lấy cắp gỗ, anh vội chạy tới và chứng kiến một cảnh tượng “trong đêm tối, nom rõ cô gái trần như nhộng. Hai thủy thủ cũng trần như nhộng, quần đảo cô như hai con mèo quần đảo miếng mồi” [11, 103-104]. Anh bất thần hét lên, lao vào giữa đám thú vật và cuối cùng anh bị hai thủy thủ đánh cho trọng thương. Tới khi tỉnh dậy, mới hay mình đang nằm trong nhà thương và được cô gái đó chăm sóc. Tới lúc ra viện, trên đường về nhà Bảng đã nói Thúy về làm vợ anh. Chỉ một câu “dạ” của Thúy, Bảng trở thành người có vợ. Cuộc sống đối với đôi vợ chồng trẻ tưởng bình yên nào ngờ một ngày ông chú Bảng về quê, nhìn thấy cô cháu dâu thì hét lớn: “Ơ hay, con điếm này! Mày còn dám vác mặt tới quê tao hả? Cút xéo cho tao đỡ ngứa mắt” [11, 106]. Những lời nói của ông chú đã làm cho Thúy điên điên dại dại, bị nhà chồng ghẻ lạnh. Hay tin, Bảng về quê, tìm đến nhà chú nhằm thanh minh cho Thúy. Trước hành động quả quyết của Bảng một mực thanh minh cho vợ, không còn để ý tới tình cảm chú cháu khiến cho người làng cũng phải sợ, vì thế mà điều tiếng về Thúy không còn nữa. Thúy đã lành bệnh. Nhưng rồi, Bảng cứ phải đi suốt, không thể ở bên cô nên cô đã không đủ khả năng chống đỡ được sự “rửa thù” từ chính ông chú. Chuyện ngày xưa được người ta phơi ra, hàng ngày Thúy phải nghe những câu vè như những nhát dao khứa vào tim và Thúy điên lại từ đó, bệnh tình càng ngày càng nặng thêm, không có cơ may chữa khỏi nữa. Giá như người đời đừng qúa cay nghiệt với cô, biết thông cảm cho cô hơn thì đã không đẩy một con người vào hoàn cảnh như thế. Không chỉ mình cô phải gánh chịu hậu quả của dư luận, chính Bảng cũng phải chịu đựng sự khổ tâm dày vò khi không lo nổi cho Thúy, để cho bố mẹ già ở quê sống cô đơn không tiếng trẻ thơ làm bầu bạn cho khuây khỏa. Ngay cả Bảng, một người đàn ông mạnh mẽ như thế còn chưa chống lại được búa rìu dư luận thì Thúy, một cô gái yếu đuối, có đôi mắt buồn rười rượi không thể vượt qua được cũng là điều dễ hiểu.
Cũng như trong tiểu thuyết Phù du, ở tiểu thuyết này, Lý Biên Cương cũng khai thác con người bản năng tự nhiên, tuy nhiên ở đây, tác giả đã đi sâu hơn vào vấn đề đời sống tình dục. Tác giả đã cho thấy sự cám dỗ và sức mạnh của nó, nó vừa là cách thức để duy trì nòi giống vừa đem đến khoái cảm cho con người. Với tiểu thuyết Một kiếp đàn ông, khi đưa ra vấn đề này ông muốn gửi gắm một điều rằng khát vọng lứa đôi, ham muốn tính dục là một điều hết sức bình thường, cần có. Có như thế, ta mới thấu hiểu hơn cuộc sống của những người phụ nữ khi phải sống những nơi thiếu bóng những người đàn ông. Con người cần được sống với những bản năng tự nhiên của mình, có quyền được yêu, được cảm nhận cảm giác được yêu là như thế nào. Những cô gái lâm trường trong tác phẩm “Một kiếp đàn ông” luôn ao ước một lần được yêu. Soi là cô gái như vậy, những ngày tháng ở nông trường, sắc dục trong lòng người phụ nữ luôn trỗi dậy, cô “thèm” được yêu. Người cô lúc nào cũng “nóng bừng, cũng ao ước, da thịt nhức buốt, tê dại” [11, 92]. Và khi gặp anh chàng kỹ thuật trung cấp đến lâm trường nghiệm thu các lô rừng, được sự ve vuốt của anh chàng, con người với khát vọng thân xác trỗi dậy, chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, cô được yêu, dù chỉ ngắn ngủi, đêm về cô thao thức, không tài nào ngủ được. Hành động đó của Soi, cũng như nhiều chị em phụ nữ khác nhanh chóng ngã vào những cuộc tình mây gió là việc không đáng chê trách, có đặt vào hoàn cảnh sống của họ thì mới thấu hiểu được họ là con người chứ đâu phải là thần thánh. Với những người phụ nữ này, tính dục như là một ham muốn tự nhiên, bù đắp sự trống vắng của con người. Hơn nữa tình dục với sức mạnh của nó đã kéo con người vào “bờ mê bến lú” nên những đứa trẻ không bố lần lượt ra đời là điều dễ hiểu. Ta hiểu vì sao, Mận dù bị Nhạc đối xử tệ song hằng đêm, Nhạc tìm đến, cô cũng không cưỡng lại được dù miệng luôn chửi mắng, trách cứ Nhạc là thằng đàn ông tệ bạc.
Hồng trong tác phẩm được miêu tả là một con người đanh đá, luôn có cái nhìn cay nghiệt với những chị em xung quanh. Thế nhưng bản năng tình dục trong Hồng vô cùng mạnh mẽ. Hồng chấp nhận cách làm tình có vẻ thô bạo,
quái đản của Đức. Sau những cuộc mây mưa, cô luôn tưởng tượng lại những động tác làm tình của Đức để mà thỏa mãn những khao khát rất đàn bà, rất người. Với Hồng, tình dục không chỉ để thỏa mãn thân xác mà tình dục còn là phương tiện để cô kiếm tiền nuôi thân, cô xem thân xác mình như là món hàng để trao đổi, buôn bán. Chính vì thế mà cô đã tự hạ thấp bản thân mình, biến mình thành một trò tiêu khiển cho đàn ông.
Với nhiều người, tình dục như là một ham muốn tự nhiên góp phần tăng thêm sự hòa hợp của tình yêu như mối tình giữa Bảng và Soi nhưng cũng có một số người coi tình dục chỉ là sự mua vui như nhân vật Đức. Với Đức, tình dục chỉ để thỏa mãn dục vọng của mình, điều này cũng chỉ là điều bình thường song vấn đề ở chỗ thông qua cách nhìn của Đức thì tình dục như một trò mua vui. Chính điều này làm nổi bật lên là một kẻ đáng sợ, nhiều mưu mô xảo quyệt và vì thế nhân vật Đức hiện lên được toàn diện hơn, làm bộc lộ rõ bản chất của nhân vật. Cái cách làm tình của Đức như muốn nói lên tính cách thường ngày của Đức vậy: “đổ người xuống, hay bàn tay Đức khua khoắng như rắn rúc khắp thân thể Hồng, thân thể trần truồng nóng rực chờ đợi sẵn. Hồng nghiến răng chịu đựng những ngón tay chuối mắn vầy vò hai bầu vú, những móng tay bấm lút ngỡ bật máu khắp cổ, khắp ngực cô. Đức không vội vã làm tình, hắn chờn vờn cô giống như một chú mèo tung hứng con chuột, thật thỏa thích, trước khi hắt mồi vào miệng rau ráu nhai. Hắn lùa những ngón tay lả lơi dọc thân thể cô, lùa cả vào những chỗ sâu kín nhất của người đàn bà không chút thương hại. Hồng co rúm người vì đau đớn, cũng vì sung sướng. Hắn bình thản miệt mài quần đảo thể xác cô gái, kỳ đến lúc người cô mê muội đi, điên cuồng lên, hồng hộc thở như trâu lăn, bấy giờ hắn mới tung món đòn cuối cùng chậm rãi và dữ dằn đến từng động tác nhỏ” [11, 131]. Với Đức, hành động đó “ngỡ như đang ái ân với cả thế gian giống cái, hắn cho phép mình được mọi quyền sinh sát trước dục tính, máu phải lùa ngập chân răng, phải mặn chát đầu lưỡi” [11, 132].
Theo Đỗ Minh Tuấn: “Nhà văn mô tả tình dục hay chiến tranh không phải để khơi gợi dục vọng hay bạo lực. Phải coi tình dục hay chiến tranh là thứ “nước quỳ” để nhúng vào, làm hiện hình những sắc thái, những khía cạnh tiềm ẩn trong chiều sâu nhân cách”. Với nhận xét này, ta nhận thấy rằng, yếu tố tình dục mà Lý Biên Cương đưa vào tác phẩm đã làm nổi rõ tính cách nhân vật. Với những người như Soi, Bảng, Mận, chị Liên,… tình dục không chỉ là ham muốn thể xác tự nhiên của con người mà còn là nơi làm cho cuộc sống con người trở nên có ý nghĩa hơn; còn với những người như Đức, Tuấn, anh chàng tài vụ,… tình dục không còn là một bản năng bản năng tự nhiên nữa mà giống như sự săn tìm giống cái để thỏa mãn những ham muốn nhất thời, xem phụ nữ như trò chơi, thú tiêu khiển, đặc biệt với nhân vật Đức thì càng làm bộc lộ rõ hơn bản chất của con người này.
Đọc tác phẩm này, ta mới thấy con người có khát vọng về hạnh phúc gia đình, tình yêu như thế nào. Những cô gái như Soi, Mận, Sách, Liên… có những hoàn cảnh khác nhau, song các cô luôn ao ước có một gia đình, có một người đàn ông bên cạnh cuộc đời mình. Họ chấp nhận tai tiếng, chấp nhận bị