Hiện thực cuộc sống luôn đa dạng và phức tạp, là “vùng trời, vùng đất thênh thang”(Lý Hoài Thu), thích hợp cho sự sáng tạo của tiểu thuyết. Nhưng mỗi nền văn học, mỗi thời đại, trào lưu, trường phái lại có một một quan niệm riêng về hiện thực. Bởi văn học là kết tinh của sự “tái tạo” những chất liệu cuộc sống qua thế giới chủ quan của nhà văn, và từ đó đã mở ra chân trời bất tận để nghệ sĩ nhập thân mà thể nghiệm.
Xã hội Việt Nam sau 1986 đã có nhiều đổi thay. Đặc biệt để phát triển nền kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống cho người dân thì Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, chủ trương. Văn học là thể loại luôn nhạy bén với những vấn đề của thời đại nên đã nhanh chóng bắt kịp xu thế để cho ra đời những tác phẩm không chỉ đặc sắc về nội dung mà còn ở cả phương diện nghệ thuật để thỏa lòng độc giả. Hiện thực trong tác phẩm Cửa sóng là cuộc sống của những con người trong không khí đổi mới đời sống kinh tế ở miền cửa sông hẻo lánh. Đó là chủ trương di dời dân sang vùng kinh tế mới, nhường chỗ đất đó để Nhà nước xây dựng nhà máy điện.
Trong tiềm thức của người dân Việt Nam, mảnh đất cha ông để lại là vô cùng thiêng liêng, không dễ dàng rời xa được. Những con người với nếp sống tư duy nông nghiệp, ưa sự ổn định bao đời nay giờ phải di chuyển đi thì quả thật là một điều không đơn giản chút nào. Lý Biên Cương với lối văn nhẹ nhàng, ông không tái hiện lại một cách gai góc, quyết liệt, dữ dội cuộc đấu tranh đi – ở trong mỗi con người nhưng qua những trang văn đậm chất suy tư, chiêm nghiệm đã cho ta thấy được hiện thực cuộc sống ở nơi miền cửa sông hẻo lánh trước xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước như thế nào. Nhà nước đã có chủ trương di dời dân đi nơi khác để xây dựng nhà máy điện và trong tương lai sẽ còn xây dựng cảng dầu thế nhưng những con người ở đây họ không tin đó là sự thật. Cơ sở vật chất đã được chuyển về làng, những tốp thợ tứ phương cũng đã tụ về, một khối mìn bảy mươi lăm tấn đã chuẩn bị sẵn sàng sang bằng cả mảnh đất này thế mà “Dân phố đứng xem họ
làm như người ngoài cuộc, bình chân như vại, không một ai tỏ vẻ sốt ruột phải bỏ nhà đi, như không tin một nhà máy điện sắp khởi công vùng này. Người ta vẫn chạy chợ xa, buôn bán đủ kiểu, vẫn cưới xin cho con cái lớn tuổi và lạ nhất vẫn có người tiếp tục xây nhà mới” [11, 25]. Đây là một hiện thực rất phổ biến lúc bấy giờ cũng như sau này. Những con người nơi đây vẫn biết rằng họ sẽ được chuyển sang một vùng đất mới nơi mà “đất đai nơi mới khá rộng; ở đấy cây cối tốt tươi, dễ trồng, con trẻ tất sởn sơ mau lớn” [11, 44], họ cũng đã được tiền đền bù xứng đáng từ nhà nước. Kỹ sư Vấn, một con người đã từng đi xây biết bao công trình ở những vùng quê khác nhau song anh không bao giờ hiểu vì sao những hộ dân đã được Nhà nước đền bù xứng đáng mà vẫn không mấy đông dạng gì cả. Anh chàng kĩ sư này có lẽ đã không hiểu nổi tâm trạng của người dân nơi đây, chỉ có những con người gắn bó lâu dài với cuộc sống đó mới có thể hiểu hết họ được. Nhân – một cô gái thôn quê, luôn gắn bó với mảnh vườn, đồng ruộng đã thấu hiểu được tâm trạng của những con người nơi đây, đó là “Dưới cái vỏ bề ngoài yên lặng giả tạo, cuộc đấu tranh đi hay ở đang diễn ra dẳng dai trong mỗi nhà. Bữa cơm chiều dọn ra, trẻ con hau háu ăn, nhưng bố mẹ chúng ngồi thừ, thở dài” [11, 126]. Tâm lí của người nông dân luôn là vậy, họ vốn quen với nếp sống ổn định, giờ phải chuyển đi nơi khác liệu cuộc sống mới như thế nào, rồi mổ mả cha ông nữa, bao nhiêu vấn đề còn phải lo. Bao nhiêu năm, mất bao nhiêu công sức của cha ông mới gây dựng nên một vùng đất để mỗi lần đi đâu người ta có cái nhớ về gọi đó là quê hương của mình, nơi tuổi thơ với những kỉ niệm êm đẹp, nơi dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái. Thế mà bỗng chốc tất cả phải xóa bỏ như chưa hề tồn tại mảnh đất này, như chưa hề có mặt trên bản đồ thì hỏi ai không đau xót được chứ dù biết rằng nơi ở mới sẽ có một cuộc sống mới biết đâu giàu có, trù phú hơn vì thế mà nhiều người vẫn không chịu chuyển đi. Theo lời ông Hồi, một người từ một miền đất xa xôi, theo đạo Hồi nhưng từ lúc còn là một đứa trẻ đã theo bố hành hương đến miền đất thánh, khi ông đặt chân được tới thánh địa Mek-ka đền Ka-a-ba giếng Giem Giem, niềm vui chưa
được bao lâu thì bị bọn bắt cóc bán cho bọn lê-dương Pháp sang Đông Dương và ông đã ở lại Việt Nam từ đó. Mảnh đất này trở thành quê hương thứ hai của ông, ông am hiểu nó như chính ông đã sinh ra từ đây vậy. Trên mảnh đất cửa sông này có một phần máu thịt, tâm hồn của ông. Vì thế khi chứng kiến trước cảnh đổi thay của miền quê, sẽ phải chuyển sang nơi khác ông cũng không khỏi bồi hồi trước cảnh “phố phá bằng chằn chặn, một nhà máy điện sắp sửa đổ móng. Nay mai phố sẽ mất băng khu đình, cây bàng, nơi ông thường buột bò nghỉ mát; sẽ mất hẳn khu chợ, khu vườn hoa lúc nào cũng in đậm vệt bánh xe của ông lăn. Những quả núi bát úp cũng mất nốt, trong đó có thằng bạn Abrahim xấu số, cái thằng bị gục trong đêm dân ta giật bộc phá đánh đồn và nó đang ngồi bóp chân cho tên quan năm chỉ huy. Dòng sông nghe đâu cũng bị uốn lại, chỗ cất vé bò của ông Mãi phải di chuyển, một cảng dầu được xây ở đó. Không của nả, chỉ bằng tấm lòng, ông Hồi còn day dứt khi phố bị phá. Huống hồ dân sở tại, với tập tục, với họ hàng, với con cái, với mọi quan hệ giằng chéo” [11, 55]. Điều đó mới thấy rằng nếp sống, nếp nghĩ của người dân Việt bao đời nay đã thâm căn cố đế khó mà thay đổi được. Song điều đó không có nghĩa là họ bảo thủ, cố chấp bởi vì họ chỉ muốn giữ lại những gì cha ông họ đã gây dựng lên. Và ta dễ dàng thông cảm cho họ, dù nhiều người đã có những hành động không hay. Nhiều người dân với bản chất chất phác, ngây thơ không nhận thấy được chủ trương sáng suốt của Nhà nước đã có những hành động hồ đồ. Có người tiếc của vì phải dỡ đi ngôi nhà của mình đã uống bả tự tử. Bên cạnh đó cũng có những kẻ cơ hội, muốn chống đối lại chủ trương của Nhà nước như kẻ cố vấn ái tình của tên Hịch. Nhưng những kẻ như thế này sẽ nhanh chóng bị trừng trị.
Trong không khí khẩn trương, nhiều người đã nhanh chóng di chuyển đến chỗ mới. Trước khi đi, những người nông dân này cũng không quên phải làm cho mồ mả cha ông được yên nghỉ. Ông Mãi, trước chủ trương của Nhà nước ông không hề phản đối dù trong lòng vẫn còn nhiều lo âu, trong thâm tâm chưa hề muốn rời đi nhưng trước khi đến vùng đất mới, ông đã di chuyển
những bộ hài cốt của người thân của mình trong đó có cả đứa em là liệt sỹ chống Mỹ để làm trọn tấm lòng của người ở lại đối với người đã khuất. Không khí diễn ra thật trang nghiêm, lần đầu tiên trong đời, ông Hồi – một người bạn chí thân, chí cốt của ông Mãi nhận thấy “bữa nay ông Mãi thật khác, trang nghiêm và trịnh trọng. Khăn xếp đen. Áo lương đen. Quần lĩnh trắng. Thắp xong tuần hương, ông quỳ xuống, hai tay khép trước mặt, mắt nhắm nghiền…” [11, 22]. Chiếc mủng con chở hài cốt sang bên sông mai táng diễn ra trong không khí linh thiêng: “Hàng tiểu đỏ sẫm ráng trời, khẽ lắc theo nhịp sóng. Như những nắm xương khô trong tiểu sẵn sàng ngóc dậy. Như hiểu quê hương đang nổ mìn và những người này sang đưa họ tới yên nghỉ một nơi khác” [11, 23]. Yếu tố tâm linh chưa bao giờ có thể phai nhạt trong tâm trí của người Việt Nam, đây là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa thờ cúng tổ tiên của cha ông.
Với tác phẩm này, Lý Biên Cương đã cho thấy được sự đúng đắn trong công cuộc xây dựng đời sống kinh tế mới cho người dân. Cuộc sống của người dân nơi miền cửa sông hẻo lánh này dần được khởi sắc, như mở ra một tương lai tươi sáng hơn. Khung cảnh miền sông đã đổi khác, “bây giờ vùng sáu cửa sông lừng lững mọc lên một khu công nghiệp lớn. Cột điện cao thế chon von hai bờ sông, dây tải điện võng chùng vắt ngang dòng nước, đẹp như một khuôn nhạc. Ống khói cao từ từ nhả khói, đứng xa dăm mười ki-lô-mét vẫn nhìn rõ. Đêm, khu nhà máy chính tràn ngập điện, đèn xe đan chéo mắc cửi, lửa hàn như hoa rơi từ ngang trời xuống… Quê hương tràn ngập ánh điện mới mẻ” [11, 67-68].
Sự đổi thay của những vùng quê sau đổi mới này ta cũng dễ bắt gặp trong các sáng tác cùng thời với nhà văn. Làng Nhô trong Kẻ ám sát cánh đồng của Nguyễn Quang Thiều cũng có sự đổi thay. Nếu “thuở xưa người dân ở đây nửa năm đi bằng chân và nửa năm đi bằng tay. Nói đi bằng tay vì nửa năm trước ngập úng, dân làng phải dùng múng để đi lại”. Nhưng “Qua bao năm tháng, làng Nhô được đắp cao hẳn lên so với cánh đồng. Mương máng
được đào đắp qui củ. Trạm bơm lớn của huyện được xây dựng cách làng hẳn chừng bốn cây số và hết sức thuận tiện cho việc cấy cày của làng”… Đồng sau bão của Hoàng Minh Tường cũng có cái nhìn thấu đáo về sự chuyển biến của một vùng quê vốn là lá cở đầu của phong trào khoán. Bộ mặt nông thôn lột xác, một luồng sinh khí mới của cuộc sống đang từng ngày tác động đến khu vực vốn bình yên bao đời nay: “Các xóm lẻ rìa làng đã tràn ra mép đường, sừng sững những dãy nhà một tầng, hai tầng, có cửa sắt lùa tạo thành những dãy phố nối dài liên tiếp. Những đoạn đường xưa kia chạy giữa cánh đồng, nay đã mọc lên phố xá. Nông thôn đồng loạt đô thị hóa, thị trường hóa”. Ma làng của Trịnh Thanh Phong đã tái hiện bức tranh nông thôn miền núi trước thềm đổi mới. Nhà văn đã khái quát về một vùng quê với bao thăng trầm, chất chứa bao nỗi niềm của người cầm bút: “Bước xuống xe tôi bàng hoàng thấy viền quanh chân núi Châm ánh điện xanh đỏ nhấp nháy, tiếng đài tiếng tivi ran rội. Trời đất, làng Lộc thay da đổi thịt nhanh quá…”.
Con người đóng vai trò trung tâm tạo nên sự thay đổi của bức tranh đời sống. Chính người nông dân được sống trong hoàn cảnh mới khiến cho họ sống văn minh hơn, năng động hơn, góp phần hoàn thiện bộ mặt của một vùng quê. Trong Cửa sóng, nhà văn đã cho thấy sự đổi thay trong tâm hồn của những con người nơi đây mà tiêu biểu là nhân vật Nhân. Nhân là một cô gái quê thuần phát, trong sáng. Ở cô có những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ nói riêng và người nông dân nói chung. Việc xây dựng một nhà máy điện khiến cho Nhân “vừa thấp thỏm, vừa vui mừng”. Nhân đã xin vào làm nấu ăn cho những người thợ trong đội xây dựng của Vấn, cuộc sống tập thể đã khiến cho cô hiểu rằng “cuộc đời mình sang hẳn trang mới”. Tình yêu của cô với Vấn như mang lại một luồng sinh khí mới cho cô. Cô sẽ là đại diện cho thế hệ trẻ, dám vượt qua nỗi đau để bước tiếp, góp phần làm khởi sắc bộ mặt quê hương mình.
Không chỉ có Nhân, ông Hồi và ông Mãi cũng vui mừng trước sự đổi thay của vùng quê bằng một tâm trạng khác. Đó là cô con gái nuôi của ông -
Nhân đã tìm được tình yêu đích thực của mình, đứa con mà ông quí hơn tất cả, hơn cả mạng sống của mình. Quả thật, nếu không có công trình xây dựng này liệu cuộc đời Nhân có bước sang trang mới hay không, Nhân có tìm được hạnh phúc của mình hay không hay chỉ mãi sống trong quá khứ tủi hờn, đầy lo âu khi bị Hịch làm nhục. Nhìn thấy sự đổi thay trong tâm hồn đứa con gái mà ông yêu quí, cái thân thể già nua kia như được tiếp thêm sức sống mới và ông có thể an tâm khi con mình đã tìm được chỗ dựa vững chắc trên con đường đi tìm hạnh phúc.
Như vậy một cuộc sống mới đã đem lại bao điều mới mẻ, khiến cho những người nông dân vốn chân lấm tay bùn, chỉ quen với công việc đồng áng có một cái nhìn khác hơn về hiện thực cuộc sống, khiến cho họ thêm tin yêu vào cuộc sống, hi vọng vào một tương lai sáng lạng hơn. Trong những tác phẩm khác của các tác giả khác, ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người nông dân là những con người sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng nông thôn mới. Những cô gái trẻ như Đào, Minh trong Mảnh đất lắm người nhiều ma là những cô gái giàu tình yêu, giàu sức sống sẽ xua đi những âm khí nặng nề đang đè lên cuộc sống của những con người nơi Giếng Chùa. Trong Ma làng, tác giả đã xây dựng được những người nông dân mang tư tưởng cấp tiến như Tâm. Anh là một người luôn có tư tưởng xây dựng những mô hình kinh tế mới, những mô hình anh làm ngày càng được nhân rộng, đó là một thách thức đối với các thế lực đen tối muốn cản trở con đường đi lên của những người nông dân.
Đọc tác phẩm này của Lý Biên Cương, có thể thấy, hiện thực cuộc sống ở đây đã thuộc thời đổi mới song không sặc màu cơ chế thị trường. Nhà văn chỉ chú ý những mặt tốt đẹp của một vùng quê nếu được “thay da đổi thịt”. Tất cả mọi chuyện diễn ra rất nhẹ nhàng, không quá xô bồ, không có những cuộc tranh giành đất đai nảy lửa, không có những cuộc tranh giành quyền lực giữa hai dòng họ, hai làng, không có những tệ nạn xã hội xâm chiếm những
làng quê yên bình sau lũy tre làng. Nhưng không vì thế mà bức tranh nông thôn không hiện lên chân thực sinh đông.
2.1.2. “Lối thoát” di tản và kiếp sống phù du của những phận người di tản tản
Lý Biên Cương là một nhà văn luôn nhạy bén với những vấn đề mang tính thời sự. Vào những năm 70, 80 của thế kỉ XX, xã hội Việt Nam phải chứng kiến nạn vượt biên xảy ra một cách trầm trọng, đã gây chấn động dư luận không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Ở thời kì này, nhiều người vẫn hay nói vui rằng: “Nếu cây cột đèn mà biết đi chắc nó cũng đã bứng đất mà đi mất”. Thế nhưng cuộc sống của những con người rời bỏ quê hương để đi tìm một miền đất hứa mới không như họ nghĩ.
Trong tác phẩm Phù du, thông qua những bức thư của người trong cuộc cùng với những bài báo, Lý Biên Cương đã tái hiện một cách chân thật, sinh động hiện thực của những đợt vượt biên và cuộc sống đầy rẫy những bất trắc, phải trả giá đắt bằng chính mạng sống của mình thậm chí còn để lại những hệ lụy cho những người ở lại nữa của những người bỏ nước ra đi.
Câu chuyện xoay xung quanh gia đình ông Thư khi có đứa con gái vượt biên, từ chuyện gia đình ông Thư đã cho người đọc thấy được toàn cảnh vượt biên lúc bấy giờ. Ông Thư là một nhà văn có tiếng, những tác phẩm của ông