Con người trong tiểu thuyết Lý Biên Cương 1 Con người trong Cửa sóng

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Lý Biên Cương (Trang 63)

2.2.1. Con người trong Cửa sóng

Thế giới con người trong tác phẩm Cửa sóng không quá phức tạp, diễn ra có vẻ êm đẹp, thuận chiều, tốt xấu rạch ròi. Tác phẩm ngầm ca ngợi một chủ trương đúng đắn của Đảng trong quá trình đổi mới đời sống kinh tế ở một vùng cửa sông hẻo lánh, ở đó cơ chế thị trường chưa thâm nhập vào mạnh mẽ, vai trò của đồng tiền không được đề cao nên đã không tác động mạnh tới tâm sinh lí của con người.

Trong tác phẩm này, con người sống có tình nghĩa, biết yêu thương quan tâm tới nhau và dám vượt qua khó khăn để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông Mãi và ông Hồi là những người bạn từ thửa còn là những cậu bé, khi mà ông Hồi còn là cậu bé phải phục dịch cho bọn quan Tây những năm kháng chiến chống Pháp, còn ông Mãi là cậu bé mồ côi, chuyên gánh nước thuê, được giao nhiệm vụ bắt liên lạc với cậu bé da ngăm theo đạo Hồi lúc đó để lấy tin tức cho du kích phía ta.

Biết yêu thương con người như là bản chất vốn có của hai ông. Ông Mãi đã cứu vớt một người phụ nữ vốn là gái quê bị bọn lính lê-dương quần nát sau đó vứt bà xuống sông. Trên đường đi làm về, nhìn thấy bà, ông vội vàng đưa

bà về cứu chữa và xem bà như vợ của mình dù sau này bà trong tình trạng nửa mê, nửa tỉnh, ngây ngây dại dại. Ông Hồi biết chuyện, không hề phản đối mà còn âm thầm làm lụng, chăm kéo xe hơn nữa để kiếm tiền giúp bạn thuốc thang cho vợ. Việc ông giúp bạn xem như là “niềm vui và cũng bớt cảnh cô đơn thui thủi một mình” [11, 17]. Số phận như ghán ghép hai ông ở với nhau mãi mãi. Sau này trong một lần kéo xe bò thuê, ông đã nhặt được một đứa bé bị người ta vứt dưới lòng cống về giao cho ông bà Mãi và từ đó ông cũng xem đứa bé đó như là con của mình vậy. Hai ông bạn già làm việc chăm chỉ để kiếm thêm tiền nuôi người vợ điên và đứa con gái đẹp như thiên thần. Nhân là lẽ sống của hai ông, khiến cho hai ông thêm nghị lực sống. Đã bao lần ông Mãi khuyên bạn lập gia đình nhưng ông Hồi luôn từ chối, bởi ông biết rằng ông mới thật sự là “con người” từ ngày làm bạn với ông Hồi, trước đó trong những ngày làm lính lê-dương, chúng xem ông như vật, chỉ biết cung cúc phục vụ vì thế mà khi quân Pháp rời khỏi đây, ông đã trốn đồn ở lại làm bạn với ông Mãi.

Tình bạn thắm thiết của hai ông khiến ta phải cảm phục, hai người già đó nương tựa vào nhau, thấu hiểu nhau. Ông Mãi luôn hiểu bạn mình cần gì, những ngày ông Hồi thực hiện tháng chay Ra-ma-đan, tức là tháng ông Hồi không được ăn uống vào ban ngày, chỉ đến đêm khuya mới được uống chút nước hoặc ăn lát bánh mỏng. Ông tôn trọng cái đạo mà ông Hồi theo cũng như cái đạo mình đang theo vậy. Làm bạn với ông Hồi, ông Mãi cũng phải chịu bao phiền phức từ chính Hịch là một cán bộ phường luôn hách dịch, hạch sách đủ điều, luôn tra hỏi về mối quan hệ của ông với ông Hồi nhưng ông luôn giữ vững lập trường của mình bởi ông biết rõ nhất tình cảm mà hai ông giành cho nhau. Đoạn đối thoại giữa ông với Hịch sẽ cho ta thấy được điều đó:

“Anh ta ngồi xổm, đánh diêm hút thuốc lào, chiếc nõ điếu long lên sòng sọc: - Ông Mãi, cớ gì ông bám như đỉa lão Tây phức tạp nọ?

- Ấy, anh Hịch, anh không nên quá lời. Anh là người bên kia sông sang sống ở phố, anh không thể hiểu ông Hồi bằng tôi. Ông Hồi ngoan đạo, lao động cần mẫn, có công với đất nước chúng ta, thưa anh.

- Đạo Hồi là đạo gì hả? Chớ gieo giắt mê tín. Các ông chớ đùa với chính quyền!

Ông Mãi đứng sững bậu cửa, mắt trừng trợn:

- Xin lỗi anh Hịch! Anh không được phép nhạo báng niềm tin của bất cứ ai. Chúng tôi muốn được anh trọng nể, ít nhất cũng trọng nể người nhiểu tuổi” [11, 13-14].

Ông Hồi không phải là người bản xứ, ông ở một miền quê xa xôi chính ông cũng không nhớ tên nước của mình nữa. Ông chỉ biết mình theo đạo Hồi, trước ngực lúc nào cũng treo cuốn kinh Co-ran nhỏ xíu như bao diêm. Những người theo đạo Hồi, trong cuộc đời của mình sẽ có một lần hành hương tới thánh địa Mek-ka như lần tìm đến miền đất thánh, để con người có thể gột rửa mọi tội lỗi. Ngày đó khi còn là chú bé, cậu đã theo cha hành hương đến miền đất thánh. Trên hành trình tìm đến thánh địa phải trải qua bao khó khăn vất vả, biết bao nhiêu người không thể đi tiếp, đã chọn cho mình một chỗ nghỉ nơi sa mạc bao la để có thể không làm ảnh hưởng đến người khác. Cha của ông vì đã già yếu, không chịu được những vất vả đường dài, biết mình không thể cùng con tới thánh địa được nên ông cuộn người lại trong tấm vải, để cho cát sa mạc vùi lấp. Biết cha mình mất, cậu đau đớn vô cùng nhưng biết mình vẫn phải có trách nhiệm đi tiếp. Trên hành trình để tới được thánh địa, cậu đã phải làm thêm đủ nghề để kiếm sống. Cuối cùng cậu và đứa bạn A-bra-him cũng tới được miền đất thánh. Trong mắt hai cậu bé lúc đó, thánh địa Mek-ka hiện lên thật mới lạ, hấp dẫn: “Thành phố cắm nhiều lều vải, bố trí người mỗi quốc tịch ở một khu, cờ mỗi nước bay phần phật trên nóc lều. Không hề nghe một tiếng cãi nhau dù nhỏ. Mọi người tuân theo mọi điều kiêng kị và tránh mọi tội lỗi. Trong những ngày dành cho hành hương, chú bé đạo Hồi thấy mình hòa đồng, tan biến trong mọi nghi lễ và tiếng kinh cầu nguyện. Chú nắm

tay bạn A-bra-him kính cẩn dừng lại ở giếng Giem Gieme, cùng mọi người cố uống một ngụm, dù chát xít. Chú len lỏi tới gần trung tâm thánh thất, rồi tới chính điện Ka-a-ba. Trong điện treo mấy ngọn đèn bằng bạc, tường ngoài phủ một nửa bằng một thứ màn tuyệt đẹp, một góc ấy là phiến đá đen. Hai chú theo mọi người vòng quanh điện Ka-a-ba bảy lần, cúi xuống hôn lên phiến đá đen. Khi trở ra, hai chú chạy bảy lần từ cửa vòm tới mỏm đồi ở ngoại ô. Sáng ngày cuối cùng, cả hai nhặt bảy viên đá sỏi trở lại ném vào ba đống đá dưới chân tượng quỷ Sa-tan. Cuộc hành hương kết thúc trong dòng người triền miên nối nhau vào ra, mặt người nào cũng lâng lâng tự đắc, chuẩn bị lên đường về quê cũ…” [11, 39].

Mỗi con người, mỗi dân tộc đều có cái đạo riêng của mình. Họ tìm đến đạo như là tìm đến bản thể của mỗi con người, có người giác ngộ được cái đạo mình theo thì sẽ tìm thấy đâu là chân – thiện – mĩ, nếu không họ sẽ không bao giờ hiểu được ý nghĩa của cái đạo mà mình tôn sùng. Cậu bé Hồi ngày đó có lẽ còn quá nhỏ để nhận thức được những nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc, cậu đến thánh địa thấy thích thú vì mọi thứ quá xa lạ, quá xa hoa so với miền quê mà cậu sống, ngày cậu trở về thì gặp tai họa. Ông tới miền cửa sông hẻo lánh này và nhanh chóng kết thân được với ông Hồi, hai ông trở thành bạn từ hồi đó. Sau này chiến tranh kết thúc ông quyết định định cư tại đây, không theo bọn lính Pháp trở về nữa. Suốt cuộc đời của mình, ông luôn mang theo cuốn kinh Co-ran, ông đã đọc nó bao nhiêu lần, nhiều lúc nó như tấm bùa hộ mệnh giúp ông vượt qua bao khó khăn. Chỉ những lần đọc lên những câu cầu nguyện “La ilakai Allanh…” đã thấy tâm hồn mình được nhẹ nhõm, vơi đi bao phiền muộn. Những năm tháng sống tại mảnh đất này, ông đã gắn bó mật thiết, xem đây như là quê hương thứ hai của mình vậy. Nỗi ngưỡng vọng về quê hương vẫn thường trực trong ông đó là để ông nhớ về nơi chôn rau cắt rốn của mình nhưng ông cũng đã tìm được cho mình một thứ đạo khác, đó là cái đạo ông Mãi theo mà theo cảm nhận của ông: “cái đạo của ông Mãi theo tĩnh lặng hơn, nhân ái hơn”. Vì mỗi lần nhớ tới những cảnh

tượng rùng rợn: “…những con người cuồng loạn đẫm máu đi trong sự hộ tống của đám đông tín đồ dọc làng xóm. Những tiếng kêu xé lòng đệm theo. Những người tự hành hạ mình mặc quần áo màu trắng, ngực, vai và hai cánh tay để trần. Họ cầm lưỡi kiếm nhọn, cầm dao, tự đâm mình, miệng kêu lớn thảm thiết “Ali Ali”. Máu chảy thành dòng, dọc thân thể, đẫm hết quần áo. Những tiếng kêu thích thú của đám đông càng kích động, thúc giục họ hành hạ mình hơn. Một vài người cuồng tín còn dùng những chiếc kim sắc nhọn xuyên qua da thịt, đầu kim đeo những chiếc vòng bạc trắng, nhảy hét lên để kim rung cho đau hơn. Cảnh tượng rùng rợn nọ ám ảnh ông Hồi suốt đời mình” [11, 40]. Vì thế mà “ông yêu mến ông Mãi, bởi cái đạo ông Mãi theo” [11, 40]. Sự vô tình hay hữu ý của tạo hóa đã khiến ông Hồi đến mảnh đất này, tại đây ông đã tìm được chính mình, ông biết mình là một “con người” theo đúng nghĩa của nó. Ông nhận ra rằng, không phải tìm đâu xa, cái đẹp của cuộc sống ở ngay cạnh mình. Tại miền cửa sông này, ông đã tìm được người bạn tâm đầu ý hợp, có được cô con gái nuôi mà ông xem như báu vật, như được thánh Alla gửi xuống. Hạnh phúc với ông chỉ đơn giản có thế thôi.

Kế tiếp thế hệ của ông Hồi, ông Mãi là một thế hệ trẻ được lớn lên trong thời bình. Chị Nhân – một con người xinh đẹp, nết na như kế tiếp truyền thống đó. Ngay từ lúc mới sinh ra, Nhân đã bị người ta bỏ rơi, may mà có ông Hồi, ông Mãi nuôi nấng thành người. Và để đáp trả lại tấm lòng đó, Nhân hết sức ngoan ngoãn, chăm chỉ làm việc, làm tròn đạo hiếu của bậc con cái, cô xem ông Hồi, ông Mãi và cả người vợ ông Mãi như cha mẹ đẻ của mình vậy. Một người con gái như thế nhưng đã vấp phải cú sốc đầu đời vì bị Hịch bày trò hãm hiếp. Tưởng nỗi đau đó cô không bao giờ vượt qua nổi, song bằng nghị lực của mình, cô đã bỏ lại một phần quá khứ sau lưng. Từ ngày có những người thợ về xây dựng công trình nhà máy điện, cô đã đăng ký xin làm cấp dưỡng, nấu ăn cho anh em trong đội, tình yêu của cô với Vấn nảy nở, cô đã dám bỏ qua những ký ức đau buồn, để tự tin sánh đôi bên Vấn. Tình yêu, hạnh phúc đã tìm đến với cô gái quê ngoan hiền này.

Bên cạnh những con người lương thiện là những kẻ độc ác xấu xa. Và Hịch đại diện cho kẻ thứ hai đó. Tuy là một cán bộ, đáng lẽ phải quan tâm, chăm lo đời sống cho người dân, đằng này Hịch lại chỉ biết hạch sách, hách dịch những người dân quê chân lấm tay bùn, không biết phân biệt đâu là phải trái. Những con người như ông Mãi, ông Hồi suốt cuộc đời mình luôn gắng bó, luôn làm những điều tốt đẹp cho quê hương thì lại bị hắn ta gây khó dễ. Còn những kẻ phản động, từng theo làm chỉ điểm cho giặc, mặc dù được Đảng và Nhà nước ta khoan hồng, song không biết lấy đó làm lẽ sống chân chính, đàng này lại còn tìm cách hãm hại người, tìm cách kìm hãm sự phát triển quê hương thì Hịch lại kết thân, cùng vào hùa với hắn để hại người, hại đời. Ông cha ta có câu “gieo gió ắt gặp bão”, một con người xấu xa như Hịch cuối cùng cũng phải trả giá cho những hành động của mình.

Con người trong tác phẩm Cửa sóng không phải là những con người có tính cách phức tạp, đa chiều. Song với cách nhìn cuộc đời, con người có phần nhẹ nhàng, Lý Biên Cương cũng đã tạo được ấn tượng sâu sắc với bạn đọc, để người đọc có thể cảm nhận được những nét tốt đẹp, đáng quý ở những con người chất phác thật thà, đáng yêu, đáng mến.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Lý Biên Cương (Trang 63)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(141 trang)
w