Cái nhìn về con ngườ

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Lý Biên Cương (Trang 82)

Nền văn học của bất kì thời đại nào cũng đều nhằm hướng tới con người, đó là điều tất yếu. Bởi xét đến cùng, dù anh viết về cái cây, ngọn cỏ, con vật, đồ vật thì đều chứa trong đó những tính cách như con người và đều thể hiện những cách nhìn, cách nghĩ của con người về cuộc sống. Mỗi thời đại có những cách nhìn khác nhau về con người. L.Tônxtôi từng ví “con người như dòng sông”. “Nước trong mọi con sông như nhau và ở đâu cũng thế cả nhưng mỗi con sông thì khi hẹp, khi chảy xiết, khi thì rộng, khi thì êm, khi thì trong veo, khi thì lạnh, khi thì đục, khi thì ấm. Con người cũng như vậy. Mỗi con

người mang trong mình những mầm mống của mọi tính chất con người và khi thì thể hiện tính chất này, khi thì thể hiện những tính chất khác và hoàn toàn là không giống bản thân mình tuy vẫn cứ là mình”. Ý kiến này đã cho ta thấy được tính chất phong phú, phức tạp của con người với tư cách cá nhân. Con người là sự tổng hòa của những cái ác, cái xấu, cái tốt, cái thiện,…Vì thế đòi hỏi các nhà tiểu thuyết cần phải có những cách tân đổi mới để đưa ra cái nhìn sắc sảo hơn về con người. Mỗi nhà văn có một cái nhìn khác nhau về con người, chính điều đó làm cho người đọc có một cái nhìn toàn diện về con người đồng thời cũng cho thấy được phong cách riêng, độc đáo của mỗi nhà văn và vì thế vườn hoa văn học trở nên đa sắc hơn.

Tiểu thuyết của Lý Biên Cương cho thấy cái nhìn về con người của ông có phần đơn giản. Con người trong tiểu thuyết chỉ là những con người bình thường với đủ mọi cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng lại có sự phân tuyến rõ ràng: tốt – xấu, thiện – ác. Nếu đã thuộc tuyến nhân vật chính diện thì nhân vật đó được tác giả miêu tả đẹp từ trong ra ngoài, từ ngoại hình tới tính cách như Nhân, Vấn, Bảng, Soi, Ngấn,… Và nếu đã thuộc tuyến nhân vật phản diện thì cái gì cũng xấu xa cả từ ngoại hình cho tới lời ăn tiếng nói, hành động đều khiến cho người ta phải khinh ghét như Đức, Hịch,… Với cách nhìn con người như thế, con người trong tiểu thuyết của ông không có những cuộc đấu tranh thiện – ác gay gắt, không có sự chuyển hóa từ tốt sang xấu và ngược lại như nhiều nhà văn cùng thời khác.

Trong con mắt của Lý Biên Cương, con người đã mang trong mình một tâm hồn thánh thiện thì dù trong hoàn cảnh nào cũng không để đánh mất nó. Nhân vật Nhân trong Cửa sóng đã bị Hịch làm hại cuộc đời con gái của mình song Nhân không tìm cách trả thù ngay cả khi có cơ hội làm việc đó. Bảng trong Một kiếp đàn ông, là một người có chức quyền, quen được người ta cung phụng và cũng sống trong một môi trường sớm chứng kiến những cảnh nhiều người có quyền khác lợi dụng chức quyền đe nẹt người khác, thậm chí nhiều người còn lấy những người phụ nữ tội nghiệp ra làm thú tiêu khiển

nhưng Bảng không hề hùa theo đám đông. Sống và lo cho cả một tập thể chị em quá lứa lỡ thì nhưng Bảng không lợi dụng họ để thỏa mãn thân xác như nhiều kẻ khác. Thậm chí khi bị người khác tìm mọi cách hãm hại, anh không hề buông xuôi mà vẫn đấu tranh tới cùng để bảo vệ chính kiến của mình cũng như cuộc sống của những chị em xóm Bìa Rừng. Hay nhân vật bà Ngấn trong

Phù du cũng vậy, mặc dù ông Thư xem tình cảm của bà như cơn gió thoảng qua, để thỏa mãn cái thói giăng hoa của mình nhưng bà vẫn luôn tin vào ông, không hề oán trách ông nửa lời, âm thầm chịu bao khổ đau để nuôi nấng giọt máu của ông.

Bên cạnh những con người có tấm lòng vị tha thì cũng có những kẻ chỉ nghĩ tới lợi ích riêng của mình như Hịch, Đức... Những kẻ này chỉ luôn tìm cách hãm hại người khác, sẵn sàng chà đạp lên người khác để thỏa mãn những dục vọng thấp hèn của mình. Và ở những con người này không bao giờ có sự thay đổi để làm cho mình tốt hơn. Hịch, tuy được bố con Nhân cứu nhưng cuối cùng hắn ta cũng không chịu biết ơn mà còn hãm hại họ lần nữa; Đức đến phút cuối cùng cũng không chịu tỉnh ngộ mà còn tìm cách lôi những người vô tội vào cuộc chơi của mình, chính hắn đã hại đời Soi lần nữa khi lôi Soi vượt biên cùng mình, chính hắn đã viết thư tố cáo Bảng hòng đổ mọi tội lỗi lên đầu anh. Với Lý Biên Cương những con người như thế này sẽ không bao giờ tốt lên được và đáng phải trừng phạt, Hịch thì bị bắt, còn Đức thì phải sống những ngày lưu vong không biết sống chết ra sao bởi với Lý Biên Cương, con người ta chỉ thật sự là con người khi được sống trong lòng tổ quốc mình.

Cách nhìn về con người có sự phân tuyến như thế không tạo cảm giác đơn điệu, nhàm chán vì tác giả đã biết tạo ra nhiều tình huống truyện khác nhau, đẩy nhân vật vào trong những hoàn cảnh khác nhau, người đọc rất khó nắm bắt, không đoán định được số phận của nhân vật vì thế mà vẫn gây bất ngờ với người đọc.

Con người trong tiểu thuyết Lý Biên Cương còn là những con người biết đi tìm cái Đẹp, đi tìm chính bản thân mình. Con người vẫn có sự vận động theo chiều hướng đi lên. Lý Biên Cương đã tạo ra nhiều xung đột, nhiều tình huống khác nhau để con người tự chiêm nghiệm về cuộc sống, về chính bản thân mình và vì thế mà sẽ nhìn nhận cuộc sống đa diện hơn. Ông Hồi trong

Cửa sóng đã không tìm lại quê hương của mình bởi từ khi đặt chân ra khỏi nhà ông chỉ gặp toàn “người thú”, chỉ tới khi gặp được ông Mãi, được sống với những người xung quanh mình, được tham gia với tư cách là một công dân thì ông mới cảm nhận được mình đã được xem như một con người. Tình cảm mà ông Mãi dành cho ông, rồi tình cảm của đứa con gái nuôi nữa khiến cho cuộc sống của ông có ý nghĩa hơn và ông nhận ra rằng dù ở đâu cũng vậy, nếu mình được sống là chính mình, được sự che chở của đồng loại thì đó sẽ là quê hương của mình. Ông Thư sẽ mãi an phận với cuộc sống gia đình giả tạo của mình nếu không có tình huống đứa con gái của ông vượt biên. Chính hành trình tìm con, khiến cho ông nhận ra bao điều. Trước hết là về chính gia đình của mình. Đến lúc này ông mới nhận ra bao năm nay ông làm cho cả hai người đàn bà phải khổ vì mình và cũng ông tự làm khổ mình khi chấp nhận một cuộc sống hờ, giả tạo bên người vợ đã không còn cảm giác yêu thương. Giờ đây, ông chỉ biết mình cần phải chăm lo hơn cuộc sống cho Nhàn và Văn, phải đền bù cho mẹ con bà Ngấn, để con Dự có một người cha không bị chúng bạn coi khinh và ông sẽ phải tự lo cho cái gia đình đó sao cho yên ấm. Mặt khác, ông là một nhà văn và ông nhận ra rằng trước đây mình chưa thật sự đi sâu sát vào thực tế nên văn chương ông viết ra còn “hiền hiền” thế nào ấy. Giờ ông nhận ra, mình cũng cần phải thay đổi cách viết, thay đổi cái nhìn về con người, về thế giới để có thể cho ra đời những tác phẩm chân thật, toàn diện hơn.

Nhà văn Lý Biên Cương luôn có một niềm tin sâu sắc vào con người, chính vì thế trong cái nhìn của ông, con người vốn dĩ đã tốt đẹp thì không thể bị xóa bỏ được. Con người dù trong hoàn cảnh nào cũng phải biết dựa vào

nhau mà sống, phải biết yêu thương nhau có như vậy mới không rơi vào bi kịch, không biến mình thành những con người đáng thương, bất hạnh.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Lý Biên Cương (Trang 82)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(141 trang)
w