6. Bố cục của khóa luận
2.1.1. Bối cảnh khu vực, quốc tế cuối thế kỷ XVI –XVIII
Những cuộc phát kiến địa lý thế kỷ XV – XVI đã tạo nên những hệ quả và những ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới nói chung và phương Đông nói riêng. Nó đã làm thay đổi tính chất của nền thương mại thế giới. Phạm vi trao đổi thế giới được mở rộng, xác lập mối quan hệ quốc tế kinh tế giữa những miền cách biệt nhau trên thế giới và các dân tộc có nền văn hóa vật chất khác nhau. Các loại hàng hóa thương mại trở nên phong phú hơn, nhiều loại hàng hóa thương mại trở nên phong phú hơn, nhiều loại sản phẩm mà trước đây phương Tây chưa từng biết đến đến nay đã trở thành hàng hóa lưu thông quan trọng trong xã hội châu Âu.
Các cuộc phát kiến làm di chuyển các đường thương mại vốn ở những con sông, nay mở ra biển và các đại dương - Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đặc biệt, các cuộc phát kiến đưa đến một tác động lớn tới các chính sách kinh tế, dẫn đến sự tăng cường của các khuynh hướng mới mà biểu hiện rõ rệt của nó là “chính sách trọng thương”.
Đánh giá về những ảnh hưởng lớn lao của các cuộc phát kiến địa lý, C.Mác
và Ph. Ănghen đã viết “Việc tìm ra châu Mỹ và con đường vòng châu Phi đã đem lại một địa bàn hoạt động mới cho giai cấp tư sản vừa mới ra đời. Những thị trường Đông Ấn và Trung Quốc, việc thực dân hóa châu Mỹ, việc buôn bán với thuộc địa, việc tăng cường nhiều phương tiện trao đổi và nói chung, tăng thêm nhiều hàng hóa đã đem lại cho thương nghiệp, cho hàng hải, cho công nghiệp một sự phát đạt chưa từng có và do đó đã đem lại một sự phát triển mau chóng cho yếu tố công nghiệp trong xã hội phong kiến đang tan rã” [11, tr.44].
Với đại phát kiến địa lý, con đường tơ lụa trên biển đã nối liền ba đại dương, mở ra thời đại hình thành và phát triển của hệ thống thương mại thế giới. Các nước
Đông Nam Á, Nhật Bản, Trung Quốc… là những nơi thương nhân và các nhà truyền giáo phương Tây từng đặt chân đến thời kỳ này. Sự xuất hiện của các đoàn thuyền buôn của phương Tây ở các vùng viễn châu Á đã làm thay đổi sâu sắc mối quan hệ kinh tế, văn hóa truyền thống vốn đã được thiết lập giữa các quốc gia trong khu vực.
Đồng thời với các cuộc phát kiến, nó đã chấm dứt thời kỳ biệt lập giữa các châu lục, mở đầu cho quá trình giao thương quốc tế diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Cũng từ đây lịch sử nhân loại chứng kiến sự bắt đầu một giai đoạn mới ở Tây Âu. Đó là quá trình tích lũy tư bản kéo dài, tàn bạo và có nhiều tác động làm thay đổi cơ bản tính chất xã hội của nhiều khu vực trên thế giới. Đây cũng chính là quá trình chuẩn bị tiền đề cho sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu. Hầu hết các nước Tây Âu trong giai đoạn này đều thực hiện chính sách ngoại thương mở rộng, mở rộng hoạt động ngoại thương sang các nước phương Đông.
Và người châu Âu đầu tiên đặt chân lên châu Á là những người Bồ Đào Nha. Với sự ủng hộ của giáo hoàng La Mã, sự tập quyền tuyệt đối của nhà nước phong kiến, khi hương liệu trở thành một mặt hàng đem lại nguồn thu siêu lợi nhuận, thì Bồ Đào Nha nhanh chóng vượt qua các nước Tây Âu về kỹ thuật, hàng hải và nguồn nhân lực để tiến hành những chuyến viễn chinh dài ngày sang châu Á.
Đối với nước Anh, biểu hiện rõ nhất của quá trình tăng cường và mở rộng ngoại thương sang phương Đông là sự ra đời của Công ty Đông Ấn Anh (EIC). Nó là một công ty phi chính phủ được Hoàng gia Anh ban đặc quyền ở phương Đông, đồng thời là đại diện toàn quyền của Hoàng gia Anh tại những nơi mà họ đến. Nghĩa là công ty có độc quyền về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế như chính quyền Anh khi giao thương với các nước khác.
Cũng trong thời gian này, một nhân tố mới xuất hiện đóng vai trò là tác nhân chính trong việc khởi đầu, duy trì và xúc tiến quan hệ ngoại thương giữa Hà Lan và phương Đông, đó là sự ra đời của Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC). Công ty được thành lập nhằm hai mục đích : trước hết là điều chỉnh và bảo vệ nguồn thương mại
to lớn của nguời Hà Lan ở Ấn Độ Dương, thứ hai là hỗ trợ trong việc theo đuổi chính sách độc quyền thương mại, chống Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Giữa thế kỷ XVI, thế giới có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt với các nước phương Tây. Những cuộc Cách mạng tư sản ở Tây Âu và Bắc Mỹ đã từng bước thiết lập hệ thống chính trị Tư sản trong các quốc gia phát triển rồi lan tỏa, ảnh hưởng ra các nước với những mức độ, tính chất khác nhau ở Châu Âu, châu Mỹ và Châu Á.
Gắn liền với sự tan rã của chế độ phong kiến, một quan hệ kinh tế, xã hội bắt đầu nảy sinh quan hệ sản xuất Tư bản chủ nghĩa. Sự ra đời của chủ nghĩa tư bản được đánh dấu bằng sự phát triển mạnh mẽ hơn của nền kinh tế hàng hóa, của thương mại trên mọi thị trường dân tộc bằng mậu dịch hàng hải và những tổ chức ngân hàng tín dụng.
Trong giai đoạn này, tình hình thương mại châu Á cũng có nhiều điểm nổi bật.Hầu hết các nước trong khu vực đều có sự quan tâm đặc biệt đến ngoại thương.
Ở Nhật Bản, Mạc phủ Edo tiếp tục thực hiện chính sách Châu ấn thuyền (Shuin sen).Đây là một biện pháp nhằm kiểm soát thuyền buôn và tham gia vào hoạt động buôn bán quốc tế, số lượng và chủng loại hàng hóa xuất – nhập khẩu, đồng thời qua đó ngăn chặn tình trạng buôn lậu. Thông qua chế độ Châu ấn thuyền, Mạc phủ Edo cũng muốn khẳng định uy lực của chính quyền trung ương với các lãnh chúa địa phương, đặc biệt là đối với lãnh chúa giàu có, thường xuyên quan hệ ngoại thương với nước ngoài. Việc thực hiện chế độ Châu ấn thuyền còn khẳng định chủ quyền của Nhật Bản trong quan hệ quốc tế.
Bên cạnh đó chính quyền Edo muốn thông qua hoạt động thương mại để cải thiện quan hệ với các nước khác trong khu vực. Cùng với việc ban hành chế độ Châu ấn, Tokugawa Ieyasu còn gửi thư cho chính quyền các nước khẳng định mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị của Nhật Bản. Đồng thời yêu cầu chính quyền sở tại bảo vệ và tạo điều kiện cho các Châu ấn thuyền khi đến buôn bán. Trong quan hệ đối với các nước Đại Việt, Siam, Mạc phủ Edo cũng đã gửi nhiều bức thư bày tỏ thiện chí và thái độ như vậy. Với chủ trương đối ngoại mềm dẻo nhưng có nguyên
tắc đó, những bức thư của chính quyền Nhật Bản đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng mối bang giao giữa Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á, tạo những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của quan hệ ngoại thương. Trong khoảng 30 năm đầu thế kỷ XVII, có 365 giấy phép được lưu hành. Các thuyền Châu ấn Nhật Bản đã đến khoảng 19 các thương cảng và lãnh thổ thuộc khu vực Đông Nam Á.
Vào thế kỷ XV – XVII, trên cơ sở tiền đề kinh tế đã được hình thành từ nhiều thế kỷ trước, nền kinh tế các quốc gia Đông Nam Á đã có những chuyển biến
rõ rệt. Vào thế kỷ XVI, “một chu trình thương mại đã diễn ra tại các thành thị châu Á, vùng đất chịu ảnh hưởng của gió mùa như: Pegu, Ayutthaya, Pnompenh, Hội An, Malacca, Patani, Brunay, Pasai, Aceh, Banten, Japara, Gaesik và Makasa. Cho đến khi từng thành thị này mất đi vai trò quan trọng của nó bởi hoạt động viễn dương của các nước phương Tây và chiếm lĩnh những vị trí tiền tiêu như Bồ Đào Nha chiếm Malacca năm 1511, Tây Ban Nha chiếm Philippin năm 1571 và đặc biệt là Hà Lan chiếm Batavia năm 1619, thì những thành thị đó vẫn là những trung tâm hàng đầu ở khu vực trong đời sống kinh tế, quyền lực chính trị và sáng tạo văn hóa”[37, tr.1-2]. Cảng thị Đông Nam Á trở thành điểm tụ hội thương nhân của hầu
hết các quốc gia có khả năng phát triển hàng hải thương mại ở châu Á. Sự du nhập
đó của các quốc gia trong khu vực đã gắn kết kinh tế Đông Nam Á với “mạng lưới kinh tế thế giới, quá trình thương mại hóa những sản phẩm hàng hóa và tiêu dùng, tiền tệ hóa chế độ thuế, sự cải biến nhanh chóng về quân sự và kỹ thuật vận tải cũng như sự hưng thịnh của các nhà nước chuyên chế. Hệ quả là, không phải là một trường hợp ngoại lệ của hệ thống thương mại thế giới, Đông Nam Á đã trải qua những kinh nghiệm gắn liền với Tây Âu và Nhật Bản hơn phần lớn các quốc gia khác ở lục địa châu Á” [37, tr.56].