Thị trường cho vay dưới chuẩn là khái niệm chỉ một thị trường mà các ngân hàng đã cho vay những người có lịch sử tín dụng xấu, không đảm bảo các điều kiện tín dụng. Theo đó, chủ nợ dù nhận thức rằng chất lượng khoản cho vay của mình là xấu; nhưng rủi ro tín dụng này được bù đắp chủ yếu bằng lãi suất cho vay cao và bằng tài sản thế chấp và các lời hứa chống lưng của các thế lực chính trị. Và các NH ở Mỹ xem những khoản cho vay có tài sản thế chấp là bất động sản chẳng có vấn đề rủi ro gì khi mà nền kinh tế Mỹ đang phát triển thịnh vượng và mọi thứ xem ra đều mang lại lợi nhuận cho giới chủ nợ cũng như giới quản lý quỹ đầu tư.
Mọi thứ càng tệ hại hơn khi thị trường cho vay dưới chuẩn phát triển quá nhanh với qui mô quá lớn ( ~ 1000 tỷ USD) do giá cả bất động sản tăng vọt lên, tín dụng dư thừa và miễn thuế là lý do chính cho tình trạng này. Vốn cho vay cầm cố bất động sản
trở nên dồi dào và việc chứng khoán hóa các khoản cho vay này đã đẩy rủi ro ra khỏi tay người cho vay ban đầu. Các tiêu chuẩn cho vay cũng trở nên dễ hơn.
Với những tiêu chuẩn cho vay dễ dàng, nhiều người đã trở thành chủ sở hữu bất động sản mà thậm chí không có đủ thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày chứ chưa nói đến việc trả góp vay mua nhà hàng tháng. Tại đỉnh cao của phong trào cho vay này, một tỷ trọng lớn người vay không hề có thu nhập hoặc có việc làm. Các NH đã cố tình cho vay mặc dù biết rằng những con nợ này sẽ không có khả năng trả nợ, và khi điều đó xảy ra, họ sẽ tịch biên những ngôi nhà đó và bán lại cho những nhà đầu tư khác kèm theo lợi nhuận vì giá nhà tăng liên tục.
Và khi giá cả bất động sản bất ngờ giảm nhanh chóng, lãi suất tăng lên, khiến cho nhiều khách hàng vay tiền dưới chuẩn gặp khó khăn trả nợ, còn tài sản thế chấp thì giảm giá quá nhiều so với khoản nợ đã khiến cho cả NH và khách hàng tín dụng gặp rắc rối và càng rắc rối hơn khi hàng loạt khách hàng gửi tiền ồ ạt rút tiền hoặc chuyển sang ngân hàng khác tạo ra một sự mất khả năng thanh khoản nghiêm trọng và khủng hoảng đã xảy ra.
Cuộc khủng hoảng xảy ra tại một quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới đã gây ra những tổn thất vô cùng to lớn, Và chính sự phát triển cao của thị trường tài chính ngân hàng tại Mỹ đã khiến cho hầu như mọi cá nhân, tổ chức đều phụ thuộc vào ngân hàng nên khi nó bị đỗ vỡ, mất khả năng thanh khoản và dẫn đến phá sản thì nó đã gây ra một cú sốc mạnh, ảnh hưởng sâu sắc và gây ra khủng hoảng kinh tế và lan rộng ra nhiều nước trên thế giới. Hoạt động tiêu dùng giảm rõ rệt, sản xuất đình trệ, thất nghiệp gia tăng, dịch vụ và du lịch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.