Là địa phương có truyền thống cách mạng

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện tân kỳ, tỉnh nghệ an (Trang 104)

4. Ý nghĩa của đề tài

3.3.1.3.Là địa phương có truyền thống cách mạng

Tân Kỳ đã trở thành căn cứ địa của nhiều nghĩa quân, nhiều cuộc khởi nghĩa từ thời dựng nước. Đặc biệt, thời nhà Lý, khi Uy Minh Vương Lý Nhật Quang làm trấn phủ Châu Nghệ An, ông đã quyết định huy động binh lính và dân cư khai thông tuyến đường bộ nối Nghệ An với kinh thành Thăng Long đi qua vùng đất Tân Kỳ - Nghĩa Đàn ngày nay ra vùng Như Xuân - Như Thanh (Thanh Hóa).

Trong khởi nghĩa Lam Sơn, khi chọn Nghệ An làm thế đứng chân để hạ Thành Trà Lân, Lê Lợi đã lập nhiều căn cứ trên đất Tân Kỳ mà ngày nay vẫn còn lưu lại những tên gọi như bãi Loi Loi, bãi Tập Mã, núi Đồn... Và tại xã Tiên Kỳ của huyện Tân Kỳ dấu tích thành Lê Lợi mà thời đó gọi là Tam cấp lê Lợi vẫn còn đây, gợi về một thời xa xưa, khi mà nghĩa quân Lam Sơn đang chuẩn bị binh lực để tiến đánh kẻ thù và làm cho “Miền trà Lân trúc chẻ, tro bay”. Địa danh Tiên Kỳ cũng chính là tên làng do người anh hùng dân tộc Lê Lợi ban tặng để ghi nhớ công sức của nhân dân trong vùng.

Những dấu tích còn lại ấy chính là minh chứng cho một mảnh đất mà truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất đã trở thành máu thịt của mỗi người dân.

Trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh, chống Thực dân pháp và Đế quốc Mỹ, người Tân Kỳ vẫn luôn tự hào vì sự đóng góp, hy sinh không tiếc máu xương cho độc lập, tự do của dân tộc. Phà Sen vẫn còn đây, dù hôm nay nó đã được thay thế bằng chiếc cầu nối hai bờ sông Con. Nhưng nơi đây vẫn lưu lại chứng tích của một thời phải chịu biết bao trận bom oanh tạc của đế quốc Mỹ, hủy hoại và hòng cắt đứt điểm trung chuyển lương thực, thực phẩm và những đoàn quân chi viện cho chiến trường Miền Nam. Trong chiến tranh ác liệt, quân và dân Tân Kỳ đã anh dũng chiến

đấu đến hơi thở cuối cùng, máu hồng của biết bao người con ưu tú ngày ấy đã hòa và dòng nước mát sông Con, thấm sâu vào lòng đất như là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn những thế hệ người Tân Kỳ hôm qua, hôm nay và mãi mãi sau này.

Một mốc son chói lọi và là niềm tự hào khôn nguôi của biết bao thế hệ người Tân Kỳ đó là vào ngày 9/9/1964, những chiến sĩ của Binh đoàn 559 đã bổ nhát cuốc đầu tiên khai sinh con đường huyền thoại- đường mòn Hồ Chí Minh, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang cho dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Cuối năm đó, con đường bí mật ấy mới mở được 16 cây số. Thế mà một năm sau đoàn xe chở vũ khí lương thực đầu tiên đã chuyển bánh vào Nam. Con đường mòn mang tên Bác bắt đầu từ Di tích lịch sử Km số 0 của huyện Tân Kỳ đã vươn tới tận Lộc Ninh, phía tây Sài Gòn. Con đường thượng đạo Hồ Chí Minh chính là cột xương sống vững chãi để dân tộc ta làm nên thắng lợi vĩ đại năm 1975.

Những năm chống Mỹ, Tân Kỳ là đất đóng quân của rất nhiều đơn vị bộ đội, cơ quan, đoàn thể, của tỉnh, của Quân khu 4. Đặc biệt có hơn 2 vạn dân Vĩnh Linh đất lửa ra sơ tán. Suốt 7 năm ròng (từ 1968- 1973), Nhân dân Tân Kỳ đã nhường cơm sẻ áo cho nhân dân Vĩnh Linh tuyến đầu Tổ quốc. Nghĩa là từ bát cơm, hạt muối, người Tân Kỳ những năm đó đã biết lo gấp đôi, gấp ba vì nghĩa tình cách mạng.

Qua 50 năm thành lập huyện Tân Kỳ, một chặng đường tuy chưa dài, nhưng đủ để khẳng định sức mạnh và niềm tin, đủ chứng minh cho mảnh đất tuy mới, song đã có những chiến tích, những thành tựu rất đáng tự hào.

Địa bàn huyện hiện có 17 di tích lịch sử văn hoá và danh thắng (01 di tích cấp Quốc gia; 01 di tích cấp tỉnh và 15 di tích danh thắng cấp huyện, xã), trong đó có các di tích quan trọng như: Mốc số 0 đường Hồ Chí Minh (thị trấn Tân Kỳ); Đình Làng Sen (xã Nghĩa Đồng).

Truyền thống yêu nước và cách mạng không những là niềm tự hào của nhân dân Tân Kỳ mà nó còn là một động lực to lớn để Đảng bộ và nhân dân Tân Kỳ phát huy trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện tân kỳ, tỉnh nghệ an (Trang 104)