7. Bố cục của đề tài
3.1.5. Câu đặc biệt danh từ có tác dụng nêu sự vật hiện tượng
Đây là hiệu quả nghệ thuật nổi bật nhất của câu đặc biệt danh từ. Bởi chức năng của danh từ chính là dùng để gọi tên sự vật hiện tượng tồn tại trong thế giới khách quan.
Ví dụ: “Chú Hai hỏi:
- Vậy sau sợ đói là sợ cái chi?
- Là sợ ma! Ma đủ loại. Ma rà dìm người xuống nước. Ma le cõng người nhét giữa bụi tre. Ma trơi chập choạng. Ma đuốc lập lòe. Ma đậu, ma xó, ma hời, ma trâu, ma lợn… Khắp bờ khắp bụi dày đặc những ma. Riêng quanh vườn đã có mười loại cô hồn như ta thường vái. Còn quỷ thì chỗ nào không có. Hòa Phước có hai bãi tha ma đầy quỷ. Chỗ cây cao bóng mát đều có quỷ. Hỏi ở đây có nhà nào lại không cúng, không vái, vái ma vái quỷ. Ông có nhớ năm ma đậu hoành hành, người chết như rạ. Kẻ nào làm cho hết ma, tôi cho là thánh sư bồ tát. ”
(Quê nội)
“Quê nội” hấp dẫn bạn đọc ở phong cách văn xuôi tự sự, sống động,
giàu có về hình tượng và phong phú về giọng điệu. Dựa vào góc nhìn và tâm lí của chú bé Cục - nhân vật dẫn truyện - tác giả đã khéo léo chắp nối, móc xích các chi tiết, các sự kiện khiến cho mạch truyện chảy tự nhiên bất ngờ. Hiện tại và quá khứ đan xen, giúp người đọc có cái nhìn toàn cảnh về số phận
của con người. Đọc “Quê nội”, người đọc hình dung ra một bức tranh sinh
động với đầy đủ những mảng màu sáng tối đan xen. Với mảng tối là những kẻ nô lệ nhỏ bé, từng chịu cảnh đói rét, chết chợ chết đường; sợ hãi từ lão lí trưởng đến cây dung, cây đa, những con người phải bỏ làng ra đi. Và mảng sáng tươi nhất cũng vẫn những con người ấy nhưng họ đã khác xưa, họ là những con người tự do, bình đẳng cùng chung sức, chung lòng xây dựng nền độc lập.
Ở ví dụ trên đây, thông qua câu chuyện của ông Bảy Hóa, Võ Quảng cho ta thấy một mảng tối mà ở đó con người nhỏ bé chịu sự đầy đọa của cái nghèo, cái đói, của bệnh dịch của cướp bóc, của cái dốt! Con người trở nên yếu đuối, mê muội. Họ sợ cả những cái tưởng như là thứ vô hình như sợ đói và đặc biệt là sợ ma! Câu đặc biệt xuất hiện với tác dụng liệt kê. Ta thấy có đủ các loại ma, nào ma trâu, ma lợn, ma xó,… Ngay cả đến các bệnh dịch họ cũng cho đó là một loại ma – ma đậu. Qua chi tiết này ta có thể thấy được sự khủng hoảng của những người dân trong những tháng ngày đói khổ. Họ tin có ma, họ tin rằng cúng bái có thể giúp họ níu giữ lại cuộc sống yên bình. Và thông qua chi tiết này, tác giả đã khai thác sự khác lạ. Sự khác nhau lớn nhất, bao trùm lên toàn bộ người và cảnh trong truyện là sự đổi thay từ Cách mạng tháng Tám. Chòm đa Lý, trước là hang ổ của lũ ma Cụt Đầu, quỷ Năm Nanh nay là bãi tập của dân quân. Còn chị Ba cắt tóc ngắn cạo răng đen, bỏ yếm thao khăn điều… vào tự vệ, cũng như ông Bảy Hóa cắt tóc, cạo râu, dọn ban
thờ, xé tranh thập điện, từ bỏ nghề thầy cúng để làm Việt Minh. Thay đổi nhiều nhất là bà Hiến. Trước nghèo nhất thôn, sống trong túp lều ghép bằng hai mảnh tranh, bà đói khát vật vờ chẳng ai để ý, nay bỗng trở nên người được ủy ban xã và cả làng quan tâm, giúp tranh tre làm nhà, cử thầy đến dạy vần quốc ngữ… Võ Quảng không nói chính trị, nhưng rõ ràng bằng hình tượng, ông đã thể hiện tính chất nhân dân sâu sắc của Cách mạng tháng Tám.
Ví dụ: “Ở Hòa Phước chúng chĩa súng bắt bảy người. Thằng Cù Lao chạy cắm cây nò về chưa đến chùa giặc đã tràn đến. Bí quá, nó chạy dọc bờ bụi đến nép trong cây sung. Ở các thôn khác, giặc bắt mười một người. Tất cả đều bị tập trung ở cuối con đường cái vào đồn Giao Thủy. Chúng bắt mỗi người đào một cái hố. Đào xong, chúng bắt xếp thành một hàng dọc. Mười bảy phát súng nổ. Cứ mỗi phát súng là một người ngã gục. Còn lại người thứ mười tám, đó là ông Kiểm Lài, chúng chừa lại. Bắn xong, thằng chỉ huy sai chặt mười bảy cái đầu cho cắm trên mười bảy cây cọc, đóng thành hàng dọc bên con đường cái. Làm xong việc đó, giặc đuổi ông Kiểm Lài về, dụng ý để ông nói lại cho mọi người biết cách trừng phạt của chúng.”
(Tảng sáng)
Đây là một ví dụ được trích trong tác phẩm “Tảng sáng” của Võ Quảng. “Tảng sáng” có thể coi là tập 2 của “Quê nội” bởi nó vẫn tiếp tục mạch cảm hứng của “Quê nội” kể về sự nghiệp xây dựng và kiến thiết đất
nước. Nhân dân Hòa Phước hăng hái tích cực tham gia vào mặt trận bình dân học vụ, đặc biệt là Cục và Cù Lao… Nhưng rồi giặc Pháp quay lại. “Quê nội”
lại một lần nữa bùng lên với những ngày đấu tranh gian khổ. Trong “Tảng sáng”, tác giả không đi sâu khai thác đề tài chiến tranh nhưng độc giả vẫn có
thể hình dung ra được trận chiến giữa ta và địch. Tác phẩm vẫn có những chi tiết lên án hành động dã man của giặc đối với nhân dân ta. Và ví dụ trên đây là một trong những chi tiết đó.
Ví dụ cho ta thấy “sự trừng phạt” của kẻ đi cướp nước đối với người bị cướp. Ở Hòa Phước, chúng bắt bảy người, ở các thôn khác chúng bắt mười một người. Chúng lại tập trung mọi người trên con đường cái về đồn Giao Thủy. Ta không khỏi căm phẫn khi chúng bắt mỗi người phải tự đào hố để tự chôn mình. Tác giả không ghi lại một tiếng nói nào, chỉ có âm thanh duy nhất đó là mười bảy phát súng nổ. Mười bảy phát súng nổ được tác giả tách riêng thành một câu đặc biệt. Ở đây tác giả đã khéo léo sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh. Bởi thông qua câu đặc biệt, người đọc vẫn hiểu được tội ác của giặc. Và đồng thời câu văn còn có tác dụng nhấn mạnh. Chúng bắt mười tám người nhưng lại chỉ có mười bảy phát súng nổ bởi vì người thứ mười tám là ông Kiểm Lài chúng chừa lại với mục đích để ông nói cho người khác biết cách chúng trừng phạt. Qua đây ta càng thấy rõ được tài năng của nhà văn trong việc sử dụng ngôn ngữ. Ông không cần phải miêu tả chi tiết, không dài dòng mà vẫn làm nổi rõ được sự tàn ác, vô nhân đạo của giặc.
Ở ví dụ thứ hai:
“Mùa mưa lại đến. Gió và mưa! Mưa và gió! Gió đập ầm ầm vào cây sung tơi tả. Mưa xối ào ào như có ai cầm chĩnh trút nước. Trời Hòa Phước tối lại. Lô cốt Hòa Phước xóa mất trong mưa.”
(Tảng sáng)
Trong ví dụ này, tác giả sử dụng tới hai câu đăc biệt danh từ. Câu thứ nhất: “gió và mưa”, câu thứ hai: “mưa và gió”. Thực chất câu thứ hai là sự lặp lại của câu thứ nhất nhưng ở câu thứ hai, tác giả đã đảo lại vị trí cho hai danh từ mưa và gió. Nó tạo lên một vòng tròn, cứ mưa, gió rồi lại mưa và gió. Chỉ với hai câu đặc biệt, người đọc có thể hình dung những cơn mưa kéo dài dai dẳng, liên miên. Thông qua đó, tác giả muốn nhấn mạnh đặc điểm thời tiết ở Hòa Phước, sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Ví dụ: “Một tiếng “xoẹt”. Que diêm bật lửa. Tia lửa ốm yếu, do dự. Tôi nín thở. Đốm lửa bé thơ lớn dần. Thằng Cù Lao rút giấy đặt cho lửa bắt, nhưng ngọn lửa cứ dửng dưng, leo lắt rồi tắt biến.
Tôi hỏi:
- Còn nữa chớ?
Có tiếng xé giấy rồi một tiếng “soạt” rất khẽ. Que diêm bật sáng. Tia lửa bắt cháy đầy hi vọng. Thằng Cù Lao đưa giấy cho lửa liếm sang giấy, lớn dần. Ánh sáng phụt tắt. Tất cả trở nên kín mít. Thằng Cù Lao bảo cứ đi về phía trước nhất định sẽ gặp xóm làng.”
(Tảng sáng)
Trong ví dụ trên ta thấy xuất hiện một câu đặc biệt danh từ. Cục và Cù Lao nhận nhiệm vụ đi tiếp tế bông cho bên Hòa Phước. Và trong đêm tối đen ấy, hai em bị lạc đường. Để tìm đường, Cù Lao đã mang diêm ra quẹt. Sự xuất hiện của câu đặc biệt danh từ có ý nghĩa biểu thị một âm thanh. Âm thanh của tiếng quẹt diêm, một tiếng “xoẹt”. Sự xuất hiện của một âm thanh rất nhỏ, tiếng quẹt diêm làm nổi bật lên hai điều thứ nhất là sự yên tĩnh của bóng đêm, thứ hai là sự căng thẳng của nhân vật. Cục và Cù Lao đang bị lạc đường. Điều đó làm cho hai em trở nên căng thẳng do đó các giác quan trở nên nhạy bén cho nên một âm thanh rất nhỏ như vậy em cũng có thể nghe thấy. Chi tiết này chứng tỏ Võ Quảng là một người rất am hiểu tâm lí của nhân vật, nắm bắt nhanh nhạy được mọi sự thay đổi của tâm lí của nhân vật trong quá trình miêu tả.