Tử hình là một trong những hình phạt có lịch sử lâu đời và nghiêm khắc nhất trong luật hình sự. Trải qua hàng nghìn năm tồn tại, hình phạt tử hình đã thể hiện và phát huy vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, quyền sống của con người đặc biệt được coi trọng, ý thức pháp luật của người dân được nâng cao, xã hội thiết lập được cơ chế kiểm soát hiệu quả hành vi của con người… thì việc duy trì hay bãi bỏ hình phạt tử hình đang là vấn đề được quan tâm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việc tử hình người phạm tội đã có trong lịch sử xã hội loài người từ thời cổ đại nhưng việc đưa nghệ thuật hành hình và miêu tả tỉ mỉ các hình phạt tàn khốc trong tác phẩm văn học rất ít thấy. Ở tác phẩm
Đàn hương hìnhnhà văn Mạc Ngôn đã chọn hành hình và nâng tầm lên thành mỹ học tàn khốc dã man vô nhân đạo của dân gian được đao phủ Triệu Giáp tinh thâm kì công nghiên cứu và thi hành những án phạt kinh hoàng nhất.
Đàn hương hình là câu chuyện của những hình phạt nối tiếp nhau và những câu chuyện khác diễn ra xung quanh hình phạt Đàn hương. Tất cả các hình phạt đều gắn liền với nhân vật Triệu Giáp, có thể đó là những hình phạt do chính Triệu Giáp là đao phủ trực tiếp khai đao, cũng có thể do ông là đao phủ hỗ trợ cuộc hành hình đó. Các hình phạt trong tác phẩm được mô tả từ
mức độ đơn giản đến phức tạp, cái chết diễn ra nhanh chóng sau một nhát chém, cũng có thể diễn ra dai dẳng vài ngày, người thụ hình phải đau đớn đến mức cùng cực rồi mới chết. Ở đây hình phạt ngoài mục đích răn đe dân chúng, nó còn một chức năng đặc biệt hơn đó là trò tiêu khiển, mua vui giải trí cho vua quan và các cung tần mỹ nữ vô công rồi nghề thưởng thức. Người ta đem cái chết sự đau đớn cùng cực của con người làm trò vui cho thiên hạ thật là một việc làm dã tâm phi nhân tính.
Cuộc hành hình đầu tiên là cuộc hành hình Đai Diêm Vương (Hai rồng vờn ngọc) cho tên Mọt coi kho ăn cắp khẩu súng săn của nhà vua. Trong Đàn
hương hình vụ án Đai Diêm Vương dùng cho tên Mọt là một hình phạt mở
đầu cho các hình phạt khác tiếp diễn vừa độc đáo vừa lì, và hết sức man rợ. Hôm hành hình tên Mọt giống như diễn một vở kịch lớn nơi cung đình, có sự chứng kiến của vua Hàm Phong, các quan đại thần, các cung phi cùng bọn thái giám. Các đao phủ phải làm vừa lòng Hoàng thượng và các nương nương, để họ được nghe tiếng rú chói tai của tên Mọt. Đao phủ phải “riết dây đai sức mười phần chỉ căn lên năm phần thì dừng lại, nhằm kéo dài thời gian đau khổ, xiết chặt từng tí một, rồi từ từ căng lên, rồi đến thời điểm xiết mạnh một cái, cặp mắt đẹp như biết nói từ trong hốc mắt dần lòi ra ngoài, đen có, trắng có, đỏ có, càng lồi càng to, y hệt quả trứng gà chui ra từ trôn gà mái, chui ra...chui ra..."bụp" một tiếng liền đó "bụp" một tiếng nữa, hai con ngươi tên Mọt treo lủng lẳng dưới Đai Diêm Vương" [22, tr. 82] tên Mọt chưa tắt thở nhưng đã ngất lịm, không khác gì đã chết. Đầu đã bị vỡ óc và bọt máu tràn ra ngoài. Trên khán đài tiếng nôn ọe liên tục, các nương nương mặt xám như tro, miệng há hốc, các vương công đại thần người nào cũng rũ xuống, các thái giám lạy như tế sao, còn những người yếu bóng vía thì ngất xỉu tại chỗ. Giết người ở đây không dừng lại ở mức độ hành hình mà nó là thú vui tiêu khiển hết sức man rợ.
Hình phạt đối với người phạm tội trộm cắp trong Đàn hương hình
ngoài tên Mọt lấy khẩu súng săn còn có một vụ trộm rất đặt biệt của những tên coi kho ở kho bạc Hoàng gia. Chúng mang bạc ra khỏi kho là nhờ "hang" hay còn gọi (hậu môn), "bình thường nơi này hạt cát không lọt vậy mà những tên coi kho nhét vào đấy cả đĩnh bạc mươi cân [22, tr.153]. Vì vậy hình phạt đối với những tên coi kho Hoàng Gia là "Nung đỏ thanh sắc xuyên vào hậu môn, phạm nhân chết bỏng" [22, tr.154]. Còn những tên khác triều đình Nhà Thanh sử dụng biện pháp chém ngang lưng, nhưng khi thi hành nhát chém không gọn, chỉ đứt một nửa, vì khi lưỡi búa hạ xuống tên phạm vặn mình một cái, kết quả chỉ đứt một bên bụng, tiếng gào rất thảm thiết át cả tiếng reo hò. Ruột hắn tuồn ra ngoài bụng phủ kín cái đôn gỗ. Già Dư định chém bồi thêm một nhác nữa nhưng không thể chém được vì lưỡi búa bị dính trong cột không thể rút ra được, nhưng khi rút ra được thì cám búa dính đầy máu, trơn tuột không thể sử dụng được nữa. Chính lúc đó Triệu Giáp bước lên vung đao, chém một nhát tên phạm đứt làm hai đoạn. “Nửa người dưới của tên phạm vẫn đang co giật nhưng không mạnh. Còn nửa người trên thì thật kinh khủng, “tên phạm gần như hóa thân của chuồn chuồn, mất nửa người dưới mà còn định cất cánh bay lên, hắn chống hai tay dựng thẳng người lên, nhảy lóc cóc trên bục máu của hắn ướt đẫm, ruột của hắn quấn quanh, miệng của hắn như chiếc tam bản gào to nhưng không nghe câu gì, chỉ thấy bọt máu phun phì phì, nhưng có lẽ kì quặt nhất là chiếc đuôi sam cứ cong lên như cái đuôi con rết, dựng đứng sau gáy một lát rồi mệt mỏi thả xuống” [22, tr. 157]. Tất cả công chúng đến xem hành hình hôm đó đều nín thở, người bạo gan thì có thể còn mở mắt nhìn, người mà yếu bóng vía thì không ai dám nhìn, hai tay bưng mặt, có người thì lợm giọng nôn khan. Hình phạt này được Triệu Giáp kể lại gây cho người đọc một cảm giác gần như ngạt thở. Vì đối với kẻ ăn cắp khẩu súng, hoặc vài đĩnh bạc mà dùng những hình phạt ghê rợn liệu có xứng đáng
không, trong khi đó quan lại trục lợi vô kể từ nguồn ngân khố lại không chịu một hình phạt nào.
Triều đình Mãn Thanh đã sử dụng những hình phạt rất dã man cho tất cả những người phạm tội mà không cần biết mức độ phạm tội ấy có xứng đáng phải nhận một hình phạt dã man hay không. Chẳng hạn người phạm tội tưởng chừng như nhẹ, là kẻ vô tình ỉa gần lăng mộ hoàng gia lại nhận hình phạt Đàn hương hình rồi cột dưới gốc cây cho đến chết.
Qua các hình phạt Mạc Ngôn muốn lên án triều đình Nhà Thanh thối nát suy tàn, đang ở trong tình trạng suy sụp, họ muốn dùng hình phạt và vũ lực để trấn áp nhân dân nhằm củng cố quyền lực trong tay họ. Nhưng sự thống trị bằng vũ lực càng dã man thì sự suy sụp càng nhanh chóng.