Từ bao đời nay, lễ hội đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang tính tâm linh và có ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Nhìn chung, các lễ hội đều gắn với các di tích lịch sử văn hóa. Phương thức tổ chức và nội dung các lễ hội có sự kết hợp giữa lễ và hội, đan xen giữa tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng phồn thực… Ý nghĩa phần lễ trong các lễ hội không chỉ thuần túy mang yếu tố tín ngưỡng mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần mang đậm nét đạo lý, truyền thống tôn kính tổ tiên, “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng có công xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước, những bậc tiền nhân đã truyền nghề mang lại đời sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Đến lễ hội có đông đảo quần chúng nhân dân, không phân biệt lứa tuổi với tâm nguyện tốt lành và hướng thiện. Sau một năm bận rộn với những lo toan thường nhật, tham gia trẩy hội, là dịp giải tỏa những lo âu, phiền muộn của cuộc sống thường nhật. Các lễ hội truyền thống với sức sống mãnh liệt vốn ăn sâu vào tiềm thức, trở thành nhu cầu, khát vọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân.
Mỗi đất nước, mỗi dân tộc đều có những lễ hội đặc trưng riêng. Với làn điệu dân gian Miêu Xoang của dân tộc Miêu, được diễn ra hàng năm trên đường phố, đây là ngày Tết của những người ăn mày ở Cao Mật. Không gian
chỉ dành riêng cho những người ăn mày. Đường phố thời gian này trở thành vương quốc của những người ăn mày. Ở đây Miêu Xoang được họ hát và diễn rất tự do. Miêu Xoang sinh ra từ cuộc sống đời thường, tồn tại, phát triển lan rộng trong đời sống sinh hoạt thường ngày của con người và phô diễn niềm vui cuộc sống của những người ăn mày - loại người luôn thiếu thốn về vật chất, lấy cuộc sống đầu đường, xó chợ làm nhà, miếng ăn chỉ dựa vào sự bố thí và lòng thương hại của đồng loại. Cái đặc trưng duy nhất của những kẻ ăn mày, khác với mọi tầng lớp người trong xã hội “trên đời này không kể là quan hay là dân, ít nhiều đều có mối lo, duy chỉ có ăn mày không biết lo buồn là gì” [22, tr.508]. Cuộc đời của con người luôn luôn vướng bận với những lo toan thường nhật, vì quyền lợi nảy sinh những tranh giành chém giết lẫn nhau, cho dù đó là những người có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Ngoài cái độc đáo về việc không lo âu về vật chất của đám ăn mày, ở lễ hội đường phố, quan hệ giữa người với người bình đẳng không phân biệt giai cấp sang hèn. Không những thế ở lễ hội đường phố Cao Mật, đám ăn mày là chúa tể “kiệu của quan huyện gặp đoàn ăn mày cũng phải nhường đường” [22, tr.509]. Ở đây ngôi thứ đã bị đảo lộn ăn mày lúc này là vua, còn quan quân triều đình trở thành thứ yếu ở nơi này. Văn hóa dân gian của lễ hội đường phố của những người ăn mày có thể tấn phong và hạ bệ đối tượng. Có thể nói, những hình thức hội hè giả trang cùng với những trò diễn và nghi thức mua vui, chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Ở lễ hội này có phần giống lễ hội giả trang (Carnaval) là một hình thức diễn trò không có sự phân chia người diễn và người xem. Ở đây người ta không những xem mà họ còn sống trong hội giả trang, tất cả những hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh, của người dân đều dừng lại nhường không gian cho lễ hội.
Khi lễ hội của những người ăn mày bắt đầu diễu hành qua phố, người dẫn đầu của bọn ăn mày đi qua phố, gõ phèng la: phèng, phèng, phèng rồi cao giọng hát một câu Miêu Xoang “Ăn mày ăn Tết vui như Tết…” [22,tr.505] thì tất cả bọn ăn mày đệm vào tiếng mèo kêu “m…eo, m…eo, m…eo” không chỉ bọn ăn mày mà mấy chú choai choai cũng chụm miệng bắt chước tiếng Miêu Cầm, đệm Miêu Xoang hát tiếp “Tơ rưng tr…ưng, tơ rưng tr…ưng, tơ rưng tr…ưng…..”. Miêu Xoang giống như một dàn hợp xướng tất cả mọi người đến xem lễ hội, từ ăn mày, đến những người dân lao động cùng hòa mình và đắm chìm trọng giọng hát, tắm mình trong không khí lễ hội. Trong lễ hội, đám ăn mày là chúa tể, họ có thể tấn phong một kẻ bất kì làm vua của đám ăn mày. Không chỉ riêng người được tấn phong mà tất cả đám ăn mày, họ đều quên đi thân phận thực tại của mình, họ không còn bận tâm về cuộc sống thường nhật. Không chỉ riêng những người ăn mày quên đi đói khổ cuộc cuộc sống mà tất cả những người đến xem hội và cùng hát Miêu Xoang, họ không còn bận tâm về cuốc sống thực tại. Ngay cả Tôn Mi Nương luôn cánh trong lòng về cảnh cha bị bắt giam chờ ngày hành hình, nhưng trong hoàn cảnh này nàng không còn vướng bận những lo toan của bản thân mà chỉ vui với Miêu Xoang và thời khắc hiện tại. Sự hoán đổi vị trí của con người trong không gian đường phố, kẻ ăn mày trở thành vua, những tên lính Đức lại là những kẻ canh giữ cho hoạt động văn hóa dân gian của người dân vùng Cao Mật. Không gian đường phố này đã bãi bỏ mọi quan hệ đẳng thứ, việc bãi bỏ quan hệ đẳng thứ này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu trong xã hội có giai cấp, lễ hội sẽ làm nổi bật sự khác biệt về ngôi thứ giữa người với người. Họ ngồi hoặc đứng được sắp xếp theo đúng trật tự, vị trí tương xứng của họ. Ngược lại, trong lễ hội đường phố của những người ăn mày, mọi người đều bình đẳng với nhau. Con người trong cuộc sống hằng ngày thường được chia cắt bởi những khác biệt về đẳng cấp, chức tước, tài sản và tuổi tác. Còn con
người trong không gian lễ hội đường phố của những người ăn mày họ không có sự phân biệt đẳng cấp, địa vị, tuổi tác, không cần tôn ti, họ tiếp xúc với nhau rất thoải mái. Ở lễ hội đường phố của những người ăn mày có phần giống với lễ hộ giả trang như Bakhtin đã nhận xét: “Trong bối cảnh xã hội chế độ phong kiến với sự cách biệt ghê gớm giữa các đẳng cấp và phường hội, sự tiếp xúc tự do thoải mái giữa người với người trong hội giả trang được mọi người nhận thức rõ ràng, và chính nó góp phần quan trọng tạo nên cái không khí vui vẻ đặc biệt của ngày hội này. Tại hội giả trang sự xa cách giữa người và người tạm thời biến mất… con người trở về với bản chất của mình và cảm thấy mình là con người giữa muôn người” [19, tr. 4]
Những hội hè dân gian chiếm một vị trí rất lớn trong đời sống tinh thần của người dân lao động. Miêu Xoang của những người ăn mày trên đường phố là một nét đẹp đời sống văn hóa tinh thần của những con người dưới đáy cùng khổ của xã hội muốn nói lên tình yêu tự do của cuộc sống của mình.