Miêu Xoang không chỉ tồn tại với không gian tang lễ của những cuộc khóc tang, khi tiễn đưa người chết, không chỉ thăng hoa trên đường phố với lễ hội của đám ăn mày. Điều đặc biệt của làn điệu dân gian này một lần nữa lại vang lên trên pháp trường nơi mà luật pháp sẽ phân định hành vi con người lần cuối cùng trong cuộc đời.
Nếu không gian đường phố của đám ăn mày là nơi mọi người hòa đồng quan hệ giữa người và người không có sự phân biệt thứ bậc, ở đó quan hệ giữa người và người chỉ có sự bình đẳng về địa vị không phân chia quyền lợi và danh vọng, thì không gian pháp trường ngược lại hoàn toàn với không gian đường phố. Pháp trường được thành lập từ khi xã hội phân chia giai cấp và luật pháp nhà nước đã được ra đời. Có thể nói không gian pháp trường chẳng khác nào bãi tha ma, nơi đó những oan hồn rên khóc. Nhắc đến không gian
này người ta cảm thấy ái ngại, không gian ấy là không gian của thần chết, không gian của ngọn đầu đài. Trong văn học nhà văn có thể để cho nhân vật của mình hoạt động và đi lại ở nhiều miền không gian khác nhau. Nhân vật có thể đi về ba cõi thiên đường, địa phủ, dương gian như trong Liêu trai chí dị
của Bồ Tùng Linh, hay Tây du kí của Ngôn Thừa Ân. Nhưng trong tiểu thuyết Mạc Ngôn con người thường đi về với không gian hẹp hơn đó là làng quê Cao Mật. Tác phẩm Cao lương đỏ không gian chỉ giới hạn trên cánh đồng cao lương, họ đánh giặc rồi yêu nhau trên cánh đồng cao lương. Trong Đàn hương hình nếu Tôn Bính luôn gắn cuộc đời của mình với đám đông sân khấu, ở nơi này tài năng Tôn Bính được được phát huy cao nhất. Ngược với Tôn Bính cả cuộc đời Triệu Giáp gắn liền với không gian pháp trường, hắn có duyên tiền định với pháp trường. Con người này sinh ra để làm rạng danh cho các loại hình phạt.
Lúc mười tuổi tai họa ập đến gia đình Triệu Giáp tất cả mọi người đều qua đời, hắn bơ vơ, cô độc một thân một mình, theo lời mách bảo của oan hồn bà nội, hắn đến Bắc Kinh tìm người cậu nhưng lần đầu tiên hắn gặp được cậu mình, cũng là gây phút trên pháp trường người cậu hắn cũng bị đầu lìa khỏi cổ. Người thân cuối cũng của hắn chết dưới lưỡi đao của người bạn (Già Dư), tại pháp trường hắn gặp được Già Dư và ngay lập tức hắn muốn trở thành một đao phủ không chớp mắt. Sau cuộc gặp gỡ với Già Dư thì hắn nhanh chóng trở thành một đao phủ đắc lực, hai mươi tuổi hắn đã trở thành Gì Cả trong nhóm đao phủ, hắn bước lên trên bậc cao của nghề rất nhanh và sau đó trở thành trạng nguyên của nghề đao phủ. Việc chọn nghề của Triệu Giáp cũng hết sức kì dị vì theo quan niệm của người xưa, việc chọn nghề là việc hết sức quan trọng trong đời, vì căn cứ theo nghề nghiệp họ xếp thứ bậc của mình trong vị thế xã hội. Thứ bậc đó được sắp xếp theo thứ tự: sĩ, nông, công, thương… còn đao phủ lại là nghề mà không xếp vào trong bất cứ hạng người
nào trong xã hội. Đao phủ là việc làm, thường chỉ dành riêng cho những tên đồ tể thực hiện. Vì việc giết đi một sinh linh, dù là con vật, chưa nói đến con người dễ mấy ai thực hiện được, Triệu Giáp chọn công việc kì lạ này.
Tuy nghề ông kì lạ, nhưng quan niệm của ông rõ ràng về công việc mà ông đang làm, trong lần nói chuyện với Viên Thế Khải, Triệu Giáp đã khẳng định: “tiểu nhân là con người hạ tiện, nhưng mà công việc tiểu nhân theo đuổi không hạ tiện, tiểu nhân tượng trưng cho quyền uy của đất nước. Nhà nước có hàng nghìn luật lệnh, nhưng cuối cùng vẫn dựa vào tiểu nhân mà thực thi” [22, tr.485]. Với quan điểm rất rõ và nhất quán về công việc, hắn đã leo lên đỉnh cao nhất của nghề mà hắn đang theo đuổi. Hắn trở thành trạng nguyên giết người vào loại bậc nhất của nhà Đại Thanh. Hắn được vua và Thái Hậu rất sủng ái tặng cho những báu vật: chuỗi hạt bằng gỗ đàn hương và long ỷ. Cho nên khi hắn đi đến đâu đều có sự hiện diện của nhà vua và Hoàng Thái Hậu nơi đó. Được sủng ái hắn tỏ ra hết mực trung thành, tận tâm, tận lực cống hiến hết cuộc đời và tài năng cho nghề đao phủ. Có thể thấy, Triệu Giáp là một đao phủ mang tố chất thiên bẩm, một bậc thầy về hình phạt. Tuy nhiên về việc làm và vẻ bề ngoài của ông có nhiều sự trái ngược, ông có một thân hình không lấy gì vạm vỡ, không vai u, bắp thịt như những người đao phủ khác, mà ông có thân hình giống như một thái giám, với đôi bàn tay nhỏ, mềm như bún, Giáp Con cho rằng đôi bàn tay ấy chỉ thích hợp cho việc đỡ đẻ chứ không phải đôi bàn tay giết người. Nhưng khi hành quyết đôi bàn tay ấy như con vật biết uống máu người. Đôi bàn tay ấy sau bốn mươi năm cầm lưỡi đao thần chết bỗng trở nên có linh tính của nghề. Mỗi khi có cơ hội chuẩn bị thi triển tài nghệ, nó như mách bảo với Triệu Giáp bằng cách “đỏ lên như than hồng, những ngón tay nuột nà co quắp như móng vuốt của con gà trống, tay lão như thép nung đỏ, nước trong chậu phát ra tiếng lóc bóc, bốc hơi” [22, tr.49]. Ở con người này khi nghe tin được hành quyết một trọng phạm với một
hình phạt cực kì dã man thì “Mắt hắn như có hào quang, soi rõ khuôn mặt gầy như sống dao của hắn. Mặt hắn chẳng khác thỏi sắt mới ra lò. Hai bàn tay bé xíu quái đản của hắn như hai con thú nhỏ, run lật bật trên đầu gối” [22, tr.149]. Hắn run lên không phải vì sợ mà hắn run lên vì vui mừng, như một con sói nhìn thấy con mồi trong cơn đói. Con người này nhân tính đã mất, tình yêu thương đồng loại gần như không còn tồn tại.
Ngoài quan niệm rõ ràng về nghề nghiệp và những đặc điểm thân hình khác đời của một đao phủ thì Triệu Giáp còn hội tụ một đặc điểm lớn nhất của một đao phủ thượng hạng cần phải có. Đó là đứng trước phạm nhân người đao phủ phải có trái tim rắn như đá, lặng như nước tù. Đặc biệt khi Triệu Giáp đã bôi tiết gà lên mặt thì “hắn không còn là người, mà tượng trưng cho phép nước tôn nghiêm, thần thánh” [22, tr.74]. Lúc này hắn đứng trên cả đấng chí tôn, không quỳ trước Hoàng thượng. Dường như ở nhân vật Triệu Giáp đã hội tụ đầy đủ các yếu tố để được tôn vinh là trạng nguyên của nghề đao phủ, với trái tim lạnh lùng vô cảm, sự thành kính đối với nghề nghiệp kì dị, và lòng yêu nghề một cách tuyệt đối. Triệu Giáp quan niệm về nghề “đao phủ cũng là một nghề. Nghề này người đứng đắn không làm nổi, kẻ lười nhác không làm nổi! Nghề này tiêu điều thì khí số triều đình cũng hết” [22, tr.86]. Nghĩa là nghề đao phủ không thể dành cho những người bình thường. Trạng nguyên của nghề này xem ra Triệu Giáp là một người gần như hoàn hảo. Thế nhưng gần bốn mươi năm giữ lưỡi đao thần chết, chém đầu 988 người, mỗi lần chém người Triệu Giáp luôn giữ trái tim sắt đá. Tuy nhiên không phải lúc nào Triệu Giáp cũng là thần uy với trái tim rắn như đá và hắn là thần, nhìn vào những cuộc hành hình mà ngăn chặn sự phản loạn của kẻ bề tôi, có những cuộc hành hình Triệu Giáp không còn cái uy của thần chết mà hắn trở thành người có lỗi với phạm nhân như vụ án Lục quân tử chém Đàm Tự Đồng. Cho dù hắn “đã bôi một lớp tiết gà rất dày, như đeo mặt nạ, lão vẫn cảm thấy căng thẳng,
thậm chỉ hổ thẹn, cứ như cởi truồng trước đám đông… lão mất vẻ bình tĩnh, mất vẻ lạnh lùng” [22, tr.346]. Bản lĩnh đao phủ thượng hạng của Triệu Giáp trái tim lạnh như hòn đá quạ bây giờ rơi xuống nơi sâu nhất, lạnh nhất dưới đầm nước. Không riêng gì vụ hành hình sáu vị quân tử Triệu Giáp mất đi cái uy dũng của tay đao phủ giết người như ngóe mà khi thực hiện vụ án lăng trì đối với người anh hùng Tiền Hùng Phi, hành thích không thành công tuần phủ Sơn Đông Viên Thế Khải. Nhìn sự uy dũng của người anh hùng trẻ tuổi Triệu Giáp phải cúi đầu xin lỗi trước khi khai đao.
Vụ hành hình kinh hoàng nhất trong tiểu thuyết là cuộc hành hình dành cho người anh hùng Tôn Bính dám đứng lên chống lại quân Đức xâm lược Trung Hoa. Sau khi cọc đàn hương đội vải lòi lên vai, Tôn Bính được đưa lên đài Thăng Thiên nơi cao nhất trong huyện, chúng trói hai chân ông vào cột, hai tay vào xà ngang, trông ông giống như đấng cứu thế Giêssu trên thánh giá, không còn là người mang mang cực hình. Giữa không gian pháp trường giọng Miêu Xoang của vị tổ sư Tôn Bính vang lên để xua tan cái đau đớn đang dày vò thể xác “rằm tháng Tám trăng trong…đài cao lộng gió đông”[22, tr.621] giọng Miêu Xoang Tôn Bính vang lên giống như người nhạc trưởng, bắt nhịp cho một bài hát, tất cả dân chúng trên pháp trường cất tiếng “mi –ao” như dàn hợp xướng vang lên dậy cả pháp trường. Dân chúng dường như chợt nhớ chức trách của mình, không ai bảo ai, họ đồng thanh cất tiếng “mi –ao” giọng Miêu Xoang trên pháp trường vang vọng đến chín tầng mây.
Lưỡi đao thần chết của Triệu Giáp chỉ giết chết một sinh mạng nhưng đã làm cho dậy cả một làn sóng phản kháng, đấu tranh từ cái chết. Pháp trường không còn là nơi trình diễn của cái ác. Bây giờ nơi này trở thành buổi biểu diễn Miêu Xoang của những người dân không còn khuất phục trước lưỡi đao của thần chết.