Nếu La Tiểu Thông yêu thịt, hiểu thịt, Kim Đồng say mê bầu vú, thì Tôn Bính lại say mê làn điệu Miêu Xoang. Ông sống ca hát Miêu Xoang, đấu
tranh bằng Miêu Xoang, chết trong âm thanh đồng vọng của Miêu Xoang. Đây là làn điệu dân gian đặc trưng của vùng Đông Bắc Cao Mật và là loại hí kịch có giai điệu du dương diễn xuất độc đáo, mang đậm màu sắc thần bí, là hóa thân cuộc sống tinh thần, của người dân vùng Đông Bắc Cao Mật. Mỗi loại hình nghệ thuật đều có nguồn gốc xuất xứ riêng của nó. Lỗ Tấn cho rằng: “Trong cái thứ tự phát sinh của tác phẩm văn nghệ, có lẽ thơ ca có trước tiểu thuyết có sau. Thơ ca bắt nguồn từ lao động và tôn giáo. Lẽ thứ nhất là trong lao động, một mặt thì làm lụng, một mặt thì ca hát, như vậy có thể quên mệt nhọc và khổ sở đi, cho nên từ tiếng kêu la đơn thuần mà phát triển ra, đi đến chỗ phát huy cái tâm lí, cái tình cảm của mình lên, đều có vài vần điệu tự nhiên cả. Lẽ thứ hai dân tộc nguyên thủy đối với thần linh, đi dần từ sợ sệt đến kính mến rồi ca tụng cái oai linh của nó, ca ngợi cái công lao của nó, như vậy là tạo thành cái khởi nguyên của thơ ca. Còn tiểu thuyết thì tôi nghĩ ngược lại, lại khởi nguyên từ sự nghỉ ngơi. Con người lao động đã dùng ca ngâm để cho vui, nhờ đó mà quên đi nỗi mệt nhọc cực khổ, thì đến lúc nghỉ ngơi cũng nhất định tìm một cách gì đó tiêu khiển khi nhàn rỗi. Cách đó là người này người kia, trao đổi với nhau, chuyện đã qua, việc bàn kể trao đổi chuyện cũ đó chính là khởi nguyên của tiểu thuyết. Vì thế mà thơ ca là văn vần, từ lao động mà phát sinh, còn tiểu thuyết là văn xuôi, nhân lúc nghỉ ngơi mà phát sinh” [38.tr.316] sự ra đời của thơ ca và tiểu thuyết gắn liền với hoạt động lao động và sự nghỉ ngơi của con người. Đó là cuộc sinh tồn với những bộn bề lo toan của con người, còn sự ra đời của Hí kịch Miêu Xoang thì ngược lại với thơ ca và tiểu thuyết. Miêu Xoang không phải ra đời trong lúc con người đang sống và lao động, mà nó ra đời lúc con người từ giã cõi đời, khi cuộc đời thực của con người không còn nữa, con người đã từ biệt cuộc sống trần gian đang bước vào thế giới của cõi vĩnh hằng. Đó là lúc người đang sống hát lên khúc hát bi thương kể về công trạng người đã chết, như lời
điếu văn của chính cuộc đời mình, Miêu Xoang như những lời kinh sám hối tiễn người chết để cho họ được thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng.
Miêu Xoang vốn là một làn điệu dân gian có nguồn gốc từ sự khóc tang của Thường Mậu và sau đó Tôn Bính đã đưa lên thành một loại hình kịch nghệ, nổi tiếng cả một vùng rộng lớn "phía Bắc đến phủ Lai Châu, phía Nam đến phủ Giao Châu, phía Tây đến phủ Thanh Châu, phía đông đến phủ Đăng Châu, tổng cộng mười tám huyện" [22, tr.40]. Miêu Xoang làm say đắm và lôi cuốn người nghe bởi làn điệu mượt mà và nội dung chân thật như hơi thở của cuộc sống. Với những vở diễn mang nội dung về cuộc sống nhân tình thế thái, các đời vua thịnh vượng như Nghiêu Thuấn, cũng như các anh hùng trong truyền thuyết và trong lịch sử, các vị quan tham vô độ. Các vở diễn tiêu biểu của Miêu Xoang như “Thường Mậu khóc tang”, hay “Hồng môn yến”… các vở diễn này luôn gắn với cuộc đời oai hùng và đầy bi kịch của nghệ sĩ Tôn Bính, một kép hát lừng danh, một ông bầu gánh hát, một nguyên soái của cuộc khởi nghĩa bi thương, một phạm nhân bị hành quyết dã man trên pháp trường.
Nếu Triệu Giáp cả cuộc đời sống và chết đều gắn với những cuộc hành hình thì Tôn Bính cả đời ông gắn liền với làn điệu Miêu Xoang, ông đi đến đâu làn điệu Miêu Xoang đi theo bước chân của ông vang lên nơi đó. Ông như một con ong cần mẫn lấy phấn từ trăm hoa để biến Miêu Xoang thành giọt mật ngọt dâng lên cho đời. Ông đã sáng tác nên các làn điệu như Miêu Hồ, Miêu Cổ và cải biên các làn điệu với phong cách mới mẻ, phù hợp với tâm tình của người dân Cao Mật. Từ Tôn Bính, làn điệu Miêu Xoang phổ biến rộng rãi trong cuộc sống, với ông Miêu Xoang không còn đơn thuần cho những buổi khóc tang người chết hay những buổi biểu diễn trên sân khấu diễn những tích tuồng mà Miêu Xoang giống như máu chảy trong huyết quản của ông.
Từ sự đam mê làn điệu Miêu Xoang nên lời hát tang của ông không còn đơn giản như tổ sư Hùng Mậu là khóc trước quan tài người chết kể về công lao người chết, mà điều quan trọng và đặc biệt hơn so với vị tổ sư Hùng Mậu. Khi Tôn Bính cất tiếng hát của mình trước quan tài người chết, sẽ làm cho người chết phải sống lại như trường hợp ông khóc tang mẹ lão Tần. Khi ông hát trước quan tài người chết, giọng của ông làm cho con cháu người chết như đứt từng khúc ruột, trong quan tài có tiếng lục đục, khiến cho con cháu sợ xanh mắt. Miêu Xoang qua chất giọng của ông nó trở thành liều thuốc cải tử hoàn sinh, làm cho người chết đã ngồi bật dậy. Không chỉ diễn trên sân khấu có đạo cụ trợ giúp, có đào kép xướng xô nhau, hát ở đám tang "Chỉ một mình Tôn Bính, lúc đóng vai nam, khi đóng vai nữ, giọng khóc, giọng cười giữa chừng lại đệm bao nhiêu tiếng mèo kêu "mi - ao", biến buổi khóc tang thành cuộc trình diễn sân khấu cực kì sống động, con cháu người chết quên cả đau thương, những người đến xem quên cả một thi hài đang ngồi nghe hát. Mãi đến khi Tôn Bính hát xong câu cuối cùng dư âm của nó dài lê thê như một cái đuôi diều giấy, bà lão từ từ nhắm mắt, thở dài một tiếng tỏ vẻ thỏa mãn, rồi đổ sụp xuống như một bức tường đổ". [22, tr.504]. Đó là chuyện Tôn Bính hát Miêu Xoang làm cho người chết sống lại, với cái tài của ông không chỉ đặc trưng chất giọng thiên phú hát hay, ông là diễn viên đa tài, ông có thể hoán đổi cuộc đời của mình thành kẻ khác, sống với thân phận con người khác. Ở người nghệ sĩ này không chỉ sống cho riêng bản thân mình mà có thể nếm trải cuộc đời những kẻ khác, ông hóa thân vào thân phận của kẻ khác, vui buồn và đau khổ cùng người khác. Ở đây làn điệu Miêu Xoang trở thành nỗi thông cảm thấu hiểu tình người với nhau và sự chia sẻ nhau trong cuộc sống. Miêu Xoang như một liều linh dược xóa tan mọi phiền muộn của cuộc sống khi được thưởng thức làn điệu này do Tôn Bính biểu diễn.
Tôn Bính không chỉ nổi tiếng trong việc hát tang, ông hát làm cho người chết phải sống lại ngồi nghe ông hát, rồi sau đó ra đi một cách thanh thản. Đối với Tôn Bính khi ông hát Miêu Xoang phụ nữ nghe thì lệ chảy tràn, làn điệu Miêu Xoang qua giọng hát của ông rất dễ hớp hồn phụ nữ. Ông lại một người có chất giọng khàn khàn lạ lùng. Vì vậy ông đã biến Miêu Xoang thành dưa mật làm mê mẩn không biết bao nhiêu phụ nữ Cao Mật. Đặt biệt là người mẹ quá cố của Mi Nương, bà một người phụ nữ đẹp nổi tiếng, có rất nhiều người say mê. Trong đó có một vị cử nhân họ Đỗ từng cầu hôn nhưng bà không bằng lòng, bà lại mê một kép hát nghèo rớt mồng tơi như Tôn Bính, bởi vì bà mê cái giọng khàn khàn ấy nên mới lấy ông. Không riêng gì mẹ Mi Nương mê ông mà Tiểu Hồng hay Hồng Đào... là những cô đào đẹp nhất gánh hát cũng mê ông. Miêu Xoang đã làm cho cuộc đời ông thấm đẫm chất phong tình nhưng cũng đầy bi tráng và hào hùng. Có thể nói quãng thời gian hào hùng nhất của nghệ sĩ Tôn Bính là lúc ông đóng những vai anh hùng, những khanh tướng "Tôn Bính là một kép hát, quanh năm suốt tháng đóng các vai đế vương khanh tướng, tài tử giai nhân, hát ra rả những trung hiếu tiết nghĩa," [22, tr.182] từ những vai diễn trên sân khấu đã hun đúc cho ông thành "người có khí chất hiên ngang, mặt mày rạng rỡ, quyết không phải là phường xướng ca vô loài" [22, tr.375]... Không chỉ đối với những người yêu ông mà ngay cả Ba Tống người không ưa gì ông cũng phải dành cho ông những lời khen: "Tôn Bính đa tài, xuất khẩu thành chương, nghe một lần là thuộc. Chỉ tiếc hắn không biết chữ, nếu biết, hắn đỗ mười bằng tiến sĩ" [22, tr.296].
Vì đóng vai những người anh hùng, những khanh tướng nên cuộc đời của ông cũng oanh liệt như chính những nhân vật trên sân khấu do chính ông sắm vai. Ông sống cuộc đời mình vừa thực vừa hư. Thực đó là tính thẳng thắn ngang tàng, nhưng ông cũng sống trong cuộc đời hư ảo, ông cho mình là con người trên sân khấu. Chính vì sự ngang tàng nên trong bữa tiệc sinh nhật ông
quên rằng mình chỉ là một kép hát, một Tôn Bính bình thường. Khi Lí Vũ khoe khoang, Tiền Đinh là vị quan có bộ râu đẹp. Để đáp lại sự huênh hoang của Lí Vũ, Tôn Bính cho rằng râu quan Tiền Đinh "không đẹp bằng bộ lông trong đũng quần của ta" [22, tr.185]. Ông tự hào mình là người có bộ râu đẹp nhất (vì khi ông biểu diễn vở Đơn đao phó hội không cần mang râu giả vì râu ông đẹp hơn người). Miêu Xoang đã ăn sâu vào tâm thức ông, ông thuộc tất cả các vở diễn và luôn vận dụng nó vào mọi hoàn cảnh mà bản thân ông trải qua. Khi ông bị Tiền Đinh bắt đến trước công đường để tra hỏi về tội nhục mạ quan huyện. Trước đòn roi, sự tích bi tráng của những anh hùng hảo hán mà ông đã sắm vai lại hiện về, ông ưỡng ngự, ngẩng cao đầu trong tiếng mi – ao, và ông cất cao giọng “Mặc cho hình trượng đả nát thịt, nghiến răng ta chịu không than van” [22, tr.189]. Miêu Xoang ở đây làm cho ông mang khí chất của người anh hùng, đứng trước đòn roi và cái chết họ đều xem như không. Nhưng khi thấy dung mạo đường hoàng của quan huyện ông nảy sinh tình cảm thân thiết như anh em lâu ngày gặp lại “Anh em gặp nhau tại công đường, nhớ lại năm xưa lệ vấn vương” [22, tr.189]
Với khí chất như những anh hùng ông sắm vai, vì vậy, khi nghe tin người Đức làm nhục phụ nữ Trung Quốc, thế là nỗi sợ biến thành cơn giận. Sự bất bình chất chứa lâu nay như giọt nước tràn ly, cuối cùng đã trở thành hận thù. Tính khí của người Cao Mật tồn tại trong mỗi con người bùng nổ, lửa giận bừng bừng, bất kể sống chết, gầm thét chạy theo Tôn Bính ra chợ. Nhìn thấy "tên Đức bóp vú vợ ông [...] Thọc tay trong quần vợ ông" [22, tr.264] ông đã nện tên lính Đức một cây gỗ táo vào đầu vì đã sàm sỡ vợ ông, tên lính Đức toi mạng. Biết trước tai họa sẽ đến nhưng với khí chất người anh hùng, nhìn thấy những cảnh chướng tai phải ra tay trừ diệt, không thể chịu khuất phục trước cảnh vợ con mình bị làm nhục.
Để trả thù cho tên lính đã bị Tôn Bính đánh chết, người Đức đã giết chết vợ con ông thả trôi theo dòng sông, cùng hai mươi bảy sinh mạng người dân vô tội ở trấn Mã Tang. Cái chết của vợ và hai con thơ, cùng hai mươi bảy sinh mạng người dân trấn Mã Tang, nỗi uất ức trào dâng thành điệu hát Miêu Xoang như xét lòng: “Tang tang tang tang tang tang… tang bụp tang bụp tang bụp… tang! Tôn Bính tui ngó về quê nhà phương bắc, cuồn cuộn khói đen che kín nửa trời. Vợ tui nàng nàng nàng chôn thây nơi bụng cá, các con tui… thảm lắm trời ơi… một trai một gái mệnh táng suối vàng… đáng hận thay, bọn giặc tóc trắng mắt xanh, độc như rắn rết, táng tận lương tâm, giết người vô cớ, khiến tôi tan cửa nát nhà, thân đơn bóng chiếc… tui tui tui… thảm lắm trời ôi…” [22, tr.279]. Lời Miêu Xoang như tiếng kêu xé lòng của người dân vô tội đáng thương và như lời ai oán thấu tận trời cao để tố cáo tội ác của kẻ xâm lược, phá tan đi cuộc sống bình yên. Cuộc đời ông với nhiều thăng trầm bi kịch, ông mong muốn suốt đời cỡi ngựa hát Miêu Xoang, và đưa Miêu Xoang trở thành quốc hí. Ước mơ chưa thực hiện được thì ông chịu hành hình đàn hương. Nhưng thời gian từ nhà tù đến pháp trường và trên Thăng Thiên Đài đây là thời điểm khúc hát Miêu Xoang, vở "Thường Miêu khóc tang"
được diễn hấp dẫn nhất. Trên đường áp giải đến pháp trường, ông và Út Sơn diễn đến nửa vở kịch thì người lớn, trẻ con như phát điên. Tất cả đám đông nhại tiếng mèo mi - ao, mi - ao, mi - ao trên trời dưới đất đâu đâu cũng vang tiếng mèo. Đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, mèo thật mèo giả quyện vào nhau, cuốn lấy nhau thân hình lắc lư, những động tác lúc bình thường không thể làm nổi. Âm thanh mi- ao kết thúc câu hát cuối cùng của ông vút lên cao, cao hơn cây đại thụ mấy chục trượng, còn mọi người thì ngả hồn theo tiếng hát lên tận chín tầng mây.
Trên Thăng Thiên Đài Tôn Bính diễn vở kịch Miêu Xoang cuối cùng của cuộc đời mình có tên Đàn hương hình lưu danh tên tuổi ông trường tồn
với trời đất "ngắm trời cao gió thu lồng lộng, nhìn đất dày cây cỏ xanh rờn, ta đây vốn anh kiệt hóa thân, dựng cờ nghĩa thay trời hành đạo, cứu Trung Hoa kiếp nạn trầm luân. Không cho giặc dựng xong đường sắt! ...Vừa ăn xong gan rồng óc phượng, vừa uống xong ngọc dịch quỳnh tương" [22,tr 575, 576] và đệm vào tiếng mèo mi - ao, mi - ao, mi - ao. Tất cả những người đến xem nước mắt tuôn trào, bắt đầu từ trẻ con, rồi đến người lớn đều nhại tiếng mèo kêu, hàng vạn tiếng kêu quyện làm một như tập trung ở nơi pháp trường là toàn bộ thế giới của loài mèo. Tiếng ca Miêu Xoang cao vút từng mây và giống như tiếng con thiên nga hót lần cuối cùng trong cuộc đời ta chết không ân hận, lửu cháy lên rồi, ta những chờ mong rồi hàng loạt tiếng mèo,… mi - ao, mi – ao. Hình phạt thường gây nên sự sợ hãi đối với dân chúng nhưng ở đây hình phạt không trấn áp được người dân mà chỉ tạo cho ngọn lửa hận bùng cháy to hơn và càng mạnh mẽ hơn.
Người nghệ sĩ dân gian Tôn Bính sống một cuộc đời phong lưu, chiến đấu oanh liệt, và chết trong huy hoàng như một người anh hùng trong vở kịch. Vì tình yêu ông muốn đưa Miêu Xoang trở thành hí quốc ước mơ không thực hiện được. Vì lòng căm thù mong muốn đánh đuổi ngoại xâm bảo vệ bình yên cho nhân dân. Ông là một nghệ sĩ, một anh hùng luôn sống và chiến đấu trọn nghĩa, nhưng cuộc đời lại là một bi kịch. Miêu Xoang chưa thành quốc hí, đánh đuổi giặc không thành.