Quản trị thanh khoản thông qua quản lý việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn
Nguồn vốn ngắn hạn là nguồn vốn với tính ổn định không cao. Các nguồn vốn này chủ yếu có được do lượng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng, các khoản tiền không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 12 tháng. Đặc tính của khoản tiền gửi này là khách hàng có thể rút tiền gửi trước hạn. Ngân hàng phải cân đối đầu tư để sử dụng một phần khoản tiền này vào nguồn vốn cho vay. Việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là một trong những nguyên nhân gây ra rủi ro thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Thực hiện đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, ACB luôn tuân thủ tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định
từng thời kỳ. Đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2008, tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn của ACB luôn bằng 0%, thấp hơn nhiều so với mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước là 40%.
Năm 2009, Thông tư số 15/2009/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã giảm tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn đối với các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng tối đa 30% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, đồng thời thay đổi theo hướng thắt chặt cách tính toán. Trong khi nhiều ngân hàng thương mại bị tác động mạnh bởi quy định mới của Ngân hàng Nhà nước thì ACB vẫn duy trì tỷ lệ này ở mức thấp với độ an toàn cao là 0%.
Từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của ACB tăng hơn trong giai đoạn trước, cụ thể năm 2010 là 12,04%; năm 2011 là 15,15% và năm 2012 là 19,78% (theo báo cáo nội bộ ACB). Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn trong việc huy động nguồn vốn trung dài hạn mặc dù ngân hàng đã có nhiều chương trình khuyến mãi kích thích khách hàng quan tâm đến kỳ hạn tiền gửi dài hạn, đồng thời giảm lãi suất kỳ hạn tiền gửi ngắn ngày so với mức trần cho phép. Do đó, dù là một trong những ngân hàng có nguồn vốn huy động khá dồi dào, đồng thời luôn chủ trương duy trì cân đối hợp lý về nguồn vốn và sử dụng vốn và khả năng thanh khoản để đáp ứng nhu cầu cấp tín dụng hợp lý của khách hàng, nhưng ACB vẫn ưu tiên cấp tín dụng cho các đối tượng khách hàng vay vốn trung dài hạn kết hợp với vay vốn ngắn hạn và sử dụng các dịch vụ ngân hàng khác tại ACB như thanh toán quốc tế, tiền gửi, thẻ tín dụng…
Mặc dù tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của ACB vẫn nằm trong quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, với tình hình huy động vốn trung và dài hạn còn nhiều khó khăn, khả năng dẫn đến các rủi ro thanh khoản là khá cao do chênh lệch về kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn; giữa tài sản nợ và tài sản có.
Quản trị thanh khoản thông qua quản lý nợ xấu
Tỷ lệ nợ xấu lớn, vượt ngưỡng an toàn và tăng nhanh trong thời gian qua đặc biệt từ năm 2011 đến nay là một trong những nguyên nhân chính gây khó khăn cho hoạt động của ACB đồng thời trực tiếp dẫn đến tăng rủi ro thanh khoản cho ngân hàng. Các khoản nợ xấu này chủ yếu nằm ở lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực sản xuất có liên quan do sức cầu ở các thị trường này suy giảm mạnh trong hơn một năm qua. Các khoản nợ này, nếu không thanh toán được, sẽ ngày càng phình to đe dọa đến thanh khoản của ngân hàng. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh huy động nguồn vốn trung dài hạn, ACB cũng đang triển khai giải quyết nợ xấu một cách quyết liệt.
Bảng 2.9. Tỷ lệ nợ xấu của ACB các năm 2008 – 2012 Năm Chỉ tiêu 2008 2009 2010 2011 2012 Nợ đủ tiêu chuẩn 97,97% 99,01% 99,42% 98,80% 92,55% Nợ cần chú ý (nhóm 2) 1,15% 0,58% 0,24% 0,31% 5,19% Nợ xấu (nhóm 3 – 5) 0,89% 0,41% 0,34% 0,88% 2,46% Tổng cộng 100% 100% 100% 100% 100%
(Nguồn: Báo cáo thường niên ACB)
Theo báo cáo thường niên của ACB năm 2012, trong tổng dư nợ cần chú ý tại 31/12/2012 là 5.421.128 triệu đồng, trong đó:
853.698 triệu đồng cho vay Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) và một số công ty con của Vinalines, trong đó 746.847 triệu đồng cho vay với mục đích mua và đóng tàu biển và 106.851 triệu đồng cho vay tài trợ vốn lưu động.
3.511.468 triệu đồng cho vay sáu công ty mà ông Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch hoặc là thành viên Hội đồng quản trị hiện đang bị điều tra từ tháng 08/2012 sau khi ông Kiên bị bắt giữa các cơ quan chức năng đang tìm kiếm thông tin liên quan đến các giao dịch và số dư giữa ACB với các công ty này.
Như vậy, với việc chưa tuân thủ những nguyên tắc an toàn trong hoạt động cấp tín dụng cũng như quản lý chất lượng tín dụng đã trực tiếp dẫn đến rủi ro thanh khoản tại ACB trong thời gian vừa qua.
Quản lý tài sản ngân hàng
Qua báo cáo thường niên của ACB năm 2012 có thể thấy ACB đã có một loạt các sai phạm trong công tác quản trị hoạt động của ngân hàng cũng như trong quản trị thanh khoản, trực tiếp dẫn đến rủi ro thanh khoản cho ACB.
Trong tổng số dư tiền gửi có kỳ hạn tại các TCTD là 16.311.448 triệu đồng, có 718.908 triệu đồng tiền gửi có kỳ hạn mà ACB ủy thác cho nhân viên gửi tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã quá hạn liên quan đến vụ lừa đảo có quy mô lớn trong hệ thống ngân hàng. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, làm trái với Quy định 1627/2001/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về cho vay vốn và dẫn đến nguy cơ gây thất thoát tài sản của ngân hàng.
2.2.4. Tình hình rủi ro thanh khoản do yếu tố tin đồn, bất ổn kinh tế – chính trị tại ACB
Trong quá trình hoạt động kinh doanh từ khi thành lập, ACB đã phải hai lần đối phó với việc rút tiền hàng loạt của khách hàng: lần thứ nhất vào năm 2003 khi có tin đồn Tổng giám đốc của ACB bỏ trốn và lần thứ hai vào năm 2012 khi ông Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB bị khởi tố và bắt tạm giam.
Sự kiện rút tiền hàng loạt tại ACB năm 2003 Diễn biến sự việc
Sự kiện này xảy ra vào tháng 10 năm 2003 và là sự kiện lớn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam khi lần đầu tiên hàng nghìn khách hàng đổ xô đến rút tiền tại ngân hàng. Sự kiện này bắt nguồn từ tin đồn thất thiệt có chủ ý nhằm vào ACB. Tại thời điểm đó, ACB vừa kỷ niệm 10 năm thành lập, đang hoạt động rất hiệu quả và được bình chọn là “Ngân hàng thương mại cổ phần tốt nhất Việt Nam”.
Trong 2 ngày 12-13/10/2003, tại thành phố Hồ Chí Minh và một số chi nhánh khu vực phía Nam bỗng rộ lên tin đồn ông Phạm Văn Thiệt, Tổng giám đốc của ACB đã bỏ trốn. Ngay lập tức tin đồn đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến lòng tin của các khách hàng gửi tiền tại ACB. Rất nhiều khách hàng đã lũ lượt kéo đến trụ sở chính và các chi nhánh của ACB tại TP Hồ Chí Minh để rút tiền. Riêng trong ngày 14/10/2003 đã có khoảng 4.000 khách hàng yêu cầu rút tiền. Tính đến 21h ngày 14/10, xấp xỉ 700 tỷ, trong đó có 16 triệu USD tiền gửi đã bị rút ra.
Sáng ngày 14/10/2003, ACB đã tổ chức cuộc họp báo với sự xuất hiện của ông Phạm Văn Thiệt. Ông Thiệt khẳng định tin đồn kia là hoàn toàn không có thật và ACB sẵn sàng chi trả cho bất kì yêu cầu rút tiền nào. Ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng vào cuộc giúp ACB giải quyết khó khăn. Ông Lê Đức Thúy, thống đốc NHNN đã xuất hiện tại trụ sở chính của ACB khẳng định trước công chúng rằng ACB là ngân hàng hoạt động có hiệu quả, thực sự đáng tin cậy và có khả năng tài chính lành mạnh.
Trong 2 ngày 15-16/10/2003, Thống đốc Lê Đức Thúy cũng quyết định cấp hạn mức chiết khấu cho ngân hàng Á Châu 950 tỷ, thời hạn cho vay 60 ngày. Đây là động thái của NHNN nhằm hỗ trợ vốn cho ACB. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, đại diện là Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thiện Nhân cũng tới Hội sở ACB để trấn an dân chúng trong cuộc họp báo.
Trước sự đảm bảo năng lực tài chính của ACB, dòng vốn rút ra khỏi ACB đã chững lại và có dấu hiệu chảy ngược trở lại. Tổng giá trị tiền gửi riêng ngày 16 là 117 tỷ đồng, gồm cả vàng và ngoại tệ. Mới nối lại hoạt động cho vay nhưng số tiền ngân hàng xuất ra cho đối tác là 26 tỷ đồng.
Một số nhận định
Theo thống kê của ACB, những người rút tiền trong gần một tuần xảy ra sự cố chủ yếu là tư nhân, bởi họ quá nôn nóng mà bị cuốn theo tin đồn thất thiệt. Còn giới doanh nghiệp có khả năng phân tích thông tin tốt đã không vội vàng phản ứng. Những người rút tiền sớm chính là những người thiệt thòi nhất do rút tiền trước hạn nên mất lãi dự tính.
Vụ việc trên đã cho thấy tính dễ tổn thương của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Kẻ tung tin đồn đã lợi dụng tâm lí để đánh vào lòng tin của công chúng. Công tác PR của ngân hàng còn kém, xử lí thông tin khá chậm. Ngoài ra, dịch vụ tín dụng của ngân hàng chưa gần gũi người dân. Do đó người dân không nắm rõ thực trạng của ngân hàng, dễ dàng bị mất lòng tin. Tuy nhiên, tổng số tiền mà ACB xuất ra để trả khách hàng là 1.100 tỷ đồng, hoàn toàn nằm trong khả năng chi trả và nhỏ hơn nhiều so với vốn lưu động của ngân hàng. Bên cạnh đó, tỷ lệ của ACB trong toàn hệ thống chỉ chiếm 1%, tỷ lệ này quá nhỏ. Do đó Ngân hàng Nhà nước đủ sức hỗ trợ ACB nếu có hiện tượng rút tiền ồ ạt. Vì vậy sự cố trên không để lại hậu quả nghiêm trọng cho ACB nói riêng và hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung.
Sự cố rút tiền hàng loạt tại ACB năm 2012 Diễn biến sự việc
Ngày 20/08/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên – nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB. Cảnh sát cũng đã làm việc với Tổng giám đốc ngân hàng ACB, ông Lý Xuân Hải. Theo cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an), ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt để điều tra về hành vi "kinh doanh trái phép" theo điều 159 - Bộ Luật hình sự. Trước đó, cơ quan chức năng đã nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật xảy ra tại 03 công ty: Công ty cổ phần Đầu tư thương mại B&B, Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Thông tin ông Kiên bị bắt đã tác động làm hàng nghìn khách hàng đến rút tiền tại các địa điểm giao dịch của Ngân hàng ACB, giá mua - bán vàng miếng thì tăng mạnh.... Vụ việc đồng thời cũng ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chứng khoán. Tất cả các chỉ số ngành đều mất điểm, trong đó: nhóm ngân hàng giảm 5,05%, nhóm khai khoáng giảm 5,62%, nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm 5,24%, bất động sản giảm 4,21%... Trong vòng 3 ngày, tổng vốn hóa thị trường (market cap) theo thống kê của Vietstock đã bị mất đến 5,62 tỷ USD.
Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định: vụ ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt giữ không liên quan đến hoạt động của ACB. Đồng thời, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên về tội kinh doanh trái phép là hoạt động bình thường của cơ quan Cảnh sát điều tra. Do đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, người gửi tiền tại Ngân hàng Á Châu hoàn toàn yên tâm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ. Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để ổn định và bảo đảm an toàn hệ thống.
Một số nhận định
Sự kiện năm 2012 tuy có tính chất nghiêm trọng hơn tin đồn thất thiệt năm 2003, nhưng theo thống kê của ACB thì khối lượng khách hàng đến rút tiền không nhiều và ồ ạt như trước đây. Nguyên nhân có thể do một bộ phận lớn khách hàng vẫn tin tưởng vào khả năng tài chính của ACB và sự hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước.
Sự kiện được đánh giá là có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ACB, tuy nhiên lãnh đạo ACB tuyên bố vẫn đảm bảo quyền lợi cho các khách hàng. Các hành động xử lý tình huống rủi ro thanh khoản có thể kể đến là: ngưng giải ngân tạm thời các hợp đồng vay vốn trong 03 ngày cao điểm; giải quyết ngay các khoản tiền gửi đến hạn và lập cam kết thanh toán đối với các khoản tiền gửi chưa đến hạn; thay đổi nhân sự lãnh đạo... Kết quả sau một tuần xảy ra sự việc, hoạt động của ngân hàng ACB đã trở lại bình thường và nhiều khách hàng đã quay lại gửi tiền.
Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, sự kiện trên mới chỉ là biểu hiện trên bề mặt của thị trường, phía sau sự cố đó là sai lầm của lãnh đạo ngân hàng trong chiến lược kinh doanh vàng, ngoại tệ và đầu tư tài chính. Một vấn đề khá nghiêm trọng, vi phạm pháp luật và gây thất thoát tài sản của ngân hàng là việc nhiều ngân hàng đã tìm ra cách giao tiền cho các nhân viên của mình mang tiền gửi ở các ngân hàng thiếu thanh khoản, dưới dạng các hợp đồng cá nhân. Nguyên nhân bắt nguồn từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản siết lại trần lãi suất và quy mô giao dịch vay mượn trên thị trường liên ngân hàng, việc cho vay giữa các tổ chức tín dụng không mang lại nhiều lợi nhuận cho các ngân hàng như trước đây.