Năm 2008, để đáp ứng mức vốn điều lệ quy định cho các ngân hàng thương mại cổ phần đến cuối năm 2008 là 1.000 tỷ đồng theo Nghị định số 141 của Chính phủ ban hành năm 2006, bên cạnh đó do sự sụt giảm của thị trường chứng khoán khiến cổ phiếu ngân hàng thời điểm này không còn thu hút như năm trước và việc góp vốn của các nhà đầu tư lớn vào ngân hàng không dễ thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế năm này còn nhiều khó khăn, thách thức khiến các ngân hàng đã phải vào cuộc chạy đua lãi suất để tăng vốn. Với sức ép tăng lãi suất của các ngân hàng nhỏ đồng thời trong năm này, ACB cũng có dự kiến tăng vốn điều lệ lên trên 5.805 tỷ đồng khiến ACB cũng không nằm ngoài cuộc chạy đua lãi suất này.
Năm 2010, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận, nhiều ngân hàng trong đó có ACB lại bước vào một cuộc chạy đua lãi suất tiếp theo. Trong năm này, ACB có thời điểm cũng phải huy động vốn với lãi suất lên đến 14%/năm để chạy theo mức lãi suất huy động lên đến hơn 16%/năm của các ngân hàng nhỏ khác.
Cuộc chạy đua lãi suất của các ngân hàng dù do chịu ảnh hưởng của rủi ro thị trường như lạm phát tăng cao, áp lực thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước hay do yếu tố chủ quan từ phía ngân hàng thì cũng đã tạo thêm nhiều bất ổn mới trên thị trường tiền tệ, gây khó khăn cho hoạt động điều hành chính sách vĩ mô và đặc biệt là dẫn đến phát sinh rủi ro thanh khoản của hệ thống ngân hàng khi quy mô huy động vượt quá mức bảo vệ vốn tự có của ngân hàng.