Ý nghĩa của biện pháp:
Gia đình đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Nếu trẻ được sống trong một gia đình hạnh phúc, thì trẻ sẽ có cơ hội phát triển tốt về tâm lí cũng như thể chất và nhận thức. Cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ và là người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhân cách của trẻ. Sự ảnh hưởng của cha mẹ đến đứa trẻ trước hết ở tình thương yêu vô bờ bến, ở sự chăm sóc chu đáo, tỉ mỉ và cả thói quen, nề nếp, cách giáo dục của mỗi người. Trẻ cảm nhận được những tình cảm sâu lắng đó và đáp lại nó bằng sự quyến luyến, gắn bó, yêu thương, kính trọng, cũng như cố gắng noi gương và tiếp bước họ. Chính vì thế để giáo dục tính thủ lĩnh cho trẻ, GV cần phải nhờ sự hỗ trợ đắc lực của cha mẹ bởi cha mẹ là người hiểu con mình nhất và là người cung cấp những thông tin quý giá nhất về trẻ như: thói quen, sở thích…Mặc dù tốn nhiều thời gian và công sức để lôi cuốn cha mẹ trẻ tham gia, thế nhưng giáo viên sẽ có được rất nhiều lợi ích từ việc phối hợp này. Bên cạnh đó, khi sự phối hợp này diễn ra một cách nghiêm túc, cha mẹ sẽ là người hiểu được tính cách và khả năng của con mình ở môi trường lớp học, môi trường bạn bè, môi trường xã hội như thế nào, từ đó sẽ tạo thêm niềm tin của cha mẹ trẻ đối với nhà trường, đối với GV. Điều đó tạo nên sự liên tục trong việc học tập và rèn luyện tính thủ lĩnh cho trẻ.
Nội dung và cách thực hiện
GV cần cho cha mẹ trẻ thấy tầm quan trọng của tính thủ lĩnh và họ là người có vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục tính thủ lĩnh cho trẻ. Mời cha mẹ tham gia vào các hoạt động ở trường (Ngày hội làm đồ dùng đồ chơi, thi trò chơi dân gian, cuộc thi tiếng hát măng non, lễ hội 8.3, bé hát mừng cô và mẹ nhân ngày 8.3…); GV thông tin nội dung giáo dục tính thủ lĩnh cho trẻ bằng cách dán các nội dung, phương pháp, hình thức qua bảng tin tuyên truyền, qua trò chuyện hàng ngày với cha mẹ trẻ, qua những buổi họp phụ huynh hàng tháng, hàng quý để có sự đồng thuận và nhất quán trong quá trình giáo dục trẻ tại nhà. Đặc biệt, cuối mỗi chủ đề, mỗi học kỳ, GV cần trao đổi với phụ huynh về kết quả học tập cũng như những chỉ số phát triển mà trẻ đã đạt được trong quá trình học tập và sinh hoạt ở trường để từ đó phụ huynh biết cách đề ra phương pháp giáo dục phù hợp cho trẻ khi ở nhà.
Tóm lại: Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng biểu hiện tính thủ lĩnh của trẻ MG 5-6 tuổi tại trường MN Phú Lý, hiểu biết của GV và phụ huynh về tính thủ lĩnh của trẻ, những khó khăn và thuận lợi của GV trong việc giáo dục tính thủ lĩnh chúng tôi đã đề xuất một số biện pháp giáo dục tính thủ lĩnh cho trẻ MG 5-6 tuổi tại trường MN Phú Lý như sau:
1. Giao nhiệm vụ cho trẻ
2. Tạo cơ hội cho trẻ giải quyết vấn đề 3. Tổ chức hoạt động theo nhóm
4. Làm giàu vốn sống, vốn kinh nghiệm cho trẻ
5. Phối hợp với phụ huynh để rèn luyện tính thủ lĩnh cho trẻ
Các biện pháp giáo dục trên thực hiện không máy móc, rập khuôn mà luôn linh hoạt, khéo léo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ để có hiệu quả tốt nhất. Kết quả kiểm nghiệm đã chứng minh những biện pháp giáo dục tính thủ lĩnh cho trẻ 5-6 tuổi là hiệu quả và được trình bày trong phần tiếp theo.