Tính thủ lĩnh của trẻ MG

Một phần của tài liệu biện pháp giáo dục tính thủ lĩnh cho trẻ mẫu giáo 5 6 tuổi tại trường mầm non phú lý, huyện vĩnh cửu, tỉnh đồng nai (Trang 27)

1.2.3.1. Đặc điểm sự hình thành tính thủ lĩnh của trẻ MG

Tính thủ lĩnh của trẻ MG được hình thành thông qua các hoạt động học tập, lao động, đặc biệt là qua vui chơi. Khi trẻ tham gia vui chơi, tính chủ động và độc lập được thể hiện rõ nét ở việc chọn chủ đề chơi, vai chơi, tìm kiếm đồ chơi, chọn bạn chơi, phân vai chơi và thiết lập mối quan hệ với bạn cùng chơi. Thông qua vui chơi, một “xã hội trẻ em” được hình thành (theo cách gọi của A.P.Uxova, nhà giáo dục tiền học đường Nga) để mô phỏng một xã hội người lớn.

Xuất phát từ “xã hội trẻ em”, nhu cầu giao tiếp được phát triển trên cơ sở hoạt động phối hợp của trẻ em trong các trò chơi, khi thực hiện các nhiệm vụ lao động… [8].

Những “xã hội trẻ em” này còn khác rất xa với xã hội người lớn. Hợp rồi tan, tan rồi hợp, thực và chơi, chơi và thực: đó là tính độc đáo của xã hội ấy. Nhưng chính những mối quan hệ xã hội đầu tiên trong nhóm bạn bè này lại có một ý nghĩa rất lớn lao đối với cả đời người sau này. Ở đây trẻ em vừa là sản phẩm, vừa là người tạo ra mối quan hệ đó. Có thể nói mỗi đứa trẻ đều được tạo ra bởi những đứa trẻ khác. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự hình thành nhân cách [12], [13], [14].

Cái xã hội này bao gồm toàn thể trẻ em nhưng cấu trúc của nó không phải là đơn giản. Trong cái “xã hội trẻ em” ấy mỗi đứa đều có một vị trí nhất định. Vị trí đó được thể hiện ở chỗ bạn bè trong nhóm đối với nó như thế nào.

Thông thường trong nhóm trẻ có một vài cháu nổi hẳn lên được các bạn yêu mến và thích chơi cùng, muốn được ngồi cạnh và muốn bắt chước chúng, tự nguyện thực hiện những yêu cầu của chúng, thậm chí có khi nhường cả đồ chơi của mình cho chúng. Bên cạnh những em bé này, lại có những em bé hoàn toàn không được các bạn cùng tuổi ưa thích, đến mức không muốn nhận chúng vào nhóm chơi, không chia sẻ đồ chơi cho chúng. Mức độ được các bạn ưa thích phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân: những đặc điểm về trí tuệ như thông minh, tháo vát, nhiều sáng kiến hoặc những đặc điểm trong hành vi như vui tính, hay nhường nhịn cho bạn, cũng có khi còn do sức mạnh bằng thể lực [12], [13], [14].

Vị trí trong nhóm bạn cùng tuổi ảnh hưởng một cách sâu sắc đến sự phát triển nhân cách của một đứa trẻ. Những đứa trẻ ít được ưa thích, không được các bạn gần gũi giúp đỡ thường có tâm trạng buồn bã cô đơn, trái lại những đứa trẻ được bạn bè đặc biệt quan tâm, thích chơi với chúng thì nhiều khi lại trở nên quá tự tin, từ đó mà sinh ra tự cao tự đại. Chính vì thế mà vào cuối tuổi mẫu giáo, đã bắt đầu xuất hiện vai trò “thủ lĩnh”. Em “thủ lĩnh” thường nhận vai chính vì vai chính có quyền lợi nhất. Thí dụ trong trò chơi “gia đình” thì nó dành quyền đóng vai mẹ; trong trò chơi “bán hàng” thì nó đóng vai cô bán hàng; trong trò chơi “dạy học” thì nó đóng vai cô giáo v.v…Cũng có lúc nó chỉ đóng vai phụ nhưng lại có tác dụng điều khiển các vai khác kể cả vai chính[12], [13], [14].

Tính chất của các mối quan hệ trong nhóm chơi, trên một mức độ đáng kể, phụ thuộc vào những đặc điểm hành vi của các “thủ lĩnh”. Nếu thủ lĩnh là một em bé tốt, biết yêu mến, tôn trọng bạn bè, có nhiều sáng kiến, thì nhóm chơi bao giờ cũng hòa thuận và trẻ em học hỏi lẫn nhau nhiều điều hay. Trái

lại, nếu thủ lĩnh là một em bé mang nhiều thói hư tật xấu như bắt nạt bạn bè, ích kỉ tham lam, thô bạo, thì nhóm bạn sẽ phát sinh lục đục, xích mích, thậm chí có khi còn xảy ra ẩu đả. Tệ hại hơn là trẻ em trong nhóm lại bắt chước những thói hư tật xấu của “thủ lĩnh”, chóng trở thành những em bé hư [12], [13], [14].

1.2.3.2. Những biểu hiện tính thủ lĩnh của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi [7].

Tự tin:

Đầu tiên, đó là một đứa trẻ tự tin. Tự tin là một phẩm chất nhân cách, là sự tin tưởng vào năng lực của bản thân. Một đứa trẻ tự tin là một đứa trẻ luôn có ý chí và tính kiên định, không lùi bước trước những khó khăn, biết vượt qua những trở ngại và thử thách, mạnh dạn tham gia các hoạt động. Trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi thể hiện sự tự tin qua nhiều hoạt động như: vui chơi, học tập, lao động, tham gia các lễ hội…Ở hoạt động nào trẻ cũng luôn mạnh dạn đưa ra ý kiến, chủ động bàn bạc trao đổi, thảo luận với bạn trước khi thực hiện ý tưởng.

Sự tự tin giúp đứa trẻ mạnh dạn trước đám đông, thích thể hiện vai trò chỉ huy trước tập thể, có nhiều sáng kiến trong khi chơi cùng bạn, nhanh nhẹn, linh hoạt khi thực hiện nhiệm vụ người lớn giao cho và không e dè trước những thử thách.

Tính sáng tạo

Một đứa trẻ có tính thủ lĩnh là một đứa trẻ sáng tạo. Đó là những biểu hiện luôn thích tìm tòi, khám phá, có sáng kiến, luôn tạo ra cái mới, cái độc đáo trong các hoạt động. Tính sáng tạo có được là nhờ vốn sống, vốn kinh nghiệm của trẻ phong phú, nền tảng kiến thức, kĩ năng đa dạng đã giúp trẻ thể hiện cái mới, sáng tạo trên nền tảng cái cũ đã có.

Tính sáng tạo của trẻ được thể hiện trong hoạt động nghệ thuật như: kể chuyện, vẽ, nặn, ca hát, vận động theo nhạc…Với hoạt động vẽ, nặn, xé dán tính sáng tạo của trẻ biểu hiện khi trẻ có ý tưởng phong phú, mới lạ, không

bắt chước theo khuôn mẫu, độc lập trong khi vẽ, nặn, xé dán mà không cần sự giúp đỡ của Cô hay của bạn. Hay trong hoạt động múa hát trẻ luôn thích ca múa, hát múa đúng với giai điệu, thể hiện được cảm xúc và thường hay đề xướng động tác múa cho các bạn múa theo, luôn nảy ra ý tưởng để chế lời bài hát, giai điệu múa mà không thích bắt chước bạn.

Trong hoạt động vui chơi, tính sáng tạo của trẻ thể hiện qua việc lựa chọn vai chơi, bạn cùng chơi, nội dung chơi, thỏa thuận luật chơi và nguyên tắc trong trò chơi. Bạn nào có ý tưởng mới lạ, độc đáo, luôn có sáng kiến trong khi chơi thường luôn được bạn bè yêu mến và chọn làm thủ lĩnh cho nhóm mình.

Luôn biết dẫn dắt và giúp đỡ người khác.

Đây được xem là yếu tố cần thiết của một thủ lĩnh. Trẻ có thể giúp bạn xây dựng công trình dang dở, giúp bạn bê chồng sách, trải nệm, trải khăn bàn…Sự giúp đỡ này diễn ra một cách tự nhiên mà không hề có sự tác động hay nhắc nhở của giáo viên.

Ngoài ra, trẻ còn biết chỉ huy, đề xướng khi chơi hoặc khi học tập hoặc lao động tự phục vụ. Chẳng hạn: trong hoạt đông vui chơi, trẻ là người phân vai chơi cho các bạn và đề xướng nội dung trò chơi. Khi hoạt động nhóm trong trò chơi học tập, trẻ thường nêu lên ý tưởng và mạnh dạn phân công công việc cho từng bạn. Hay trong các hoạt động lao động tự phục vụ, trẻ phân công bạn nào xếp nệm, bạn nào trải khăn bàn, bạn nào chồng ghế…và tất cả những công việc trên các bạn của trẻ đều vui vẻ thực hiện dưới sự phân công của “thủ lĩnh”. Dĩ nhiên, thủ lĩnh đó luôn được bạn bè yêu mến, vị nể.

Giao tiếp tốt:

Tính thủ lĩnh còn được thể hiện khi đứa trẻ có khả năng giao tiếp tốt. Nghĩa là biết lắng nghe người đối diện và biết chia sẻ cảm xúc với người khác, luôn tự tin, dạn dĩ trước tập thể, có ý thức về giá trị bản thân, có mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh, mạnh dạn phát biểu ý kiến trong giờ

học, nêu lên ý tưởng trong giờ chơi, chỉ huy bạn trong hoạt động nhóm… Khả năng giao tiếp của trẻ tốt còn thể hiện ở việc biết diễn đạt ngôn ngữ mạch lạc, trôi chảy, tạo được ấn tượng với bạn bè và mọi người xung quanh. Biết đặt ra câu hỏi trong giao tiếp, biết cách nói chuyện một cách logic, rõ ràng và biết thuyết phục người khác đồng ý theo quyết định của mình. Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tư duy, hình thành và phát triển nhân cách, là công cụ để trẻ giao tiếp, vui chơi, học tập.

Một phần của tài liệu biện pháp giáo dục tính thủ lĩnh cho trẻ mẫu giáo 5 6 tuổi tại trường mầm non phú lý, huyện vĩnh cửu, tỉnh đồng nai (Trang 27)