Mối quan hệ giữa lòng trung thành và thu nhập

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến sự trung thành của nhân viên trẻ tại các doanh nghiệp việt nam (Trang 37)

5. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN

1.4.1. Mối quan hệ giữa lòng trung thành và thu nhập

Thu nhập hay còn gọi là thù lao lao động, tiền lương, được hiểu một cách đơn giản là khoản tiền hoặc hiện vật người lao động nhận được do làm việc. Thông thường, thu nhập được xem như thước đo cho sự thành đạt của nhân viên đó trong công việc. Tuy nhiên, mặc dù thu nhập cao làm con người thỏa mãn hơn về mặt vật chất nhưng không chắc chắn đảm bảo lòng trung thành của nhân viên. Theo nghiên cứu mới đây của Watson’s Data Services tại các quốc gia châu Âu, thu nhập tăng không ảnh hưởng đến lòng trung thành của nhân viên (Watson’s Data Services, 2013).

Tại Việt Nam, đã có nhiều tác giả nghiên cứu mối quan hệ giữa thu nhập và lòng trung thành ở nhiều phạm vi khác nhau :

 Nguyễn Thanh Mỹ Duyên (2012) khi nghiên cứu về lòng trung thành của nhân viên ở Công ty Cổ phần Beton 6 đã chỉ ra thu nhập cao là yếu tố ảnh hưởng tích cực nhất đến lòng trung thành.

 Lee và cộng sự (2012) khi nghiên cứu về ý định chuyển việc của các nhân viên khách sạn tại Đài Loan đã chỉ ra mức lương cao làm tăng mức độ gắn bó với tổ chức.

 Vũ Khắc Đạt (2009) khi nghiên cứu về lòng trung thành của nhân viên tại văn phòng khu vực miền Nam VIETNAM AIRLINES đã chỉ ra thu nhập cao tuy có mức độ tác động yếu đến lòng trung thành nhưng không có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 5%.

 Hồ Huy Tựu và Phạm Hồng Liêm (2012) khi nghiên cứu sự gắn bó của nhân viên đối với Công ty du lịch Khánh Hòa đã chỉ ra rằng thu nhập cao chỉ có tác động tích cực đến sự hài lòng của nhân viên mà không ảnh hưởng đến lòng trung thành.

26

 Xét đến phạm vi rộng hơn, Vũ Nguyễn Hồng Nhung và Trần Thị Ngọc Thảo (2012) khi nghiên cứu về lòng trung thành của nhân viên của bốn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã chỉ ra thu nhập chỉ ảnh hưởng tích cực đến lòng trung thành của nhân viên các các doanh nghiệp sản xuất. Xét về mức độ ảnh hưởng đến lòng trung thành, thu nhập cao chỉ đứng vị trí thứ 5 trong số 7 yếu tố ảnh hưởng.

 Rộng hơn nữa, Phan Quốc Dũng (2009) khi nghiên cứu lòng trung thành của nhân viên tại các công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng thu nhập cao có ảnh hưởng tích cực đến lòng trung thành nhưng có mức ảnh hưởng yếu nhất.

 Cũng trong phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh, Đỗ Phú Trần Tình và cộng sự (2012) khi nghiên cứu sự gắn bó lâu dài của nhân viên trẻ đối với doanh nghiệp đã chỉ ra thu nhập cao không phải là nhân tố tác động đến quyết định có tiếp tục làm việc hay không của các nhân viên trẻ. Như vậy, với một vài nghiên cứu nêu trên, ta thấy rằng mức độ ảnh hưởng của thu nhập đến lòng trung thành của nhân viên là không cao. Nghiên cứu của Nguyễn Thanh Mỹ Duyên (2012) và Vũ Khắc Đạt (2009) đã chỉ ra sự khác biệt về mức độ ảnh hưởng của thu nhập đến lòng trung thành giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp dịch vụ. Điều này phù hợp với nghiên cứu của Vũ Nguyễn Hồng Nhung và Trần Thị Ngọc Thảo (2012). Xét về phạm vi gồm nhiều doanh nghiệp khác nhau, ta thấy rằng mức độ ảnh hưởng của thu nhập đến lòng trung thành là yếu. Nguyên nhân có thể do thời điểm nghiên cứu vào năm 2012 là lúc thực trạng kinh tế gặp khó khăn, kiếm việc vất vả, mức độ cạnh tranh cao khiến việc tìm được công việc phù hợp mà có mức lương cao khó có thể xảy ra. Nhân viên có xu hướng đánh đổi thu nhập cao để lấy môi trường làm việc tốt và có cơ hội thăng tiến trong tương lai. Chính điều này làm giảm đáng kể vai trò của tiền lương. Mặt khác, chỉ có trường

27

hợp Nguyễn Thanh Mỹ Duyên (2012), thu nhập cao là nhân tố ảnh hưởng tích cực nhất đến lòng trung thành. Nguyên nhân có thể do đối tượng nghiên cứu là doanh nghiệp xây dựng của nhà nước, ít chịu ảnh hưởng của biến động kinh tế nên lương vẫn là yếu tố tác động lớn đến lòng trung thành.

Đối với đề tài này, đối tượng nghiên cứu là các nhân viên trẻ tại Hà Nội, từ các nghiên cứu trên, nhiều khả năng thu nhập sẽ chỉ có ảnh hưởng tích cực yếu đến lòng trung thành. Tuy nhiên, với thời gian nghiên cứu là trong năm 2015, nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến tốt, nhiều cơ hội được mở ra có thể làm tăng vai trò của thu nhập đối với lòng trung thành. Mặt khác, nét tâm lý tính toán chi ly của người miền Bắc cũng có thể là nhân tố làm tăng vai trò của thu nhập đối với lòng trung thành.

Như vậy, giả định được đặt ra là : Thu nhập cao sẽ làm cho nhân viên trung thành hơn với tổ chức.

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến sự trung thành của nhân viên trẻ tại các doanh nghiệp việt nam (Trang 37)