5. Bố cục đề tài
1.6.1 Các hình thức tổ chức trọng tài
Trên thế giới có nhiều mô hình tổ chức trọng tài khác nhau. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, tùy từng điều kiện cụ thể mà mỗi nước tổ chức cho mình một mô hình trọng tài thích hợp và tùy thuộc vào ý chí, điều kiện thực tế, thói quen hay nội dung của tranh chấp, các bên đương sự sẽ quyết định lựa chọn cho mình một hình thức tổ chức trọng tài phù hợp.
Tại Việt Nam, Luật trọng tài thương mại 2010 quy định trọng tài tồn tại dưới 2 hình thức: trọng tài thường trực (trọng tài quy chế) và trọng tài vụ việc (tài ad hoc).
Một là, trọng tài vụ việc.
Có nhiều cách diễn đạt khác nhau về thuật ngữ trọng tài vụ việc. Trọng tài vụ việc là hình thức tổ chức trọng tài phi chính phủ, không nhân danh và mang quyền lực nhà nước, do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập để giải quyết vụ việc khi tranh chấp phát sinh và tự chấm dứt tồn tại khi giải quyết xong vụ việc đó. Hiện nay, tại Khoản 7 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định “Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của luật này và trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận”.
Đây là tổ chức trọng tài không tồn tại thường xuyên nên không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành, điều lệ, danh sách trọng tài và quy chế hoạt động riêng. Vì thế, mỗi bên đương sự được tự do lựa chọn cho mình trọng tài viên từ những chuyên gia, luật sư có kinh nghiệm để có thể cùng nhau xây dựng một thủ tục tố tụng trọng tài cho từng vụ việc. Loại trọng tài này có ưu điểm là tổ chức đơn giản, linh hoạt, đảm bảo tối đa quyền tự do định đoạt của các bên, do đó đương sự được quyền thỏa thuận quyết định tất cả các vấn đề về trọng tài như số lượng và cách thức chỉ định trọng tài viên, luật áp dụng..., vì thế loại trọng tài này cũng được áp dụng khá nhiều trong thực tiễn thương mại quốc tế. Hay nói cách khác, trọng tài vụ việc là trọng tài tự tiến hành.24 Đối với trọng tài vụ việc, hội đồng trọng tài là do các bên hoặc do đại diện của các bên lựa chọn. Sau khi hội đồng trọng tài được thành lập, việc phân xử sẽ do hội đồng trọng tài thực hiện và các bên không được tham gia vào việc phân xử đó. Tuy nhiên, bên cạnh một số thuận lợi trên thì trọng tài vụ việc vẫn còn tồn tại những hạn chế sau:
Vì đây là hình thức trọng tài phụ thuộc hoàn toàn vào thiện chí của các bên. Nếu một bên không có thiện chí, quá trình tố tụng sẽ luôn có nguy cơ bị trì hoãn, và nhiều khi không thể thành lập được hội đồng trọng tài bởi vì không có quy tắc tố tụng nào được áp dụng.
Trong trọng tài vụ việc, không có tổ chức nào giám sát việc tiến hành trọng tài và giám sát các trọng tài viên. Vì vậy, kết quả phần lớn phụ thuộc vào việc tiến hành tố tụng và khả năng kiểm soát quá trình tố tụng của các trọng tài viên. Cả trọng tài viên và các bên sẽ không có cơ hội nhận được sự ủng hộ và trợ giúp đặc biệt từ một tổ chức trọng tài thường trực trong trường hợp phát sinh sự kiện không dự kiến trước và trong trường hợp các trọng tài viên không thể giải quyết được vụ việc. Sự hỗ trợ duy nhất mà các bên có thể nhận được là từ các tòa án.
24
Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam- VIAC, Giải quyết tranh chấp: trọng tài adhoc hay trọng tài quy chế,
http://luatsutuvan.com.vn/to-tung-trong-tai-/giai-quyet-tranh-chap-trong-tai-vu-viec-hay-trong-tai-quy-che.html, [ngày truy cập 16-8-2014].
Do vậy, chỉ khi có tồn tại một hội đồng trọng tài và một quy tắc tố tụng trọng tài cụ thể được xác lập thì quá trình tố tụng mới có thể tiến hành được suôn sẻ như trọng tài quy chế trong trường hợp một bên từ chối không tham gia vào quá trình tố tụng.
Hai là, trọng tài thường trực:
Có nhiều cách hiểu và đánh giá khác nhau về trọng tài thường trực. Trọng tài thường trực có nghĩa là các bên lựa chọn cách tiến hành tố tụng trọng tài theo các quy tắc tố tụng và với sự trợ giúp của một tổ chức trọng tài thường trực.
Khoản 3 Điều 6 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định: “Trọng tài thường trực là hình thức giải quyết tại một trung tâm trọng tài theo quy định của Luật này và quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài đó”. Trong đó, trung tâm trọng tài là tổ chức phi chính phủ, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản và trụ sở giao dịch riêng. Cũng giống như tổ chức trọng tài vụ việc, trọng tài thường trực là tổ chức phi chính phủ, không nhân danh và mang quyền lực nhà nước mà nhân danh người thứ ba độc lập ra phán quyết, hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải mà không được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trọng tài thường trực là tổ chức hoạt động thường xuyên, vì vậy được tổ chức chặt chẽ, có bộ máy điều hành, trụ sở làm việc ổn định, có danh sách trọng tài viên hoạt động theo điều lệ và quy chế tố tụng riêng. Mỗi tổ chức trọng tài thường trực đều đưa ra một bản quy tắc tố tụng hướng dẫn trình tự tiến hành trọng tài. Hầu hết các tổ chức trọng tài lớn, có uy tín trên thế giới đều được thành lập theo mô hình này dưới những tên gọi như trung tâm trọng tài, tòa án trọng tài, hiệp hội trọng tài... Ngoài ra, tại một số quốc gia, tổ chức trọng tài thương mại quốc tế được tổ chức dưới hình thức một tổ chức nằm bên cạnh Phòng thương mại như Viện trọng tài Stockholm Thụy Điển, Uỷ ban trọng tài thương mại Thái Lan. Các trung tâm trọng tài có một số đặc trưng cơ bản như sau:
Trung tâm trọng tài không phải được thành lập bởi nhà nước mà được thành lập theo sáng kiến của trọng tài viên sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Trung tâm trọng tài có tư cách pháp nhân và tồn tại độc lập với nhau. Mỗi trung tâm trọng tài là một pháp nhân, tồn tại độc lập và bình đẳng với các trung tâm trọng tài khác. Giữa các trung tâm trọng tài không tồn tại quan hệ phụ thuộc cấp trên, cấp dưới như hệ thống cơ quan tòa án.
Cơ cấu tổ chức của trung tâm trọng tài gồm có bộ phận thường trực và ban điều hành (hay còn gọi là ban thư ký) làm nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ hành chính và giám sát việc áp dụng quy tắc trọng tài. Bên cạnh ban điều hành, trung tâm trọng tài còn có các trọng tài viên trong danh sách trọng tài viên của trung tâm trọng tài. Các trọng tài viên tham gia tổ chức này là các luật sư, các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực tư pháp, thương mại, bảo hiểm, tài chính... Họ tham gia vào việc giải quyết tranh chấp khi được lựa chọn hoặc chỉ định.
Việc xét xử của trọng tài về nguyên tắc được tiến hành trên cơ sở sự thỏa thuận của các bên. Do vậy địa điểm tiến hành trọng tài có thể là nước bị đơn, nước nguyên đơn hoặc ở một nước thứ ba. Nếu các bên không có thỏa thuận về địa điểm giải quyết tranh chấp thì sẽ do hội đồng trọng tài quyết định. Bản quy tắc trọng tài của Hiệp hội trọng tài Hoa Kỳ quy định thư ký của Uỷ ban trọng tài có quyền chỉ định địa điểm trọng tài trong vòng 60 ngày kể từ ngày thành lập ủy ban trọng tài nếu các bên không thỏa thuận được địa điểm này, hoặc tổ chức trọng tài sẽ lấy trụ sở chính của nó làm địa điểm xét xử cho vụ tranh chấp. Tuy vậy, trọng tài thường trực vẫn có những nhược điểm sau:
Nhược điểm lớn nhất của trọng tài thường trực đó là tốn kém nhiều chi phí. Rõ ràng giải quyết tranh chấp tại trọng tài thường trực, ngoài việc phải trả chi phí thù lao cho các trọng tài viên, các bên còn phải trả thêm các chi phí hành chính để nhận được sự hỗ trợ của các trung tâm trọng tài.
Nhược điểm thứ hai của trọng tài thường trực đó là nhiều khi quá trình tố tụng bị kéo dài mà hội đồng trọng tài bắt buộc phải tuân thủ vì phải tuân theo các thời hạn theo quy định của quy tắc tố tụng.
Như vậy, mỗi hình thức trọng tài đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Sẽ là lý tưởng khi có thể lựa chọn hình thức trọng tài vụ việc hoặc trọng tài quy chế khi tranh chấp có thể hoặc đã phát sinh. Và khi đó các bên sẽ xem xét bản chất của vụ tranh chấp và quyết định loại trọng tài nào sẽ thích hợp để giải quyết, những thủ tục tố tụng trọng tài nào cần thiết phải tuân theo.