Tập quán thương mại quốc tế

Một phần của tài liệu giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng phương thức trọng tài (Trang 26)

5. Bố cục đề tài

1.5.3Tập quán thương mại quốc tế

Cùng với điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia, tập quán thương mại quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế với tư cách là nguồn của luật. Tập quán thương mại quốc tế là thói quen thương mại được hình thành lâu đời, có nội dung cụ thể, rõ ràng, được áp dụng liên tục và được các chủ thể trong giao dịch thương mại quốc tế chấp nhận một cách phổ biến. Như vậy, không phải bất cứ tập quán thương mại quốc tế nào cũng được coi là nguồn luật thương mại quốc tế. Tập quán thương mại quốc tế chỉ được coi là nguồn của luật thương mại quốc tế khi nó thỏa mãn các điều kiện pháp lý nhất định.

Về giá trị pháp lý, tập quán thương mại quốc tế không giống với điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia. Tập quán thương mại quốc tế chỉ có giá trị pháp lý trong hoạt động thương mại quốc tế khi tập quán thương mại quốc tế đó được các bên thỏa thuận áp dụng ghi trong hợp đồng. Tuy nhiên, theo quy định của luật pháp hầu hết các nước thì việc thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại quốc tế phải tuân thủ theo một số nguyên tắc nhất định. Ví dụ như quy định các bên trong hợp đồng dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài được phép thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại quốc tế nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng tập quán đó không trái với pháp luật quốc gia của chủ thể áp dụng.23

23

Tập quán thương mại quốc tế được các điều ước quốc tế liên quan quy định áp dụng. Điều này có nghĩa là kể cả trong trường hợp khi giao kết hợp đồng các bên chủ thể này đã không thỏa thuận dẫn chiếu đến một tập quán thương mại quốc tế thì tập quán thương mại quốc tế vẫn được áp dụng nếu nó được quy định trong điều ước quốc tế về thương mại có liên quan.

Tập quán thương mại quốc tế được luật trong nước quy định áp dụng. Trong trường hợp luật trong nước điều chỉnh quan hệ thương mại quốc tế giữa các bên quy định áp dụng tập quán thương mại quốc tế thì tập quán thương mại quốc tế sẽ được áp dụng.

Cơ quan xét xử cho rằng các bên chủ thể đã mặc nhiên áp dụng tập quán thương mại quốc tế trong giao dịch thương mại quốc tế của họ. Đây là trường hợp áp dụng tập quán thương mại quốc tế trong việc xét xử các tranh chấp phát sinh từ giao dịch thương mại quốc tế. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận cụ thể về việc áp dụng tập quán thương mại quốc tế, đồng thời các điều ước quốc tế và luật trong nước có liên quan cũng không có quy định cụ thể về vấn đề này thì cơ quan xét xử có thể áp dụng tập quán thương mại quốc tế để giải quyết tranh chấp. Việc cơ quan xét xử sẽ áp dụng tập quán thương mại quốc tế để giải quyết tranh chấp khi có đủ cơ sở pháp lý để khẳng định rằng trong giao kết hợp đồng, các bên chủ thể đã ngầm hiểu là họ phải hành động theo tập quán thương mại quốc tế mà bất cứ nhà kinh doanh thương mại quốc tế nào cũng hành động như vậy trong hoàn cảnh tương tự. Điều 9 Công ước Viên 1980 của Liên Hợp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế quy định các bên mặc nhiên bị ràng buộc bởi tập quán thương mại (mặc dù các bên không công khai thỏa thuận áp dụng) nếu tập quán đó họ đã biết hoặc cần phải biết khi ký kết hợp đồng.

Hiện nay trong quan hệ thương mại quốc tế ở Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung, tập quán thương mại quốc tế được sử dụng phổ biến nhất là Incoterms (International Commercial Terms). Incoterms là một văn bản tập hợp các quy tắc giải thích một cách thống nhất các tập quán thương mại quốc tế do Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) soạn thảo và ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ thương mại quốc tế phát sinh, góp phần làm hạn chế đến mức thấp nhất những tranh chấp có thể xảy ra.

Một phần của tài liệu giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng phương thức trọng tài (Trang 26)