Đặc điểm chung

Một phần của tài liệu Tăng cường quản lý thu ngân sách địa phương ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (Ví dụ ở tỉnh Viêng Chăn (Trang 25)

Lào là một nước tương đối rộng, nằm sâu trong bán đảo Đông Dương, ở một vị trí địa lý không thuận lợi cho giao lưu quốc tế, có lịch sử giành độc lập lâu dài. Diện tích tự nhiên của Lào 236.800km2, có chung biên giới với 05 quốc gia có chế độ chính trị khác nhau, phía Bắc có biên giới với nước CHND Trung Hoa dài 505km, phía Nam có biên giới chung dài 435km với vương quốc Cămpuchia, phía tây bắc có biên giới chung dài 236km với Miên Ma, phía Tây có biên giới dài 1.835km với vương quốc Thái Lan, phía Đông giáp biên giới với CHXHCN Việt Nam dọc theo dãy núi Trường Sơn dài khoảng 2.069km đây là nước mà CHDCND Lào có mối quan hệ đặc biệt, hữu nghị toàn diện.

Lào là một đất nước có nhiều tài nguyên thiên nhiên, rừng núi trùng điệp, có 03 đồng bằng lớn nằm ở các vùng khác nhau của đất nước và không có đường ra biển là một khó khăn lớn, đặt Lào vào một vị trí bất lợi về mặt giao lưu quốc tế. Nhân dân Lào hiện nay khoảng 70 – 80% dân số sống bằng nghề nông. Theo thống kê mới nhất dân số cả nước Lào hiện nay khoảng 5,2 triệu người. Lào hiện nay có khoảng 68 dân tộc, mỗi dân tộc có phong tục tập quán khác nhau và sống ở các vùng lãnh thổ khác nhau. Lào có 17 tỉnh và một đặc khu, có mật độ dân số 20 người/km2. Tiếng Lào là ngôn ngữ phổ thông và cũng là ngôn ngữ chính thức của CHDCND Lào.

Sau khi đất nước hòa bình, độc lập Đảng NDCM Lào đã bắt tay ngay vào việc xây dựng bảo vệ đất nước và phát triển kinh tế.

Đảng đã đề ra kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế lần thứ nhất (1976 - 1981). Đây là giai đoạn đầu trong phát triển kinh tế và được coi là giai đoạn khó khăn nhất, chính quyền

cách mạng còn non trẻ, vừa được thành lập, nền kinh tế mà chế độ thống trị đế quốc để lại hết sức yếu ớt. Đường lối phát triển kinh tế của Đảng ta lúc này là "phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ đất nước, phát triển kinh tế lấy nông nghiệp làm gốc và theo sự chỉ đạo của Nhà nước".

Trong những năm thực hiện đường lối này, nền kinh tế của Lào phát triển rất chậm. GDP hầu như không có sự tăng trưởng. Lấy mô hình kinh tế Liên Xô áp đặt vào nền kinh tế trong nước, cho nên nhiều mặt trong chính sách trở thành thừa và không phù hợp. Sau khi thực hiện xong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, những kết quả thu được về kinh tế cũng không có gì đáng kể.

Sau đó, Đảng NDCM Lào lại đề ra kế hoạch 5 năm tiếp theo (1981 - 1986) về phát triển kinh tế – xã hội. Trong kế hoạch 5 này, Đảng đã xây dựng nền kinh tế tập trung kiểu hợp tác xã, mọi thành phần kinh tế nằm trong tay Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh lỗ lãi đều được ngân sách trợ cấp hàng năm.

Sau một thời gian thực hiện đường lối phát triển kinh tế này, Đảng ta đã nhận ra một số sai lầm trong quản lý kinh tế vì nóng vội quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế Lào lúc này đang đứng trước vực thẳm của cuộc khủng hoảng. Trước tình hình đó Đảng đã bắt đầu xem xét, nghiên cứu và nghĩ đến việc điều chỉnh mô hình kinh tế.

Tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV ngày 13/11/1986 của Đảng NDCM Lào đã quyết định chuyển đổi nền kinh tế từ một nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đây được coi là một sự chuyển biến quan trọng đầu tiên sau khi đất nước được giải phóng, được ghi nhận như một mốc lịch sử đánh dấu sự chuyển đổi kinh tế có một ý nghĩa quyết định đối với sự hình thành mô hình kinh tế mới, kinh tế nhiều thành phần phù hợp với thực tiễn của Lào.

Đường lối kinh tế mới này lại tiếp tục được khẳng định và hoàn thiện thêm tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V năm 1991, đại hội lần thứ VI năm 1996 và lần thứ VII năm 2001.

Cho đến nay, đường lối đổi mới kinh tế đã được triển khai được hơn 10 năm. Những thành tựu kinh tế đạt được trong hơn 10 năm đổi mới cũng đạt được kết quả đáng kể. Chẳng hạn trong những năm đầu đổi mới (1987 - 1990) GDP hàng năm tăng trung bình 4,5%, trong những năm (1991 - 1995) đã tăng lên 6,4% và trong những năm (1996 - 2000) GDP hàng năm trung bình là 6,2%. trong những năm (2000 - 2005) GDP hàng năm tăng trung bình là 6,2%. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 là 114 USD, năm 1990 là 211 USD, năm 1995 tăng tới 380 USD, năm 2000 chỉ đạt 350 USD và năm 2005 chỉ đạt 380 USD.

Đặc điểm kinh tế: Lào là một nước phát triển nông nghiệp, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, thu hút 80% lực lượng lao động, nền sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn chủ yếu canh tác và tổng sản lượng thu hoạch, hàng năm ngành này đóng góp khoảng 52,50% của GDP.

- Hiện nay, Lào có thể coi là nước không có ngành công nghiệp nặng mà chủ yếu là phát triển công nghiệp chế biến, hàng năm ngành này đóng góp khoảng 22,10% của GDP.

- Dịch vụ cũng là một lĩnh vực kinh tế quan trọng của Lào. Trong thời kỳ đổi mới, lĩnh vực dịch vụ của Lào cũng có bước phát triển trong những hoạt động như: Giao thông vận tải, kho chứa hàng, sở hữu nhà ở, quản lý công cộng và xã hội… trong những năm gần đây kinh tế dịch vụ cũng có nhiều phát triển, hàng năm ngành này đóng góp 25,40% của GDP.

- Lào rất có lợi thế về phát triển thủy điện vì điều kiện địa lý rất phù hợp, Chính phủ rất chú trọng phát triển lợi thế này. Một phần điện của Lào được sản xuất ra bán sang Thái Lan, hàng năm ngành công nghiệp điện này đem lại khoản thu nhập khá lớn cho NSNN.

- Lào là một đất nước có nhiều tài nguyên thiên nhiên như: thiếc, kẽm, thạch cao, rừng… Nhưng hiện nay nguồn tài nguyên chưa được đầu tư khai thác mà chỉ có nguồn tài nguyên rừng được chú trọng khai thác và đóng góp lợi ích không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

- Nền kinh tế cũng như các ngành sản xuất của Lào hiện nay có sự phát triển không đồng đều, rải rác, chủ yếu chỉ phát triển tập trung ở 3 thành phố lớn: Viêng Chăn, Sa Văn Na Khết, Chăm Pa Sắc, đây được coi là 3 vùng kinh tế trọng điểm của Lào.

- Trong những năm gần đây, nền kinh tế Lào bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính – tiền tệ Đông Nam á, tình hình kinh tế của Lào lúc này gặp nhiều khó khăn, tiền Kip mất giá nghiêm trọng, so với đồng đô la Mỹ. Thời điểm tháng 07/1997, khi đồng Bạt Thái Lan bị mất giá, đồng kíp Lào cũng trượt giá từ 960 kíp/1 USD xuống 1.350 kíp/1 USD. Đến tháng 8/1999, giá trị đồng Kip vẫn tiếp tục giảm với tỷ giá 9.740 kíp/1 USD [10]. Đây có thể coi là sự mất giá chưa từng có của đồng kíp Lào. Có thể nói rằng sự mất giá này một mặt là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ Đông Nam á, một mặt là do chính sách kinh tế – tài chính không chuyển hướng kịp thời với sự diễn biến của nền kinh tế khu vực và sự phát triển của nền kinh tế trong nước. Bên cạnh đó là tình trạng nhập siêu, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt gần 50% so với kim ngạch nhập khẩu.

Đứng trước tình hình đó Đảng và Nhà nước Lào đã tìm nhiều biện pháp, đưa ra một số đường lối, chính sách để khắc phục và đối phó với tình hình thực tiễn của từng thời kỳ. Những nét phác thảo bức tranh về đặc điểm tự nhiên và hiện trạng nền kinh tế Lào cho thấy việc hoạch định hệ thống thu thuế nói chung và công tác hành chính thuế nói riêng cũng đang gặp nhiều khó khăn và đang ở trong giai đoạn đầu chịu nhiều yếu tố chi phối.

Một phần của tài liệu Tăng cường quản lý thu ngân sách địa phương ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (Ví dụ ở tỉnh Viêng Chăn (Trang 25)