Cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan thuế Trung ương

Một phần của tài liệu Tăng cường quản lý thu ngân sách địa phương ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (Ví dụ ở tỉnh Viêng Chăn (Trang 45)

Sau khi đất nước đã giải phóng và thành lập nước CHDCND Lào, ngành thuế và ngành Hải quan đã nằm trong một vụ và được gọi là vụ Hải quan – Thuế. Dù là nằm trong cùng một vụ nhưng chức năng và nhiệm vụ của mỗi ngành vẫn là khác nhau. Ngành thuế đảm nhiệm việc quản lý thu thuế trong nội địa, còn ngành Hải quan đảm nhiệm việc quản lý về ngoại thương. Đến ngày 13/8/1990 Hội đồng Bộ trưởng đã thống nhất xây dựng lại vụ Hải quan – Thuế, từ đó vụ Thuế và vụ Hải quan đã trở thành hai vụ độc lập.

Vụ thuế là một bộ máy trong hệ thống thu của NSNN và trực thuộc Bộ Tài chính, có nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

- Làm tham mưu cho Bộ Tài chính trong việc nghiên cứu, soạn thảo các văn bản về thuế để Bộ Tài chính, trình Chính phủ và Quốc hội, tổ chức phổ biến các luật thuế đã được ban hành ra phạm vi toàn quốc.

- Chỉ đạo hệ thống thuế Nhà nước quản lý công tác thu thuế và thu khác, thống nhất trong cả nước theo các văn bản quy định và kiểm tra giám sát việc chấp hành các luật Thuế.

Việc thành lập hệ thống thuế trong thời gian qua là theo ngành dọc tập trung nguồn lực Trung ương đến cơ sở nhằm đạt mục tiêu tối ưu và tập trung nguồn lực vào trong tay cơ quan thuế Trung ương để tăng cường khả năng chỉ đạo thống nhất công tác quản lý theo pháp luật. Bộ Tài chính hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Nhà nước về hoạt động của bộ máy theo ngành dọc này.

Tổ chức cơ quan thuế Trung ương được tiến hành theo nguyên tắc cá nhân lãnh đạo. Cơ quan thuế Trung ương có một định chế vụ trưởng. Do Bộ trưởng Bộ Tài chính đề

nghị Chính phủ bổ nhiệm và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chính phủ về công tác quản lý thuế.

Những năm qua ở CHDCND Lào mô hình tổ chức bộ máy ngành thuế được tổ chức theo loại hình đối tượng nộp thuế và theo sắc thuế. Tại cơ quan thuế Trung ương Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ Tài chính và Nhà nước về toàn bộ hoạt động của ngành, giúp việc cho Vụ trưởng có hai Phó vụ trưởng phụ trách các mảng khác nhau trong công việc.

Để giúp cho Vụ trưởng, Vụ thuế còn có 5 phòng ban trực thuộc bao gồm: phòng ấn chỉ, chính sách và tuyên truyền; phòng kế toán, thống kê, kế hoạch và tổng hợp; phòng kiểm toán và thanh tra thuế; phòng tổ chức và hành chính; phòng quản lý thu thuế.

Vụ thuế là một tổ chức trực thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Bộ Tài chính và Chính phủ về việc triển khai thực hiện hệ thống chính sách thuế, tổ chức việc thu ngân sách do vậy, mối quan hệ giữa Bộ Tài chính và Vụ Thuế là mối quan hệ chỉ đạo. Bộ Tài chính tham gia điều hành cả tổ chức bộ máy và các hoạt động của vụ thuế trong đó đặc biệt là hệ thống chính sách thuế và quy trình quản lý thu thuế. Việc cơ cấu tổ chức như trên nhằm đảm bảo tính thống nhất cao giữa chính sách thuế và hệ thống chính sách tài khóa nói chung giúp Bộ Tài chính điều hành một cách đồng bộ thống nhất hệ thống chính sách tài khóa, thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Nhà nước.

Đứng trên phương diện về tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện nay việc đặt Vụ thuế dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Tài chính là thích hợp và đây cũng là mô hình tổ chức mà nhiều nước được áp dụng.

Tuy nhiên, vấn đề này quan trọng là tạo ra một cơ chế lãnh đạo sao cho đảm bảo nguyên tắc vừa tập trung cao vừa phát huy đầy đủ dân chủ trong chỉ đạo.

Trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, Vụ Thuế có mối quan hệ đặc biệt với các địa phương trong công tác thuế, đảm bảo sự song trùng lãnh đạo của ngành thuế và UBND các cấp trong công tác thuế, cụ thể là:

Về mặt tổ chức: Trước khi ra quyết định để bầu lãnh đạo cơ quan thuế địa phương, Vụ thuế phải trao đổi thống nhất và được sự nhất trí bằng văn bản của chính quyền địa phương.

Về mặt hoạt động nghiệp vụ: Cơ quan thuế phải có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc tổ chức thu thuế, giúp địa phương trong việc hoạch định ngân sách hàng năm, đề xuất các biện pháp quản lý thu thuế trên địa bàn, tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan trong việc chống thất thu thuế.

Trong thời gian qua, quan hệ giữa ngành thuế và chính quyền địa phương được củng cố và phát triển, ngành thuế đã tranh thủ triệt để sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Tuy nhiên ở một số địa phương sự can thiệp quá sâu của chính quyền địa phương vào công tác thuế đặc biệt là việc miễn giảm, để lại tiền thuế không đúng thẩm quyền; việc quy định hoặc điều tiết tiền thuế không đúng quy định đã làm ảnh hưởng không ít đến việc thực hiện luật thuế.

Ngoài ra, mối quan hệ trong nội bộ ngành thuế là các mối quan hệ mang tính chất chỉ đạo nghiệp vụ hay hành chính đơn thuần. Đối với cơ quan thuế cấp trên trong thời gian qua tuy đã bám sát cơ sở để chỉ đạo song trong chỉ đạo chưa có chương trình kế hoạch cụ thể trên tất cả các mặt hoạt động hướng dẫn giải đáp chính sách nghiệp vụ quản lý chưa kịp thời để đảm bảo việc thực hiện nghiêm chỉnh các luật thuế, đồng thời chưa tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý những vi phạm thiếu sót, khen thưởng kỷ luật nghiêm minh với các trường hợp vi phạm.

Ngoài ra trong mối quan hệ phối hợp trên khía cạnh quản lý thu thuế xuất nhập khẩu, Vụ thuế cũng có mối quan hệ khăng khít với Vụ hải quan. Mặc dù là một tổ chức độc lập với cơ quan thuế, song Vụ Hải quan lại đảm nhiệm một phần quan trọng trong việc thu thuế xuất nhập khẩu, thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Trong công việc này cũng gây khó khăn không ít cho việc điều hành chính sách thu thuế đồng thời gây khó khăn cho cả đối tượng nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Ngoài các mối quan hệ trên, cơ quan thuế cần phải có mối quan hệ mật thiết với các cơ quan khác như: Công an, kiểm soát, thanh tra, tài chính, quản lý thị trường. Để phối hợp trong công tác thu thuế và cưỡng chế thuế; phối hợp mật thiết với các cơ quan tuyên truyền, báo chí, các tổ chức quần chúng để làm tốt công tác tuyên truyền vận động các đối tượng nộp thuế chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Cơ cấu tổ chức cơ quan thuế Trung ương mặc dù đã hình thành và đã thu được những thành tựu đáng kể, tuy nhiên trong điều kiện nền kinh tế hiện nay, các tổ chức, các thành phần kinh tế đã bung ra khá mạnh mẽ đòi hỏi thuế phải có một cơ chế quản lý mới, cơ chế tự kê khai, tự tính thuế và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc thực hiện pháp luật của mình. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào công tác quản lý thuế, quy trình quản lý mới với việc sử dụng máy vi tính đòi hỏi cơ cấu tổ chức ngành thuế và đặc biệt là cơ quan thuế Trung ương phải có cải cách sao cho phù hợp với những yêu cầu mới, những nhiệm vụ mới.

Một phần của tài liệu Tăng cường quản lý thu ngân sách địa phương ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (Ví dụ ở tỉnh Viêng Chăn (Trang 45)