Hệ thống chính sách thuế

Một phần của tài liệu Tăng cường quản lý thu ngân sách địa phương ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (Ví dụ ở tỉnh Viêng Chăn (Trang 32)

Trước năm 1995 ở CHDCND Lào thực hiện thu thuế theo thông tư, theo văn bản dưới luật. Vì thế khi thực hiện nó đã gây nhiều bàn cãi trong quần chúng và giới buôn bán, nảy sinh ra nhiều vấn đề tiêu cực trong xã hội. Do đó, ngày 14/4/1995 Quốc hội nước CHDCND Lào đã chính thức thông qua và ban hành luật thuế. Kết quả là hệ thống thuế thống nhất bao gồm 8 luật Thuế đã được áp dụng cho các thành phần kinh tế như sau:

- Luật thuế doanh thu

- Luật thuế tiêu thụ đặc biệt

- Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu - Luật thuế lợi tức

- Luật thuế thu nhập tối thiểu. - Luật thuế thu nhập

- Luật thuế đất đai

- Pháp lệnh thuế tài nguyên.

Ngoài ra còn áp dụng một số loại phí và lệ phí như: lệ phí giao thông, lệ phí chứng thư và các lệ phí khác...

Qua 10 năm thực hiện hệ thống chính sách thuế mới này, thu NSĐP ở Tỉnh Viêng Chăn đã đạt được những kết quả tương đối khả quan và thể hiện như sau:

Qua những năm thực hiện hệ thống thuế mới này đã góp phần quan trọng thúc đẩy đầu tư sản xuất phát triển mạnh, đặc biệt là đầu tư nước ngoài chẳng hạn số vốn đầu tư nước ngoài ở tỉnh Viêng Chăn trong năm 1995 là 4,38 tỷ kíp; đến năm 2000 xuống tới 1,40 tỷ kíp và trong năm 2004 đã tăng tới 11,80 tỷ kíp. Mặt khác, qua thi hành hệ thống thuế mới này đã tạo ra sức

ép buộc các cơ sở sản xuất kinh doanh tăng cường công tác hạch toán kinh doanh, hạch toán kế toán một cách triệt để hơn. Đây cũng là một yếu tố quan trọng nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý kinh tế – tài chính theo pháp luật.

Thuế trở thành nguồn thu chủ yếu của ngân sách cấp tỉnh: tỷ trọng thuế trong tổng thu ngân sách tăng từ 64,2% của năm 1995 lên 80% của năm 2000 và tăng lên 85% của năm 2004. Điều đó khẳng định rằng thuế đang trở thành nguồn thu chủ yếu và ngày càng quan trọng của ngân sách cấp tỉnh góp phần tích cực trong việc đảm bảo cân đối thu chi ngân sách.

Bên cạnh những mặt tích cực về mặt quản lý xã hội thì hệ thống thuế đã đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tạo ra một "sân chơi chung". Hệ thống chính sách thuế ở Lào cũng bộc lộ nhiều hạn chế tác dụng của từng loại thuế nói riêng và cả hệ thống thuế nói chung, nó thể hiện ở một số điểm sau đây:

- Đặt quá nhiều mục tiêu kinh tế – xã hội vào hệ thống chính sách thuế do vậy mà cơ cấu thuế quá phức tạp, trùng lặp, khung thuế suất quá rộng, trong khi danh mục các đối tượng chịu thuế không được quy định rõ ràng, đầy đủ, gây trở ngại cho người thu và nộp thuế. Hơn thế nữa việc áp dụng nhiều chế độ ưu tiên, miễn giảm thuế nhiều dẫn đến việc thu hẹp diện chịu thuế gây bất bình đẳng trong các đối tượng chịu thuế.

- Sự vận động và phát triển của nền kinh tế thị trường ngày càng đa dạng, phong phú, do vậy chính sách thuế hiện hành chưa bao quát hết nguồn thu phát sinh trong hoạt động kinh tế dẫn đến gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

- Các chính sách thuế cụ thể trong hệ thống thuế hiện hành còn tách rời nhau, chưa gắn bó hỗ trợ nhau để cùng phát huy tác dụng, chưa có những nghiên cứu xây dựng cơ cấu hệ thống thuế hợp lý thích ứng với sự biến đổi của tình hình sản xuất kinh doanh.

- Trong nội dung chính sách thuế còn chưa thực sự đảm bảo sự công bằng giữa các thành phần kinh tế - xã hội.

Mặt khác, trong xu hướng hội nhập Lào đã và đang phấn đấu trở thành thành viên của các khối kinh tế. Việc gia nhập các khối kinh tế, đòi hỏi phải tuân thủ theo những quy định chung của khối trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực thuế khóa. Hệ thống thuế của Lào hiện hành, hầu như mới chỉ quan tâm nhiều vào vấn đề kinh tế – xã hội của nội địa,

chưa gắn chặt với sự biến đổi của thế giới. Vì vậy hệ thống thuế ta phần nào chưa phù hợp với các thông lệ quốc tế, thông lệ khu vực. Điều đó phần nào hạn chế việc thu hút vốn đầu tư và hoạt động ngoại thương.

Những tồn tại của việc thực hiện hệ thống chính sách thuế của chúng ta là do các nguyên nhân sau đây:

Hệ thống thuế cũ được ban hành khi mà Lào chưa trở thành thành viên chính thức của khu vực ASEAN. Do đó chính sách chủ động thuế lúc đó chủ yếu chỉ nhằm vào mục đích tăng nguồn thu cho ngân sách và bảo hộ nền sản xuất trong nước.

Vì vậy sắc thuế phải thực hiện cùng một lúc nhiều chức năng như: Phải đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, phải thúc đẩy phát triển kinh tế, phải khuyến khích sản xuất phát triển, phải bảo vệ sản xuất trong nước, phải thu hút được vốn đầu tư, phải phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực ASEAN.

Điều đó làm cho việc xây dựng các tiêu chuẩn cho từng sắc thuế chưa rõ ràng, khoa học và đầy đủ nên trong việc xây dựng căn cứ tính thuế, biểu thuế, phương pháp thu nộp chưa thật phù hợp.

Do công tác tổ chức quản lý thuế còn nhiều bất cập, cơ quan thuế chưa quan tâm đúng mức đến việc hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chế độ sổ sách kế toán, chứng từ hóa đơn, công tác tuyên truyền, giải thích chính sách chế độ còn hạn chế

Do việc bổ sung, điều chỉnh luật thuế còn rất chậm chưa bắt kịp với biến đổi tình hình kinh tế trong nước và khu vực. Từ đó làm cho luật thuế trở thành lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn trên 20% cán bộ thu thuế là chưa được đào tạo chuyên môn.

Do việc quy định về miễn giảm thuế còn thiếu, chưa phân tích một cách toàn diện, việc quy định thuế suất đối với một số mặt hàng còn chung chung, thiếu sự rõ ràng, cụ thể.

Một phần của tài liệu Tăng cường quản lý thu ngân sách địa phương ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (Ví dụ ở tỉnh Viêng Chăn (Trang 32)