6. Cấu trúc đề tài
3.1.2. Định hướng khai thác các sản phẩm du lịch
3.1.2.1. Phát triển sản phẩm du lịch [17]
a)Các sản phẩm du lịch truyền thống
Du lịch VH-LS hiện là loại hình du lịch chủ đạo, là sản phẩm du lịch đặc trưng, tập trung vào việc khai thác tiềm năng văn hóa, lịch sử đặc biệt là các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn thành phố Huế, các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và các huyện, chúng bao gồm:
- Du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là các giá trị của Quần thể di tích cố đô Huế, di tích cách mạng, di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân khác, các di tích tôn giáo, tín ngưỡng, các điểm du lịch văn hóa mới;
- Du lịch lễ hội; - Du lịch tâm linh; - Du lịch làng nghề; - Du lịch ẩm thực;
b)Các xu hướng du lịch hiện nay và định hướng kết hợp để phát triển các sản phẩm du lịch VH-LS
Du lịch VH-LS là loại hình du lịch chủ đạo của tỉnh. Tuy nhiên, để phát huy giá trị của loại hình du lịch này, tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải xây dựng và phát triển một số loại hình du lịch mới mang tính chiến lược hơn, bắt kịp với xu hướng chuyển dịch của ngành du lịch thế giới. Dựa vào những xu hướng phát triển du lịch hiện nay, du lịch VH-LS tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ kết hợp khai thác và quảng bá hình ảnh về các điểm, tuyến du lịch theo các xu hướng đó tạo thành một mối quan hệ phát triển tương hỗ, gắn kết, cùng phát triển.
Dưới đây là những xu hướng du lịch đang nhận được quan tâm trên thế giới cũng như ở Việt Nam mà có thể kết hợp khai thác cùng với các điểm, tuyến du lịch VH-LS ở tỉnh Thừa Thiên Huế:
- Du lịch kết hợp giữa VH-LS và thiên nhiên
Xu hướng du lịch này rất phù hợp với cảnh quan môi trường cũng như văn hóa thân thiện với sinh thái của người Huế. Các điểm, tuyến du lịch VH- LS ở tỉnh Thừa Thiên Huế luôn gắn liền với cảnh đẹp của tạo hóa tự nhiên như sông Hương, núi Ngự, hệ thống đầm phá, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Những cảnh quan đó chưa bị đô thị hóa mà ngược lại dung hòa, gắn liền với cuộc sống của người Huế.
- Du lịch dựa vào cộng đồng
Khách du lịch đang ngày càng quan tâm đến văn hóa bản địa nhiều hơn trước.Khách du lịch cũng ngày càng nhận thức về phát triển bền vững và các vấn đề môi trường, điều này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự lựa chọn địa điểm du lịch của các du khách.
Việc kết hợp giữa du lịch VH-LS với xu hướng du lịch dựa vào cộng đồng có thể ở những mức độ khác nhau từ việc dừng chân trong khoảng thời gian ngắn ở những ngôi làng bản địa, các chợ bán hàng thủ công mỹ nghệ địa
phương, đến việc tham gia vào các sinh hoạt của người dân, các vũ điệu hay ẩm thực đặc trưng của địa phương, hay có thể là những kì nghỉ nơi mà các du khách học được từ các đồ thủ công hay chế biến các món ăn truyền thống.
Xu hướng này rất phù hợp với Huế vì Huế có nguồn tài nguyên VH-LS đặc sắc, đặc biệt là văn hóa bản địa.
- Du lịch tình nguyện và du lịch giáo dục
Những cá nhân có khuynh hướng từ thiện sẽ cống hiến hầu hết hay toàn bộ kỳ nghỉ của họ để tiến hành những hoạt động từ thiện ở những nơi họ đặt chân đến. Những chuyến đi này thường được xem như là những chuyến đi sứ mệnh hoặc chuyến đi giúp đỡ người khác. Những kỳ nghỉ trên được gọi là du lịch tình nguyện.
Du lịch giáo dục được định nghĩa như là một hoạt động du lịch tham gia vào kinh nghiệm giáo dục ở nước ngoài, nhưng không ghi danh ở một chương trình học tập nào của nước ngoài để đảm bảo cho học viên cả. Nhiều tổ chức tình nguyện có sứ mệnh định hướng các chuyến học tập cho các nhóm trường học; với những chuyến đi này, họ có được những kinh nghiệm thực tế trong một số lĩnh vực phát triển cộng đồng, khoa học và văn hóa. Những thành viên tham gia vào các hoạt động tương tự những du khách tình nguyện, và điều thiết yếu là họ sẽ đóng góp vào việc nghiên cứu khoa học cũng như việc phát triển cộng đồng bằng cách này hay cách khác.
Các xu hướng du lịch này cũng đã xuất hiện ở Huế, với số người nước ngoài đến học tập và tự nguyện đóng góp nhiều mặt vào đời sống cộng đồng địa phương. Thông qua các hoạt động đó, VH-LS tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được quảng bá và mở rộng. Hình ảnh văn hóa, đời sống con người Thừa Thiên Huế sẽ ngày càng trở nên thân thiện và quen thuộc hơn trong mắt du khách.
- Du lịch thanh niên và du lịch “bụi”
Hình ảnh khách du lịch “bụi” thường gắn liền với hình ảnh người thanh niên bởi vì tính chất khác biệt của xu hướng du lịch này. Đó là thích những
chỗ ở kinh tế, những hoạt động không trịnh trọng, hành trình linh hoạt, tự tổ chức, du lịch với mục đích rảnh rỗi, thời gian du lịch dài, chuyến đi đến nhiều địa điểm và trọng tâm vào việc gặp gỡ những người dân bản địa và những du khách.
Khách du lịch theo xu hướng này thường mang theo những phương tiện truyền thông hiện đại như máy ảnh, máy tính xách tay, điện thoại di động,… Những công cụ này rất hữu ích cho việc quảng bá các hình ảnh du lịch, nét đẹp cũng như văn hóa của điểm đến.
3.1.2.2. Định hướng phân khúc thị trường, phương thức quảng bá và hình ảnh quảng bá [17]
Du lịch VH-LS có phân khúc thị trường rộng lớn có thể chia ra từng phân khúc nhỏ dựa trên các tiêu chí khác nhau. Đối với các điểm, tuyến du lịch văn VH-LS ở tỉnh Thừa Thiên Huế, việc xác định phân khúc thị trường cần gắn liền với các xu hướng du lịch đã được định hướng, từ đó đưa ra các phương thức quảng bá, hình ảnh quảng bá phù hợp. Định hướng chung về thị trường của tỉnh Thừa Thiên Huế là phát triển đồng thời cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Đối với mỗi sản phẩm du lịch cần chú trọng đến các phân khúc thị trường, phương thức quảng bá và hình ảnh quảng bá khác nhau.
a) Đối với các sản phẩm truyền thống - Du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa
+ Phân khúc thị trường: loại hình này phù hợp với tất cả các phân khúc thị trường khác nhau. Tuy nhiên đối với những điểm, tuyến du lịch nổi tiếng của Quần thể di tích cố đô Huế, quá quen thuộc với nhiều người, nên chú trọng hơn đến thị trường khách mới, thu nhập trung bình, chưa có điều kiện du lịch đến Huế. Đối với các sản phẩm liên quan đến các điểm, tuyến du lịch sử, cách mạng, Bác Hồ, chú ý đến khách cựu chiến binh (nước ngoài và Việt Nam) và gia đình của họ, khách trung niên thuộc, khách thuộc các cơ quan đoàn thể.
+ Phương thức quảng bá: đại lý du lịch truyền thống, kênh internet. + Hình ảnh quảng bá: Quần thể di tích cố đô Huế, các di tích lịch sử cách mạng, di tích Hồ Chí Minh. Hình ảnh đặc trưng: Đại Nội, chùa Thiên Mụ, các lăng tẩm, đường Hồ Chí Minh, di tích Bác Hồ. Chú ý đề cập đến những điểm mới đối với các điểm du lịch quen thuộc như các dịch vụ mới, những công trình đã hoàn thiện trùng tu,...
- Du lịch lễ hội
+ Phân khúc thị trường: khách nước ngoài đặc biệt là khách Âu, Mỹ. Đối với các lễ hội truyền thống cần chú ý thêm các nhà nghiên cứu, các sinh viên các ngành nhân văn. Đối với các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo, chú ý đến các du khách theo các tín ngưỡng, tôn giáo đó.
+ Phương thức quảng bá: đại lý du lịch truyền thống, kênh internet, trường đại học, các giáo hội.
+ Hình ảnh quảng bá: Hình ảnh các lễ hội cũng như các địa điểm diễn ra lễ hội. Hình ảnh đặc trưng: hội vật làng Sình, lễ hội cầu ngư, lễ phật đản, lễ hội điện Hòn Chén, Festival Huế, Festival làng nghề truyền thống.
- Du lịch tâm linh
+ Phân khúc thị trường: các tín đồ, giáo đồ. Với điều kiện hiện tại của tỉnh Thừa Thiên Huế, nên tập trung vào thị trường khách du lịch Việt Nam.
+ Phương thức quảng bá: đại lý du lịch truyền thống, kênh internet, các giáo hội.
+ Hình ảnh quảng bá: các công trình kiến trúc tôn giáo đặc trưng. Hình ảnh đặc trưng: chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế, chùa Từ Đàm, thiền viện Trúc Lâm, điện Hòn Chén, nhà thờ Phú Cam.
- Du lịch làng nghề
+ Phân khúc thị trường: khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là châu Âu và Mỹ là những thị trường rất có hứng thú với những nét văn hóa làng quê
Việt Nam. Lưu ý đối với làng nghề, cần kết hợp với các sở ban ngành, các tổ chức để tìm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề.
+ Phương thức quảng bá: đại lý du lịch truyền thống, kênh internet, Festival nghề truyền thống, các cơ sở thương mại, các hội chợ, các kênh tiêu thụ và phát triển sản phẩm từ các cơ quan, tổ chức khác.
+ Hình ảnh quảng bá: không chỉ chú ý đến những hình ảnh về các sản phẩm làng nghề mà còn những hình ảnh về tham gia, sản xuất các sản phẩm cùng người dân. Những hình ảnh đặc trưng: các làng nón lá Huế, phường Đúc, tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, gốm Dương Nỗ.
- Du lịch ẩm thực
+ Phân khúc thị trường: tất cả các phân khúc thị trường. Loại hình du lịch có thể đứng tách biệt hay lồng ghép này kết hợp được với các loại hình du lịch khác bởi vì nhu cầu ăn uống là nhu cầu cơ bản của con người.
+ Phương thức quảng bá: đại lý du lịch truyền thống, kênh internet, các khách sạn, nhà hàng.
+ Hình ảnh quảng bá: các hình ảnh về các món ăn, các lớp day cách chế biến món ăn, phố ẩm thực, các nhà hàng nổi tiếng. Hình ảnh đặc trưng: các món ăn, đồ uống,… đặc sản của Huế như các món cung đình, bún bò, cơm hến, chè Huế, bánh Huế,…
- Du lịch tham quan, văn hóa đồng bào các dân tộc ít người
+ Phân khúc thị trường: khách Âu Mỹ, khách từ các tổ chức hội nghị, hội thảo, các sinh viên, giáo viên các trường đại học nghiên cứu văn hóa, dân tộc, nhân chủng học.
+ Phương thức quảng bá: đại lý du lịch truyền thống, kênh internet, Festival Huế.
+ Hình ảnh quảng bá: hình ảnh về các đồng bào dân tộc ít người, các nét đẹp đặc trưng về sinh hoạt, nghề truyền thống, lễ hội. Hình ảnh đặc trưng: các nhà truyền thống của đồng bào ít người ở tỉnh như nhà Moong (Pa Cô),
nhà Rông (Tà Ôi), nhà Gươl (Ka Tu), trồng trọt, lễ hội, sản xuất các sản phẩm thủ công.
b) Đối với các sản phẩm du lịch phát triển trên các xu hướng hiện nay - Du lịch kết hợp giữa VH-LS và thiên nhiên :
+ Phân khúc thị trường: du khách có thu nhập cao, đặc biệt là du khách đến từ thị trường châu Âu và Bắc Mỹ nơi con người có ý thức cao trong việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường.
+ Phương thức quảng bá: Quảng bá dựa vào in ấn hoặc truyền thông trên internet là loại hình phổ biến nhất. Nếu có điều kiện có thể quảng cáo ở các kênh truyền hình, tạp chí du lịch như là National Geographic Adventure, Smithsonian, Outdoors, Men's Life, Shape,....
+ Hình ảnh quảng bá: các công trình kiến trúc VH-LS có sự kết nối với thiên nhiên, chưa bị tác động nhiều bởi con người. Hình ảnh đặc trưng: sông Hương, núi Ngự, đầm phá Tam Giang, Vườn Quốc Gia Lăng Cô, Bạch Mã.
- Đối với du lịch dựa vào cộng đồng:
+ Phân khúc thị trường: du khách có thu nhập từ trung bình đến cao. Đối với thị trường nước ngoài cần chú ý đến thị trường khách Pháp bởi vì văn hóa Huế vẫn còn ảnh hưởng nhiều nét văn hóa của Pháp và nhiều tổ chức ở Pháp đang giúp đỡ cho Huế phát triển CSVC, CSHTKT trong du lịch.
+ Phương thức quảng bá: Đại lý du lịch truyền thống và kênh internet. + Hình ảnh quảng bá: chú ý đến những trải nghiệm “có thật” về văn hóa và những tiêu chuẩn xã hội và môi trường đang được áp dụng. Hình ảnh đặc trưng: Tương tác giữa du khách và người dân địa phương, các công trình kiến trúc mang nét văn hóa của Pháp, hình ảnh Festival Huế.
- Đối với du lịch tình nguyện và du lịch giáo dục:
+ Phân khúc thị trường: những sinh viên nghiên cứu các ngành học thuật muốn trải nghiệm thực tế, những người có trái tim thiện nguyện.
+ Phương thức quảng bá: Các trường đại học, các tổ chức tôn giáo, phi chính phủ, từ thiện.
+ Hình ảnh quảng bá: chú ý đến các hoạt động tình nguyện tại địa phương. Đồng thời nhấn mạnh những nét đặc sắc về văn hóa, con người, thiên nhiên có thể tìm hiểu. Hình ảnh đặc trưng: hoạt động tình nguyện tại các chùa, nhà thờ, trung tâm trợ giúp ở tỉnh Thừa Thiên Huế; những hình ảnh đặc sắc về văn hóa, tự nhiên nơi tình nguyện.
- Đối với du lịch thanh niên và du lịch “bụi”:
+ Phân khúc thị trường: thanh niên và những người thích khám phá. + Phương thức quảng bá: internet, các website và sách hướng dẫn du lịch.
+ Hình ảnh quảng bá: chú ý đến các loại hình mới, điểm đến mới, lạ, hấp dẫn ít người biết đến. Hình ảnh đặc trưng: vùng đầu nguồn sông Hương, Bao Vinh, Khe Tre, A Lưới, A Roằng,…
3.1.2.3. Tổ chức không gian du lịch
Thành phố Huế là trung tâm du lịch quốc gia với quần thể các điểm du lịch bên trong. Đây là đầu mối thu hút khách cũng như phân bố khách đến các điểm du lịch VH-LS ở các khu vực khác trong tỉnh. Định hướng về tổ chức không gian để phát triển du lịch VH-LS các khu vực khác trong tỉnh như sau:
- Khu vực phía Đông thành phố sẽ được chú trong phát triển du lịch văn hóa nông thôn, du lịch tham quan các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Khu vực phía Tây phát triển du lịch dọc theo đường Hồ Chí Minh, huyện A Lưới với nhiều các di tích cấp quốc gia, cấp địa phương về lịch sử cách mạng.
- Khu vực phía Bắc thành phố khai thác thế mạnh của điểm du lịch làng cổ Phước Tích để thu hút du khách.
- Khu vực phía Nam và Đông Nam không có nhiều thế mạnh về du lịch VH-LS nhưng có thể kết hợp phát triển du lịch VH-LS với thiên nhiên.
Đối với trục phát triển du lịch ở tỉnh Thừa Thiên Huế, trục phát triển không gian chính là theo hướng Bắc - Nam trên các tuyến giao thông đường bộ huyết mạch quốc gia:
- Quốc lộ 1A
- Đường Hồ Chí Minh - Đường sắt Bắc - Nam
Ngoài ra còn định hướng phát triển qua các cửa khẩu quốc tế quan trọng: Phú Bài (đường hàng không), Chân Mây (đường biển), S3, S10.