Phân loại phương pháp trò chuyện

Một phần của tài liệu Tập bài giảng phương pháp nghiên cứu trẻ em (Trang 53)

a. Trò chuyện trực tiếp.

Người nghiên cứu trực tiếp tiếp xúc, trò chuyện, trao đổi với người được nghiên cứu để phát hiện ra những vấn đề cần nghiên cứu. Có 3 kiểu trò chuyện trực tiếp sau:

- Trò chuyện thẳng: Đặt thẳng vấn đề với người được nghiên cứu về những vấn đề mình quan tâm nghiên cứu. Ví dụ khi nghiên cứu hứng thú của trẻ với trò chơi, ta có thẻ hỏi thẳng trẻ: “Tại sao cháu thích chơi trò chơi này?”...

- Trò chuyện đường vòng: Thay vì hỏi thẳng vấn đề, người nghiên cứu có những câu chuyện mang tính gợi mở, nói xa, nói gần rồi xen lẫn những vấn đề cần quan tâm nghiên cứu để xét đoán phản ứng trả lời của người được hỏi. Hoặc dùng những câu chuyện khác có liên quan để trò chuyện với người được nghiên cứu, qua câu chuyện đó mà phát hiện, đánh giá vấn đề nghiên cứu. Ví dụ để khẳng định hứng thú của trẻ với một loại trò chơi nào đó, nếu ta hỏi “cháu có thích trò chơi này không?” thì hầu như mọi trẻ đều trả lời là có. Nếu ta dừng lại ở phản ứng này mà khẳng định thì dễ bị vội vàng, không chính xác.

Thực tế cho thấy phản ứng trả lời “có” ở trẻ nhiều khi là phản ứng tức thì, vô thức, theo thói quen. Do vậy để khẳng định hứng thú của trẻ với một trò chơi nào đó, ta đưa trẻ vào tình huống lựa chọn: “Cô có những trò chơi này: trò chơi xây dựng, trò chơi bán hàng, trò chơi bác sĩ... con thích chơi trò chơi nào?”, trẻ lựa chọn trò chơi nào thì đó chính là trò chơi mà trẻ thích.

- Trò chuyện kiểm nghiệm: Sau khi tiến hành nghiên cứu, người nghiên cứu dùng những câu chuyện tâm tình để kiểm tra, kiểm nghiệm xem những vấn đề mà người được nghiên cứu bộc lộ là bản chất, là tất yếu, đúng đắn hay chỉ là cái ngẫu nhiên. Vì thực tế cho thấy nhiều khi trong những tâm trạng khác nhau, thời điểm khác nhau, phản ứng trả lời của người được hỏi có thể khác nhau. Do vậy, kiểm nghiệm, kiểm tra nhiều lần là cần thiết để có những kết luận khoa học đúng đắn.

b. Trò chuyện gián tiếp.

Là loại phương pháp nghiên cứu một vấn đề nào đó ở một đối tượng nào đó thông qua việc trò chuyện với người khác hoặc thông qua thư từ, điện thoại. Phương pháp này giúp người nghiên cứu điều tra phỏng vấn trên một diện rộng, không bị lệ thuộc vào không gian và tính khuyết danh cao hơn so với trò chuyện trực tiếp. Tuy nhiên, trò chuyện gián tiếp cũng có hạn chế là người nghiên cứu không quan sát được tâm trạng cũng như khung cảnh xung quanh người được trò chuyện khi họ trả lời những vấn đề của người nghiên cứu.

Một phần của tài liệu Tập bài giảng phương pháp nghiên cứu trẻ em (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)