Khái niệm về phương pháp trắc nghiệm

Một phần của tài liệu Tập bài giảng phương pháp nghiên cứu trẻ em (Trang 48)

Trắc nghiệm là một công cụ đã được chuẩn hóa dùng để đo lường một cách khách quan một hay một số mặt nào đó trong sự phát triển của trẻ em qua những mẫu câu trả lời bằng ngôn ngữ, phi ngôn ngữ hoặc bằng phản ứng, hay hành vi khác của trẻ.

Những năm gần đây, trong các khoa học về trẻ em ở nhiều nước trên thế giới, phương pháp trắc nghiệm được sử dụng rộng rãi để nghiên cứu về nhiều mặt phát triển của trẻ. Nhờ trắc nghiệm, người ta có thể so sánh trẻ em về trình độ phát triển trí tuệ chung hay trình độ phát triển của từng quá trình và phẩm chất riêng biệt. Sự so sánh đó tiến hành trên cơ sở những chuẩn theo lứa tuổi đã đuợc xác lập trước. Nhờ trắc nghiệm, người ta có thể xác định được một đứa trẻ nào đó phát triển bình thường hay không bình thường, hoặc cao hơn hoặc thấp hơn so với chuẩn.

Vậy, trắc nghiệm là một hệ thống bài tập được xây dựng riêng cho trẻ em làm trong những điều kiện xác định nghiêm túc. Mỗi bài tập đều được cho điểm với những quy tắc đơn giản, nhất quán. Mỗi bài tập trong trắc nghiệm được đưa ra theo nhiều kiểu khác nhau.

Những bài tập trắc nghiệm được xây dựng sao cho độ phức tạp được tăng dần, không nhất thiết trẻ nào cũng phải làm được. Với những bài tập đựợc xây dựng cho một lứa tuổi, người ta tính điểm trung bình gọi là chuẩn của lứa tuổi đó. Còn với những bài tập xây dựng cho nhiều lứa tuổi, người ta xác định cho mỗi lứa tuổi một chuẩn riêng.

Quá trình kiểm tra các bài tập trắc nghiệm và xác lập chuẩn cho mỗi lứa tuổi gọi là việc chuẩn hóa phép trắc nghiệm và sau đó không được thay đổi nữa. Trẻ được khảo sát bằng trắc nghiệm phải được làm bài tập trong những điều kiện giống hệt nhau mới có thể quy ra chuẩn được, nên phương pháp trắc nghiệm còn được gọi là phương pháp thử nghiệm chuẩn hóa.

Một phần của tài liệu Tập bài giảng phương pháp nghiên cứu trẻ em (Trang 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)